Mô Rai ngày trở lại

26/11/2019 06:03

Lâu lắm tôi mới trở lại Mô Rai - một trong các xã biên giới phía Tây Nam của huyện Sa Thầy. Trước đây, Mô Rai như một “ốc đảo” bởi giao thông chia cắt, từ khi Tỉnh lộ 674 được Nhà nước đầu tư xây dựng, dẫu còn có những đoạn lầy lội do sạt lở..., nhưng đã giúp Mô Rai thoát khỏi tình trạng biệt lập, từng ngày bừng lên sức sống mới...

Lần trở lại này, chúng tôi đi nhờ xe bán tải của thầy giáo Võ Hoàng Sơn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học -THCS Võ Nguyên Giáp (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy). Tỉnh lộ 674 nối thành phố Kon Tum đến các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Sa Thầy và huyện Ia H‘Drai rồi thông với tỉnh Gia Lai vẫn đang được đầu tư xây dựng nên một số đoạn bị sạt lở đất đá và lầy lội. Từ thành phố Kon Tum đến Mô Rai chỉ trên 100km, nhưng xe chúng tôi phải đi gần 3 tiếng đồng hồ mới đến nơi.

Vào đến ngôi làng đầu tiên của xã, hiện ra trước mắt chúng tôi là một rừng cao su bạt ngàn xanh tốt. Trên các đồi cao là những rẫy mì đang bước vào mùa thu hoạch. Dọc hai bên Tỉnh lộ 674 là những dãy nhà của công nhân Công ty Cao su 78 và các làng đồng bào DTTS tại chỗ xen kẽ nhau. Bên các bãi bồi ven sông là những bãi mía ngút ngàn... Tất cả đều ngời ngời sức sống.

Đến xã đã quá trưa, thêm phần thấm mệt sau chặng đường dài, chúng tôi nghỉ lại Trường Tiểu học - THCS Võ Nguyên Giáp. Tại đây, chúng tôi được tâm sự rất nhiều với các thầy cô giáo về cuộc sống nơi đây. Bữa cơm đạm bạc giữa vùng biên giới xa xôi của chúng tôi đong đầy niềm vui và ấm áp nghĩa tình.

Chiều đến. Chúng tôi mượn xe máy của thầy cô giáo đến một vài điểm trong xã để có tư liệu viết bài về vùng biên Mô Rai sau nhiều năm trở lại. Một trong những điểm đến của chúng tôi là làng Le - làng của đồng bào dân tộc Rơ Măm (một trong những DTTS rất ít người hiện nay của nước ta). Già làng A Blong tiếp chúng tôi như người thân lâu ngày gặp lại trong niềm vui khôn tả.

Vừa nhâm nhi chén nước chè xanh đặc quánh, thơm phức của vùng đất đỏ bazan, chúng tôi vừa hàn huyên tâm sự. Già làng A Blong chậm rãi kể: Mô Rai bao đời nay trung kiên với Đảng, với Bác Hồ, nên hôm nay mới có được cuộc sống ấm no và hạnh phúc. Ngày xưa, người dân tộc Rơ Măm có quá nhiều hủ tục, nên ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Nhờ có cán bộ cách mạng đến chuyển giao các tiến bộ khoa học-kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi nên người dân đã có của ăn, của để. Đặc biệt, cán bộ đã bày cho cách “ăn chín, uống sôi”, biết phòng ngừa các loại dịch bệnh, nên sức khỏe của người dân đã được nâng lên đáng kể...

Một giờ học của cô trò Trường Tiểu học - THCS Võ Nguyên Giáp. Ảnh: TVP

 

Rời làng Le, chúng tôi thả bước trên đường Mô Rai trong ráng chiều nhạt nắng. Dưới những cánh rừng mênh mông, những đàn chim bay lượn lững lờ, chúng tôi thấy nơi đây thật yên bình.

