Ngày mới ở Đăk Si

15/02/2022 13:05

Đã qua rồi thời kỳ khó khăn, không còn cảnh sống du canh du cư, nay đây mai đó, không nhà, không quốc tịch, giờ đây hàng trăm hộ dân ở thôn biên giới Đăk Si (xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi) đã ổn định cuộc sống. Đời sống của họ dần khấm khá hơn và ngày càng được nâng cao mọi mặt. Cái nghèo từng bước đẩy lùi và thay vào đó là sự sung túc.

Quá khứ khó khăn

Thôn Đăk Si hiện nay là làng Đăk Ba trước đây. Thôn hiện có 285 hộ với 1.130 nhân khẩu (gồm dân số của 3 làng trước đây nhập lại là Đăk Ba, Đăk Răng và Đăk Hú). Trong đó, thôn có 164 hộ với 412 nhân khẩu là dân di cư tự do từ Lào sang đã được nhập quốc tịch Việt Nam.

Nhiều năm trước, hàng trăm người dân ở thôn Đăk Si sống du canh du cư hai bên biên giới Việt-Lào. Bởi cuộc sống không ổn định, nên đời sống của họ đã gặp không ít khó khăn, trở ngại. Họ sống nay đây mai đó, không đường, điện, trường, trạm, nước sạch và không quốc tịch. Thứ duy nhất họ có lúc ấy là quyển sổ tạm trú tạm vắng. Những đứa trẻ sinh ra phải theo bố mẹ lên rẫy, không được đến trường, chăm sóc y tế. 

Đổi thay thôn biên giới Đăk Si. Ảnh: H.N

 

Bà Y Kết (66 tuổi) còn nhớ rất rõ quá khứ khốn khó khi cùng bố mẹ sinh sống dưới những tán rừng giáp ranh ở vùng biên giới. Bà Y Kết kể, khi đó, thức ăn của gia đình chủ yếu là săn thú trong rừng, bắt cá ở sông suối và hái rau rừng. Nhà cửa tạm bợ. Ngày nào săn bắt được nhiều thì no, ngày ít thì đói. Sau nhiều năm sống lang bạt từ cánh rừng này đến khu rừng khác, đến năm 1992, cả nhà bà dắt díu nhau trở về làng cũ định cư (nay là thôn Đăk Si) sống ổn định cho đến nay.

Bà Y Kết tâm sự: Từ khi trở về làng, cuộc sống tuy không phải sống cảnh nay đây mai đó, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn. Do không có quốc tịch, những cặp vợ chồng cưới nhau không được đăng ký kết hôn, con cái không được khai sinh, đến trường không được hưởng chính sách ưu tiên. Người dân không được tiếp cận vốn vay nên không thể phát triển kinh tế gia đình, vì thế cái đói, cái nghèo cứ đeo bám dai dẳng.

Giống như bà Y Kết, ông A Kưm (60 tuổi) cũng theo bố mẹ vào vùng rừng sâu ở khu vực biên giới sinh sống nhưng vì cuộc sống quá cơ cực nên năm 1992, cả nhà ông lại quay về thôn Đăk Ba, xã Đăk Dục định cư. Thế nhưng, những ngày đầu khi chưa có quốc tịch, gia đình ông Kưm cũng như các gia đình khác gặp phải rất nhiều khó khăn. Vốn không có, lại không được tiếp cận vốn vay nên rất khó khăn để phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt, do cuộc sống khó khăn, lại không có sổ hộ khẩu, giấy khai sinh nên con em cũng không học hành đến nơi đến chốn. Đời sống người dân nơi đây rơi vòng tròn luẩn quẩn đói nghèo.

Trước những khó khăn, vất vả của người dân, Nhà nước ta và các cấp chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho họ được nhập quốc tịch Việt Nam. Sau thời gian dài sống không quốc tịch, năm 2012, 154 hộ với trên 400 nhân khẩu đầu tiên ở thôn Đăk Si đã được nhập quốc tịch Việt Nam. Đến năm 2019, có thêm 9 hộ được nhập tịch. Kể từ đây, cuộc sống của họ đã bước sang một trang mới, ổn định và tươi sáng hơn.

Đời sống đổi thay

Một ngày đầu năm 2022, chúng tôi tìm về thôn Đăk Si nằm ven đường Hồ Chí Minh. Bước vào đầu thôn là cổng làng văn hóa được dựng kiên cố, vững chãi, trang trí hoa văn bắt mắt. Dọc đường nhựa dẫn vào thôn, cờ hoa, đèn điện nhấp nháy bên trong những căn nhà mọc san sát được xây khang trang. Dưới ánh nắng chiều, những đứa trẻ đạp xe về nhà sau buổi học, hình ảnh ấy làm tôi cảm thấy Đăk Si thật yên bình.

Đón chúng tôi ngay tại nhà rông của thôn, Trưởng thôn A Biếc dắt chúng tôi tham quan quanh thôn, vừa đi anh vừa kể: Kể từ khi được nhập tịch, người dân được hưởng mọi chế độ của Nhà nước, được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay, cùng với đó là việc người dân chịu khó, tích cực lao động sản xuất nên đời sống đã đổi thay từng ngày. Vì vậy, số hộ nghèo giảm nhanh, số hộ khá, giàu tăng hàng năm.

Bình yên Đăk Si. Ảnh: HN

 

Để chứng minh cho điều mình nói, A Biếc dẫn chúng tôi đến nhà vợ chồng Y Xái (30 tuổi) và A Trôi (37 tuổi) ở đầu thôn. Vợ chồng chị Y Xái là một trong hàng chục hộ thuộc diện khá giả của thôn. Ngôi nhà 2 tầng của gia đình chị Y Xái được xây dựng năm 2015 với đầy đủ tiện nghi. Theo lời kể chị Y Xái, từ khi được nhập quốc tịch, người dân được hưởng các chế độ chính sách, nhất là việc tiếp cận các nguồn vốn vay nên gia đình chị đã mạnh dạn vay vốn đầu tư vào phát triển kinh tế, trồng trọt và chăn nuôi. Hiện nay, vợ chồng chị đã phát triển mô hình kinh tế với hơn 1ha cao su, 200 cây bời lời, 5 sào mì, chăn nuôi heo, bò và ươm cây giống thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Chị Y Xái cho biết: Từ khi được nhập tịch, gia đình mình được hưởng các chính sách hỗ trợ cho đồng bào DTTS nên cuộc sống đỡ vất vả hơn. Trước đây, do cuộc sống khó khăn nên mình chỉ học hết lớp 9 rồi nghỉ, nhưng giờ đây mình quyết không để 2 con phải chịu cảnh như mình nữa, bởi cuộc sống của gia đình mình giờ đủ đầy hơn.

Từ ngôi làng 100% là nhà vách gỗ, sau hơn 10 năm đến nay, ở Đăk Si có đến 80% nhà ở kiên cố; gần 100% nhà có ti vi, xe máy; 100% hộ được dùng điện lưới quốc gia...

Đến nay, 80% nhà ở Đăk Si được xây dựng kiên cố. Ảnh: H.N

 

Trưởng thôn A Biếc cho biết: Hiện nay, người dân không chỉ phát triển mạnh diện tích cao su, bời lời mà còn phát triển mạnh diện tích cây ăn quả, với gần 100 ha, gồm cam, quýt, bưởi, sầu riêng, chuối, xoài, bơ…Đời sống người dân cũng ngày càng được cải thiệt, nâng cao, hiện thôn chỉ còn 27 hộ nghèo, chiếm 9,47% tổng số hộ trong thôn. 

Ngoài việc trở thành một trong những thôn giàu nhất ở Đăk Dục, Đăk Si cũng đã trở mình thành một trong những thôn hiếu học. Nếu như ngày chưa có quốc tịch, trong thôn không có ai theo học đại học, người học cao nhất cũng chỉ học hết phổ thông trung học, thì đến nay, thôn Đăk Si đã có hơn 30 người học cao đẳng, đại học và trở thành một trong những thôn có nhiều người học cao nhất ở Đăk Dục. Nhiều người trở thành giáo viên, bộ đội, công an và trở về công tác, đóng góp xây dựng, phát triển quê hương.

Đã qua rồi những ngày gian khó, Đăk Si hôm nay từng ngày “thay da đổi thịt” sung túc và trù phú. Tin rằng, với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự cần cù, tích cực lao động và với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của người dân, Đăk Si sẽ ngày càng phát triển, trở thành thôn văn hóa tiêu biểu ở nơi ngã ba biên giới.

Hà Nam

Chuyên mục khác