Mưu sinh trong đại dịch

03/08/2021 13:10

Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến việc mưu sinh của nhiều lao động tự do thêm chật vật, khó khăn. Dù vậy, nhiều người vẫn cố xoay xở, bám trụ với công việc để có chi phí trang trải trong cuộc sống.

Chật vật mưu sinh

Quá trưa, chiếc xe tải vẫn nằm im lìm bên vỉa hè gần bùng binh Duy Tân (thành phố Kon Tum). Đã quen với cảnh ế ẩm, nhưng lâu lâu anh Hà Văn Tý (phường Quang Trung) vẫn nhìn xung quanh, kiếm tìm người có nhu cầu cần chở hàng. “3 ngày rồi, cứ chạy xe ra rồi chạy về, không được chuyến hàng nào. Không đi làm, ở nhà thì nóng ruột. Mà đi ra cũng ngồi chơi, đợi tới chiều rồi về”– anh Tý ngậm ngùi.

Theo nghề chở hàng hóa ngót nghét chục năm, có ngày nhiều khách, ngày vắng khách, nhưng chưa bao giờ anh Tý rơi vào cảnh ế ẩm triền miên như bây giờ. Anh vẫn biết, ảnh hưởng của dịch Covid-19, xe khách, hàng hóa ít lưu thông, nhu cầu cần vận chuyển hàng vì thế cũng ít dần. Thế nhưng, nhiều lúc anh cũng phải buông lời than thở, bởi nhà anh, cả gia đình 5 miệng ăn chỉ trông chờ vào những chuyến chở hàng. Giờ, công việc gặp khó, bữa cơm cũng phải “đong đếm”.

May mắn hơn anh Tý, sau mấy tiếng chờ đợi, cuối cùng ông Vũ Văn Biên (tổ 5, phường Trường Chinh) – chạy xe ôm Grab cũng có khách. Nhưng, quãng đường đi rất ngắn. Chưa đầy 10 phút, ông đã chở khách đến nơi và quay trở về vị trí thường đứng – ngã ba Duy Tân. Dắt gọn chiếc xe máy lên trên lề, ông ngồi tư lự dưới màn mưa lất phất. “Ôi, công việc phải làm vậy thôi chứ nay vắng khách lắm. Ngày trước Grab đã ế, nay do dịch, càng ế hơn. Một ngày kiếm được dăm ba chục nghìn đồng là mừng rồi” – ông Biên chia sẻ.

Cả ngày ông Vũ Văn Biên chỉ được một vài cuốc xe. Ảnh: H.T

 

Tuy vậy, ông Biên vẫn bảo, so với những người bạn đang chạy xe ôm truyền thống, ông vẫn may mắn hơn nhiều. Bởi, ông vừa có khách quen, vừa có khách đặt trên phần mềm ứng dụng đặt xe. Ông bảo: “Lâu lâu tôi còn chạy được một vài chuyến chứ xe ôm truyền thống ngồi mãi không kiếm được cuốc nào. Mấy nay mưa lại sợ dịch nên mọi người nghỉ nhiều. Chứ đi làm dầm mưa dãi nắng mà chẳng được bao nhiêu đồng, họ cũng nản”.

Giới shipper (người giao hàng) cũng không khá hơn. Tranh thủ giao cho xong các đơn hàng, bạn Nguyễn Hoàng Huy - shipper của Công ty J&T Express nhẩm tính: Ngày nay 30 đơn, nhưng 7 đơn không liên hệ được với khách, 7 đơn từ chối nhận hàng, lỗ tiền xăng và tiền công rồi. May sao mấy tuần nay, Công ty không ép tỉ lệ (ngày trước, shipper buộc phải giao được 75% đơn hàng) nên cũng đỡ phần nào.

Huy nói rằng, vì ảnh hưởng của dịch bệnh nên lượng hàng hóa từ các nơi gửi về không nhiều. Hơn thế, vì kinh tế khó khăn, một số khách đặt hàng nhưng không nhận, nên việc giao hàng khó thành công.  “Dù thu nhập giảm 70% so với trước, nhưng mình vẫn may mắn vì còn có việc làm. Nhiều người thất nghiệp, không có thu nhập” – Huy nói, ngao ngán nhìn số hàng hóa chưa giao được.

