Nghĩa tình nơi biên cương

12/04/2021 13:01

Dù khó khăn vất vả, căng mình tuần tra, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc, nhưng khi về đồn những chiến sĩ biên phòng lại trở thành người thầy, người cha để chăm lo cho những mảnh đời bất hạnh. Họ đang âm thầm viết nên câu chuyện đẹp, nghĩa tình nơi biên giới đầy nắng gió.

Cuối tháng 3, đang là đỉnh điểm của mùa khô Tây Nguyên, trời nắng như đổ lửa, chúng tôi về nơi biên cương xa xôi huyện Ia  H’Drai. Giữa cái nắng “cháy da cháy thịt”, chúng tôi tìm đến Đồn Biên phòng Ia Đal (xã Ia Đal). Vừa đến nơi, Thượng úy Hoàng Văn Thành- Đội trưởng Đội vận động quần chúng đón chúng tôi trước sân đồn. Sau những cái bắt tay chào khách, Thượng uý Thành vội lên xe máy dẫn đường đưa chúng tôi đến nhà con nuôi của đơn vị.

Trong căn nhà vách gỗ lụp xụp, chị Lường Thị Xón (42 tuổi, thôn 3, xã Ia Đal) vui mừng mời khách vào nhà. Căn nhà trống huơ, trống hoắc không một vật dụng có giá trị. Chị  Xón vội lau vội chiếc bàn nhựa cũ rồi lấy nước mời khách.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Xón cho hay, chị quê ở tỉnh Lạng Sơn, năm 2012, chị rời quê nhà để vào mảnh đất Ia Đal làm công nhân cao su. Tại đây, chị gặp một người đàn ông cùng quê và sau đó yêu nhau rồi kết hôn. Hai vợ chồng chị Xón là công nhân thời vụ nên chỉ có việc vào mùa thu hoạch mủ cao su. Những ngày không có việc, hai vợ chồng chị đi làm thuê làm mướn khắp nơi để kiếm sống. Đến năm 2017, chồng chị qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo. Khi ấy chị  Xón đang mang trong mình đứa con thứ ba. Cuộc sống đã khổ, lại mất lao động chính, một mình chị một nách ba con nên cuộc sống lại càng thêm khó khăn hơn. Cuộc sống gia đình chị Xón như đi vào ngõ cụt. Khi ấy, người con đầu của chị Xón là cháu Hoàng Thị Kim Oanh 6 tuổi, sắp đến tuổi bước vào lớp một. Nhưng, do cuộc sống quá khó khăn, nhiều khi không có gạo ăn nên chị không nghĩ đến chuyện cho con đi học.

Thế rồi thông qua công tác vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ia Đal nắm được hoàn cảnh của cháu Oanh và đã quyết định nhận cháu Oanh làm con nuôi.

Cán bộ Đồn Biên phòng Ia Đal dạy cháu A Ứng học bài. Ảnh: P.N

 

Thượng úy Thành tâm sự: “Do cháu là con gái nên việc đưa cháu về đơn vị để chăm sóc không tiện nên đơn vị quyết định để cháu ở lại tại nhà. Hàng tháng, đơn vị cấp tiền ăn cho cháu. Đồng thời, cháu được Đồn hỗ trợ sách vở, bút thước, quần áo mỗi tháng theo chế độ”.

Nhờ được sự hỗ trợ của Đồn, cháu Oanh được đi học làm chị Xón rất vui. Tuy nhiên, do nhà cách trường hơn 3km nên nhiều hôm mệt, cháu Oanh xin mẹ nghỉ học. Học không đều nên việc tiếp thu kiến thức cũng bị gián đoạn. Nắm được thông tin này và không để cháu Oanh bỏ học giữa chừng, Đồn Biên phòng Ia Đal phân công mỗi buổi sáng, 1 chiến sĩ của đồn sẽ được cử đến nhà chở cháu đi học, đúng giờ tan trường lại đến đưa cháu về nhà.

Năm sau đứa con trai thứ hai của chị cũng bắt đầu vào lớp 1. Giống như chị gái, cháu cũng sẽ được đồn nhận làm con nuôi, cuộc sống cũng sẽ đỡ vất vả hơn đối với gia đình chị Xón khi được sự trợ giúp của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng.

