Mùa sim chín

28/05/2018 18:03

​Cứ vào khoảng giữa tháng 6 hàng năm, sim rừng trên những sườn đồi bát úp ở huyện Kon Plông bắt đầu chín. Nhìn những chùm trái sim đỏ bầm chen nhau trong lá xanh non hơi ngả màu sẫm úa, nhìn ánh nắng chiều tà hắt xuyên qua cánh rừng sim tỏa bảy sắc cầu vồng, nhìn những nụ cười tươi tắn của các chàng trai cô gái Mơ Nâm thu hái những trái sim rừng, chúng tôi mới cảm nhận được cuộc sống thanh bình, hòa với thiên nhiên của người dân nơi này...

Những cánh rừng sim

Chiều nhạt nắng, chúng tôi thong thả bước đi cùng các sơn nữ Mơ Nâm trong những đồi sim bạt ngàn tít tắp ở xã Đăk Long... Ngắm nhìn đồi sim bao la, chốc chốc lại có những con chồn, con sóc rừng… giật mình chạy loạn xạ, làm những trái sim chín sớm rơi theo nghe xào xạc.

Ông A Breng - già làng Kon Bring, xã Đăk Long tâm sự: Cây sim rừng ở đây đã có từ lâu đời lắm rồi. Tuổi thơ của tôi gắn bó với những đồi sim này biết bao là kỷ niệm. Lúc mới lên 5 tuổi, tôi đã theo cha mẹ lên rẫy trồng bắp, tỉa lúa và thường đứng nhìn đồi sim chín phía xa xa rất thích mắt. Lớn hơn một chút, mỗi khi rảnh rỗi, tôi thường rủ bạn bè cùng trang lứa lên đồi hái sim chín để ăn và đem về cho gia đình. Nay đã ngoài 60 tuổi, nhưng tôi không thể nào quên những kỷ niệm của một thời thơ ấu gắn bó với những đồi sim.  

Ở Kon Plông mùa sim chín rộ vào khoảng từ tháng 7 đến tháng 9

 

Các già làng kể rằng, ở Tây Nguyên, chỉ có Kon Plông mới có những đồi sim trải dài tít tắp đến tận chân trời. Mỗi năm, khoảng từ tháng 5 khi mùa hoa sim nở rộ, ong bướm khắp nơi bay về hút nhụy và khoảng từ tháng 6 khi mùa sim chín, chim chóc, sóc, chồn… về đây tận hưởng của quý lộc trời. Vì thế, trên những đồi sim này, biết bao muông thú hội tụ cùng với con người, làm nên một không gian hoang sơ, nhưng chứa đầy sức sống hài hòa với thiên nhiên tự tại…

Giá trị của trái sim rừng    

Trải qua biết bao biến thiên của trời đất, nhưng những cánh rừng sim bạt ngàn mọc theo triền đồi ven suối và dưới các thung lũng ở huyện Kon Plông vẫn đơm hoa, kết trái. Trước đây, người dân ở đây, mỗi khi đến mùa sim chín, chỉ biết lên đồi vừa hái vừa ăn và đem về cho cả gia đình cùng thưởng thức vị ngọt của trái sim. Phần lớn người dân chỉ biết ăn quả sim khi còn tươi, chứ chưa biết chưng cất làm thực phẩm để lâu ngày được, nên giá trị kinh tế không cao.

Tuy nhiên, ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành chế biến thực phẩm, trái sim ở huyện Kon Plông đã được các doanh nghiệp “để mắt”. Các sản phẩm như: rượu vang và một số loại rượu làm từ trái sim, trà hoa sim, mật sim, nước giải khát từ trái sim và các loại bánh mứt làm từ trái sim... lần lượt ra đời.

Qua khảo sát thực tế, tháng 10/2011, UBND huyện Kon Plông đã xây dựng phương án bảo tồn và phát triển cây sim rừng giai đoạn 2011-2015, định hướng đến 2020. Theo đó, huyện dự kiến bảo tồn và phát triển khoảng 900ha cây sim trên địa bàn 3 xã: Đăk Long, Hiếu, Pờ Ê.

