Mây bay trên đỉnh Sạc Ly

27/12/2020 13:06

Chúng tôi lên điểm cao Sạc Ly vào một ngày cuối năm. Đỉnh đồi vẫn trơ trọi, hoang hoải trong gió ngàn. Gần nửa thế kỷ trôi qua, gió mây vẫn rì rầm hát mãi khúc tráng ca về những ngày khói lửa, mất mát nhưng oai hùng.

Trận chiến trên điểm cao

Tây Nguyên cuối mùa mưa, gió đã hoang hoải, cỏ đuôi chồn trổ bông trắng xám một màu trên triền đồi. Huyện Sa Thầy được bao bọc bởi lớp lớp núi non. Và kia, ngọn đồi Sạc Ly sừng sững giữa mây ngàn.

Chúng tôi vượt những đèo dốc, đi về hướng ấy. Đồng hành cùng chúng tôi là vợ chồng ông Khuất Việt Hùng- Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, con trai út của Trung tướng, Anh hùng LLVT Khuất Duy Tiến – nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân; Bí thư Huyện ủy Sa Thầy Nguyễn Ngọc Sâm.

Sau nhiều giờ đi ô tô, chuyển sang xe máy rồi đi bộ, chúng tôi mới tiếp cận được đỉnh đồi Sạc Ly để nhìn nơi lưu dấu của Trung đoàn 64. Ông Nguyễn Ngọc Sâm cho biết, gần 50 năm trước, nơi đây đã diễn ra những trận đánh ác liệt giữa các Trung đoàn bộ binh 64, 52, 48 và Tiểu đoàn 19 đặc công thuộc Sư đoàn 320A của ta với lực lượng đóng giữ của quân lực VNCH có sự chi viện của pháo binh, máy bay.

Vời vợi ngọn đồi Sạc Ly – điểm cao 1015 nơi lưu dấu chiến tích của một trận chiến lịch sử ở Tây Nguyên. Ảnh: Y.N

 

Khúc tráng ca ấy bắt đầu từ tháng 2/1972. Để đối phó với các đợt tiến công của ta hướng Tây Bắc sông Pô Kô, từ trung tuần tháng 2 đến ngày 2/4/1972, địch đã đưa Tiểu đoàn số 2 (Lữ đoàn dù 2) và Tiểu đoàn số 11 (Lữ đoàn dù 3) chiếm dãy cao điểm Tây Bắc Kon Tum, lập vành đai ngăn chặn, tăng cường phòng ngự ở khu vực này.

Khu vực điểm cao 1015, được người Mỹ và Quân đội Sài Gòn gọi là Charlie (hay Sạc Ly), đây là một mắt xích quan trọng trong tuyến phòng thủ dày đặc phía Tây sông Pô Kô, được giao cho Tiểu đoàn dù 11 chốt giữ. Điểm cao có địa hình hiểm trở, địch xây dựng công sự, vật cản dày đặc, tổ chức hỏa lực nhiều tầng, được pháo binh máy bay chi viện cao, quyết ngăn chặn quân ta.

Để thực hiện cho được ý định nhanh chóng đập vỡ tuyến phòng thủ ngăn chặn vòng ngoài của địch, đưa lực lượng tiến sang đường 14, Bộ Tư lệnh chiến dịch và Sư đoàn 320A giao cho Trung đoàn 64 tiến công tiêu diệt Tiểu đoàn dù 11 thuộc Lữ dù 3 ở Tây Nam điểm cao 1015. Đêm 11 rạng ngày 12/4, Trung đoàn 64 do Trung đoàn trưởng Khuất Duy Tiến và Chính ủy Phạm Văn Đông chỉ huy bí mật tiến vào chiếm lĩnh trận địa xung quanh điểm cao 1015.

Sau một ngày chiến đấu, ta đã chiếm được một số mục tiêu quan trọng, tiêu diệt một phần Tiểu đoàn 11 dù, nhưng cũng gặp khó khăn, tổn thất. Xét thấy khả năng mở tiếp các đợt tiến công trong ngày không còn nữa, Trung đoàn trưởng Khuất Duy Tiến lệnh cho các phân đội củng cố công sự, giữ bàn đạp để ngày hôm sau tiếp tục tấn công.

Từ 9-16h 35 phút ngày 14/4, ta dùng pháo và cối bắn phá mạnh vào các mục tiêu M1, D2, trúng sở chỉ huy tiểu đoàn địch, phá sập nhiều công sự, diệt nhiều sinh lực địch và cháy 2 kho, hạ 9 máy bay các loại…

Đêm 14 rạng ngày 15/4, Trung đoàn 64 đã làm chủ hoàn toàn điểm cao 1015. Ở phía điểm cao 1049, được người Mỹ và Quân đội Sài Gòn đặt tên là Delta, các chiến sĩ quả cảm của Trung đoàn 52, Sư đoàn 320 cũng hoàn thành nhiệm vụ, tiêu diệt Tiểu đoàn 2 thuộc Lữ đoàn dù 2 Quân đội Sài Gòn.

Chiến thắng ở dãy điểm cao 1015 và 1049 ở bờ Tây sông Pô Kô của quân và dân ta trong chiến dịch Xuân Hè năm 1972 góp phần tạo thế phát triển cho toàn chiến dịch, đồng thời hạ uy thế "lực lượng tin cậy nhất trong các lực lượng trù bị quốc gia" của địch. Tiến tới thực hiện bước 2 của chiến dịch là tiêu diệt Sư đoàn bộ binh 22 và Trung đoàn thiết giáp 14, giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh vào ngày 24/4/1972, tạo thế và lực cho lực lượng ta sau này thực hiện chiến dịch tổng tiến công giải phóng tỉnh Kon Tum và toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Gần nửa thế kỷ trôi qua, gió mây Sa Thầy vẫn rì rầm hát mãi khúc tráng ca về những ngày khói lửa, mất mát nhưng oai hùng ấy.

Gói thuốc lào gửi những người lính

Điểm cao 1015 hiện ra trong tầm mắt là một quả đồi trơ trọi, hoang hoải, như chứng tích của cuộc chiến, với đạn bom tàn khốc, với những đợt rải thảm chất độc da cam. Hàng vạn cây xanh được đưa lên trồng, nhưng không sống nổi. Nơi đây vẫn chỉ có những mảng cỏ tranh loang lổ trên nền sỏi đá xám xịt.

Nhìn đồi Sạc Ly bạt ngàn cỏ tranh, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Ngọc Sâm cho chúng tôi biết tại hai điểm cao 1015, 1049 vẫn truyền đi những câu chuyện đượm màu huyền thoại về hương hồn những người lính Cụ Hồ. Đó là những đêm không trăng sao, một người công nhân xây dựng ở đây thức dậy lúc nửa khuya khi ra khỏi lán trại bỗng như lạc vào thế giới tâm linh. Trong màn sương khói phủ dày, có một đoàn quân thấp thoáng hành quân. Những tiếng hô xung phong, những người lính xung trận lẫn vào giữa mù mịt sương giăng.

Ông Khuất Việt Hùng – Con trai Anh hùng LLVT, Trung tướng Khuất Duy Tiến viếng mộ đồng đội của cha. Ảnh: Y.N

 

Ông Khuất Việt Hùng rưng rưng thắp nén nhang thơm viếng đồng đội của cha. Ký ức tuổi thơ của ông gắn liền với câu chuyện đi cùng năm tháng của vị cha già kính yêu. “Dù chưa đến nơi đây, nhưng ký ức của tuổi thơ luôn được cha nhắc nhớ. Niềm đau đáu bởi nơi đây có nhiều đồng đội của cha tôi đến nay vẫn chưa xác định được tên, các chú, các bác đã hoà vào đất đai, cây cỏ. Những bia mộ vô danh ở Nghĩa trang liệt sĩ Sa Thầy luôn là nỗi trăn trở, là sự day dứt khôn nguôi của ông cụ”- ông Hùng chia sẻ.

Trong hành trang về với miền đất này, có một thứ quà đặc biệt. Giữa hương hồn của những người chiến sĩ đã khuất, ông Hùng mở bọc nilon, đặt lên bàn thờ những lá thuốc lào khô vàng màu cánh gián, gói trong giấy báo, rồi cung kính thắp nhang nguyện cầu. Mùi thuốc lào Vĩnh Bảo thơm quyện vào gió, phảng phất lẫn hương trầm.

Theo sự chỉ dẫn của những người dân địa phương, vợ chồng ông Khuất Việt Hùng đi đến bên kia ngọn đồi Sạc Ly , nơi có một am thờ nhỏ do những cựu binh của Tiểu đoàn dù số 11 thất trận, di tản sang Mỹ, trở về lập nên. Ông lặng lẽ thắp nhang và cầu nguyện cho hương hồn những người tử trận được siêu sinh tịnh độ, an lạc.

Chúng tôi rời ngọn đồi Sạc Ly, khi hoa đào do cựu chiến binh ở miền Bắc đem vào trồng năm nào bắt đầu nở hoa. Mùi thơm của lúa rẫy chín vàng bên sông Pô Kô phảng phất. Và trên đỉnh Sạc Ly, mây theo gió tản đi khắp ngả lại tụ về. Chiến tranh đã đi qua gần nửa thể kỷ, dưới chân đồi, cao su, cà phê mọc lên ngút ngàn một màu xanh, xoá nhòa đi mất mát, làm dịu đi đau thương.

Xa xa, những ngôi nhà với màu ngói đỏ tươi hừng lên trong nắng mới!

Vĩnh Yên - Phúc Nguyên

Chuyên mục khác