“Các chú, các bác ở Đồn giúp đỡ nhiều thứ lắm, hôm trước không có gì đựng nước, Đồn mang bồn nước xuống cho dùng. Đến Tết nhà nghèo không có tiền mua bánh, Đồn cũng mang bánh kẹo, gạo xuống cho. Tháng nào các chú, các bác cũng gửi tiền ăn cho cháu. Nếu không có các chú, các bác thì chắc con tôi phải nghỉ học rồi.”, chị Xón vui mừng kể.

Rời Ia Đal, chúng tôi về xã biên giới Mô Rai (huyện Sa Thầy). Chúng tôi đến Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (xã Mô Rai) cũng đúng lúc tiếng trống tan trường. Những đứa trẻ ùa ra cổng, chúng tôi thấy xen lẫn giữa các bậc phụ huynh đứng chờ con là một cán bộ biên phòng trẻ tuổi. Anh là đại úy Lưu Ngọc Anh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Mô Rai. Đã nhiều ngày qua, anh và đồng đội được giao nhiệm vụ đón, đưa A Ứng (lớp 5B) đến trường. A Ứng là đứa trẻ được cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Mô Rai nhận làm con nuôi. Vừa tách ra khỏi đám bạn, A Ứng vội chạy đến đại úy Lưu Ngọc Anh nhanh nhảu chào bố nuôi rồi trèo lên xe máy ôm chặt như người con lâu ngày gặp bố.

Cán bộ chiến sĩ thay phiên nhau đưa đón A Ứng đi học. Ảnh: P.N

 

A Ứng nhà ở làng Kênh (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy) cách Đồn Biên phòng Mô Rai 6km. Năm 2017, do bệnh nặng, bố A Ứng mất khi cậu 6 tuổi. Trước cú sốc quá lớn, mẹ A Ứng phát bệnh tâm thần rồi bỏ đi đâu chẳng rõ. Kể từ đó cậu bé sống cùng bà ngoại đã 80 tuổi trong ngôi nhà xập xệ chừng 10m2. Miếng ăn hằng ngày chỉ trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho hộ nghèo. Nhận thấy hoàn cảnh quá khó khăn của gia đình A Ứng, Đồn Biên phòng Mô Rai đã quyết định nhận làm con nuôi và đưa A Ứng về Đồn nuôi nấng, chăm sóc. Cũng bắt đầu từ đây cuộc đời cậu bé bước sang một trang khác.

Những ngày đầu mới về Đồn, tiếp xúc với người lạ A Ứng còn rụt rè, nhút nhát, ai hỏi gì cũng chỉ trả lời bằng cái lắc đầu. Thế rồi, với nhiều cách khéo léo và bằng tình yêu thương thực sự, dần dà, A Ứng cũng mạnh dạn và quen dần với cuộc sống cùng cán bộ chiến sĩ của Đồn.

“Ban đầu cháu có tâm lý tự ti mặc cảm đối với các bạn cùng trang lứa, nên anh em trong đơn vị luôn ân cần, động viên. Qua một thời gian học tập tại đơn vị, cháu đã tự tin, hòa đồng cùng với anh em trong đơn vị. Kết quả học tập của cháu cũng có bước tiến vượt”- Đại úy Lưu Ngọc Anh vui vẻ kể.

 “Từ khi cháu được các chú nhận nuôi, cháu được đưa đi học cái chữ, hướng dẫn làm bài tập. Các chú còn dạy cháu tập võ, tăng gia sản xuất, trồng rau, nuôi vịt. Đối với cháu Đồn chính là ngôi nhà của mình, còn các chú như cha mẹ của cháu vậy. Cháu sẽ cố gắng học tập thật tốt để sau này trở thành người chiến sĩ biên phòng, canh giữ biên cương tổ quốc như các chú”- A Ứng chia sẻ.

Những việc làm nghĩa tình nơi biên cương không chỉ phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà việc làm đó đã và đang thắp sáng niềm tin và tương lai cho những mảnh đời bất hạnh, khó khăn nơi biên giới xa xôi.

Hiện nay, các đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh đang nhận nuôi 14 cháu. Các cháu được nhận làm con nuôi đều chăm ngoan, chịu khó học tập và có kết quả học tập khá. Đây là niềm vui, hạnh phúc của cán bộ chiến sĩ biên phòng trên địa bàn tỉnh. 

PHÚC NGUYÊN

Chuyên mục khác