Nghị lực những bóng hồng dưới đỉnh núi Ngọc Linh

08/03/2022 06:03

Ngày Quốc tế phụ nữ (8/3) nghĩ về những nữ giáo viên vùng sâu và càng cảm phục về ý chí, nghị lực của những phụ nữ đang ngày đêm bám trụ, cống hiến cho sự nghiệp trồng người dưới chân núi Ngọc Linh ở Đăk Glei. Mỗi người một quê, một hoàn cảnh khác nhau nhưng điểm chung là cùng niềm đam mê, khát vọng cống hiến. Dù là nữ giới “chân yếu tay mềm”, lại dạy ở vùng khó khăn nhất của tỉnh, nhưng họ chưa khi nào nhụt chí, vẫn đầy nghị lực với ngọn lửa đam mê cống hiến luôn rực cháy.

Mường Hoong, Ngọc Linh là 2 xã không chỉ khó khăn nhất của huyện Đăk Glei mà còn là xã khó khăn nhất trong tỉnh. Tuyến Tỉnh lộ 673 từ huyện vào 2 xã này đang xuống cấp nghiêm trọng khiến việc đi lại của người dân và giáo viên nơi đây càng thêm vất vả, gian nan. Trong khi đó, bà con đồng bào DTTS nơi đây có phong tục sống quần tụ ở lưng chừng núi, cách xa trung tâm xã nên các trường học (Tiểu học và Mầm non) đều được bố trí điểm trường ngay tại các thôn. Hiện ở 2 xã này nhiều thôn không có đường ô tô, việc đi lại chủ yếu là đi bộ.

Đơn cử như ở xã Mường Hoong có tổng số 10 thôn thì có đến 5 thôn (gồm Đăk Bối, Ngọc Lâng, Xa Úa, Mô Po và Tu Răng) không có đường ô tô, xe máy đến thôn. Vì việc đi lại vất vả nên những năm trước đây, đội ngũ giáo viên bám làng chủ yếu là được giao cho nam giới đảm nhận. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nhiều nữ giáo viên trẻ đã không quản ngại, tự nguyện xung phong bám làng. Việc tự nguyện xung phong bám làng cũng đồng nghĩa phải đối mặt với nhiều khó khăn, gian khổ chấp nhận hy sinh.

Cô giáo Hoàng Thị Ngọc tận tâm bám làng dạy học cho học sinh. Ảnh: HN

 

Đơn cử như trường hợp cô giáo Hoàng Thị Ngọc-giáo viên cắm làng Tu Răng-Trường Tiểu học Mường Hoong. Hơn 4 năm công tác, cũng là ngần ấy năm cô giáo Ngọc xung phong lên dạy tại điểm trường thôn. Đường từ xã đến thôn Tu Răng chỉ có con đường mòn men theo sườn núi, băng qua hàng chục ngọn đồi, dốc cao thẳng đứng. Với đấng mày râu việc đi lại trên con đường ấy đã khó khăn chứ nói gì đến phụ nữ “chân yếu tay mềm”. Thế nhưng, bằng nghị lực, sự can đảm và khát vọng cống hiến, không quản ngại, ngần ấy năm, cô giáo Ngọc đã đi mòn trên con đường này, cứ đầu tuần đi lên làng, cuối tuần lại trở về trường trung tâm tại xã.

Điều làm chúng tôi cảm phục ý chí và nghị lực của nữ giáo viên Hoàng Thị Ngọc bởi cô một mình ngày đêm bám trường, bám lớp, ăn ở ngay tại thôn. Vì nhiệm vụ, Ngọc phải sống xa chồng, xa con biền biệt. Bởi chồng và đứa con 5 tuổi ở tận tỉnh Gia Lai cách nơi cô dạy đến vài trăm cây số. Vì vậy, vài tháng Ngọc mới về thăm chồng, con một lần. Hàng ngày, Ngọc lấy niềm vui dạy học để quên đi nỗi buồn, nhớ con. Lớp học của Ngọc ở thôn Tu Răng là lớp học đặc biệt (lớp ghép 1+2) với hơn 10 học sinh. Nhìn những đứa trẻ nơi đây cũng xấp xỉ như con mình,  nhìn chúng vất vả Ngọc càng thấy thương và cố gắng hơn để truyền thụ kiến thức cho các em để mong các em có tương tai tươi sáng hơn.

Cô Ngọc chia sẻ: Xa chồng, xa con nhiều khi cũng thấy chạnh lòng  và buồn nhưng nhìn thấy những đứa trẻ nơi đây chân chất, hiền lành, ham học nên đã tiếp tôi thêm động lực để cống hiến. Đặc biệt, bà con đồng bào dân tộc ở đây rất tình cảm, quý mến giáo viên. Chính những tình cảm của phụ huynh, học sinh làm tôi thêm quyết tâm để tận tâm với công việc và điều đó cũng giúp tôi giảm bớt nỗi buồn, nhớ chồng, thương con.

Lớp học của cô giáo Quỳnh ở làng Ngọc Lâng. Ảnh: HN

 

Cũng giống như Ngọc, cô giáo Phạm Thị Như Quỳnh (quê ở Nghệ An- giáo viên cắm làng Ngọc Lâng, Trường Tiểu học Mường Hoong) cũng đã gắn bó với các điểm trường làng ở Mường Hoong suốt 5 năm qua. Ngay sau khi được nhận về công tác ở Mường Hoong, là giáo viên trẻ, Quỳnh xung phong đi dạy ở điểm trường thôn và đến nay, Quỳnh đã dạy ở 3/5 điểm trường khó nhất là Tu Răng, Mô Po và Ngọc Lâng của xã Mường Hoong. Những thôn này không có đường đi, chủ yếu là đường mòn. Mùa mưa thì chỉ có thể đi bộ mất vài tiếng từ trung tâm xã đến thôn. Đặc biệt, không chỉ khó khăn về đường sá mà điều kiện sống, sinh hoạt cũng thiếu thốn đủ thứ.

Cô Quỳnh chia sẻ: Dạy ở các điểm trường thôn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc đi lại vào mùa mưa, đường lầy, trơn trượt có khi đi bộ vài tiếng mới tới được. Chuyện đi dọc đường bị ngã, lấm lem là thường. Việc ăn uống, sinh hoạt thì cũng gặp không ít khó khăn, đồ ăn chúng em phải mua chuẩn bị cho cả tuần. Do không có tủ lạnh nên một số đồ ăn phải mang gửi nhờ tủ lạnh của bà con để ăn dần. Tuy vất vả nhưng chúng em không ngại khó, ngại khổ miễn sao là được đóng góp chút sức trẻ, kiến thức để truyền dạy, giúp con em đồng bào mình biết con chữ, từ đó nuôi ước mơ, xây đắp cho tương lai.

“Em xác định, khi vào vùng sâu, vùng xa mình còn trẻ thì hãy cống hiến hết mình, sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ nào…Điều mà chúng em mong nhất là sự hy sinh, cống hiến của mình sẽ giúp các em sau này trưởng thành và trở thành người có ích cho xã hội”- cô Quỳnh chia sẻ.

Ở Mường Hoong đã khó thì ở Ngọc Linh lại càng khó hơn. Cả xã có 12 thôn thì có đến 4 thôn nằm ở trên đồi cao, không có đường ô tô mà chủ yếu  phải đi bộ. Thôn xa nhất cách trung tâm 6km, thôn gần cũng tới 4km, việc đi lại của giáo viên rất nhọc nhằn, đặc biệt là mùa mưa. Để đi đến được điểm trường thôn, giáo viên phải đi bộ 2-3 tiếng.

Cô Nguyễn Thị Dân không quản khó khăn, tận tâm cống hiến. Ảnh: HN

 

Khó khăn là vậy mà hơn 10 năm nay, cô giáo Nguyễn Thị Dân (34 tuổi, giáo viên Trường Tiểu học xã Ngọc Linh) vẫn luôn tận tâm, tận lực bám trường bám lớp. Hơn 10 năm, cô Dân đã đi dạy ở hết các thôn làng ở Ngọc Linh và hiện nay, cô Dân đang dạy ở điểm trường thôn Đăk Vít- cách trung tâm xã khoảng gần 4km. Điểm trường thôn Đăk Vít nằm cheo leo trên một quả đồi ngay đầu làng và để đến được đây phải qua nhiều con dốc dài dựng đứng. Ngồi trên chiếc xe máy đến thôn mà tôi thấy rợn hết cả tóc gáy, vì thế tôi thực sự khâm phục cô giáo Dân, bởi ngày nào cũng lên xuống điểm trường 2 lượt, sáng đi, tối về. 

Trong hơn 10 năm gắn bó với các điểm trường thôn, cô Dân đã trải qua rất nhiều khó khăn, thế nhưng chưa khi nào cô có suy nghĩ sẽ bỏ nghề. Chính tình cảm bà con dành cho giáo viên và sự chịu khó của học sinh nơi đây càng giúp cô có thêm động lực để mang con chữ đến với các em học sinh ở các thôn làng nơi đây.   

Cô Dân tâm sự: Chúng tôi đi dạy ở các điểm trường làng thường gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về phong tục tập quán bà con nơi đây. Hàng năm họ tổ chức rất nhiều lễ hội và mỗi khi có lễ hội, phụ huynh thường cho con ở nhà, nên các em không đi học đều đặn. Ngoài ra, ở đây 100% học sinh là DTTS nên việc giao tiếp bằng tiếng Việt cũng hạn chế, do đó giáo viên gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp, truyền dạy. Bên cạnh đó, bà con ở đây nhận thức về học tập của con em còn hạn chế, mùa làm rẫy thì phụ huynh ở trên rẫy luôn, không về nhà nên không quan tâm đến việc học tập của con em, do đó học sinh thường nghỉ học. Đội ngũ giáo viên chúng tôi phải đến tận nhà và nhiều khi phải lội đến tận rẫy để làm công tác tuyên truyền, vận động để đưa các cháu đến trường.

Cho dù khó khăn, hiểm nguy luôn rình rập trên những cung đường đến trường, đến lớp, cùng với đó, sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, điều kiện ăn ở nhưng cũng không làm cô Dân, cô Ngọc, cô Quỳnh và đội ngũ các thầy cô giáo dưới chân núi ở Ngọc Linh nản lòng. Bởi, niềm vui, động viên lớn nhất với họ là mỗi ngày khi lên lớp không có học sinh nào vắng học, bỏ học, điều đó càng thôi thúc họ thêm yêu nghề, mến trẻ, tăng thêm sức mạnh và càng quyết tâm hơn.

Được chứng kiến tận mắt, được nghe những câu chuyện kể xúc động tôi thực sự khâm phục ý chí, nghị lực, sự tận tâm, tận lực của nữ giáo viên ở Mường Hoong, Ngọc Linh. Họ đã và đang vượt khó, hy sinh niềm riêng để cống hiến vì sự nghiệp trồng người.

Hà Nam

Chuyên mục khác