Ngang qua mùa cà phê

01/12/2019 17:30

Như thường lệ, vào tháng 11, tháng 12, người dân Đăk Hà lại bước vào một mùa thu hoạch cà phê. Không khí rộn ràng, người người, nhà nhà tấp nập từ những đồi cà phê đến những khoảng sân phơi. Cà phê đang vào mùa, vui đấy nhưng cũng lắm nhọc nhằn.

1. Hôm trước, cô bạn tôi từ Hà Nội gọi điện “nhờ vả” mua giùm ít cà phê nguyên chất Đăk Hà, vì mấy năm nay, kể từ khi được tôi gửi tặng món quà này, bạn đã trót “đem lòng yêu” rồi đâm ra nghiền loại cà phê này.

Lấy cớ đi mua cà phê cho bạn, tranh thủ ngày cuối tuần, tôi cưỡi “con ngựa sắt” chạy thẳng lên Đăk Hà cốt yếu là để được thỏa thích ngắm những đồi, những vườn cà phê trĩu quả, chín mọng đỏ ối xen lẫn trong tán lá xanh.

Đăk Hà đang vào mùa thu hoạch cà phê. Từ tinh mơ, cái lạnh buốt còn luồn trong từng cơn gió, nhưng khắp các ngả đường trong làng, ngoài xóm ở xã Đăk Mar (huyện Đăk Hà), người ta đã í ới gọi nhau, từng tốp đèo nhau trên xe máy, rồi lên công nông, xe kéo; lỉnh kỉnh mang theo bao bạt, “cơm đùm cơm nắm” đi rẫy cà phê.

Trong các khu vườn rậm rịch có cả trăm người, có người quấn khăn kín mặt, người đội nón, người đội mũ, họ đi theo từng tốp, mỗi tốp dăm bảy người. Từng tốp người ấy lại chia ra thành nhóm nhỏ, cứ 2 - 3 người một nhóm thu hái, đóng bao. Họ trải 2 tấm bạt dài xuống dưới gốc cây rồi vít cành, tuốt quả. Từng đợt quả rơi xuống rào rào, lộp độp như tiếng mưa rơi trên mái tôn. Cứ thế, họ kéo bạt hết cây này đến cây khác…

Nắng lên, vài chiếc máy kéo, xe công nông chở cà phê chạy ì ạch, đảo qua, đảo lại theo những con đường mòn, bờ thửa rồi băng lên đường nhựa về nhà. Nhà nào cũng có sân phơi thật rộng, nhưng thu hoạch ồ ạt nên người dân còn tận dụng cả trong vườn, ngoài ngõ trải bạt ra phơi. Tùy theo điều kiện thời tiết, cà phê có thể được phơi từ 7-15 ngày, sau đó, người dân mang xay tách vỏ rồi mới bán sản phẩm cho các công ty hoặc thương lái.

Với người trồng cà phê ở huyện Đăk Hà, mùa thu hoạch cà phê vui thật đấy, nhưng cũng lắm nỗi nhọc nhằn, vất vả.

Những vườn cà phê chín mọng đang vào mùa thu hoạch. Ảnh: Lê Hải

 

2. Cứ vào mùa thu hoạch, huyện Đăk Hà lại đón một lượng lớn lao động từ các nơi đổ về hái cà phê thuê, nhưng nhiều nhất là từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, có khi ở ngoài Quảng Bình, Quảng Trị  cũng rủ nhau vào làm thuê. Họ chỉ “nhảy dù” vài tháng tranh thủ kiếm thêm ít thu nhập để góp vào mua sắm, trang trải trong dịp Tết Nguyên đán. Vì thế mà từ tháng 11 đến khoảng giữa tháng 12, vùng đất này trở nên đông đúc hơn, nhộn nhịp hơn thường lệ.

Tôi chen chân cùng một tốp thợ “nhảy dù” đang đứng tìm việc ở “chợ lao động” (ngã tư thôn 5, xã Hà Mòn đi xã Ngọc Wang).

Nhanh chóng, chúng tôi được một người đàn ông ngoài lục tuần “rủ rê”: Nhà tôi đang cần khoảng 10 người, công cán thì có giá chung rồi, cà phê nhà tôi được quả nên cả hái và bốc lên xe là 95.000 đồng/tạ. Tuy nhiên, mọi người phải có chứng minh nhân dân để quản lý an ninh, chịu không?”. Nhóm trưởng là một người đàn ông trung tuổi gật đầu, thế là họ mau chóng lên xe máy theo chân chủ nhà dẫn về cất hành lý rồi ra rẫy bắt tay vào việc.

Sau một hồi chuyện trò, tôi mới biết ông chủ nhà tên là Hoàng Tấn Bi (thôn 4, xã Đăk Mar) trồng gần 3ha cà phê, trong nhà đang có 7-8 người là những lao động mùa hái cà phê nào cũng “đăng ký” làm thường xuyên, nhưng do các vườn cà phê chín rộ nên ông cần thêm nhân công thu hoạch.

Ông Bi chia sẻ: “Dân trồng cà phê đến mùa này nhà nào nhà nấy rộn ràng, tấp nập cứ như là chuẩn bị có đám tiệc, người ra, người vào kín nhà. Họ làm cho mình nên ở trong nhà luôn, còn cơm nước thì họ mang theo xoong nồi tự nấu lấy. Cũng có khi thấy họ tham công tiếc việc thì mình nấu cơm giùm luôn”.

