Mơ thấy mùa măng tới

30/06/2019 13:07

Bạn viết trong e mail: Tôi nhớ quay nhớ quắt vị ngai ngái, ngòn ngọt của măng tươi; cái giòn giòn, dai dai của măng khô, rồi lại tự cười mình về nỗi lòng người con xa quê. Nhớ gì không nhớ, sao cứ đăm đắm về vị măng le dân dã của quê nhà? Đêm qua, trong cơn mưa đầu hạ nơi đất khách, tôi lại mơ thấy mùa măng tới...

1. Bạn đi học xa. Những ngày này, mỗi khi "chát chít" với nhau,  thường tíu tít hỏi: Đã vào mùa măng le chưa?

Ờ, mà phải rồi, thông thường hàng năm, khi những cơn mưa đầu mùa trút xuống được ít ngày, khoảng giữa tháng 5, trên phố ta đã thấy thấp thoáng bóng các mẹ, các chị, các em từ những làng ven gùi măng ra phố. Những gùi măng tươi tắn, non mỡ màng sáng cả vệ đường luôn có sức hút mãnh liệt, khiến bao người đi qua phải dừng xe lại để hỏi mua về sử dụng chế biến cho bữa ăn gia đình.   

Nhưng năm nay, không hiểu sao đã giữa tháng 6 rồi mà trên phố vẫn vắng bóng những gùi măng tươi, khiến cho bao người nhớ, bao người nhắc. Tôi có ông anh thích thơ và mê thơ, nhưng càng thích, càng mê măng le hơn, ngày nào anh cũng lên xe máy dạo mấy vòng quanh các con phố và nơi họp chợ để tìm mua măng. Và mỗi lần như thế, anh lại phải thở dài: Sao mùa măng chưa tới?

Nói thật, đã là người Kon Tum, ai mà không thương, không nhớ những mùa măng!

Mùa măng! Nói một cách dễ hiểu, dễ hình dung thì nó trùng khít với mùa mưa. Nhưng cũng xin nói luôn rằng, để tới cuối mùa mới đi kiếm măng hẳn là đã muộn, nên người ta chỉ đi lấy măng le trong vài tháng đầu mùa, muộn hơn, những mụt măng sẽ cao vút lên thành cây.

Tôi nhớ vài lần đi công tác ở Kon Rẫy, Kon Plông, cũng vào mùa măng le. Dọc theo Quốc lộ 24 là những ngọn đồi lúp xúp ken dày  le. Và từ giữa những bụi le rậm rạp ấy, thế nào cũng có những ngọn măng thẳng tắp mới nhô lên, chóp nhọn còn dính đất. Để ý một chút, sẽ thấy bóng người đang ngó nghiêng, vai đeo gùi, trên tay cầm dao (loại dao cán bọc đồng, lưỡi dài, mũi nhọn), hoặc cuốc (loại cuốc ngắn, lưỡi nhỏ cỡ 3 ngón tay, sắc lẻm).

Anh cán bộ xã dẫn đường cũng có một con dao như vậy. Tác dụng lớn nhất của nó là để... đào măng "tối về anh em nhậu lai rai chơi". Trên đường đi, gặp bụi le nào là anh dừng lại tìm kiếm, thấy mầm măng nào mới nhô lên thì lập tức lách lưỡi dao xuống, xắn ngay dưới gốc. Nếu dọc đường gặp bà con bán cá suối nữa thì không còn gì bằng, nhất định sẽ có một nồi canh ngon tuyệt.

2. Người già nói, trong rừng có bao nhiêu giống tre, nứa thì có bấy nhiêu loại măng, nhưng nhiều nhất, ngon nhất vẫn măng le bởi chúng đặc ruột, vị ngọt, bùi, không đắng, cũng không chát, chỉ luộc một nước là ăn được, lại rất lành, dễ chế biến, xào, luộc hay nấu canh suông đều được.

Cây le thuộc họ tre nứa khá điển hình trên vùng đất bazan, có sức phát tán mạnh mẽ, sức sống dẻo dai đến kỳ lạ. Hễ nơi nào có đất trồng trọt là có cây le. Dù bị đốt cháy, nhưng khi tàn lửa, chúng lại đâm chồi khác, mọc khoẻ hơn.

