Muôn mặt đồ xổ

05/10/2014 20:57

Đổ xổ hay còn gọi là hàng si (hàng si đa) là những mặt hàng quần áo, giày dép, túi xách… bán với giá cả khá thấp và luôn được những người có sở thích “săn” hàng độc, rẻ yêu thích, tin dùng… Hàng xổ vì thế cũng bày bán ngày càng nhiều, tuy nhiên, xung quanh việc buôn bán, sử dụng loại hàng này cũng còn nhiều điều phải bàn.

Độc, lạ và rẻ = hàng xổ

Hàng xổ là những mặt hàng đã qua sử dụng được bán với giá rất thấp, nhưng lại đa dạng về chủng loại, từ quần áo, giày dép đến túi xách, mắt kính, chăn ga…; từ đồ dành cho trẻ em, người lớn đến đồ phụ nữ, đồ nam giới, nói chung là tất tần tật những gì mà mặt hàng thời trang, may mặc có thì trong đồ xổ cũng có.

Với những “tín đồ” của đồ xổ (phần lớn là phụ nữ), yếu tố khiến cho họ mê loại hàng cũ này là bởi 3 đặc điểm: độc, lạ và rẻ. Đối tượng khách hàng của loại hàng này vì thế cũng rất phong phú, tương ứng với những yếu tố của đồ xổ.

Theo đó, với những người sành điệu, có điều kiện kinh tế khá giả, thậm chí là dư giả về tiền bạc, họ tìm đến đồ xổ chỉ với mục đích là để kiếm được những chiếc áo, túi xách “độc” của những thương hiệu nổi tiếng thế giới. Bởi đây là những mặt hàng mà theo quan niệm của họ là sẽ khó có thể mua được trên thị trường và không thể tìm ra cái nào tương tự, nên khi dùng không lo “đụng hàng” với bất kỳ ai. Do vậy, những mặt hàng này, mặc dù là đồ cũ nhưng giá cả không hề thấp chút nào; có những chiếc áo, chiếc túi vẫn có mức giá lên tới vài ba triệu đồng mà vẫn được những người “sành” tìm mua.

Tuy nhiên, đối tượng khách hàng “sành điệu” không nhiều, mà đông nhất là những người điều kiện tài chính không dư giả nhưng vẫn muốn được sở hữu những mặt hàng tương đối độc đáo, chất lượng vẫn còn khá tốt mà không phải tốn nhiều tiền như đi mua đồ mới. Đây là những mặt hàng có giá cả phải chăng, chỉ từ năm chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng.

Ngoài ra, có một bộ phận người tiêu dùng có thu nhập thấp, điều kiện kinh tế khó khăn, họ tìm đến với đồ xổ đơn giản chỉ vì giá rất rẻ, thường là chỉ khoảng 10.000 – 30.000 đồng/món đồ, còn những yếu tố như thời trang, độc đáo, với họ không quan trọng…

Thế nhưng, có theo chân những người chuyên đi mua đồ xổ mới hay, để sở hữu được một món hàng cũ ưng ý, những người mua hàng phải tốn rất nhiều công sức để tìm tòi, chọn lựa, thế nên người ta mới gọi đi mua đồ xổ là đi “săn” hàng (tức là săn tìm, săn lùng).

Đồ xổ - đúng như tên gọi của nó được đổ ra thành đống, giữa bao nhiêu thứ hỗn độn bốc mùi nồng nặc của thuốc tẩy, bụi bặm, rất nhiều người vẫn chịu khó tìm, lựa và cũng chẳng ngại ngần thử ngay lên người. Sau khi thấy món hàng nào ưng mắt, người mua lại phải xem xét cẩn thận từng món đồ bởi loại hàng này rất hay bị rách, sờn, ố màu một chỗ nào đó…, nếu người mua không tinh ý rất dễ mua nhầm và khi đã mang về nhà thì không thể đổi lại được.

Chị Hoàng Tú Quyên (ở đường Trần Khánh Dư, thành phố Kon Tum) chia sẻ: Tôi thích đồ xổ vì nó hiếm và rẻ, nhưng để sở hữu được một món hàng, có khi phải bỏ cả buổi tìm, lục lọi hết đống đồ này đến đống đồ khác, lật giở từng chiếc rồi ướm, thử rất kỳ công, thế mà nhiều khi cũng không chọn được cái nào vừa ý. Nhưng có lẽ chính điều này khiến tôi cũng như nhiều người khác “nghiện” đi mua đồ xổ, tuần nào cũng phải dành thời gian để đi kiếm những món hàng cũ này.

Sự đặc biệt về mặt hàng, hấp dẫn về chủng loại, giá cả đã khiến cho đồ xổ ngày càng được nhiều người, đặc biệt là các chị em tìm mua.