UBND huyện đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Sim Thiên Sơn - Măng Đen và một số doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nhân dân.

Ông Nguyễn Văn Lân - Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết: Nếu triển khai thực hiện dự án bảo tồn và phát triển cây sim rừng trên địa bàn huyện thành công sẽ góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp gắn với chế biến các sản phẩm từ sim rừng để tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ Khu Du lịch sinh thái Quốc giá Măng Đen. Qua đó, giúp nhiều lao động nông thôn có nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo. Ngoài ra, diện tích đất trống đồi núi trọc được trồng cây sim sẽ hạn chế tình trạng xói rửa đất, nhiều diện tích rừng sim được trồng mới sẽ cải thiện điều kiện môi trường trong lành hơn.

Thị trường đã có rượu sim

Sau thời gian 5 năm triển khai thực hiện, đến nay, toàn huyện đã có 6 xã với tổng diện tích 280,7ha đất có cây sim và khả năng trồng được cây sim phát triển tốt. Trong đó, 73ha sim rừng thuần, 207,7ha sim rừng xen dưới các tán rừng và 21,8ha đất trống có khả năng phát triển cây sim.

UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã khoanh vùng quy hoạch giao cho cộng đồng quản lý, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về ý nghĩa, mục tiêu của việc bảo tồn và phát triển cây sim rừng, qua đó giúp người dân hiểu về giá trị kinh tế và chính sách hưởng lợi khi tham gia bảo vệ và phát triển cây sim rừng.

Đối với diện tích đất trống có khả năng phát triển cây sim, UBND các xã thống kê cụ thể, để khi nào nhà máy chế biến rượu sim đi vào hoạt động sẽ có dự án hỗ trợ trồng mới vùng nguyên liệu để phục vụ sản xuất. Đặc biệt, các cơ sở sản xuất rượu sim tổ chức thu mua sản phẩm từ cây sim nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

Bà Nguyễn Thị Nhiệm - Giám đốc Công ty TNHH MTV Sim Thiên Sơn cho biết: Công ty hoạt động từ tháng 6/2017 đến nay và sản xuất bình quân mỗi tháng từ 2.000-3.000 chai rượu sim loại 750ml, cung cấp chủ yếu cho các thị trường lớn trong nước như: Hà Nội, Đà Nẵng, Gia Lai, Thành phố Hồ Chí Minh và khách du lịch tại chỗ.

Hàng năm, mùa sim chín rộ bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 9, nên Công ty chỉ thu mua trái sim trong thời gian 3 tháng này, sau đó tổ chức chế biến rượu sim. Vụ sim năm 2017, Công ty đã thu mua trên 120 tấn trái sim tươi với giá 15 ngàn đồng/kg. Bình quân mỗi người thu hái từ 15-20 kg/ngày, nên trong thời gian 3 tháng thu hái sim, nhiều gia đình đã tận dụng sức lao động sẵn có để thu hái và có thu nhập khá cao.

Có thể nói, cây sim với vốn đầu tư thấp nhưng hiệu quả kinh tế cao, là cây trồng mà những người nông dân nghèo có thể tham gia cùng doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến rượu sim tại chỗ. Từ đây, ý thức bảo vệ rừng sim của người dân sẽ được nâng cao, bởi cây sim là nguồn thu nhập chính của họ.

Mỗi năm, toàn huyện sẽ giải quyết công ăn việc làm cho từ 2.500 – 3.000 lượt người lao động nhàn rỗi. Vì vậy, phấn đấu đến năm 2020, toàn huyện sẽ tận dụng đất trống đồi núi trọc để trồng mới từ 800-850ha cây sim và dự kiến sản lượng bình quân sẽ đạt từ 200-250 tấn/năm, đem lại nguồn thu nhập lớn từ 3-3,75 tỷ đồng/năm cho người dân...

Kon Plông bắt đầu một mùa sim chín. Mùa sim của những khát khao đổi đời của người dân lao động miền núi luôn gắn bó lợi ích với rừng...

Trần Văn Phúc

Chuyên mục khác