Mưu sinh trong lòng đất

22/12/2014 09:16

Để có được những giọt nước ngọt trong lành, mát mẻ cho mọi người sử dụng, người thợ đào giếng phải làm việc sâu dưới lòng đất tăm tối, đối diện với rất nhiều khó khăn, nguy hiểm…

Mưu sinh trong lòng đất

Theo lời chỉ dẫn của người bán bọng giếng, chúng tôi tìm gặp anh Đỗ Xuân Thắng (49 tuổi) – một trong những người thợ cả có thâm niên làm nghề đào giếng ở phường Quang Trung (thành phố Kon Tum).

Lúc chúng tôi đến, người thợ phụ đang quay đất còn anh Thắng đang ở trong lòng đất. Từ mặt giếng nhìn xuống, chỉ thấy một màu tối om, nếu không có tiếng thở hồng hộc lẫn trong những tiếng đào đất xột xoạt, chúng tôi không thể biết rằng anh Thắng đang ở phía dưới. “Cái nghề này cực nhọc lắm, ai không dám làm bạn với nguy hiểm thì không trụ được đâu” – Giọng run run vì mệt, anh Thắng nói vọng lên.

Theo những người thợ đào giếng, thông thường đào từ 10-25m sẽ bắt đầu có nước (tùy từng khu vực). Tuy nhiên, để đến được mạch nước, những người thợ đào giếng phải trải qua cả một quá trình gian nan, vất vả.

Một đội thợ giếng thường có 2 người; trong đó, một người là thợ cả (người đào chính) và một thợ phụ (kéo đất lên). Sau khi hì hục dùng sức để mở miệng giếng, thợ cả sẽ tiếp tục đào sâu xuống lòng đất. Không chỉ có đất thịt, khi xuống tầm 5m, việc đào sẽ diễn ra khó khăn hơn vì bắt đầu xuất hiện lớp đất sỏi và đá cuội.

Thợ phụ ra sức kéo đất. Ảnh: H.T

 

Vừa cho chúng tôi xem đôi bàn tay phồng rộp và chai sạn, anh Phạm Ngọc Phương (40 tuổi) - thợ đào giếng ở xã Đăk Năng (thành phố Kon Tum) cho biết: Cái giếng nào mà đất sỏi, đá cuội nhiều là coi như khổ rồi, cho dù có dốc hết sức, đào bở hơi tai cũng khó được một mét đất”.  

Tiếp tục đào sâu xuống 17-18m, hầu như giếng nào cũng có một lớp đất sét. Tại lớp đất này bắt đầu xảy ra hiện tượng sập đất, người thợ cả phải nhanh trí trèo lên trên thả bọng (bi giếng) xuống để giữ cho đất xung quanh không bị sập, tránh nguy hiểm. Thả bọng xong, thợ cả lại tiếp tục trèo xuống, đào tiếp phía dưới để bọng tuột lần xuống, cứ như thế cho đến lúc có nước. “Có lần tôi đào đến 30m mà vẫn chưa có nước nên đành phải bỏ. Những lúc ấy, chúng tôi chấp nhận lỗ, chỉ lấy một nửa công thôi nhưng vẫn rất ngại với chủ” – anh Thắng tâm sự.

 

Hiểm nguy rình rập

Không chỉ nặng nhọc, những người thợ cả còn ví đào giếng là nghề “bán mạng” vì phải liên tục đối diện với nhiều nguy hiểm rập rình.

Đào xuống càng sâu, khí ô-xi càng ít, thay vào đó là khí mê-tan nên người thợ cả thường xuyên rơi vào tình trạng ngợp thở. Để không bị bất tỉnh dưới lòng giếng, thợ chính thường ra tín hiệu để người thợ phụ cột một bó lá cây vào ròng rọc, thả xuống, kéo lên liên tục để mang không khí xuống. Một vài người thợ sử dụng đến bình dẫn ô xi để không bị ngợp.

