Mùa mật thơm hương...

31/01/2018 18:04

Khi những rẫy cà phê bung hoa trắng muốt, hương thơm lan tỏa khắp núi đồi; những rừng cao su vươn tán lá non tim tím, dưới nách lá hé chùm hoa li ti xinh xinh cũng là lúc vùng quê Đăk Hà dập dìu những cánh ong...

Đất lành... ong đậu

Sau nhiều ngày ấp ủ dưới thời tiết nóng nực, bất ngờ được dòng nước mát tưới tắm, những vườn cà phê ở huyện Đăk Hà như bừng tỉnh giấc, bung hoa trắng xóa. Ấy cũng là khi đất trời Đăk Hà quấn quýt, dập dìu những cánh ong.

Men theo con đường trải nhựa thơm nức hương hoa cà phê, chúng tôi vào thôn 7, xã Ngọc Wang, hỏi thăm một thanh niên đang rải ống chuẩn bị tưới cà phê ven đường về nơi dừng chân của "dân chăn ong", cậu ta chỉ về phía trước: Đi thêm chút nữa, đến vườn cao su nào có nhiều ong bay, gặp đường lô thì rẽ vào. Không xa nữa đâu.

Anh Nguyễn Văn Tân kiểm tra thùng ong. Ảnh: T.H

 

Đúng là không xa nữa, nên chẳng mất công phải tìm lâu, chỉ chớm vào vạt cao su đầu địa phận thôn 7, chúng tôi đã phát hiện ra những cánh ong vo ve trên đầu. Rẽ theo con đường lô, đi khoảng 50m, trước mắt tôi là hàng trăm thùng ong xếp ngay hàng thẳng lối, những cánh ong dày đặc quẩn quanh những cành cao su chằng chịt, bắt đầu he hé những chồi xanh, tiếng cánh vỗ u u.

Bên cái lều dựng dựa vào gốc cao su, một người đàn ông đang lúi húi buộc lại tấm bạt che vách bị gió giật bung. Thấy khác lạ, anh dừng tay, niềm nở bắt chuyện. Qua giới thiệu được biết anh tên là Lê Ngọc Hải (trú tại tổ dân phố 2, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà). Từ đầu tháng 10 đến nay, 200 thùng ong mật của anh Hải “tạm cư” giữa vườn cao su này.

“Mấy tháng trước, tôi đưa đàn ong của mình đi “đánh” mật hoa tràm, hoa keo ở Quảng Ngãi, bây giờ vào mùa cà phê bung hoa, cao su ra lá non thì quay về. Mùa hoa cà phê được coi là mua thu hoạch chính của những người nuôi ong, mật vừa tốt, thu được nhiều, loại mật từ hoa cà phê thị trường rất chuộng” - anh Hải cho biết.

Không chỉ người nuôi ong bản địa, thời gian này, nhiều chủ ong cũng “di cư” đàn ong của mình đến “vựa mật” dồi dào, hấp dẫn này. Theo ước tính của anh Hải, riêng khu vực Ngọc Wang, thị trấn Đăk Hà có khoảng 20 chủ ong ở các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Bình Định, hay Hải Dương, Thái Bình… đến đây tạm trú để “chăn” ong. 

Đất lành thì... ong đậu mà - anh Hải hóm hỉnh - Cũng như mình, mùa mưa thì di chuyển ong xuống Quảng Ngãi, Bình Định “đánh” mật keo, mật tràm, rồi ra Hải Dương, Hưng Yên “đánh” mật vải, mật nhãn. Mùa khô thì quay về nhà “đánh” mật cà phê, cao su.

Trò chuyện một lát, chúng tôi theo chân anh Hải đi thu hoạch mật. Vị trí  quay mật ở khá xa đàn, thùng quay li tâm được đặt trong 1 chiếc màn rộng ngăn không cho ong bay vào "cướp" mật. Anh Hải và thợ phụ cẩn thận nâng cầu ong đầy mật, vàng rực, mùi thơm tỏa ra khiến ai nhìn thấy cũng muốn nếm.

"Khi mật như thế này thì mình bắt đầu thu hoạch - anh Hải đưa mật cho khách xem và giải thích - cách thu hoạch cũng phải chậm rãi, vừa để an toàn cho mình, vừa tránh làm tổn thương ong chúa, dễ mất đàn ong".

Đây nhé, tốc độ quay mật phải chú ý cho quen tay, vừa đủ sức ly tâm văng mật ra thành thùng quay, quay chậm thì mật ong sẽ không văng ra hết, nhưng quay quá nhanh lại văng cả ấu trùng vào mật. Sau khi quay xong mật, cầu ong được trả lại cho đàn theo đúng vị trí cũ của các cầu ong, chú ý là đúng thứ tự đó, nếu sai ong không vào, bỏ đi là gay - anh Hải hướng dẫn thợ phụ.

Mất khá lâu, anh Hải và thợ mới quay xong mấy chục thùng ong. Sau đó anh cẩn thận lọc bỏ các loại phế thải lẫn vào như xác ong, mảnh sáp, bọt bẩn... rồi đóng vào can sạch đã chuẩn bị sẵn, chờ mối hàng đến nhận.

