Mong đợi mùa hoa Tết

23/12/2021 13:01

Đến hẹn lại lên, thời điểm này, những hộ gia đình trồng hoa trên địa bàn thành phố Kon Tum đang tập trung cho vụ hoa Tết với nhiều hy vọng nhưng cũng không ít lo lắng.

Một nắng hai sương

Để có những chậu hoa cúc, bó hoa dơn đẹp hay những chậu mai vàng đầy bông bán, người làm vườn phải dãi nắng dầm sương nhiều tháng ròng. Đây là khoảng thời gian mà người trồng hoa bận rộn, vất vả nhất trong năm.

Trong nắng chiều, vợ chồng anh Lê Tấn Linh (tổ1, phường Nguyễn Trãi) thay nhau xách từng chậu nước đã hòa sẵn phân bón tưới cho 500 chậu cúc.

Thấy có khách hỏi thăm, anh Linh mới nghỉ tay, lau giọt mồ hôi rồi chia sẻ: Chúng tôi luôn dành nhiều công sức cho vụ hoa Tết. Để có được chậu cúc đẹp đến với khách mua, từ lúc trồng đến khi bán phải mất 5 tháng trời. Chăm hoa như chăm con mọn, nào là tưới nước, bón phân, phun thuốc trừ sâu bệnh, cắt tỉa cành, cắm cọc, quấn dây; canh thời tiết sao cho hoa nở đúng thời điểm. Năm nào mưa thuận, gió hòa thì còn đỡ, năm nào thời tiết khắc nghiệt thì vất vả lắm, gần như tôi phải ăn ngủ tại vườn hoa luôn.

Anh Linh đang chăm sóc vườn hoa cúc. Ảnh: T.H

 

Sát bên vườn cúc nhà anh Linh, “lão” nông Nguyễn Văn Thành cũng đang tất bật phun thuốc trừ nấm cho những luống cúc cao chừng 1 gang tay. Phun thuốc xong, bỏ bình xuống ông lại qua kiểm tra từng chậu hoa. Gắn bó với nghề trồng hoa gần 20 năm, ông thuộc đặc tính của loài hoa này như chính bản thân.

Khuôn mặt sạm đen vì nắng, ông Thành vừa làm vừa kể: Trồng hoa cúc, tưởng dễ mà không hề dễ. Trồng được 1 tuần tuổi thì bắt đầu vô nước, vô phân. Trước khi cúc đơm nụ, để cây phát triển, người trồng hoa phải chong đèn từ tối đến gần sáng để kích thích sinh trưởng, cành hoa vươn cao mới có chậu bông đẹp và đặc biệt, hoa sẽ nở đúng thời gian theo ý định của mình. Lý thuyết là vậy, nhưng thực hành thì không hề đơn giản bởi nó còn phụ thuộc vào thời tiết nắng hay mưa, ấm hay lạnh để tính toán lượng phân, lượng nước, thời gian chong đèn cho phù hợp. Mỗi người bằng kinh nghiệm của mình sẽ có cách làm khác nhau, điều quan trọng là cuối cùng phải cho ra những chậu cúc đẹp, nở đúng dịp tết, được người mua với giá cao, thế là thắng lợi!.

Phường Nguyễn Trãi được mệnh danh là “thủ phủ” trồng hoa của thành phố Kon Tum. Nếu như người dân ở tổ 1, tổ 2 trồng cúc thì người dân khu vực tổ 3, 4 chủ yếu trồng hoa dơn.

Ông Thành phun thuốc trừ nấm cho những luống hoa. Ảnh: T.H

 

Cứ đầu tháng 10 âm lịch, anh Nguyễn Anh Tuấn (tổ 4, phường Nguyễn Trãi) lại bắt tay cày đất, xuống giống trồng hoa dơn để bán vào dịp Tết. Từ lúc xuống giống đến khi cắt bán khoảng 2,5 tháng, quãng thời gian này anh hầu như ở ngoài vườn, làm việc không kể giờ giấc.

Anh Tuấn cho biết: Người ta bảo “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” mà chị, nghề trồng hoa không nặng nhọc nhưng vô cùng bận bịu, phải nâng niu, chăm chút từng tí một. Để có cây hoa đẹp mình phải chịu khó nhổ cỏ, bón phân, tưới nước, lên luống, vào thuốc đúng thời điểm. Hoa dơn chủ yếu bán từ ngày 28-30 Tết, nếu mình canh không chính xác, hoa có thể nở sớm hoặc muộn, lỡ mất “thời gian vàng” thì coi như công cốc.