Không riêng shipper, lái xe, trong tình hình chung, dịch Covid-19 khiến việc mưu sinh của những người bán vé số cũng lao đao. Kể từ khi trên địa bàn xuất hiện các ca dương tính SARS-CoV-2, các quán nhậu, quán cà phê hạn chế lượng khách, vợ chồng chị Lê Thị Hoài, xã Đăk Blà (thành phố Kon Tum) phải tạm gác việc bán vé số. Chị Hoài nói rằng, do đi bán khắp nơi mà không có người mua nên chị đành phải nghỉ. Để có thu nhập trang trải cho cuộc sống, chị ở nhà đan mũ len để bán. “Có vài người đặt mũ, khi tôi làm xong, họ lại không có tiền lấy nên tôi không bán được. Mấy anh chị em khuyết tật cùng bán vé số, giờ cũng nghỉ ở nhà cả” – chị Hoài ngậm ngùi nói.

Mong dịch bệnh mau qua

Ở tỉnh ta chưa có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, song công việc phải đi, phải tiếp xúc nhiều khiến những người lao động tự do không an tâm. Như shipper Huy, dù mỗi ngày công ty đều khử khuẩn hàng hóa 3 lần, hơn thế, trong quá trình đi giao hàng, đều được trang bị khẩu trang, nước sát khuẩn tay… nhưng bạn vẫn lo lắng. “Đọc tin các shipper ở các tỉnh khác bị dương tính với Covid-19, em lo lắm. Bản thân em chưa được tiêm vắc xin nên nếu không cẩn thận, khả năng mắc bệnh sẽ rất cao. Để bảo vệ cho mình và mọi người, trong quá trình giao hàng, em đều đứng xa, đặt hàng ở một khoảng cách cố định để khách đến lấy” – Huy cho hay.

Một điều khiến Huy yên tâm, hiện nay, phía công ty không nhận hàng từ các khu vực đang bùng phát dịch bệnh Covid-19. “Chúng em được thông báo rõ, nếu khu vực nào xảy ra dịch thì sẽ không phải giao tại khu vực đó, để đảm bảo an toàn” – Huy chia sẻ.

Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, với nhiều shipper, có việc làm đã là điều may mắn. Ảnh: H.T

 

Trong mùa dịch, việc mưu sinh gặp khó, tuy vậy, những người lao động tự do vẫn đặt vấn đề an toàn của bản thân, của gia đình lên trên hết. Anh Hà Văn Tý luôn từ chối các chuyến hàng được yêu cầu chở về tỉnh Gia Lai. Anh nói rằng, việc đi xuống địa bàn đang xảy ra dịch thật sự nguy hiểm. “Cả chuyến hàng không lời bao nhiêu, đi về phải tốn tiền xét nghiệm, cách ly, không may nhiễm bệnh thì nguy hiểm cho bản thân và gia đình” – anh giải thích. 

Tương tự, ông Biên chỉ an tâm chở khách là người quen, là người sinh sống và làm việc tại thành phố hoặc các huyện trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Ông từ chối chở khách xuống Gia Lai hoặc khách từ Gia Lai về thành phố Kon Tum. Ông bảo, không thể vì lợi ích trước mắt mà bất chấp. “Tôi già rồi, nếu trong quá trình đi làm mà mắc bệnh thì càng làm khổ mọi người hơn. Vậy nên, tôi từ chối chở một số trường hợp để đảm bảo an toàn” – ông Biên nói.

Chấp nhận khó khăn để an toàn nên đời sống kinh tế chật vật sẽ là điều không tránh khỏi. Trong tình cảnh đó, thắt lưng buộc bụng, dè sẻn các chi tiêu trong gia đình trở thành giải pháp được những người lao động tự do lựa chọn. Nhiều người tăng gia sản xuất, tiết kiệm các chi phí không cần thiết để vượt khó. “Tính vậy nhưng nếu tình hình này kéo dài, không biết sẽ cầm cự được trong bao lâu. Mong sao dịch bệnh mau qua, mọi người an toàn” – anh Tý hy vọng.

Hiểu được những nguy hại do dịch bệnh gây ra, mỗi người lao động đều nêu cao tinh thần, quyết tâm là một “chiến sĩ” trong cuộc chiến phòng, chống Covid-19. “Phải đi nhiều nơi nên mình luôn ý thức đeo khẩu trang cũng như làm tốt thông điệp 5K theo khuyến cáo. Nếu thời gian đến phải tạm dừng công việc để tất cả mọi người được an toàn, tôi sẵn sàng thôi. Chia khổ, chia khó để qua dịch bệnh” - ông Biên khẳng định.

Tôi chia tay ông Biên, anh Tý khi trời đổ mưa nặng hạt. Đi đã xa rồi mà tôi vẫn thấy chiếc xe máy của ông Biên lạc lõng trên vỉa hè. Chỉ mong sao dịch bệnh sớm được đẩy lùi, để mọi sinh hoạt trở về quỹ đạo cũ, giúp người lao động tự do có việc làm, có thu nhập đều đặn, bớt chật vật trong cuộc mưu sinh.

Hoài Tiến

Chuyên mục khác