Mùa khô, những bụi le trông te tua, xơ xác, nhưng khi cơn mưa đầu mùa về trên những cánh rừng, chúng lại xanh um, như khoác lên mình tấm áo mới. Ủ sâu dưới đất, những mầm măng mập mạp bắt đầu cựa mình, chỉ vài cơn mưa là đội đất vươn lên, tràn đầy sức sống.

Thường thì mùa măng le rộ kéo dài từ đầu tháng 5 cho đến cuối tháng 9 âm lịch. Còn theo kinh nghiệm của các mẹ, các chị người Ba Na, Xơ Đăng ở các làng ven thành phố, những người gần như gắn cả đời mình với măng, thì cũng chẳng cần biết năm, biết tháng. Khi nào mưa xuống ban ngày, thì trong rừng, măng bắt đầu vào mùa thu hái- bà Kdân H'je (làng Kon Klor) truyền kinh nghiệm cho cháu gái.

Ngon nhất là măng đầu mùa. Qua mấy cơn mưa, những bụi le già xác xơ “ngủ thiếp” bắt đầu “cựa mình, tỉnh giấc” cho một cuộc hồi sinh từ lòng đất trồi lên. Bắt đầu là những mầm măng nhọn như mũi chông, cũng nâu đen, xỉn màu như đất, không quen khó mà nhận ra.

Đặc điểm của loài măng le là khi mới lấp ló mơ hồ, còn “trốn” dưới lá mục, cành khô thì lớn chậm, nhưng lúc đã vươn lên mặt đất thì mọc nhanh lắm. Chỉ vài ba hôm, những “mũi chông” ấy đã thành “cây chông”. Chưa tới 10 ngày, “cây chông” hùng dũng vươn lên, bắt đầu rũ bỏ các mo nang phần gốc, nên hình hài của cây le.

Người già thường dặn con cháu, hái măng là phải hái ngay khi mới nhú lên chừng nửa gang tay, để chậm ít ngày, măng đã già đi, thân cứng lại, bộng ra, lúc này có lấy cũng không còn ngon, phần sử dụng được thì ít, bỏ đi thì nhiều. Nhưng cũng không nên đào măng quá sớm. Cắt sớm, thân măng đặc, mềm, ngon nhưng mụt (mầm) còn nhỏ, lượng măng ít, lãng phí lắm.

Khi hái măng, không bao giờ người ta đào hết tất cả các mụt măng trong một bụi, mà ít nhất cũng để lại vài ba mụt "giữ bụi". Vì vậy mà cây le vẫn quấn quýt, đùm bọc nhau sống mãi với thời gian, dù ở rừng già thâm u hay khoảnh đất ven đường.

Nhiều năm rồi, hễ có mưa đầu mùa, bà Kdân H'je lại dẫn các cháu đi quan sát những bụi le, nếu phát hiện mầm măng thì đánh dấu, ghi nhớ, canh từ lúc măng mới chồi lên tính đến độ 3 ngày sau là vừa cắt.

Mùa măng thường kéo dài nhưng ngon nhất vẫn là măng đầu mùa. Ảnh: TQ

 

3. Mùa măng năm ngoái, tôi và một vài người bạn được bà Kdân H'je chiêu đãi một bữa măng ngon tuyệt.

Hôm ấy, chúng tôi tìm đến nhà bà đúng lúc bà mới đi lấy măng về, lướt thướt giữa trời mưa, trong gùi đầy trĩu những mụt măng chưa được bóc vỏ, mập mạp, lấm lem bùn đất. Hạ gùi măng xuống bậc cửa, bà đấm đấm lưng, than: Già rồi, đi loanh quanh trên rẫy thôi mà cũng mỏi. Mấy người trẻ, còn sức đi vào núi xa lấy được nhiều hơn, măng ngon hơn.

Nghe bà kể nhẹ nhõm vậy, nhưng chúng tôi đều biết, bây giờ lấy măng không hề dễ dàng. Người đi đào măng phải khăn gói vào núi từ sáng sớm, hì hụi đào, bới mới lấy được măng. Không buổi lấy măng nào tránh được gai cào rách da, thậm chí còn bị rắn cắn, ong đốt...

Cả nhà xúm vào bóc vỏ măng. Chỉ một loáng đã có một rổ nõn măng như những ngón tay thon dài nhuốm màu xanh cốm. Cứ như ý chúng tôi, loại măng le này chỉ cần luộc chín kỹ, chấm với nước mắm thôi cũng đủ khiến người ta hít hà khi thưởng thức những miếng măng giòn, ngọt nơi đầu lưỡi. Sang hơn thì ninh măng cùng xương heo..., vị ngọt của xương quyện với vị măng sẽ làm vừa lòng bất cứ người khách khó tính nào.