Những người đi hái cà phê thuê hầu như đều có kinh nghiệm. Họ làm việc theo nhóm và có giao kèo với chủ vườn để mùa sau cứ đúng thời điểm cà phê chín là quay lại làm thuê.

“Không chỉ hái nhanh, hái sạch quả trên cành và tránh để rơi vãi, người hái còn phải hạn chế tối đa việc tuốt nhiều lá xanh hoặc làm gãy cành. Muốn có những “hợp đồng” lâu bền với các chủ vườn, dân hái cà phê thuê chúng mình phải đảm bảo uy tín. Nếu người làm thu hái không đạt sản lượng thì chủ vườn sẽ thanh toán tiền công và không thuê nữa” - anh Thống (ở Sơn Hà, Quảng Ngãi) tiết lộ.

Giá công nhận khoán tùy thuộc vào năng suất của vườn cây, vườn nào nhiều trái, đạt quả thì công từ 90.000 - 95.000 đồng/tạ; vườn ít quả, trái thưa, nhỏ thì phải từ 100.000-110.000 đồng/tạ. Mỗi người lao động chịu khó, 1 ngày có thể hái được từ 3-4 tạ cà phê quả tươi nên công việc này cũng mang lại thu nhập đáng kể.

3. Ngang qua những vườn cà phê mùa quả chín, tôi tự hỏi, cây cà phê có mặt trên vùng đất Đăk Hà mấy chục năm nay, nhưng chẳng biết tự khi nào, vùng đất này được gọi cái tên mỹ miều “thủ phủ cà phê của Kon Tum”. Một điều tôi chắc chắn là, tên gọi này không chỉ đến từ việc Đăk Hà có diện tích cà phê nhiều nhất trên địa bàn tỉnh, mà còn bởi chất lượng cà phê nơi đây nhờ các yếu tố như khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất này. Song, “thủ phủ cà phê” năm nay có phần kém vui so với các mùa trước, bởi năng suất cà phê sụt giảm, giá cả xuống thấp.

Bà Nguyễn Thị Nụ (thôn 3, xã Hà Mòn) - chủ nhân của 2ha cà phê tâm sự: Năm nay, cà phê mất mùa, năng suất chỉ đạt khoảng 13 tấn quả tươi/ha; giá cả cũng xuống thấp, hiện chỉ vào 6.700 - 6.800 đồng/kg. Với năng suất thế này, giá bán thế này, nhà nông chúng tôi cầm chắc thua lỗ. 

Gần trưa, nắng như rang, vừa trút bao cà phê ra sân, anh Nguyễn Văn Dũng (tổ 6, thị trấn Đăk Hà) chia sẻ: Nhà tôi có hơn 1.000 cây cà phê, mọi năm thu được 20 tấn quả tươi, nhưng năm nay chắc chỉ được khoảng 12 - 13 tấn. Với giá bán 6.700 đồng/kg quả như hiện tại không biết thu có đủ bù chi không, lấy tiền đâu để tái đầu tư cho năm sau đây…Gia đình tôi tính tích trữ lại chờ xem giá cả có lên thêm chút nào không để gỡ gạc chút đỉnh.

Tuy vậy, sau tiếng thở dài, các chủ vườn vẫn bày tỏ quan điểm dù có thế nào họ cũng vẫn bám vườn cà phê mà sống. Thị trường cà phê những năm qua không ít thăng trầm, nhưng người Đăk Hà vẫn một lòng gắn bó, mở rộng vườn cây để đến nay toàn huyện có hơn 9.000 ha cà phê đang cho thu hoạch.

Anh Trần Xuân Thành (thôn 5, xã Hà Mòn) giãi bày: Với người dân Đăk Hà, câu chuyện cà phê “lúc nóng, lúc lạnh” không còn xa lạ nữa. Nhưng thật lòng mà nói, cây cà phê đã mang lại mức thu nhập ổn định, cuộc sống đủ đầy cho người dân nơi đây nên cho dù được, mất cũng không ai bỏ bê vườn cây.

Dù không được mùa, được giá như các năm, nhưng so với nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, cà phê Đăk Hà vẫn dẫn đầu sản lượng và có giá bán cao nhất, bởi người trồng cà phê dày dạn kinh nghiệm, biết tuân thủ quy trình kỹ thuật từ chăm bón, thu hoạch nghiêm ngặt cho ra những hạt cà phê “sạch”. Thêm vào đó, nhờ đặc tính thổ nhưỡng nên chất lượng cà phê Đăk Hà cũng cao hơn cà phê các nơi khác.

Ngang qua mùa cà phê, tôi được nghe bao chuyện thú vị về hạt cà phê, nhưng ấn tượng nhất là câu chuyện mà ông Hoàng Tấn Bi kể: Rằng cà phê được sinh ra từ đất. Đất đỏ bazan là mẹ nuôi dưỡng từ lúc cây cà phê làm nụ, bung hoa, kết quả, lớn lên và chín đỏ. Nếu đất là mẹ với công sinh thành thì những người nông dân trồng cà phê là người cha đáng kính không quản ngại sương gió để ươm trồng, chăm sóc cho ra những hạt cà phê chắc mẩy, đậm vị. Người trồng cà phê cứ theo một vòng quay, hái cà phê xong là lại tất bật vào mùa cắt cành, tỉa chồi, tưới nước cho bung hoa, kết quả rồi lại ngóng chờ đến mùa quả chín.

Thùy Hương


 

Chuyên mục khác