Đêm bắt đầu xuống. Vùng biên giới phía Tây Nam của tỉnh ngời sáng ánh điện. Ở lại với thầy cô giáo trong khu tập thể nhà trường, tuy phòng ốc còn chật chội, nhưng mọi thứ đều ngăn nắp, sạch sẽ, bởi các thầy cô còn làm gương cho học trò nội trú về nếp sống, mỗi khi các em đến thăm hoặc hỏi bài vở.

Trong câu chuyện trường lớp, các thầy cô giáo nơi đây đều tấm tắc khen ngợi tính ham học của người dân từ nhiều nơi về đây chung xây đời mới. Phần lớn phụ huynh học sinh đều khao khát con em mình được học hành đến nơi đến chốn để sau này có kiến thức tính toán làm ăn.

Sáng hôm sau, cũng bằng chiếc xe máy, chúng tôi tiếp tục đến các thôn làng trong xã để tìm hiểu thêm về cuộc sống nơi đây. Con em ở Mô Rai bây giờ được chăm lo học hành đầy đủ. Các ngôi trường phần lớn được xây dựng dọc hai bên Tỉnh lộ 674, tạo điều kiện thuận lợi cho các em đến lớp học tập. Khi tan trường, con em công nhân đã có xe ô tô của Công ty Cao su 78 đưa đón về đến tận nhà, còn các em khác thì được cha mẹ đưa đón bằng xe máy, rất thuận tiện và an toàn.

Điều đáng ghi nhận, ba năm học qua, ngành Giáo dục huyện đã cùng với chính quyền địa phương và Công ty Cao su 78 đầu tư cơ sở vật chất mở lớp nhô cấp 3 cho các em học tại địa bàn xã. Nhờ đó, các em sau khi học xong cấp 2 đã có điều kiện học tiếp chương trình cấp 3 mà không phải ra thị trấn Sa Thầy cách hơn 70km đường rừng.

Đến UBND xã Mô Rai, ông H Rách Láo - Chủ tịch UBND xã niềm nở tiếp chúng tôi và cho biết: Mô Rai nay đã đổi thay nhiều rồi. Đặc biệt, trong 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (2009-2019), được sự hỗ trợ của Nhà nước và chính quyền các cấp, cùng với sự nỗ lực của nhân dân, đến nay đời sống của bà con đã được nâng lên đáng kể. Giai đoạn 2011-2019, xã đã huy động tổng các nguồn vốn thực hiện xây dựng nông thôn mới được 12,179 tỷ đồng, hiện xã đã đạt 10/19 tiêu chí. Trong đó, các tiêu chí về thủy lợi, điện, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin và truyền thông, lao động có việc làm, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, quốc phòng và an ninh là những tiêu chí đã thực hiện được, làm tiền đề để xã biên giới Mô Rai có điều kiện phát triển bền vững sau này.

Nếu so với các xã có điều kiện thuận lợi trong huyện thì con số ấy chưa cao, nhưng đối với một xã biên giới còn nhiều khó khăn như Mô Rai thì đó là kết quả rất đáng ghi nhận. Kết quả ấy đến từ sự nỗ lực, chung tay của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã.

“Điều quan trọng nhất là nhận thức của đa số người dân trong xã về xây dựng nông thôn mới đã có sự chuyển biến rõ rệt và đã trở thành phong trào rộng khắp trong các khu dân cư. Theo đó, diện mạo nông thôn Mô Rai đã được đổi mới và văn minh hơn; cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp; hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố; thu nhập và điều kiện sống của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao; dân chủ cơ sở, ý thức và trách nhiệm làm chủ của người dân từng bước được thể hiện rõ rệt. Qua đó, đã phát huy được nhiều cách làm sáng tạo, góp phần huy động được nhiều nguồn lực đóng góp cho xây dựng quê hương - ông H Rách Láo khẳng định.

Chia tay Mô Rai sau hai ngày đêm cùng ăn, cùng ở với bà con, chúng tôi tin rằng, với tình đoàn kết, sự nỗ lực và việc khai thác hiệu quả các tiềm năng lợi thế của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Mô Rai sẽ tiếp tục đổi thay mạnh mẽ, trở thành xã vùng biên no ấm, ổn định và phát triển.

Trần Văn Phúc

Chuyên mục khác