Ngọc Linh ký sự - Kỳ II: Khám phá độ cao

03/04/2020 06:08

Từng đi nhiều nơi, nhưng chưa ở đâu tôi thấy phong cảnh thiên nhiên kỳ vĩ và đẹp như đỉnh Ngọc Linh ở độ cao 2.605 mét. Và với những gì núi thiêng Ngọc Linh ban tặng, đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục bảo vệ nghiêm ngặt, tránh những tác động không đáng có, làm tổn thương đến Ngọc Linh.

Choáng ngợp trước sự kỳ vĩ của thiên nhiên

Tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi khám phá độ cao. Từ độ cao trên 1.800 mét trở lên, núi dốc đứng. Dốc núi được đan cài bởi đá và rễ cây rừng khá chặt, vì vậy, chúng tôi leo núi không sợ bị đá lăn như ở một số khu rừng có độ cao và nhiều đá khác. 

Leo núi cách không xa trạm dừng chân của đêm hôm trước, chúng tôi gặp hang đá ở độ cao trên 1.900 mét. Nhìn trong hang đá thấy có những dấu củi đốt, chứng tỏ từng có những đoàn người khám phá hoặc nghiên cứu về đỉnh Ngọc Linh đã nghỉ ngơi tại đây trước khi lên đỉnh núi.

Ở độ cao từ 1.800 mét đến 2.400 mét, rừng nhiều tầng, nhiều lớp và rễ cây bám đầy. Tôi một tay chống gậy, một tay bám rễ cây, đá và dùng sức bật của hai chân và gậy lên núi.

Trong rừng, có những cây rừng to có nhiều hang hốc, rong rêu bám đầy, cây đỗ quyên sống ký sinh trên đó như một loài lan hay chùm gửi, nở bông trắng muốt rất đẹp mắt.

Từ độ cao 2.400 mét, một nửa ngọn núi diện tích khá bằng, một nửa còn lại dáng hình chóp, cao vút lên. Ở phần núi tương đối bằng, A Đun chỉ cho tôi ranh giới bên này núi là thuộc Kon Tum, bên kia núi là tỉnh Quảng Nam.

Ở triền đỉnh hình chóp, cây rừng thấp, nhỏ có hình thù kỳ quái. Cây và dây rừng như những con trăn, con rắn hay như những cánh tay “bà chằn”  lông lá trong các truyền thuyết choán cả lối đi. Người yếu tim mới nhìn thấy, không khỏi lạnh sống lưng!

Hoa đỗ quyên trong rừng như những con bướm trắng. Ảnh: VN 

 

Từ độ cao trên 2.550 mét trở lên của đỉnh núi hình chóp là rừng cây đỗ quyên. Cây đỗ quyên lá non và già có màu đỏ. Hoa đỗ quyên trắng tinh khiết, thoảng hương thơm nhẹ làm ngây ngất lòng người. Đúng là núi mẹ như lời A Đun, từ đỉnh núi này ta có thể thấy nhiều đỉnh núi thấp hơn và nhiều nơi khác mà không bị cây rừng che khuất.

Rừng cây đỗ quyên thường ngày mây mù dày đặc, ở dưới chân núi nhìn lên không thấy gì, nhưng không hiểu sao tại thời điểm chúng tôi đến lại quang đãng đến lạ. Chịu nhiều tác động về sự khắc nhiệt của thời tiết nơi núi cao, thân cây đỗ quyên chỉ cao khoảng 1,5 - 2 mét, bám đầy rong rêu, lá khô, trông xù xì và rất lạ mắt.

Đi ở rừng cây đỗ quyên thấp lùn, nhưng nhiều đoạn chúng tôi phải khom thấp người dưới tán lá mới có thể xê dịch. Điều khác lạ là điểm trong rừng cây đỗ quyên lại có những đại lão thông 5 lá cũng thấp lùn, tán cây sà sà trên đầu cây đỗ quyên. Thân lão thông uốn khúc xuống đất như những con rồng. Gốc lão thông vòng tay người ôm không xuể. 

Nhìn xa, trông các đại lão thông này giống như những cây bon sai cổ thụ được bàn tay của các nghệ nhân uốn, nắn trông rất đẹp mắt. Theo những nhân viên lâm nghiệp, các đại lão thông này có tuổi đời hàng ngàn năm tuổi. Chiêm ngưỡng lão thông, chúng tôi thi nhau chụp hình làm kỷ niệm.

Cứ ngược rừng cây đỗ quyên, chúng tôi lên đến đỉnh Ngọc Linh ở độ cao 2.605 mét. Từ trên đỉnh Ngọc Linh, nhìn ra bốn bề xung quanh, chúng tôi thật sự choáng ngợp trước phong cảnh thiên nhiên kỳ vĩ. Nếu như ở sườn Tây rừng cây đỗ quyên điểm những bông hoa trắng muốt nhấp nhô như những con bướm trắng đẹp đến mê hồn thì ở sườn Đông sương mù lại tầng tầng, lớp lớp như cảnh tiên.