Nhưng không, hôm ấy, bà Kdân H'je đã đãi khách bằng món măng nấu cá suối đặc biệt ngon.

Bà rửa sạch măng rồi thái mỏng. Cá suối rửa sạch, những con to mổ bỏ ruột rồi cứ để nguyên con. Cho măng vào nồi nấu trước, khi măng chín, bà chắt bỏ đi nước đầu, sau đó cho nước mới, nấu sôi thì cho cá vào rồi nêm mắm muối, gia vị. Tiếp tục đun trên bếp khoảng 10 phút cho cá chín và vị ngọt của cá thấm đều vào măng. Để làm tăng thêm hương vị và khử mùi tanh của cá suối, bà cho thêm một ít lá é.

Khỏi phải nói cũng biết, đó là một bữa cơm với măng nhớ đời. Vị ngọt tươi thơm ngon của cá suối cùng với vị giòn sần sật của măng le khiến những ai đã từng một lần thưởng thức khó có thể quên.

Số măng còn lại, bà chế biến món măng ủ ống nứa. Bà cắt lấy phần đọt non, xắt lát mỏng ngâm nước muối rồi bỏ vào nồi đất 3 ngày 3 đêm cho lên men, sau đó trộn ớt, gừng đảo đều tay trên bếp lửa, măng ngả màu nâu đất thì bắc xuống cho vào ống nứa ăn dần trong 1-2 tháng.

Mai mốt chính vụ, măng nhiều, bà sẽ làm măng khô. Măng hái về để nguyên mụt, lột vỏ, lấy phần non, rửa sạch rồi chẻ đôi, cắt ngang, nếu măng lớn thì xẻ làm tư. Cho măng vào nồi luộc, thêm một ít muối, chừng mươi phút, chắt nước đầu rồi đổ nước khác vào, tiếp tục làm như thế thêm hai lần nữa mới hết mùi hăng. Măng chín tới, thử đọt măng không đắng, có vị ngọt xem như đã thành công.

Bà Kdân H'je còn được một người cháu đến nhà chơi kể cho nghe chuyện măng khô đã trở thành sản phẩm hút khách của nhiều làng vùng Đăk Hà, Kon Rẫy. Vì vậy, bà đang ấp ủ chuyện làm măng khô bán cho khách du lịch đến làng.

Nhắc lại bữa cơm với món măng nấu cá suối của bà Kdân H'je, tôi lại nhớ đến câu nói của ông anh nhà thơ: Tôi đã thử nếm gần như đủ các thứ măng rừng, từ Bắc chí Nam, nhưng thấy không ở đâu ngon bằng măng le quê mình. Phải chăng măng le đã thu hết vào mình tinh khí của rừng núi, nên mới ngọt ngon, giòn dịu đến vậy.

Đêm qua, trong cơn mưa đầu hạ nơi đất khách, tôi lại mơ thấy mùa măng tới ông ạ- bạn viết trong email- Giờ mà được một bó măng le tươi kho với cá nục nhỉ! Tôi nhớ quay nhớ quắt vị ngái ngái, ngòn ngọt của măng tươi; cái giòn giòn, dai dai của măng khô. Nỗi lòng của người con xa quê là vậy. Nhớ gì không nhớ, cứ đăm đắm vị măng le quê nhà.

Đọc email của bạn mà cũng phải hít hà, cứ như trước mắt mình là nồi cá kho măng thơm lựng. Miếng cá nục cứ tơi ra, thơm và ngọt. Miếng măng cứ vàng óng ả lên. Nhớ nêm cho đậm đà một chút, có cà chua, ớt đỏ phi lên cho nước dùng óng ánh tươi, trên rắc tiêu, hành cho thơm. Ăn tới đâu biết tới đó...

Ra vậy. Đâu chỉ mỗi người đi xa mới nhớ, mới mơ thấy mùa măng tới, mà người ở quê nhà cũng thương, cũng nhớ hương vị măng le.

Đã vào mùa mưa khá lâu rồi, sao vẫn chưa tới mùa măng?

Thành Hưng

Chuyên mục khác