Gần nửa đời người gắn bó với nghề trồng mai, ông Nguyễn Trọng Vũ (thôn 3, xã Đăk Cấm) trải lòng: Với tôi, trồng mai không chỉ là thú chơi mà còn là một phần trong kế mưu sinh của gia đình. Nhưng phải thừa nhận rằng, làm nghề trồng mai như “đánh bạc với trời”, nếu từ tháng 10 trở đi mà nắng ấm, ít mưa thì cây sẽ đậu nụ, trổ hoa vào đúng dịp Tết; còn rét lạnh kéo dài thì nguy cơ mất mùa rất cao.

Theo ông Vũ, bước sang tháng Chạp, người trồng sẽ canh thời tiết để tuốt lá. Từ đó tới Tết, chủ vườn dường như là phải ăn, ở tại vườn cây để có biện pháp hãm hoặc kích thích hoa nở đúng thởi điểm.

Thế mới thấy, đằng sau những chậu cúc nở vàng ươm, những bông dơn đỏ rực, những chậu mai đầy bông vào dịp Tết đến xuân về là bao nỗi nhọc nhằn của người nông dân. Nếu hoa ra không đúng mong muốn sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của người trồng. Bởi vậy, đối với các nhà vườn trồng hoa bán Tết, đây là dịp bận rộn nhất.

Phập phồng theo vụ hoa

Nhọc nhằn, vất vả là vậy, nhưng điều mà người trồng hoa luôn nơm nớp lo lắng đó là việc giá cả và thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, năm nay, các nhà vườn đều bày tỏ lo ngại về đầu ra cho hoa Tết bởi do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vì vậy, họ khá dè dặt, thận trọng khi xuống giống, chủ động giảm diện tích để hạn chế rủi ro.

Gần 20 năm nay, chưa vụ hoa Tết nào ông Lê Tiến Thành lại phải đắn đo, cân nhắc nhiều như năm nay.

Theo ông Thành, mọi năm, gia đình ông trồng cả nghìn chậu cúc, nhưng năm nay quyết định giảm tới gần 2/3 vì nhận thấy tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, sợ ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa, rồi kinh tế của người dân khó khăn hơn, dẫn đến nhu cầu mua sắm các loại hoa, cây cảnh sẽ giảm. 

Cùng chung suy nghĩ như ông Thành, anh Linh đã chủ động giảm số lượng chậu cúc xuống còn chưa đầy một nửa so với các năm trước.

Ông Vũ hy vọng đến Tết mai sẽ nở đẹp và có nhiều khách mua. Ảnh: T.H

 

Anh Linh tính toán: Người trồng hoa chúng tôi chủ yếu lấy công làm lãi, mỗi chậu bông nếu thuận lợi hết chỉ lời được 100.000-150.000, nhưng nếu không may ế ẩm thì mất cả công lẫn vốn. Mọi năm đến giờ này, thương lái đã đến đặt hàng, nhưng năm nay chưa thấy ai chốt giá. Bởi họ cũng lo tình hình dịch Covid-19 không biết thị trường tiêu thụ ra sao nên không dám đặt cọc trước. Nói thật, người trồng hoa phải đến đêm giao thừa mới biết vụ hoa thành công hay không.

Không chỉ những người trồng cúc chậu mà ngay cả những người trồng hoa dơn như anh Nguyễn Anh Tuấn cũng không khỏi lo lắng: Năm nay tôi chỉ xuống giống 20.000 cây dơn đỏ, chưa bằng nửa năm trước. Phần vì giá củ giống, phân bón đều tăng cao khiến chi phí đầu tư đội lên; phần vì lo việc tiêu thụ gặp khó. Mình vất vả đầu tư, chăm sóc cả mấy tháng trời, may mắn bán hết, được giá thì tôi kiếm được 7 - 10 triệu đồng, đủ cho một cái Tết tươm tất, còn nếu bán không được, thương lái ép giá nữa thì lỗ vốn nên tôi không dám mạo hiểm.

Nỗi lo đầu ra đối với những người trồng mai còn lớn hơn bởi mỗi cây mai giá thấp nhất cũng từ 2-3 triệu đồng, những cây mai rừng, gốc to có thể lên tới 8-10 triệu đồng. Bình thường, đây đã là số tiền không hề nhỏ, không nhiều người dám bỏ ra mua nên trong bối cảnh dịch bệnh điều này càng khó hơn.

Cũng theo ông Vũ, tuy người trồng mai thì không lo lỗ vốn bởi nếu Tết không bán được thì họ giữ lại gốc, qua năm tiếp tục chăm sóc, nhưng rõ ràng công sức, tiền phân bón, nước tưới cả năm đều mất trắng. Dĩ nhiên, tết nhất cũng theo đó mà đìu hiu.

Chỉ còn hơn một tháng nữa là tới Tết. Dẫu, lo âu, thấp thỏm, nhưng người trồng hoa vẫn hy vọng về một vụ hoa Tết trọn vẹn niềm vui.

Thùy Hương

Chuyên mục khác