Nghề “gõ cửa thần tài”

09/03/2018 13:00

​Không chờ phải đến dịp Trung thu, những năm trở lại đây, trên các tuyến đường, người dân không khó để bắt gặp hình ảnh những “chú” lân, sư tử nhảy múa, mang niềm vui, may mắn đến cho các cửa hàng, gia đình… Không chỉ giúp “gõ cửa thần tài”, với đam mê, các thành viên trong đoàn lân sư rồng Tâm Minh Đường còn quyết tâm tập luyện, chinh phục mai hoa thung (dàn cột dùng trong múa lân) để có mặt ở giải đấu lân sư rồng trong nước.

Trao may mắn, nhận niềm vui

8h30, Trưởng đoàn lân sư rồng Tâm Minh Đường – Trần Minh Tâm (phường Nguyễn Trãi) rề rà tiếp chuyện điện thoại với giọng còn ngái ngủ: Bây giờ chắc đoàn chưa ai dậy đâu, hẹn gặp chị vào buổi chiều nhé!

Chiều, ghé qua gặp đoàn. Sau một giấc ngủ ngon, các thành viên như được tiếp thêm sức sống, niềm nở, sẵn sàng đón khách. Rót ly nước trà đá sóng sánh vàng, trưởng đoàn – Minh Tâm cười đon đả: Tháng giêng không còn là tháng ăn chơi, vừa ra tết, cả đoàn đã đi xông đất, khai trương cửa hàng, đến nay mới được nghỉ ngơi.

Anh Tâm kể rằng, những năm trước, khi múa lân chưa phát triển, hàng năm, phải đến Trung thu, người dân mới nhìn thấy các đoàn lân. Nhưng khoảng 2 năm nay, các đoàn lân chuyên nghiệp hoạt động quanh năm và nhận được rất nhiều lời mời đến múa khai trương mở cửa hàng hoặc xông đất trong ngày tết.

“Đêm giao thừa, đoàn có mặt, phục vụ trong bà con nhân dân đón xuân Mậu Tuất, gần 3h sáng mới về đến nhà. Sáng mùng 1, dù nhận được rất nhiều lời mời xông đất nhưng đành phải hẹn đến mùng 2” – anh Tâm nói.

Với quan niệm: Lân vào nhà là may mắn, ngoài việc đi xông đất, đoàn lân của anh Tâm còn được người dân mời vào lạy bàn thờ, nhảy múa ở tất cả các phòng để rước niềm vui, khởi đầu một năm mới với tài lộc, bình an… Chính vì vậy, trong những ngày tết, có ngày đoàn múa đến 4-5 ca.

Đến nay đoàn đã đầu tư được 10 lân, sư, rồng, trống hội… Ảnh: B.A

 

Hết tết, đến sáng sớm mùng 10, trong trang phục chỉnh tề, 30 thành viên trong đoàn lại tất bật khiêng trống, xèng, cờ… lên xe để chuẩn bị… mang thần tài đến cho khách hàng.

Tại các điểm đến, sau tiếng trống hội chào mừng, bộ tứ linh (Long – Lân – Quy – Phụng) nhảy múa bài bản để đem đến sự thịnh vượng, phát đạt, hạnh phúc và may mắn cho gia chủ.

“Chúng tôi phối hợp nhịp nhàng lân với sư, với rồng, tạo ra những bài múa chất lượng, mang đúng ý nghĩa, đem đến điềm lành, tạo bước khởi đầu tốt đẹp, thuận lợi” – anh Tâm nói.

Không chỉ múa lân, theo yêu cầu của các “thượng đế”, cả đoàn còn biểu diễn: múa rồng, tứ quý lâm môn, ngũ phúc lâm môn hoặc ngũ long xuất thế. Mỗi bài múa mang một ý nghĩa khác nhau, có bài thể hiện sự bình an, bài thể hiện bốn mùa thịnh vượng… nhưng đa số đều “gõ cửa thần tài”, đem lại may mắn, tài lộc và niềm vui cho gia chủ.

“Biểu diễn phải chất lượng và chúng tôi luôn chú ý đến phần hồn của lân, sư, rồng. Bởi vậy, ngoài khoản tiền mừng, đoàn còn được khách bắt tay chúc mừng, gởi đến những lời cảm ơn” – anh Tâm chia sẻ.

Kể đến đây, anh lại nói: Có lần đoàn vừa mới múa xong, khách hàng ưng bụng quá liền cảm ơn và đặt lịch tiếp cho năm sau. Cũng có nhà ngoài khoản tiền mừng còn bồi dưỡng thêm cho anh em. Mình mang may mắn đến cho người khác và rước lại niềm vui cho cả đoàn.

Đam mê và khổ luyện

Trống dứt, 2 “chú” lân, sư tử chào khách rồi dần lui ra khỏi khán đài. “Thoát” ra khỏi đầu lân, sư tử, mồ hôi tuôn đẫm áo, nhỏ giọt trên từng sợi tóc bết dính.

