Mùa thu hoạch hạt sâm Ngọc Linh

16/08/2022 13:09

Những ngày này, người dân trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh thường xuyên có mặt tại khu vực trồng sâm để vừa bảo vệ, vừa tất bật thu hái hạt sâm đã chín đỏ phục vụ tiếp tục gieo ươm phát triển, mở rộng diện tích.

Sâm Ngọc Linh là một loại dược liệu quý chỉ có ở khu vực dãy núi Ngọc Linh thuộc địa bàn tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Đây là loại dược liệu đã được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gọi là “Quốc bảo”. Cho đến nay, tỉnh Kon Tum và Quảng Nam đã và đang đẩy mạnh phát triển diện tích, đồng thời hướng tới chế biến sâu ra các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh để phục vụ nhu cầu của người dân trong và ngoài nước.

Ở tỉnh Kon Tum, đến nay, bà con đồng bào DTTS Xơ Đăng vùng rừng núi Tu Mơ Rông và Đăk Glei cũng đã và đang chú trọng mở rộng diện tích, lấy cây dược liệu quý này là một trong những cây trồng chủ lực không chỉ để thoát nghèo mà vươn lên làm giàu. Đến nay, bà con trong tỉnh đã phát triển được gần 1.300ha sâm Ngọc Linh. Diện tích này chủ yếu tại địa bàn huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei. Theo kế hoạch, trong năm 2022, toàn tỉnh sẽ trồng mới khoảng 500ha và trong nhiệm kỳ (2020-2025) phấn đấu trồng khoảng 2.500ha.

Với cây sâm Ngọc Linh, sau thời gian ngủ đông, khoảng đầu năm cây sâm bắt đầu sinh trưởng và từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm ra hoa, kết hạt. Sau khoảng 4 tháng từ khi ra hoa đến khi hạt chín đỏ đủ điều kiện để thu hái và ươm hạt.  Chùm hạt ở mỗi cây thường sẽ cho từ 20 - 100 hạt. Mùa thu hạt sâm bắt đầu từ tháng 7-10 hàng năm. Vì vậy, dịp này là thời điểm bà con thường xuyên có mặt trên vườn sâm để vừa bảo vệ, vừa tiến hành thu hạt, gieo ươm cho vụ trồng mới.

Đã đi đến nhiều vườn sâm của các doanh nghiệp và người dân trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông nhưng đây là lần đầu tiên tôi mới được cùng người dân Tê Xăng đi thu hoạch hạt sâm Ngọc Linh vào dịp cao điểm của mùa thu hạt. Theo chân bà con đồng bào Xơ Đăng, sau gần 2 tiếng đồng hồ đi bộ len lỏi đi qua các khu rừng già mát lạnh, vượt qua hàng chục con dốc cao thẳng đứng, trơn trượt chúng tôi mới đến được khu vực trồng sâm Ngọc Linh của bà con làng Tu Thó.

Vừa đi, anh A Hiệp (thôn Tân Ba, xã Tê Xăng) vừa kể với tôi về quá trình chăm sóc, bảo vệ để hạt sâm Ngọc Linh đảm bảo chất lượng. Theo anh Hiệp, để bảo vệ cho sâm ra hoa kết quả là quá trình cũng rất gian khó, vất vả, phải thường xuyên theo dõi, khi cây ra hoa gặp trời nắng thì thuận lợi, cây có tỷ lệ đậu quả nhiều, còn cây sâm ra hoa đúng vào những ngày có mưa, nếu không được che đậy, bảo bọc cẩn thận thì tỷ lệ đậu hạt rất ít. Ngoài ra, trong suốt quá trình để cây sâm cho hạt thì phải thường xuyên thăm vườn, kiểm tra và dùng các biện pháp bảo vệ, ngăn chặn các loại chim, chuột phá. Bởi vì, chỉ cần sơ hở, trong một buổi tối, một con chuột có thể cắn phá cả 1.000 hạt giống hay hàng chục gốc sâm lớn bé, gây thiệt hại kinh tế. Do đó, lúc này cũng là thời gian mà người dân vất vả nhất khi phải túc trực ngày đêm để theo dõi bảo vệ cây sâm Ngọc Linh.

Sau gần 2 tiếng đồng hồ leo núi, xuyên rừng, cuối cùng chúng tôi cũng đến được khu vườn trồng sâm Ngọc Linh của công đoàn xã Tê Xăng ở trên đỉnh núi Ngọc Linh thuộc làng Tu Thó. Khu vườn nằm dưới khu rừng già với những cây rừng cao vút nằm ở độ cao gần 2.000 mét so với mặt nước biển. Dưới tán rừng là hàng nghìn cây sâm Ngọc Linh đang lên xanh mơn mởn.