Hiện nay đang là kỳ giữa của mùa hoa cà phê, nhưng đang là đợt “chín” của mật cao su nên cứ 1 tuần anh Hải lại quay mật một lần, với 200 thùng, mỗi lần quay anh thu được hơn 750kg mật. Năm ngoái, mật ong của anh bán với giá 30.000 đồng/kg, năm nay anh chưa muốn bán vì "chờ xem giá biến động thế nào rồi tính". Mật ong hoa cà phê có màu vàng cam càng để lâu màu càng đậm, có mùi thơm đặc trưng của hoa cà phê, có vị ngọt thanh, vô cùng thơm ngon nên khá hút hàng.

"Du cư" theo những cánh ong

Rời Ngọc Wang, chúng tôi sang xã Hà Mòn, theo lời chỉ dẫn của anh bạn là cán bộ xã tìm vào khu vực đặt đàn ong của anh Nguyễn Ngọc Tân nằm trên vườn cao su ven hồ thủy điện Plei Krông.

Vừa thấy những thùng ong xếp hàng dưới gốc cao su, anh Tân đã chạy ra xua xua tay: Từ từ hãy vào. Lúc nãy có ong lạ vào cướp mật, nên đàn ong đang "giận dữ", vào là chúng tấn công ngay. Vì vậy, dân chăn ong luôn phải chú ý khi đặt trại, không nên gần nhau quá, ít nhất 2 đàn cũng phải cách nhau 80-1.000m.

Người nuôi ong cẩn thận chắt lọc rồi đóng mật vào can. Ảnh: T.H

 

Không như anh Hải, chủ ý lấy mật hoa cà phê, anh Tân quan tâm nhiều hơn đến mật cao su. Ít ai biết, không chỉ hoa, mà cả những lá cao su úa vàng cũng tiết ra một lượng mật khá lớn. Từ cuối tháng 1, đến hết tháng 3 là khoảng thời gian những cánh rừng cao su thay lá, khi lá cao su già úa rụng đi, lá cao su non vừa mới nhú ra là giai đoạn cuống lá cho nhiều mật nhất, và ong rất mê loại mật này, và đây cũng là loại mật có giá trị cao bởi chứa nhiều đường glucose, có màu vàng nhạt, mùi thơm, vị ngọt dịu.

Mỗi người nuôi ong cũng phải cần mẫn như con ong - anh Tân tâm sự - Trong từng việc đều phải nhẹ nhàng, khéo léo như chăm bẵm trẻ nhỏ, bởi ong mật thường bị nhiều loại bệnh, nhất là giai đoạn ấu trùng. Bên cạnh đó, người chăn ong luôn phải có sự hiểu biết nhất định về khu vực định cho ong đánh mật, bởi vào mùa hoa cũng là thời điểm dễ phát sinh sâu bệnh, chủ vườn có thể phun thuốc bảo vệ thực vật, nếu "dính" vào là có thể mất đàn như chơi. 

Và nhất là nghề nuôi ong mật luôn gắn liền với những chuyến du cư miệt mài theo cánh ong và theo mùa hoa. Khi Tây Nguyên vào mùa mưa, người chăn ong sẽ di đàn xuống các tỉnh miền Trung, như Bình Định, Quảng Ngãi "đánh" mật keo, tràm, điều...; sau đó ra Bắc "đánh" mật vải, nhãn...

"Đàn ong luôn phải có nguồn thức ăn mới, nếu không, chúng sẽ nhanh chóng ăn hết lượng mật ong mà chúng đã lấy về tổ và bỏ đi"- anh Tân kể.

Quy trình di dời đàn ong khá phức tạp, chỉ có thể di chuyển vào ban đêm để không làm ảnh hưởng đến ong và đảm bảo ong đã về hết tổ. Đêm đến, khi đàn ong đã về tổ, người nuôi phải cẩn thận đóng kín thùng và chở bằng xe tải đến những địa điểm đã chọn sẵn. Mỗi lần di chuyển, người chăn ong phải tính toán sao cho hợp lý quãng đường đi, vì phải ổn định vị trí trong đêm để tránh làm xáo trộn, thất lạc ong. Nếu làm “động” đàn ong thì có nguy cơ mất, thất thoát số lượng đàn rất cao, hoặc sau mỗi lần di chuyển lượng ong trong đàn có thể giảm mạnh.

Đời chăn ong rày đây mai đó, mỗi lần di chuyển là một lần lỉnh kỉnh đủ thứ để phục vụ cuộc sống du cư. Trong căn lều của anh Hải có đủ giường chiếu, mùng mền, bếp gas, gạo, dầu ăn, mắm muối các loại. Ngoài ra còn có đồ bảo hộ lao động khi tiếp xúc với ong, máy quay mật, vật dụng để chứa mật…

Trong quá trình cùng đàn ong của mình rong ruổi các vùng đất theo mùa cây trái nở hoa, những người chăn ong thường đi cùng nhau, thuê chung 1 xe chở đàn cho tiết kiệm chi phí, đồng thời dễ học hỏi cách chăm sóc, bảo vệ đàn ong và giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống hàng ngày nơi đất khách quê người.

Cuộc trò chuyện với anh Tân phải tạm ngừng do đến thời gian quay mật. Chúng tôi trở lại con đường chạy giữa những rẫy cà phê bung hoa trắng muốt,  những rừng cao su vươn tán lá non tim tím, dưới nách lá hé chùm hoa li ti xinh xinh, trên đầu dập dìu những cánh ong.

Từ trong rẫy cao su, mùi mật thơm nồng nàn đã bắt đầu lan xa, lan xa khắp núi đồi...

Thành Hưng

Chuyên mục khác