Nâng tầm giá trị dược liệu

17/12/2023 06:46

“Hội thi ẩm thực dược liệu - tinh hoa núi rừng Ngọc Linh” do UBND huyện Tu Mơ Rông đã khép lại nhưng dư âm của hội thi vẫn còn để lại trong du khách cũng như người dân Tu Mơ Rông. Qua đôi bàn tay khéo léo của các đầu bếp, những loại dược liệu mà thiên nhiên ban tặng cho vùng núi Ngọc Linh đã được chế biến thành những món ăn ngon, có giá trị dinh dưỡng cao, giúp người dân Tu Mơ Rông và du khách hiểu biết và tận dụng lợi thế để nâng tầm giá trị của dược liệu.

Nhiều món ăn ngon từ sâm dây

Lâu nay, nhắc đến sâm dây, người Xơ Đăng ở vùng Tu Mơ Rông cũng như người dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum thường chỉ dùng củ, lá chế biến món lẩu gà lá sâm, làm mứt sâm, nấu nước sâm dây hay ngâm rượu… Mặc dù biết sâm dây chứa rất nhiều dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe nhưng cũng chưa biết cách để chế biến thành nhiều món từ nguồn dược liệu này. 

Nhằm nâng tầm giá trị của dược liệu, tạo sự phong phú, đa dạng trong chế biến các món ăn từ sâm dây, “Hội thi ẩm thực dược liệu - tinh hoa núi rừng Ngọc Linh” do UBND huyện Tu Mơ Rông tổ chức mới đây đã quy định mỗi đội dự thi nấu ít nhất 5 món ăn chính, trong đó có 3 món bắt buộc sử dụng sâm dây. Tham gia Hội thi ngoài sự tham gia của 11 đội đến từ 11 xã, hợp tác xã trên địa bàn huyện còn có sự góp mặt của 9 đội thi đến các tỉnh, thành khác trong cả nước, đặc biệt, trong đó có các đầu bếp nổi tiếng đến từ các tỉnh Tây Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh, Bạc Liêu, Kiên Giang… chính là cơ hội để đồng bào Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông cũng như các du khách đến tham quan trong dịp này học hỏi được thêm nhiều cách chế biến, nấu các món ẩm thực từ sâm dây.

Nhiều món ăn hấp dẫn được chế biến từ dược liệu tại Hội thi. Ảnh: P.N

 

Đúng như mong đợi, từ cây sâm dây có nguồn gốc từ xa xưa trên vùng núi Ngọc Linh, các đầu bếp nổi tiếng trong  nước đã chế biến rất nhiều món ăn mới không chỉ đẹp mắt, mà còn giữ được trọn vẹn vị ngọt thanh của cây sâm dây và giá trị dinh dưỡng của nó. Trên cơ sở nguyên liệu sâm dây, những món ăn mới như: Nấm hầu thủ áp chảo sốt kem sâm, Sâm tiền viên bách hoa, Chè sâm long nhãn (Câu lạc bộ Bếp chay Sài Gòn); Cá đồng bào sốt cao sâm linh, Miến Điện Biên tiềm sâm Ngọc Linh gà bản, Chè tuyết sơn giáp sâm Ngọc Linh (của Hội đầu bếp Kiên Giang - Phú Quốc); Gỏi hải sản vị sâm, Ức vịt cuộn bồn bôn sâm sốt dâu tằm, Bò cuốn sâm rau củ sốt đông cô,  Chè sâm hạt sen (Hội đầu bếp Bạc Liêu) đều khiến ai nấy thán phục, khen ngợi.

Sinh ra và lớn lên thôn Tu Mơ Rông, xã Đăk Hà, chị Y Nữ Tố Trinh gắn bó với cây sâm dây từ nhỏ, biết cách trồng, chăm sóc, thu hoạch cây sâm dây. Tuy nhiên, gia đình chị cũng như dân làng cũng chỉ biết thu hoạch bán tươi hoặc phơi khô để bán dần dần, còn chế biến món ăn thì cũng chỉ biết lấy lá nấu canh thay rau, thỉnh thoảng có gà thì hầm củ vào nước cho ngọt và dùng rau nhúng lẩu.

“Qua Hội thi và được các đầu bếp tập huấn, hướng dẫn, tôi có cơ hội học hỏi kinh nghiệm về sơ chế nguyên liệu, chế biến các món ăn từ cây sâm dây. Từ đây, tôi cũng như bà con dân làng biết cách để nấu được nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng không chỉ để cho các dịp hội làng mà còn để phục vụ du khách đến đây du lịch trải nghiệm” - chị Y Nữ Tố Trinh bộc bạch.

Tương tự, chị Lê Thị Kim Oanh (đội xã Tê Xăng) chia sẻ, sau khi được các chuyên gia, đầu bếp nổi tiếng tập huấn, hướng dẫn đã giúp tôi học được cách chế biến các món ăn ngon, phong phú, đa dạng, nhất là phát huy hiệu quả tiềm năng thế mạnh từ dược liệu trên địa bàn. Vì vậy, trong 10 món ăn mà đội chúng tôi mang đến hội thi thì có 5 món chế biến từ dược liệu sâm dây như món Bí đỏ tiềm gà sâm, Bò nhúng lá sâm dây; Giò heo hầm măng khô táo, kỷ tử; Gỏi sâm dây, Bánh sâm dây lá mì… Đây là những món ăn từ sâm dây lần đầu tiên chúng tôi chế biến sau khi được các chuyên gia ẩm thực hướng dẫn.  

Du khách thích thú đến xem, thưởng thức các món ẩm thực tại Hội thi. Ảnh: P.N

 

Không chỉ đồng bào Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông háo hức học hỏi, nhiều du khách khi biết tin cũng đã tìm đến để biết thêm những cách chế biến các món ăn mới từ nguyên liệu sâm dây. Cô Phượng đến từ thành phố Kon Tum cho biết, vốn biết những giá trị dinh dưỡng của sâm dây nhưng lâu nay cũng chỉ biết làm mứt sâm dây, lẩu gà lá sâm, sâm dây ngâm rượu. Khi biết Tu Mơ Rông có các đầu bếp đến hướng dẫn chế biến các món ăn mới từ sâm dây, tôi đã đến xem và đã làm theo món gỏi sâm dây cho cả nhà thưởng thức, phải nói là rất ngon, thanh mát, giàu dinh dưỡng.

Đưa dược liệu vươn xa

Là một đầu bếp nổi tiếng ở tỉnh Bạc Liêu, lần đầu tiên đến với Tu Mơ Rông, anh Lý Minh Kiều rất ấn tượng đối với mảnh đất này. Với anh, dù đã chế biến rất nhiều món ẩm thực khác nhau nhưng đây là lần đầu tiên anh chế biến các món ăn từ sâm dây. Mang đến hội thi này, ngoài những món đặc trưng của miền Tây sông nước, anh Kiều còn kết hợp giữa đặc sản miền Tây sông nước với dược liệu của núi rừng Ngọc Linh thành món gỏi tôm với sâm dây kết hợp với khế và rau thơm.

Theo anh Kiều, đây là lần đầu tiên anh chế biến món ẩm thực kết hợp giữa hai loại đặc sản của hai vùng miền khác nhau. Tuy nhiên, sự kết hợp này khiến bản thân anh Kiều khá bất ngờ bởi vị ngon, lạ và đặc biệt mà anh chưa hề được khám phá từ các món ăn khác.

“Việc kết hợp này mang một hương vị rất đặc biệt, tạo ra hương thơm tự nhiên. Nấu ăn không cần nêm nếm nhiều gia vị bởi vị ngọt của sâm dây Ngọc Linh rất riêng mà không ở đâu có được. Ngoài món gỏi tôm với sâm dây, chúng tôi còn  chế biến món chè từ sâm dây Ngọc Linh với yến sâm, và với món này cũng không cần nhiều gia vị vì sâm dây khi hầm tạo ra hương vị thơm, chất ngọt tự nhiên. Chúng tôi sẽ giới thiệu quảng bá món ăn được chế biến kết hợp với sâm dây này ở nhà hàng Bạc Liêu để phục vụ khách hàng” – anh Kiều cho biết.

Độc đáo món ẩm thực từ sâm dây. Ảnh: P. N

 

Cũng như anh Kiều, trong dịp này, siêu đầu bếp nổi tiếng, chuyên gia ẩm thực Đỗ Quang Long đã chế biến món ăn gỏi sâm dây, chanh dây, lá quế cho khán giả và du khách tham quan chiêm ngưỡng và thưởng thức. Món ăn với sự kết hợp tinh tế của các nguyên liệu dân dã, có ngay trên vùng đất Tu Mơ Rông đã khiến ai nấy đều tấm tắc khen ngợi.

Theo ông Võ Trung Mạnh-Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, Hội thi nhằm giới thiệu các món ăn đặc trưng của đồng bào Xơ Đăng và sáng tạo thêm các món ăn dinh dưỡng từ đặc sản cây sâm dây. Qua Hội thi, đồng bào Xơ Đăng trên địa bàn huyện học được nhiều công thức chế biến món ăn hợp với khẩu vị du khách, từ đó giúp họ chủ động tham gia phục vụ nấu ăn cho khách du lịch đến địa bàn, tạo ra nguồn thu, nâng cao đời sống. Bên cạnh đó, từ bàn tay chế biến của các siêu đầu bếp, các món ăn được chế biến từ sâm dây Ngọc Linh sẽ có cơ hội chắp cánh bay xa, có mặt tại các nhà hàng tại Thành phố  Hồ Chí Minh, Hà Nội…

“Ngoài mục đích tìm kiếm, chế biến các món ăn ngon, hấp dẫn mang đậm nét văn hóa, các sản phẩm đặc trưng, qua Hội thi còn mời gọi, thu hút các chuyên gia ẩm thực, đầu bếp nổi tiếng trong và ngoài tỉnh đến tham gia, tăng hiệu quả trong quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, các món ăn có thành phần nguyên liệu chế biến từ sâm và dược liệu Ngọc Linh của huyện đến với người tiêu dùng. Từ đó, nâng tầm giá trị của dược liệu và giúp người dân trên địa bàn huyện có thêm thu nhập nhờ dược liệu, mang lại cuộc sống ngày càng ấm no” - ông Mạnh cho biết.

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác