Ngọc Linh ký sự - Kỳ I: Những trải nghiệm thú vị

01/04/2020 13:05

Ngọc Linh là khối núi lớn, gồm nhiều ngọn núi nằm trong dãy Trường Sơn, đỉnh cao nhất là ngọn núi Ngọc Linh (2.605 mét) – còn gọi là núi mẹ - là ngọn núi cao nhất miền Nam. Chinh phục đỉnh Ngọc Linh luôn là khát vọng của nhiều người, trong đó có tôi.

Biết mình sẽ không có cơ hội nếu cứ mãi chần chừ khi tuổi tác ngày càng không cho phép, tôi quyết định chiêm ngưỡng núi mẹ Ngọc Linh hay còn gọi là đỉnh trời vào cao điểm của mùa khô.

Lên đường

Khi tôi gọi điện cho anh Đinh Ngọc Thanh – Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh thì anh đang đi công tác xa, nhưng vẫn chỉ đạo anh Lê Mạnh Tiến – Phó giám đốc và một số cán bộ của đơn vị hỗ trợ tôi trong chuyến đi.

Quyết tâm khám phá, chiêm ngưỡng và viết bài tuyên truyền bảo vệ vùng núi thiêng này, nhưng thú thật ban đầu tôi không biết mình có đủ sức khỏe để lên đến đỉnh Ngọc Linh hay không? Bởi việc chinh phục đỉnh Ngọc Linh không chỉ là thử thách lớn đối với cán bộ làm trong ngành lâm nghiệp mà còn với cả những bạn trẻ có sức khỏe, nói gì đến người có tuổi, không được tập luyện nhiều như tôi.

Tuy nhiên, từng chinh phục đỉnh Chư Mom Ray, tôi cũng tự lượng được phần nào về khả năng của mình trong việc leo núi.

Để hỗ trợ tôi trong chuyến đi, Trạm Quản lý bảo vệ rừng Mường Hoong cử A Bảy và Trạm Quản lý bảo vệ rừng Ngọc Linh cử A Đun – đây là hai nhân viên đều mới 26 tuổi, sức khỏe tốt, khá thành thạo bản đồ, định vị đường đi, độ cao núi Ngọc Linh từ máy điện thoại di động qua Google, trong đó A Đun từng theo người dân trong vùng đưa một số đoàn công tác lên đỉnh Ngọc Linh. 

Trước khi đi, tôi làm việc với các hộ nhận khoán bảo vệ rừng thôn Đăk Bể (xã Mường Hoong) và tìm hiểu thêm về Ngọc Linh thông qua cán bộ, nhân viên Trạm Quản lý Bảo vệ rừng Mường Hoong, Trạm quản lý bảo vệ rừng Ngọc Linh.

Ngày khởi hành, 7 giờ sáng, tôi có mặt tại Trạm Quản lý bảo vệ rừng Ngọc Linh. Để kịp chuyến đi, tôi vừa uống cà phê, vừa hội ý nhanh với anh A Yuet – Trạm trưởng Trạm quản lý Bảo vệ rừng Ngọc Linh và ra hàng quán ven đường gần xã mua thịt heo, bánh mỳ, mỳ gói, 2 tấm bạt che mưa, nước khoáng, dầu gió... cho từng thành viên. 

Khoác ba lô, đi xe gắn máy ra khỏi làng Long Năng, chúng tôi bỏ lại xe ở góc đường trước chân ruộng đầu làng. Đi theo đường mòn từ các thửa ruộng bậc thang, chúng tôi cứ thế hướng lên núi. 

Người dân dọn ruộng chuẩn bị cấy lúa dưới chân núi Ngọc Linh. Ảnh: VN 

 

Đang là mùa khô, mùa người dân phát đốt nương rẫy cùng với độ ẩm từ vùng cao làm cho không gian ở đây như cô đặc lại. Chống gậy leo ruộng bậc thang và đường núi dốc đứng, chưa vào rừng tôi mệt “bở hơi tai”. Mệt đâu nghỉ đó, lấy sức rồi lại chống gậy đi tiếp. Cứ thế, gần 10 giờ, chúng tôi vào đến cửa rừng Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh.

Ở đầu rừng, tôi thấy trong rừng có những cây sơn tra, bưởi, chanh và thảm thực bì khác với rừng tự nhiên. Tinh ý, A Đun bộc bạch: Khu rừng này nguyên trước đây là làng Long Noi cũ và là một trong những khu căn cứ cách mạng. Vì vậy, trong rừng còn lại nhiều cây ăn quả người dân từng trồng và  thảm thực bì không dày như rừng nguyên sinh.

Qua khỏi làng Long Năng, chúng tôi gặp rừng cây họ dầu có lớp vỏ dày xù xì, xoắn bọc thân gỗ. Cây họ dầu cao khoảng 2,5 - 3 mét. Xen lẫn trong rừng cây họ dầu là những cây thông 5 lá cao chót vót (khoảng 15 – 20 mét).

Qua khỏi rừng cây họ dầu, chúng tôi gặp rừng cây hỗn giao. Đi dưới tán rừng cây hỗn giao rêu phong phủ bám đầy thân, cành và dây leo, không khí trong lành mát rượi như đi dưới một cỗ máy điều hòa nhiệt độ khổng lồ. Bao cảm giác mệt mỏi trước đây trong hành trình vượt dốc được nhường chỗ cho cảm giác thư thái dễ chịu đến lạ thường.

Rừng còn nguyên sinh, không thấy có dấu hiệu về sự tác động của con người, điều đó chứng tỏ Trạm Quản lý bảo vệ rừng Ngọc Linh thực hiện tốt chức năng của mình.

Đêm trong rừng

Bám theo lối mòn cũ các đoàn chinh phục đỉnh Ngọc Linh trước đây từng đi, chúng tôi cứ thế ngược dốc về hướng Đông Nam để sau đó dựa theo thế núi đi ngoặt về hướng chính đông lên đỉnh Ngọc Linh. Tiếng là đường mòn, nhưng nếu không có người thành thạo dẫn đường, bạn rất dễ đi lạc trong rừng vì thảm thực bì che lấp.

Đến khoảng hơn 12 giờ trưa cùng ngày, chúng tôi gặp một mặt bằng do các đoàn đi trước từng dựng lán trại làm trạm nghỉ chân. A Bảy và A Đun gợi ý dựng lán trại, nấu cơm ăn chiều và nghỉ ngơi để mai lấy sức đi tiếp. Tuy nhiên, thấy còn sớm nên tôi đề nghị đi đến khoảng 16 – 16 giờ 30 phút hãy dựng trại.

Lời đề nghị của tôi được các thành viên trong đoàn chấp nhận. Sau khi nghỉ ngơi giây lát, chúng tôi lại tiếp tục lên đường.

Từ trạm dừng chân, chúng tôi men theo vách núi và gặp một thác nước. Đang đỉnh điểm của mùa khô, nhưng rừng Ngọc Linh vẫn ẩm ướt, nước từ khe suối và các con thác vẫn chảy róc rách. Việc lên xuống khu vực thác nước trơn trợt, rất dễ té ngã. Rất may, chúng tôi không ai việc gì.

Leo suối vào sâu trong rừng. Ảnh: VN 

 

Đến hơn 14 giờ, chúng tôi tạm dừng chân trên một bờ suối ở độ cao hơn 1.800 mét. Tôi đề nghị lên cao nữa, nhưng A Đun, A Bảy cương quyết dựng lán trại, nấu cơm ăn, nghỉ tối tại đây để mai đi tiếp.

A Đun giải thích, theo quan niệm của người dân địa phương, các đỉnh núi cao là nơi ngự trị của Yàng, thần linh nên không nghỉ lại đêm trên các đỉnh núi. Đã có nhiều câu chuyện kỳ bí về người dân trong vùng từng đi lạc trong rừng, có người đi không thấy trở về. Hơn nữa, theo A Đun, trên đỉnh núi sợ không có nước nấu cơm.

Nghe lời A Đun, chúng tôi quyết định dựng lán trại bên một con suối. Dọc theo khe suối toàn là đá chất chồng, bờ suối cũng khá quang đãng. Tuy nhiên, tôi nhìn vào rừng thấy âm u, không khí ẩm ướt làm gai lạnh sống lưng. Sợ nhất đi rừng vào thời điểm này dễ bị trăn quấn hay bị rắn rết cắn. Không phải ngẫu nhiên khi đi rừng rậm, người dân và các cán bộ lâm nghiệp thường dựng lán trại nghỉ ngơi và cơm nước trên bờ suối.

Để giết thời gian khi chiều buông, chúng tôi nấu cơm, nướng thịt heo và nhâm nhi chút rượu. Cơm nấu rất lâu, nhưng hạt cơm vẫn sượng, không chín mềm. Rượu loại nặng, nhưng do ở độ cao trong rừng ẩm ướt, lạnh và không khí loãng, uống vào vẫn thấy nhẹ.

Đêm, núi rừng Ngọc Linh lạnh và tối như bưng, tôi chỉ nghe tiếng côn trùng rên rỉ, làm cho không gian càng thêm huyễn hoặc. A Đun liên tục choàng dậy bỏ thêm củi để sưởi ấm. Còn tôi cứ trằn trọc mãi không tài nào ngủ được vì lạnh và không quen với việc ngủ rừng.

Sáng ra, tôi hỏi A Đun ban đêm có ngủ được không? “Không tài nào ngủ được vì ban đêm em nghe tiếng hú lạ”- A Đun nói. Tôi và A Bảy nhìn nhau, cả hai đều không nghe tiếng hú này!

Nấu sôi lại nồi canh lá rừng. Bỏ mỳ gói, thịt heo còn lại chiều hôm trước vào nồi canh, chúng tôi ăn điểm tâm. Hít thở dưỡng khí trong lành từ núi thiêng, chúng tôi ai cũng cảm thấy khỏe khắn và tiếp tục cuộc hành trình lên núi. 

Văn Nhiên

(Kỳ II: Khám phá độ cao)

Chuyên mục khác