Mưu sinh thời dịch bệnh Covid – 19

27/04/2020 06:02

Mấy tháng nay, dịch bệnh Covid-19 hoành hành và dự báo còn kéo dài. Điều đó ảnh hưởng đến cuộc sống và thu nhập của nhiều người, từ giáo viên đến lái xe, người làm bốc vác... Vì vậy, vừa chung tay chống dịch, họ vừa tìm việc làm phù hợp có thu nhập nhằm bảo đảm trang trải cuộc sống gia đình…

Bán hàng online trang trải cuộc sống

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các lĩnh vực kinh tế - xã hội đều bị ảnh hưởng và nhiều ngành nghề tạm ngừng hoạt động. Trường học đang cho học sinh ở các cấp nghỉ học tập trung, khiến cuộc sống của cán bộ, giáo viên, nhân viên, đặc biệt là giáo viên mầm non tư thục bị đảo lộn, nhiều thầy cô phải bươn chải đủ nghề để có thể bảo đảm thu nhập trang trải cho cuộc sống gia đình.

Hơn 7 năm làm nghề dạy trẻ, sau Tết Nguyên đán 2020 cô giáo Phan Thị Mai Trâm - giáo viên Trường Mầm non Ngôi Sao Xanh (thành phố Kon Tum) phải tạm thời nghỉ dạy, do nhà trường đóng cửa bởi diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Những tưởng việc đóng cửa trường học chỉ một thời gian ngắn, cô giáo  Trâm cũng không ngờ được rằng dịch bệnh lại diễn biến phức tạp khiến cho công việc dạy trẻ của cô tạm dừng lâu như vậy.

Trường Mầm non Ngôi Sao Xanh là trường tư thục, nên các cháu nghỉ học đồng nghĩa với  nhà trường không nguồn thu. Tháng đầu nhà trường hỗ trợ một ít, nhưng các tháng sau thì sự hỗ trợ ít ỏi này không còn, khiến nguồn thu nhập 6 triệu đồng/tháng của cô Trâm cũng mất.

Gần 3 tháng qua, hàng ngày từ tờ mờ sáng cô Trâm thức dậy đi lấy gà về sơ chế, nướng rồi giao tận nhà cho khách. Do thường xuyên đi ngoài đường giữa cái nắng như đổ lửa của mùa khô Tây Nguyên, khuôn mặt cô giáo Trâm sạm nắng.

Cô Trâm đi bán hàng online kiếm thêm thu nhập. Ảnh: PN

 

Cô Trâm cho biết: Chồng tôi làm mộc, ảnh hưởng của dịch bệnh nên không có khách đặt hàng, đành phải nghỉ. Tôi chỉ còn cách bán hàng online mới có thể có thu nhập để trang trải cho cuộc sống gia đình với 3 miệng ăn. Tôi chưa bán online bao giờ nên lượng khách hàng cũng ít. May nhờ phụ huynh học sinh và anh em hàng xóm cảm thông mua ủng hộ nên hàng tháng tôi có nguồn thu nhập từ “nghề tay trái bất đắc dĩ”.

“Chật vật đi giao hàng cả ngày, tôi cũng kiếm được khoảng 100 ngàn đồng. Số tiền này giúp gia đình phần nào vượt qua khó khăn. Những hôm hết tiền phải xoay xở vay mượn người thân, khi nào có sẽ trả lại. Hy vọng dịch bệnh sớm kết thúc để chúng tôi được đi làm lại, khi đó cuộc sống của giáo viên mới bớt khó khăn hơn”- cô Trâm trải lòng.

Cô Đặng Thị Thanh Thủy - Chủ nhóm Chích Bông (ở phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) cho hay, nghỉ dịch kéo dài nên hiện tại trường vô cùng khó khăn và đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa. Mấy tháng này, trường không có thu nhập nhưng vẫn phải “gánh” khoản tiền thuê mặt bằng. Mặc dù chủ nhà miễn giảm 50% tiền thuê nhà, nhưng cô không có khoản thu nhập nào để chi trả.

Không chỉ vậy, 4 giáo viên của trường cũng lao đao vì không có việc làm. Một số cô giáo có con nhỏ nên phải vừa ở nhà trông con, vừa nhận việc ship hàng để kiếm thêm thu nhập và mong chờ dịch bệnh sớm được ngăn chặn.

“Chúng tôi mong muốn Nhà nước quan tâm, hỗ trợ nhà trường. Bởi nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài thì trường không còn khả năng chi trả tiền thuê mặt bằng. Các giáo viên cũng vất vả vì nguồn thu nhập không còn”- cô Đặng Thị Thanh Thủy nêu kiến nghị.

Tương tự, hơn 50 giáo viên mầm non ở huyện Ngọc Hồi cũng phải nghỉ không lương vì dịch bệnh khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Họ cũng phải kiếm đủ mọi cách để kiếm tiền lo cho gia đình.

