Người giữ nghề đan ở Đăk Sao

14/11/2023 13:09

85 tuổi, ở cái tuổi xế chiều, ông A Reng (thôn Năng Lớn 2, xã Đăk Sao, huyện Tu Mơ Rông) không còn quan tâm nhiều đến chuyện nắng mưa, rẫy vườn. Tuy tuổi cao, nhưng ngày qua ngày, ông vẫn miệt mài tạo ra những chiếc nong, chiếc nia. Với ông, đan lát như một thói quen khó bỏ, bầu bạn vui buồn và hơn hết là cái nghề mưu sinh tuổi già.

Trời nắng, vợ ông A Reng lặn lội lên thăm rẫy lúa từ sớm, còn ông ở nhà tiếp tục hoàn thiện những chiếc nia đang đan dở dang. Trong căn nhà vách ván duy nhất một cửa ra vào, ông A Reng ngồi đón ánh sáng, chậm rãi vót nan. Tuổi đã cao, mắt không còn sáng, đôi tai không còn thính, gặp chúng tôi, ông A Reng nheo mắt nhìn một hồi rồi ân cần mời vào nhà.

Ông A Reng tâm sự: Giờ già rồi, tôi không lo chuyện rẫy vườn vì không còn sức để làm việc nặng. Còn đan lát với tôi như một thói quen, công việc hằng ngày, chỉ vài hôm không đụng đến là trong người cảm thấy khó chịu, tay chân bứt rứt. Hễ đôi tay được chạm vào sợi nan, mắt được nhìn thấy chiếc nia dần hoàn thiện là tôi cảm thấy vui, thấy hạnh phúc rồi.

85 tuổi, ông A Reng vẫn miệt mài với nghề đan lát. Ảnh: V.T

 

Sinh ra trong gia đình thuần nông, cuộc sống của ông A Reng chỉ quanh quẩn bên rừng núi. Thuở còn ấu thơ, cậu bé A Reng đã quen với âm thanh sột soạt mà cha vót nan, đan lát, quen với mùi ngai ngái, hăng hăng của mây, săm lũ tươi (họ hàng với lồ ô, nứa). Không ít lần cậu ngồi vào những chiếc nong, chiếc nia, chui vào trong những chiếc gùi do cha làm để nghịch ngợm. Và cũng chính những đồ vật làm từ săm lũ, tre đã gắn bó với A Reng từ khi còn rất bé.

Khi đôi chân chạy nhảy nhanh nhẹn, đôi tay thoăn thoắt cầm cuốc, cầm rựa, cũng là lúc A Reng bắt đầu theo cha mẹ lên rẫy, học những phần việc mà đàn ông Xơ Đăng lúc bấy giờ thường làm.

Từ sáng sớm, sau khi tiếng gà rừng vọng lên, mẹ A Reng đã lom khom chuẩn bị cơm nước cho một ngày dài. Bà cơi tro trong bếp lửa còn hơi ấm, gác vài mẫu củi vụn xà nu, thổi nhẹ, bếp lửa lại bùng lên. Khi thấy ánh lửa rực sáng, đôi tay lại bị những sợi nan cuốn hút, cha ông liền thức dậy và tiếp tục đan chiếc nia mà đêm hôm trước còn đan dở dang.

Lúc này, anh chị em A Reng cũng lọ mọ thức dậy. Khi những chị gái phụ mẹ cơm nước, thì A Reng và anh trai đến ngồi bên cha mình. Anh trai lớn hơn A Reng nhiều tuổi, nên đã ý thức giúp cha mình chẻ nan, còn A Reng cứ mải mê nghịch các sản phẩm đan lát của cha mình.

Để các sản phẩm có tuổi thọ cao, ông A Reng đã phơi nan trên giàn bếp trước khi đan. Ảnh: V.T

 

Nhiều năm sau, khi anh trai cưới vợ, chuyển ra ở riêng, lúc này A Reng đã trở thành thiếu niên. Không còn người anh phụ cha đan lát như trước, A Reng bắt đầu chuyên tâm học đan lát. A Reng nhanh nhẹn, sáng dạ nên trước giờ nhìn cha làm đã tiếp thu được kha khá kỹ năng đan lát.

Thoạt đầu, tưởng là dễ đan, A Reng xin cha mình đan nốt phần mặt nia mà người cha đang đan dở dang. Khi bắt tay vào làm, A Reng mới thấy để đan được chiếc nia không dễ dàng như ông nghĩ, đòi hỏi rất nhiều kỹ năng. Phần nan tre mà cậu vót để đan giúp cha chiếc nia lộ rõ sự khác biệt bởi màu sắc và độ dày mỏng không đều nhau, khiến chiếc nia trở nên thô cứng.

Ông A Reng tâm sự: Đan lát không cần dùng nhiều sức lực mà đòi hỏi sự uyển chuyển, khéo léo của đôi tay, sự tinh ý, nhanh nhẹn của đôi mắt và hơn hết là sự tinh tế khi vót nan. Đan lát càng lâu năm, người thợ càng có khả năng cảm nhận sợi nan khi cầm, biết được độ mỏng đủ để đan được hay chưa. Thời gian đầu tôi đã đan hỏng mất 4 chiếc nia mới rút được kinh nghiệm cho bản thân. Chiếc thì bị méo, chiếc thì nan không đều, đến chiếc nia thứ 5 bản thân mới thật sự hài lòng.

Chiếc nia thứ 5 như đánh dấu sự khởi đầu hành trình theo nghề đan lát của ông A Reng. Chiếc nia không đẹp, sắc sảo như cha làm nhưng được cha cùng người thân đánh giá rất cao, ông A Reng lấy đó làm động lực để tiếp tục thổi hồn vào những sản phẩm sắp tới.

Thời gian sau đó, khi đan thành thạo những chiếc nong, chiếc nia, ông tiếp tục học cách đan gùi, đan nơm để phục vụ đời sống sinh hoạt. Các sản phẩm ông làm ra ngày càng đẹp, sắc sảo như cha của mình. A Reng trở thành mẫu đàn ông mà nhiều cô gái Xơ Đăng muốn lấy làm chồng.

Sau khi lập gia đình, A Reng tiếp tục sống cùng cha mẹ, gắn bó với chuyện rẫy vườn, miệt mài tạo ra những chiếc gùi, chiếc nia để mang đổi gà, đổi gạo phục vụ đời sống hằng ngày.

Trung bình 1 tháng ông A Reng đan được khoảng 10 chiếc nong, chiếc nia. Ảnh: V.T

 

Ngày xưa, khắp nơi trong làng đều có cây săm lũ. Có sức khỏe, ông A Reng có thể vác nhiều cây săm lũ một lúc đi bộ nhiều giờ đồng hồ mà không thấy mệt. Các sản phẩm làm từ săm lũ để khắp nơi trong nhà, để khi ai cần món nào ông A Reng có thể cho mượn hoặc đổi, biếu, tặng.

Trong ngôi nhà ngày ấy có rất nhiều kỷ niệm, điều khiến ông nhớ mãi và tiếc nuối nhất đó chính là ngôi nhà bị cháy toàn bộ. Ông A Reng nhớ lại: Hôm đó cũng như mọi lần, cả gia đình đều lên rẫy. Cứ ngỡ bếp lửa giữa nhà đã dập tắt, nào ngờ lửa cháy hết đoạn củi xà nu tiếp nối với sàn nhà bằng tre. Lửa nhanh chóng bén lên, thiêu rụi toàn bộ đồ đạc trong căn nhà, trong đó có nhiều chiếc gùi, chiếc nia đã gắn bó với gia đình hàng chục năm trời. Nén lại nỗi đau, gia đình tôi chuyển xuống thôn Năng Lớn 2 để dựng lại căn nhà và ở đến bây giờ.

Đến nơi ở mới, ông A Reng tiếp tục gắn bó với đan lát. Ông tiếp tục đan nong, đan nia để phục vụ cho sinh hoạt và bán kiếm tiền mưu sinh. Những năm gần đây, nhiều người dân tìm đến ông A Reng để đặt nia, đặt nong, có nhiều chủ cửa hàng đặt ông số lượng lớn. Những chiếc nong, chiếc nia do ông làm ra có giá bán khoảng 200.000 đồng/chiếc, được rất nhiều người ủng hộ. Trung bình một tháng, ông A Reng làm khoảng 10 chiếc, bán lấy tiền để xoay sở, chi tiêu cho sinh hoạt tuổi già.

Anh Nguyễn Văn Bền – Chủ tịch UBND xã Đăk Sao cho biết: Ông A Reng là một trong những người đang bảo tồn và phát huy nghề đan lát truyền thống của người Xơ Đăng. Những sản phẩm  ông làm ra rất sắc sảo, bắt mắt nên được nhiều người yêu thích, ủng hộ. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền những người biết đan lát tiếp tục phát huy, truyền dạy cho thế hệ trẻ để nghề này được giữ gìn và bảo tồn.

Văn Tùng

Chuyên mục khác