Tại đỉnh núi, chúng tôi gặp hình chóp bằng inox mà một đoàn công tác nào đó đã lắp đặt cách đây 5 năm. Bốn mặt hình chóp ghi rõ tọa độ, độ cao đỉnh Ngọc Linh và đáy chóp được đổ bê tông gắn chặt với mặt đất.

Choáng ngợp và ngẩn ngơ trước phong cảnh thiên nhiên hữu tình trên đỉnh núi, nhưng chúng tôi buộc phải xuống núi sớm để ra khỏi rừng trước khi trời tối.

Tản mạn khi xuống núi và đôi lời về núi mẹ Ngọc Linh

10 giờ 30 phút, chúng tôi xuống núi. Mặc dù xuống núi ít tốn sức hơn lên núi, nhưng toàn thân cũng phải vận động nhiều như trụ chân, đu cây... để khỏi trượt ngã. Tuy nhiên, chúng tôi không cảm thấy mệt, đuối sức vì được hít thở không khí trong lành núi mẹ thiêng liêng. 

Trên đường về, ở khu rừng sản xuất thuộc vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, chúng tôi gặp những cây rừng được người dân đục lỗ để nhử ong. Cả A Bảy và A Đun đều khẳng định rằng, có nhiều hộ dân ở xã Mường Hoong, Ngọc Linh có nhiều kinh nghiệm đục lỗ nhử ong vào làm mật, thu hàng trăm lít mật ong rừng/năm. Mật ong lỗ sẫm màu, chất lượng tốt, giá từ 500-600 nghìn đồng/lít; còn mật ong tổ treo trên cây có màu vàng, giá chỉ 250 – 300 nghìn đồng/lít.

Hang đá trong rừng Ngọc Linh. Ảnh: VN 

 

Trong rừng vùng đệm, nhìn nghiêng xuống các sườn núi, chúng tôi thấy một số chòi gỗ trong rừng. A Đun phân bua: Người dân làm chòi để giữ sâm Ngọc Linh trồng. Tuy nhiên, việc trồng sâm và giữ sâm trong rừng cũng rất khó vì chuột thường hay phá hoại sâm. Vì vậy, trong những năm qua, một số hộ gia đình ở xã Mường Hoong, Ngọc Linh trồng được sâm Ngọc Linh, nhưng diện tích sâm phát triển không nhiều và cũng chưa có nhiều củ để bán. 

Đi hết rừng đặc dụng Khu Bảo tồn thiên Ngọc Linh, rừng sản xuất vùng đệm, chúng tôi bắt đầu thấm mệt vì không còn không khí mát lạnh như máy điều hòa tỏa ra từ rừng. Tuột xuống các sườn núi dốc cao, đất đá chai cứng và các bờ ruộng bậc thang cheo leo giữa trời nắng gắt, tôi mệt lả người. Nhiều lúc muốn khụy chân, cứ tưởng không còn đủ sức đi tiếp, nhưng cuối cùng tôi cũng về được Trạm Quản lý bảo vệ rừng Ngọc Linh an toàn.

Khi ngồi viết những dòng này, tôi có 3 ngày thư giãn kể từ khi về lại thành phố Kon Tum. Tuy nhiên, các cơ bắp chân, bàn chân của tôi căng lên, đau ê ẩm, không thể đi lại được do vận động nhiều trong quá trình leo núi và xuống núi. Tôi phải mua thuốc tây uống hai ngày sau mới có thể đi lại được.

Điều đó để nói lên rằng, lên đỉnh núi thiêng Ngọc Linh không phải là chuyện dễ chơi, muốn là có thể đi được. Muốn lên đỉnh Ngọc Linh, bạn phải tập đi bộ nhiều, leo núi nhiều... Không khó hiểu, có nhiều người, kể cả cán bộ làm trong ngành lâm nghiệp từng chinh phục, nghiên cứu về đỉnh Ngọc Linh nhưng đành phải bỏ cuộc giữa chừng. 

Rừng Ngọc Linh và đỉnh núi mẹ Ngọc Linh là tài sản vô giá với đa dạng sinh học cao, có nhiều động thực vật quý hiếm; là nơi đầu nguồn của con sông lớn như Thu Bồn (Quảng Nam) và sông Sê San (Gia Lai – Kon Tum); là nơi cung cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt và nhiều công trình thủy điện quan trọng (thủy điện Plei Krông, thủy điện Ya Ly, các thủy điện Sê San...) của Quốc gia và khu vực; là nơi điều hòa khí hậu trong khu vực; là nơi quan trọng trong chiến lược phòng thủ Quốc gia... Do vậy, rừng Ngọc Linh cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt, mọi hoạt động gây tác hại đến rừng cần phải được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.  

Để tránh những tác động làm tổn thương đến mẹ rừng Ngọc Linh, trong điều kiện hiện nay, khi đỉnh núi Ngọc Linh chưa đưa vào phát triển và kinh doanh du lịch, những người không có trách nhiệm, không được phép tự ý vào rừng Ngọc Linh khi chưa có sự đồng ý của Ban Quản lý của Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.

Văn Nhiên

(Kỳ III: Bảo vệ và phát triển rừng)

Chuyên mục khác