Cửa hàng đồ xổ mọc lên như nấm

Có một thực tế, trong khi rất nhiều cửa hàng thời trang, mắt kính, cơ sở bán chăn nệm… vắng khách, phải tung ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá để thu hút người mua, nhưng vẫn ế ẩm, không ít cửa hàng phải đóng cửa; các cửa hàng đồ xổ lại mọc lên ngày càng nhiều mà chỗ nào cũng đông khách. Đâu đâu, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp các cửa hàng có treo tấm biển chuyên bán đồ xổ, thế giới hàng độc… thậm chí còn được bày bán la liệt ở lề đường, góc chợ. Từ thành phố đến nông thôn, chỗ nào cũng có những điểm bán đổ xổ, không ai có thể thống kê được có bao nhiêu chỗ bán loại đồ này. Như chỉ một đoạn đường Trần Hưng Đạo (đoạn từ Tòa Giám mục đến đường Đào Duy Từ, thành phố Kon Tum), sơ sơ cũng đếm được khoảng 5 cửa hàng chuyên bán đồ xổ, hay như chợ Duy Tân (thành phố Kon Tum) cũng có tới 3 ki ốt bán loại hàng này… Ở chỗ nào, hàng hóa cũng treo kín từ ngoài vỉa hè vào đến trong nhà, bày la liệt trên nền nhà, chật chội và lộn xộn, vậy mà lúc nào cũng tấp nập người ra vào, không cần chào mời hay khuyến mãi gì cả.

Khó khăn lắm chúng tôi mới tìm hiểu được con đường đi của đồ xổ cũng như lý giải vì sao ngày càng nhiều điểm bán đồ xổ mà vẫn thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Chị Quý – một người bán đồ xổ có thâm niên 4 năm tại chợ Duy Tân, tiết lộ: Đồ xổ được bán ở trên địa bàn Kon Tum hầu như là lấy từ các mối trong Thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi lần tôi thường nhập về vài kiện hàng, nếu gặp hên lấy được kiện có nhiều hàng đẹp, độc đáo thì lời nhiều, không may lấy phải những kiện hàng xấu hoặc quá cũ, rách nhiều thì lời ít; hàng đẹp giá cao, hàng xấu giá thấp, chẳng bao giờ lỗ cả. Những mặt hàng nào sau một thời gian không bán được ở thành phố Kon Tum hoặc tồn đọng lâu, muốn thu hồi vốn chúng tôi gom lại bán rẻ cho những người đem lên các huyện, vùng sâu, vùng xa bán cho người dân lao động. Thế nên bán đồ xổ không sợ ế, bao nhiêu cũng hết. Vả lại, buôn bán mặt hàng này không bao giờ lo cũ, lỗi mốt vì bản thân nó đã là đồ cũ, nhưng điểm quan trọng khiến nó được nhiều người tìm mua là hàng không được sản xuất hàng loạt, không có cái nào giống cái nào, lại được gắn nhãn mác ngoại và rất rẻ...

Chính vì thế mà các cửa hàng đồ xổ luôn ăn nên làm ra và có lẽ cũng chính vì thế mà số người chọn nghề buôn bán mặt hàng secondhand này ngày càng nhiều.

Cẩn trọng với đồ xổ

Những điểm nổi bật của đồ xổ thì dường như ai cũng nhận ra, nhưng ít ai để ý rằng đằng sau những tiêu chí độc, lạ và rẻ, mặt hàng này cũng có nhiều vấn để phải bàn.

Trong tất cả những người bán đồ xổ mà chúng tôi hỏi, không một người nào biết chính xác những mặt hàng này có xuất xứ từ đâu, được tuyển chọn như thế nào và vì sao lại có nhiều đến như thế. Họ chỉ biết, đây là những món đồ cũ của người nước ngoài sau một thời gian sử dụng muốn thanh lý hoặc bỏ đi, lẽ dĩ nhiên đồ cũ thì của rất nhiều đối tượng và không thể loại trừ trong đó có cả đồ của người chết, người bị bệnh, nhất là bệnh ngoài da. Mặc dù, trước khi đem bán cho người tiêu dùng, hàng xổ đều đã được giặt tẩy, nhưng không ai dám đảm bảo nó có an toàn hay không. Trong khi đó, mọi người đi mua đồ xổ đều thử trực tiếp lên người, có người mua về dùng ngay không giặt tẩy, xử lý một cách cẩn thận, kỹ càng rất dễ rước họa vào thân khi mắc phải các bệnh da liễu. Ngoài ra, còn có rất nhiều loại hóa chất dùng đề xử lý các loại đồ cũ cũng gây ảnh hưởng tới sức khỏe của các “thượng đế” trong quá trình tìm tòi và sử dụng đồ xổ. Thế nhưng, nhiều người vẫn coi việc đi tìm mua đồ xổ như một thú vui, sử dụng đồ xổ như cách để thể hiện phong cách riêng.

Sự xuất hiện tràn lan của những cửa hàng, điểm bán đồ xổ thiếu sự kiểm soát còn gây ra tình trạng nhếch nhác, lộn xộn, mất mỹ quan ở nhiều nơi, nhất là những điểm bán hàng di động, nhỏ lẻ. Nếu nói một cách hơi khắt khe, việc buôn bán, tiêu thụ đồ xổ một cách thái quá như hiện nay phần nào biến chúng ta thành thị trường để tiêu thụ đồ phế thải.

Trong điểu kiện kinh tế của nhiều gia đình còn khó khăn, việc sử dụng các loại đồ cũ, đồ xổ cũng là một giải pháp để tiết kiệm ngân quỹ cho mỗi nhà. Nhưng người tiêu dùng cũng cần có sự cân nhắc, thận trọng trong việc tiêu thụ mặt hàng này, đừng để rơi vào tình cảnh tiền mất tật mang mà không biết kêu ai.

Thùy Hương

Chuyên mục khác