“Các biện pháp đâu phải tối ưu hoàn toàn đâu, có lần tôi dùng bình thở nhưng vẫn ngợp. Lúc đấy tôi phải cố gắng gác cây xà beng qua móc của ròng rọc, ngồi lên đó để thợ phụ kéo lên. Lên đến mặt giếng mà mặt mày vẫn còn xây xẩm, choáng váng” – anh Thắng chia sẻ.

Ngợp khí đã nguy hiểm, đào dưới bọng, tính mạng của người đào giếng còn như “sợi chỉ treo chuông”. Bởi lẽ, chỉ cần sơ hở, không may làm sập bọng thì người thợ cả khó bảo toàn tính mạng.

Anh Võ Thành Tuyên, ở thôn 9, xã Đăk Cấm cho biết, cho đến bây giờ, anh vẫn không quên vụ tai nạn vào cuối năm 2007. Khi ấy, anh đang đào giếng thì bọng bể, sập vào người khiến anh bị bể xương vai, bể xương tai. “Trời thương chứ không thì tôi cũng “theo ông bà” rồi. Như T.T.B (bạn của anh Tuyên - PV), trong lúc đang đào giếng ở Đăk Cấm thì bị kẹt tay trong bọng. Nước giếng cứ dâng lên, cuối cùng B bị nước ngập, ngợp thở rồi tử vong luôn”- anh Tuyên nhớ lại.

Khi xuống giếng, những người thợ cả còn “bán mạng” cho người thợ phụ. Chỉ cần người thợ phụ bất cẩn, không chú ý để rơi xô đất hoặc văng đá xuống là người thợ cả gặp nguy hiểm. Chính vì vậy, thợ cả luôn chọn những người bạn đồng hành có kinh nghiệm, có trách nhiệm và luôn cẩn thận.

Chỉ cần người thợ phụ làm tuột xô đất là tính mạng của người thợ cả bị đe dọa. Ảnh: H.T

 

Qua tìm hiểu, được biết, tùy theo từng loại đất cứng, mềm, mỗi mét đất người thợ đào giếng sẽ nhận tiền công từ 600-1,5 triệu đồng. Mỗi ngày nếu đào cật lực, mỗi người cũng kiếm được hơn 500 ngàn đồng. Chính vì số tiền công khá cao nên dù công việc rất nguy hiểm, gian nan nhưng nhiều người vẫn cố gắng bám trụ và xem nghề đào giếng là “cần câu cơm” của cả gia đình. Như nhà anh Thắng, cả hai vợ chồng đều không có việc làm, 20 năm nay, nhờ việc đào giếng mà anh mới có đủ khả năng để nuôi 3 con ăn học đại học. Hay như nhà anh Phương, hai vợ chồng anh chỉ có 4 sào cao su, năm nay cao su xuống giá, anh phải nhờ thêm vào việc đào giếng mới có đủ tiền trang trải nuôi con nhỏ.

Giữa cái nắng oi bức, những người thợ ngồi giải lao, thư thả ăn bánh, uống nước trà rồi bàn về những dự định của mình. Người thì định mua cho con chiếc xe đạp, người lại gởi tiền cho con có tiền trang trải trong việc học, người thì cố gắng tích góp mua một đám rẫy… những tiếng cười vui như xua tan mệt mỏi, họ lại vui vẻ bắt tay vào công việc. Đối với họ, bên cạnh số tiền thu lại được thì niềm vui chính là động lực giúp họ yêu nghề hơn. Và cho rằng, mỗi cái giếng chính là một thử thách và họ chính là những người chinh phục thử thách để đem lại niềm vui cho những khách hàng.

Chia tay những người thợ đào giếng, chúng tôi không bao giờ quên câu nói của anh Nguyễn Bá Hồng-  thợ đào giếng ở xã Ia Chim: Nghề này vất vả nhưng đem lại niềm vui cho nhiều người lắm đấy! Mỗi lần làm xong, thấy mọi người hài lòng, có nước ngọt, nước trong để dùng là mình vui lắm rồi chứ không phải lúc nào cũng vì tiền đâu…

Hoài Tiến

Chuyên mục khác