Miệt vườn trên đất Kon Tum

29/01/2020 13:07

Hòa giữa màu xanh của núi rừng Kon Tum - vùng cực Bắc Tây Nguyên, không khó để du khách được tận hưởng không khí trong lành và màu xanh bát ngát của những vườn cây với đủ loại bơ, cam, bưởi… và thỏa thuê ngắm nhìn trái cây lúc lỉu, đong đưa trên cành, chẳng khác gì đến với miệt vườn đồng bằng Sông Cửu Long. Đó chính là thành quả của những con người “chân lấm tay bùn”, dám suy nghĩ và hành động, biến những vùng đất khô cằn, “bom cày đạn xới” năm xưa thành “miệt vườn” cho hoa trái ngọt lành.

Dám nghĩ dám làm

Hơn 10 năm trước, ít ai dám bỏ hàng trăm triệu đồng để đầu tư trồng sầu riêng. Bởi, vào thời điểm đó số tiền trên không hề nhỏ với một gia đình nông dân, trong khi đó việc trồng loại cây này chưa chắc chắn sẽ cho hiệu quả kinh tế trên vùng đất Kon Tum. Ấy vậy mà ông Phạm Văn Khiêm (xã Ia Chim, thành phố Kon Tum) dám bỏ ra số tiền như trên để đầu tư trồng 2ha sầu riêng. Nhưng chính nhờ sự táo bạo mở ra hướng đi mới trong trồng trọt mà hôm nay gia đình ông có nguồn thu nhập ổn định vài trăm triệu đồng mỗi năm từ khu vườn sầu riêng rộng hơn 2ha. Đó là sự đền đáp xứng đáng cho việc dám nghĩ, dám làm với quyết tâm cao của ông Phạm Văn Khiêm.

Ông Phạm Văn Khiêm cho biết, vườn sầu riêng của gia đình ông có hơn 220 cây với 2 loại giống của Việt Nam và Thái Lan. Ban đầu, ông Khiêm đầu tư hơn 200 triệu đồng trồng sầu riêng và tự mày mò nghiên cứu quy trình trồng, chăm sóc. Cho đến nay, mỗi năm bình quân cũng cho thu từ 25-30 tấn/2ha, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Lẽ dĩ nhiên, để có ngày hôm nay, bản thân ông Khiêm phải trải qua nhiều ngày gian khó. Ông không ngừng tìm tòi, học hỏi kỹ thuật, và tự đúc rút kinh nghiệm trong quá trình trồng, chăm sóc. Vườn sầu riêng của gia đình ông Khiêm được ứng dụng công nghệ sạch như dùng phân hữu cơ, tưới nước tự động, không dùng hóa chất... nên luôn đảm bảo về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, cho ra thị trường sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Vườn sầu riêng sạch của ông Phạm Văn Khiêm. Ảnh: VP

 

Biết được sản phẩm sầu riêng sạch, không ít người ở thành phố Kon Tum đến tận vườn sầu riêng của gia đình ông Khiêm vừa để mua, vừa để được ngắm cảnh, thưởng thức sầu riêng ngay trong vườn. Nhiều người trong và ngoài tỉnh còn tìm đến để tham quan, học tập.

Tương tự, ông Nguyễn Xuân Tiên (thôn 3, xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum) cũng tìm hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh và thu được thành quả khi đầu tư trồng cây ăn quả. Cách đây 5 năm, ông bắt đầu ý tưởng hình thành “miệt vườn” ngay trên diện tích đất của gia đình mình với loại cây chôm chôm để làm du lịch. Nghĩ là làm, ông lặn lội vào tận Đồng Nai mua 60 cây chôm chôm giống về trồng trên diện tích 1ha. Sau bao năm vất vả, chăm sóc, vườn chôm chôm đem lại hiệu quả kinh tế cao. Các cây chôm chôm ra quả trĩu cành. Từng chùm chôm chôm đỏ rực nặng trĩu, vít cành xuống sát đất; nhiều cành nặng quá, ông Tiên  phải dùng cây chống để không gãy.

Ông Nguyễn Xuân Tiên chia sẻ: Qua một vài lần xem ti vi, tôi thấy miệt vườn của một số hộ dân ở đồng bằng sông Cửu Long có cây trái đẹp quá. Từ đó, tôi suy nghĩ tìm loại cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương. “Tôi thấy loại chôm chôm vừa dễ trồng, vừa được nhiều người thích ăn và đặc biệt, khi quả chín đỏ đan xen với màu xanh của lá nhìn rất đẹp, ấn tượng; khi chụp lên ảnh, hoặc quay phim thì nhìn càng đẹp hơn - cũng bởi ý định ban đầu là trồng cây ăn quả kết hợp làm du lịch tham quan vườn cây nên tôi quyết định trồng loại cây này” - ông Tiên giải thích việc mình lựa chọn cây chôm chôm để trồng.

Quyết là làm, ông Tiên bắt tay vào nghiên cứu cách trồng, chăm sóc. Sau ba năm, cây chôm chôm đã không phụ công người, sinh trưởng nhanh, tốt. Khi chôm chôm cho quả, vào mùa chín, ông Tiên bắt đầu mở vườn cho khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh. Mỗi người đến ông thu với giá 30.000 đồng. Khách muốn ăn hái ngay tại vườn thì không lấy tiền nhưng khi khách có nhu cầu mua về thì hái bán theo giá thị trường. Tại mỗi gốc gây, ông đều đặt một thùng rác để nhắc nhở, nhắn nhủ người đến tham quan không xả rác bừa bãi, cùng ý thức bảo vệ môi trường. Cứ vậy, “tiếng lành đồn xa”, vườn chôm chôm của gia đình ông Tiên ngày càng được nhiều du khách tìm đến, không chỉ ở trong tỉnh mà từ ở các tỉnh, thành phố khác như Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh...

Ông Tiên khoe với chúng tôi, thời gian tới, ông sẽ trồng thêm một số loại cây khác như cam, bơ, xoài... đào ao thả cá, nuôi gà thả vườn cho khu vườn phong phú, đa dạng nhằm thu hút khách du lịch đến tham quan, góp phần nâng cao thu nhập.

Bắt “đất cằn nở hoa”

Bạn tôi nhiều lần giới thiệu và mời tôi về xã biên giới Mô Rai (huyện Sa Thầy). Theo lời bạn, đến đây sẽ bắt gặp những vườn bưởi, vườn cam trĩu quả, đẹp không kém gì các miệt vườn Nam bộ. Thú thật, tôi vẫn “bán tín, bán nghi”, bởi Mô Rai từ trước đến nay vốn là vùng đất cằn cỗi, người dân ở đây chủ yếu là trồng cao su, mì... Và để thỏa sự “tò mò nghề nghiệp”, tôi quyết định cùng người bạn tìm về vùng biên Mô Rai để được “thực mục sở thị” miệt vườn giữa biên cương.

Ông Xuân bên khu "miệt vườn" của mình. Ảnh: VP

 

Sau gần nửa ngày trên xe, dọc theo Quốc lộ 14C, gần trưa, chúng tôi đến được khu “miệt vườn” anh bạn tôi giới thiệu. Chủ vườn là ông Nguyễn Văn Xuân. Nhìn bên ngoài, không có vẻ là “miệt vườn”, nhưng khi mở cánh cổng vào sâu khoảng vài chục mét, khu vườn nhà ông hiện ra với với đủ loại cây trái, khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng.

Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, ông Nguyễn Văn Xuân giải thích: Trước đây, khu đất gần 6ha này được người dân chủ yếu trồng mì bởi vì đất cắn, sau khi mua lại, thời gian đầu tôi cũng chỉ trồng mì nhưng sau đó thấy không hiệu quả, tôi nghĩ phải trồng cây khác như cây ăn quả chẳng hạn.

Nghĩ là làm, nhận thấy ở địa bàn chưa có ai phát triển trái cây sạch nên ông Xuân tự nghiên cứu trồng thử nghiệm. Cây đầu tiên ông chọn là bưởi rồi đến cây cam. Nhưng đất ở đây cằn cỗi, trồng cao su, mì - những loại cây vốn dễ thích nghi với nhiều chất đất còn còi cọc thì trồng bưởi, cam lấy đâu ra quả? Để giải quyết khó khăn này, ông Xuân nghiên cứu, tìm cách cải tạo đất. Ông Xuân cũng không nhớ nổi đã mua bao nhiêu bao trấu ủ vi sinh, xử lý đất, kiên trì là vậy, cuối cùng ông cũng thành công, cây trồng bắt đầu phát triển trên khu vườn ông Xuân. Những chồi non cứ thế vươn lên, xòe tán khiến cả khu đất rộng nhanh chóng được lấp đầy bởi cây cối xanh mướt.

Sau thời gian, thấy cây ăn quả mình trồng đạt năng suất, chất lượng và có thể phát triển được trên vùng đất này, từ năm 2014, ông Xuân bắt đầu mở rộng diện tích trồng cây ăn quả. Đến nay, vườn trái cây của ông Xuân đủ loại như cam, quýt, bưởi, ổi, na... phủ kín gần 5ha nằm dọc trên sườn đồi giữa biên cương. Chất lượng trái cây của ông được người tiêu dùng đánh giá cao và đảm bảo an toàn. Bởi, vườn cây ăn quả của ông Xuân được sản xuất hoàn toàn bằng quy trình sạch. Từ khâu chọn giống, trồng và chăm sóc ông đều theo tiêu chuẩn “sạch hoàn toàn”, nghĩa là không dùng thuốc bảo vệ thực vật; sử dụng phân bón hữu cơ nhập khẩu từ Nhật Bản; hệ thống nước tưới được đầu tư bài bản, phun tưới tự động.

Năm 2018 là năm đầu tiên vườn cây ăn quả của ông Xuân cho thu hoạch  hơn 5 tấn quả. Dự kiến năm 2019 này sẽ tăng gấp đôi. Hiện, nguồn trái cây của gia đình ông Xuân cung ứng cho thị trường ở huyện Sa Thầy và một số huyện lân cận. Đến vụ thu hoạch, trái cây của vườn ông Xuân được người dân đón nhận, nhiều khi không đủ cung ứng cho thị trường.

Dạo quanh khu vườn rợp bóng cây, được ngắm, được nhìn, được thưởng thức những vị ngọt và được đắm mình trong những vườn cây ăn trái của “miệt vườn” giữa mênh mông núi rừng Tây Nguyên thực sự là trải nghiệm vô cùng thú vị đối với mỗi du khách khi đặt chân đến Kon Tum.

Văn Phương

Chuyên mục khác