“Đầu lân, sư tử rất nặng lại nóng, trong quá trình múa phải nhảy, nâng… nên rất mệt. Nhiều lúc múa liên tục, về đến nhà muốn rã rời” – thành viên Nguyễn Vũ Thành Vinh bộc bạch.

Đoàn lân phục vụ theo yêu cầu của gia chủ. Thông thường, 1 lần múa dao động từ 4-5 triệu đồng, thi thoảng cũng có những hợp đồng đoàn nhận đến 20 triệu đồng. Số tiền kiếm được, chia đều ra cho 25-50 thành viên (tùy lần múa), rồi lại gom góp thêm để đầu tư nên mỗi thành viên cũng không được bao nhiêu.

“Làm tất bật cả mùa tết, mỗi người chỉ được hơn 1 triệu chứ mấy. Đây là nghề tay trái thôi, các anh em hoạt động chủ yếu vì đam mê” – thành viên Nguyễn Minh Thái chia sẻ.

Nói là nghề tay trái, bởi lẽ, một năm, đoàn lân chủ yếu hoạt động vào dịp rằm tháng 8, dịp tết. Thi thoảng, trong năm, khi có khách hàng mời khai trương hoặc rước tài lộc… cả đoàn mới phục vụ.

“Ở đây chưa thể sống nhờ vào lân được nhưng đam mê quá nên chúng tôi đeo đuổi. Ngày nào chúng tôi cũng tập luyện và khi có tiền lại trích đầu tư vào trang phục, đầu lân… Hiện tại, đoàn đã có được 10 đầu lân, sư và 1 đầu rồng, đầu tư dàn trống hội, âm thanh… với tổng chi phí hơn 300 triệu đồng” - anh Tâm nói.

Múa lân nhìn có vẻ đơn giản nhưng lại chẳng giản đơn. Bởi người múa vừa yêu cầu phải có sức khỏe, dẻo dai nhưng đồng thời phải hiểu ý, phối hợp nhịp nhàng với đồng đội. Cùng với đó, đội ngũ đánh trống cũng đòi hỏi có thể lực, sức khỏe … mới đảm nhiệm tốt vai trò.

Với những yêu cầu đặt ra, các thành viên trong đoàn lân Tâm Minh Đường luôn phải trải qua quá trình tập luyện đầy cam go để đảm bảo yêu cầu múa lân theo chuẩn quốc tế.

“Đoàn chúng tôi đa số tự mày mò, tìm hiểu, tự học trên mạng. Từ 2 năm nay, chiều nào, các thành viên cũng đều phải tập đứng tấn, bật cóc, tập thể lực để có sức khỏe tốt, dẻo dai, nhớ bài…” – anh Tâm nói.

Cả đoàn đầu tư dàn mai hoa thung để tập luyện. Ảnh: B.A

 

Với đam mê, không chỉ tập múa nhào lộn, hiện, đoàn lân sư rồng Tâm Minh Đường còn đang chinh phục mai hoa thung. “Vừa rồi, chúng tôi đầu tư dàn mai hoa thung để cho các anh em tập luyện. Tập mai hoa thung nguy hiểm nhưng ai nấy đều rất phấn khởi” – anh Tâm chia sẻ.

Tay, chân của các thành viên trong đoàn lân chi chít các vết sẹo, vết bầm, vậy nhưng, chỉ cần nói đi tập mai hoa thung, ai nấy đều phấn khởi. “Vừa rồi, trong quá trình tập em bị ngã trầy mặt, ba mẹ la không cho đi nữa nhưng mê quá nên em cùng với cả đoàn quyết chinh phục” –Thái chia sẻ.

Với các thành viên ở đoàn lân sư rồng Tâm Minh Đường, múa lân không phải để kiếm tiền mà để thỏa mãn đam mê. Với nhiều bạn, đó còn là một món ăn tinh thần không thể thiếu.

“Mới đầu, chưa có tiền nhưng mê quá nên cả đoàn tự góp tiền, vô Thành phố Hồ Chí Minh xem giải đấu lân sư trong nước. Trở về, các thành viên, ai cũng nuôi đam mê” – anh Tâm nói.

Và, với mục tiêu được một lần tham gia giải đấu lân sư trong nước, không quản ngại những khó khăn, vất vả, tất cả các thành viên trong đoàn đều đồng sức, đồng lòng, cố gắng, quyết tâm tập luyện.

“Chúng tôi là đoàn đầu tiên ở Kon Tum tập luyện mai hoa thung và phát triển lân theo hướng chuẩn quốc tế. Với đam mê, niềm tin và sự đồng lòng của cả đoàn, chúng tôi tin rằng mình sẽ làm được”- anh Tâm quyết tâm.  

Bình An

Chuyên mục khác