Có mặt ở vườn sâm, nhìn hàng nghìn cây sâm, anh A Hiệp khá bất ngờ bởi số lượng cây cho hạt ít, những cây có hạt thì số lượng hạt trên cây cũng không nhiều như năm trước. Tại vườn sâm này, chúng tôi đếm cây có số lượng hạt sâm nhiều nhất chỉ khoảng 50 hạt, còn số cây có hạt ít khá nhiều, có cây chỉ cho vài hạt, thậm chí nhiều cây không đậu được hạt nào.

Anh A Hiệp cho biết, năm trước ở khu vườn của công đoàn xã Tê Xăng thu được hơn 700 hạt sâm. Thế nhưng năm nay, số lượng hạt sâm chỉ bằng khoảng 50% của năm trước.

Theo người dân, năm nay hạt sâm ít hơn năm trước bởi nhiều vườn nở hoa đúng dịp có mưa. Ảnh: HN

 

Theo A Hiệp, những năm trước do chưa có kinh nghiệm trồng nên toàn bộ cây sâm Ngọc Linh đều được trồng trực tiếp trong lớp mùn dưới khu rừng già này không được lót bạt, rễ cây rừng đã ăn hết chất dinh dưỡng mùn cây nên cây sâm yếu, ra hạt ít. Hơn nữa, một số cây ra hoa sớm gặp trời mưa nên tỷ lệ đậu hạt thấp. Có cây được vài chục hạt, nhưng cũng có cây chỉ được vài hạt, thậm chí có cây mất trắng không có hạt.

Dạo khắp khu vườn sâm, trong số những cây có hoa, đậu hạt thì mới có một số ít cây có hạt chín đều. Theo kinh nghiệm của người dân, để thu hoạch được thì phải đợi hạt chín đều.

Anh A Hiệp cho biết: Khi nào chùm hạt chín đều và có chấm đen mới tiến hành thu hoạch, bởi nếu thu sớm sẽ có hạt lép, khi gieo ươm sẽ khó phát triển. Thời gian thu hoạch hạt sâm diễn ra trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm, do đó, từ nay đến tháng 10, cứ 3 - 4 ngày, chúng tôi sẽ tổ chức đi thu hoạch hạt một lần.

Trái ngược với khu vườn sâm của anh A Hiệp ở xã Tê Xăng, vườn sâm của anh A Hải (thôn Đăk Viên, xã Măng Ri) năm nay may mắn hơn. Theo anh Hải, điều may mắn là hơn 1.000 cây sâm đã vài năm tuổi của gia đình anh năm nay lại ra đúng dịp nắng và được che đậy, bảo vệ cẩn thận nên tỷ lệ đậu hạt cao.

Anh Hải chia sẻ: Năm ngoái, gia đình tôi thu được khoảng 900 hạt nhưng năm nay, nhờ cây sâm ra hoa đúng ngày nắng và được bao bọc cận thận nên dự kiến sẽ thu trên 1.000 hạt.

A Hải thu hoạch hạt sâm. Ảnh: HN

 

Theo anh A Hải, sau khi thu hoạch, số hạt thu được sẽ được sàng lọc, phân loại. Số hạt còn xanh sẽ được ủ trong vòng vài ngày, còn hạt chín được đem gieo ươm ngay sau đó. Hạt sâm được ươm trong khay chứa mùn được lấy tại cánh rừng đã được xử lý sâu, bệnh. Khi gieo hạt vào khay đã được tính toán sẵn diện tích để cây phát triển, các hạt cách nhau vào khoảng 4-5cm. Sau khi gieo xong, sẽ ủ lên bằng một lớp lá cây rừng và khoảng 4 tháng sau khi gieo hạt, sâm Ngọc Linh sẽ nảy mầm và bắt đầu sinh trưởng. Khi sâm sinh trưởng được khoảng 1 năm tuổi, thì sẽ tiến hành nhổ lên đưa đến một khu rừng mới để trồng. Sau khi trồng được 3-4 năm, cây sâm sẽ bắt đầu cho thu hạt bói.

Sau khi thu hoạch, người dân tiếp tục gieo ươm cho vụ mới. Ảnh: HN

 

Phải nói rằng, việc giữ được hạt sâm Ngọc Linh từ khi ra hoa, kết hạt là cả một quá trình gian nan, vất vả, thế nhưng quá trình bảo vệ, chăm sóc đến thu hạt cũng vất vả không kém. Người trồng sâm Ngọc Linh phải hàng ngày “ăn ngủ cùng sâm” để gìn giữ, bảo vệ và tiếp tục phát triển, mở rộng diện tích. Những hạt sâm Ngọc Linh sau khi thu hoạch được gieo ươm sẽ phục vụ cho việc mở rộng diện tích trồng trên ngọn núi Ngọc Linh hùng vĩ này. Qua đó, góp phần phát triển, bảo vệ và nâng tầm thương hiệu cho sâm Ngọc Linh.

Hà Nam

Chuyên mục khác