Ngọc Linh ký sự - Kỳ III: Bảo vệ và phát triển rừng

05/04/2020 06:00

Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, trong những năm gần đây, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh tăng cường giao khoán rừng cho cộng đồng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân sống gần rừng. Rừng được quản lý bảo vệ nghiêm ngặt, ngày càng giàu lên. Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng vẫn còn vấn đề cần phải tính đến.

Góc nhìn từ trạm quản lý bảo vệ rừng

Vào thăm các khu rừng được Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh giao cho cộng đồng ở xã Mường Hoong quản lý, bảo vệ theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, chúng tôi nhận thấy rừng được bảo vệ nghiêm ngặt, các hệ sinh thái rừng không có dấu hiệu bị xâm hại.

A Tim – Thôn trưởng thôn Đăk Bể (xã Mường Hoong) kiêm Tổ trưởng quản lý bảo vệ rừng cộng đồng chia sẻ: Rừng Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh là tài nguyên quý báu, có giá trị nhiều mặt đối với cuộc sống và điều hòa khí hậu trong khu vực. Cộng đồng ở đây được thừa hưởng nhiều lợi ích từ rừng mang lại như nước cho sản xuất, sinh hoạt và tiền nhận khoán bảo vệ rừng.

Cộng đồng thôn Đăk Bể có 84 hộ tham gia nhận khoán bảo vệ 527,98 ha rừng. Để bảo vệ có hiệu quả tài nguyên rừng, hàng tháng, cộng đồng cử lực lượng đi tuần tra bảo vệ rừng 4 lần, mỗi lần từ 3-4 người. Không chỉ mùa khô này, trước đây, cộng đồng làng Đăk Bể cũng không để xảy ra mất rừng. Bảo vệ có hiệu quả rừng nhận khoán, cộng đồng được Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh chi trả ít nhất 400 nghìn đồng/ha/năm trở lên theo chính sách dịch vụ môi trường rừng. Số tiền nhận được, cộng đồng chia đều cho các hộ - A Tim cho biết.

Bà Y Hương – Bí thư Chi bộ thôn Đăk Bể cho biết thêm, mặc dù nhu cầu đất để sản xuất nông nghiệp như trồng cà phê, hồng đẳng sâm (sâm dây)... của người dân ở đây còn nhiều, nhưng ai nấy đều ý thức trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ rừng, cộng đồng không để xảy ra mất rừng. Phát huy vai trò là Bí thư Chi bộ thôn, bà thường xuyên phối hợp với thôn trưởng tuyên truyền, vận động người dân trong cộng đồng nâng cao ý thức bảo vệ rừng.

Các nhân viên Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: VN 

 

Gắn bó với người dân địa phương nhiều năm, anh Đinh Duy Hoàng – Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng (Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh) đánh giá cao tinh thần và trách nhiệm của các cộng đồng trong việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Trạm được giao quản lý bảo vệ 4.631,99 ha rừng, nhưng chỉ có 7 người. Tuy nhiên, nhờ phát huy vai trò cộng đồng tham gia bảo vệ rừng, trong thời gian qua, Trạm không để xảy ra mất rừng, cháy rừng.  

Khi đi sâu vào rừng phòng hộ Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh giao cho cộng đồng Xơ Đăng thôn Long Năng (xã Ngọc Linh), chúng tôi cũng nhận thấy, rừng ở đây được cộng đồng bảo vệ tốt, không có dấu hiệu của sự xâm hại. A Yuet – Trưởng trạm Quản lý bảo vệ rừng Ngọc Linh  khẳng định, không chỉ rừng cộng đồng làng Long Năng, từ đầu mùa khô đến nay, trên diện tích rừng Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh giao khoán các cộng đồng khác ở các thôn trên địa bàn xã cũng không để xảy ra một vụ vi phạm lâm luật nào.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả

Theo ông Lê Mạnh Tiến – Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, không như mọi năm, thời tiết năm nay (tính đến ngày 21/3) có những diễn biến bất thường. Các xã vùng Đông Trường Sơn vào thời điểm này thường hay mưa, khí hậu ấm ướt thì mùa khô năm nay, nhiều xã không thấy mưa hoặc mưa rất ít, nắng nóng ngột ngạt. Dự báo cấp cháy rừng các xã vùng Đông Trường Sơn ít khi lên cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm), thì năm nay, liên tục dự báo cấp V. Vì vậy, nhiều xã ở vùng Đông Trường Sơn nguy cơ cháy rừng cao, nhất là rừng trồng, rừng phục hồi sinh thái. Mặc dù vậy, nhưng 37.485,98 ha rừng Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh vẫn bảo đảm an toàn, không để xảy ra cháy rừng, mất rừng.

Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, tính đến nay, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh giao khoán 22.937,85 ha rừng cho 50 cộng đồng ở các xã Đăk Man, Đăk Choong, Xốp, Đăk Pék, Mường Hoong, Ngọc Linh và thị trấn Đăk Glei theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Việc tăng cường giao khoán rừng cho cộng đồng không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân trong vùng. Không tính những năm trước, chỉ riêng trong năm 2019, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh chi trả trên 9 tỷ đồng cho các cộng đồng nhận khoán quản lý bảo vệ rừng. 

Trong quá trình làm việc, chúng tôi đặt vấn đề phát triển cây sâm Ngọc Linh, sâm dây dưới tán rừng hay phát triển du lich sinh thái, du lịch leo núi chinh phục độ cao từng được chính quyền và các cơ quan chức năng từng tính đến ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh?

Trao đổi quanh vấn đề này, ông Lê Mạnh Tiến nói rõ: Hiện nay, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh tập trung thực hiện nhiệm vụ tỉnh giao tổ chức quản lý, bảo vệ có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; khôi phục và bảo tồn hệ sinh thái; trồng và chăm sóc rừng trồng; bảo tồn đa dạng sinh học;  ngăn chặn có hiệu quả các hành vi gây thiệt hại đến rừng... Việc phát triển cây sâm Ngọc Linh, sâm dây, phát triển du lịch... dưới tán rừng để góp phần nâng cao đời sống cho người dân sống gần rừng, ông Tiến cho rằng không thể thực hiện do vướng Luật Lâm nghiệp và Luật Đa dạng sinh học. 

Để góp phần tiếp tục nâng cao hơn nữa công tác quản lý bảo vệ rừng, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, kiến nghị UBND tỉnh cho phép đơn vị được sử dụng nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng của đơn vị hàng năm để xây dựng thêm một số trạm bảo vệ rừng theo quy hoạch được phê duyệt và mua sắm một số trang thiết bị phục vụ cho lực lượng bảo vệ rừng.                    

Văn Nhiên

Chuyên mục khác