Suốt 3 tháng qua, cô Tiêu Thị Quỳnh và cô Đỗ Thị Ngọc Ánh- nhân viên cấp dưỡng Trường Mầm non Hoa Hồng (thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi) ở trong tình trạng thất nghiệp. Có con nhỏ, trường học đóng cửa bởi dịch nên 2 cô đành ở nhà trông con và nhận thêm việc bán hàng online. Dịch kéo dài cũng khiến việc làm của chồng các cô bị ngưng trệ. Thu nhập hàng tháng của gia đình không còn nên 2 cô phải tằn tiện, vay mượn tiền của bà con để lo toan cho cuộc sống.

Làm đủ việc tăng thu nhập

Đối với anh Nguyễn Đức Thắng (30 tuổi, ở phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum) - lái xe cho một đơn vị vận tải trên địa bàn tỉnh chạy tuyến Thành phố Hồ Chí Minh, thu nhập chính đến từ các chuyến chạy xe khoán. Nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, vận tải hành khách liên tỉnh dừng hoạt động, xe không chạy nên anh đành phải ở nhà phụ giúp vợ. Vợ anh buôn bán lặt vặt áo quần trên online, hễ có ai đặt là hàng ngày vợ chạy giao hàng đến đêm mới xong. Vậy mà mỗi ngày anh chị cũng chỉ được khoảng hơn 200 ngàn đồng tiền lãi.

Cũng như anh Thắng, anh Nguyễn Văn Hùng (35 tuổi, ở xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum) chuyên lái xe đường dài chạy tuyến phía Bắc, do dịch bệnh, phương tiện dừng hoạt động nên anh cũng thất nghiệp luôn. Điều đó cũng đồng nghĩa với anh không có thu nhập. Trong khi đó, gia đình có 2 con nhỏ (đứa lớn 10 tuổi, đứa nhỏ 6 tuổi), vợ anh làm phụ hồ. Suốt những ngày nghỉ, anh Hùng theo vợ làm phụ hồ để kiếm thêm ít đồng lo trang trải cuộc sống.

Do công việc phụ hồ khá nặng nhọc, những ngày đầu không quen nên anh Hùng cảm thấy khá mệt. Nhưng vì “miếng cơm manh áo” anh cũng phải gắng chịu đựng, dần dà quen việc, đỡ mệt hơn. Mới có ít ngày đi làm phụ hồ mà nhìn da anh  “cháy sạm” vì dang giữa trời nắng. Hai bàn tay anh phồng rộp, da bong tróc, loang lổ bởi công việc nặng nhọc, không quen. 

Anh Hùng tâm sự: Cũng may ông chủ thầu thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn nên nhận tôi vào, làm ngày nào tính công ngày đó. Mỗi ngày được trả 200 ngàn đồng. Vợ tôi thì làm lâu nên được chủ thầu trả cao hơn 220 ngàn/ngày. Dù sao những ngày nghỉ chạy xe do dịch bệnh xảy ra, tôi cũng kiếm được chút việc có thêm thu nhập để lo toan cho cuộc sống.

“Vì sức khỏe cộng đồng, Chỉnh phủ yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội, không tụ tập đông người nhằm bảo vệ sức khỏe cho nhân dân là rất đúng. Chúng tôi luôn ủng hộ và thực hiện theo quy định chung. Mong sao dịch bệnh Covid-19 sớm được khống chế, để cuộc sống, sinh hoạt của người dân trở lại bình thường. Hết dịch tôi đi làm trở lại, sẽ cố gắng chạy xe an toàn vừa bảo vệ an toàn tính mạng cho hành khách, vừa có thêm thu nhập trang trải gia đình.

Với anh Nguyễn Văn Mẫn (50 tuổi, ở phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) bao năm nay làm nghề bốc vác ở Bến xe Kon Tum, chưa năm nào anh phải rơi vào cảnh khó khăn trong công việc như thế này. Trước đây, hàng ngày xe chạy, công việc bốc vác có nhiều nên thu nhập cũng ổn định từ 5-6 triệu  đồng/tháng. Nhưng từ khi thực hiện Chỉ thị số16/CT-TTg của Thủ tướng Chính  phủ về cách ly xã hội, tất cả các phương tiện vận tải dừng hoạt động, nghề bốc vác của anh Mẫn cũng không có việc làm tại bến.

Anh Mẫn kể: Suốt thời gian từ ngày 1-15/4 thực hiện giãn cách xã hội, tôi gần như ở nhà. Thỉnh thoảng tôi cố gắng nhận thêm việc bốc vác ở các cửa hàng thiết yếu nhưng công việc không nhiều, chủ yếu là những mối quen tạo điều kiện gọi tôi phụ giúp một số công việc để có thêm thu nhập. Mỗi ngày tôi cũng kiếm được gần 100 ngàn tiền công. Dù thu nhập không bằng một nửa trước kia nhưng vậy cũng giúp trang trải cuộc sống.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế tụ tập đông người, yêu cầu người dân phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, tất cả nhằm bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Đồng thời, ủng hộ chủ trương, quy định đó, những giáo viên, lái xe, bốc vác... kể trên sẵn sàng chịu thiệt thòi, khó khăn một thời gian để cùng nhau sẻ chia, chung tay phòng chống dịch bệnh Covid-19 và quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, mang lại cuộc sống bình an cho mọi người.

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác