“Lộc trời”

29/12/2017 13:38

​Yến là loài chim thường sống và làm tổ trên các núi đá ở đảo biển. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều người dân ở tỉnh ta còn có cơ duyên được chim yến đến làm tổ và sinh sôi nảy nở tại nhà. Tổ chim yến hay còn gọi là “lộc trời” đã cho người nuôi có thu nhập khá cao.

Duyên kỳ ngộ

Quen anh đã lâu, nhưng phải sau mấy lần hẹn tôi mới được mục kích tường tận ngôi nhà nuôi yến và nghe anh kể về thú vui tao nhã ngắm đàn chim yến chao liệng trước áng mây chiều…

Người được trời ban lộc đó là anh Dương Chuyện, ở phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum. Anh Chuyện kể rằng, việc anh nuôi yến hay nói đúng hơn được trời ban lộc yến là duyên kỳ ngộ. Nhà anh ở, trước nhà có hàng dừa. Vào một buổi chiều sau giờ làm việc, anh đưa mắt lên hàng dừa xanh thư giãn. Bỗng nhiên, anh phát hiện có mấy cặp chim ngủ trên hàng dừa. Ban đầu anh nghĩ là chim én, nhưng sau khi nhìn kỹ lại là chim yến.

Vốn là dân ven biển miền Trung, việc phân biệt chim yến với anh không khó. Anh nghĩ có lẽ đây là “lộc trời”. Nắm bắt cơ hội, tìm hiểu nhiều người nuôi yến ở các tỉnh ven biển và Thành phố Hồ Chí Minh, anh mời chuyên gia yến sào lên khảo sát địa thế.

Sau cái gật đầu của chuyên gia cùng với sự tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật, năm 2012 anh bắt đầu xây nhà nuôi yến và đưa máy chim yến về lắp đặt để dẫn dụ yến. Chẳng bao lâu, yến kéo nhau về. Lúc đầu vài cặp, sau đó đàn yến tăng dần lên qua năm tháng. Đến nay, đàn chim yến nhiều không đếm xuể.

Hàng ngày, cứ 5h sáng yến đi ăn, 4-5h chiều yến kéo nhau về. Theo thói quen, trước khi vào tổ, vào nơi nghỉ ngơi, từng cặp yến quần trên mái nhà vài vòng rồi mới vào hẳn. Bởi vậy, nuôi chim yến, ngoài giá trị kinh tế, còn là một thú vui tao nhã. Hàng ngày buổi chiều sau giờ làm việc, anh Chuyện thường về nhà ngồi xem yến chao liệng. Xem yến chao liệng, anh có thể biết sự tăng trưởng của đàn yến.

Cơ sở nuôi yến của gia đình anh Chuyện. Ảnh: V.N

 

Ngắm yến, thả hồn cùng chim yến, anh khám phá ra nhiều tập quán đáng yêu của loài chim yến. Chim yến sống rất hiền hòa, không bao giờ cắn nhau. Trước nhà yến có hàng cây, nhưng yến không bao giờ đậu trên cây mà thường chao liệng trên không trung rồi mới chui vào tổ, vào nơi nghỉ ngơi. Trong nhà yến có nhiều tổ, nhưng yến không bao giờ ở nhầm tổ nhau, tranh giành nhau. Tổ của cặp nào cặp ấy ở; con của cặp nào cặp ấy nuôi.

Tiếng là nuôi yến, nhưng anh cũng như nhiều người thành công trong giới nuôi yến đều không phải tốn tiền mua thức ăn cho yến. Thức ăn của yến là các loài phù du trên bầu trời. Hàng ngày, yến bay trên bầu trời kiếm ăn xa hàng trăm cây số, chiều tối mới kéo nhau bay về. Dù chao liệng trên bầu trời kiếm ăn xa cỡ nào, nhưng yến không bao giờ lạc tổ, bỏ con phải đói. Kiếm ăn cả ngày, chiều về yến mớm thức ăn cho con. Chim con há miệng cho mẹ mớm mồi kêu ríu rít, nghe rất vui tai.

Nuôi yến, người nuôi chỉ tốn tiền ban đầu xây nhà cho yến. Khi đã dụ được yến về nhà, yến không bao giờ bỏ đi, trừ trường hợp nơi ở quá chật cần phải phân đàn hoặc môi trường nơi ở bất ổn, không an toàn cho bầy đàn. Đàn chim yến gắn bó với gia đình anh từ đó đến nay liên tục sinh sôi nảy nở.

Khai thác lộc trời

Từ cái duyên kỳ ngộ, gia đình anh gắn bó với chim yến và quý chim yến. Nghiên cứu về chim yến, anh Chuyện cũng như nhiều chuyên gia yến cho rằng, yến có những đức tính quý của người quân tử: nhân, nghĩa, lễ, trí và tín.

Nhân là yến sống rất hiền hòa, không bao giờ cắn nhau. Nghĩa là yến sống rất thủy chung, không bao giờ xa nhau. Lễ là dù đông hàng trăm, hàng nghìn con nhưng chim yến vào ra nơi ở trật tự, không chen lấn. Trí là dù hàng ngày bay lượn trên bầu trời đi kiếm ăn xa hàng trăm cây số, nhưng không bao giờ yến lạc đường về. Tín là khi chọn nơi nào làm chỗ ở, yến thường ở mãi nơi đó.

Con chim yến làm tổ, nhả ra sợi tơ tinh túy được chắt lọc từ cơ thể cho gia chủ. Tổ chim yến nuôi trong nhà cũng như tổ chim yến trong môi trường tự nhiên, hoàn toàn không có sự khác biệt, bởi ở đâu yến cũng ăn phù du, động vật nhỏ bay trên không. Ở đâu làm tổ, yến cũng chỉ nhả nước dãi tinh túy từ cơ thể mình để làm tổ.

Tổ yến có nhiều dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe con người. Chính vì vậy, ngày xưa tổ yến dành cho các bậc vua chúa, người bình dân khó có điều kiện thưởng thức. Ngày nay, yến tuy được nuôi nhiều nhưng giá tổ yến cũng rất cao. Thường những người có điều kiện kinh tế  khá giả mới dám mua tổ yến về bồi bổ sức khỏe.

Tổ yến có nhiều loại: bạch yến, hồng yến và huyết yến (yến huyết). Giá trị cao nhất là huyết yến, đến hồng yến và cuối là bạch yến. Tuy nhiên, yến huyết, hồng yến là của hiếm, chỉ chiếm khoảng 10% sản lượng khai thác trong tự nhiên; còn lại là bạch yến.

Có ý kiến cho rằng tổ yết huyết, hồng yến là do trong khi làm tổ, yến thiếu nước dãi phải tiết thêm máu của mình để làm tổ. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, đây là quan niệm sai lầm, bởi máu (hồng cầu) có chứa nhiều sắt khi ra môi trường không khí sẽ bị biến thành màu đen không thể thành màu đỏ hay hồng. Việc tạo ra yến huyết, hồng yến là do sự tương tác giữa độ ẩm vách đá, không khí và khoáng chất tiết ra từ vách đá như sắt, magiê, canxi… mới có màu như thế.

Điều này cũng phù hợp với kinh nghiệm khai thác yến của các công ty khai thác yến sào, rằng chỉ có những tổ yến làm sâu trong vách đá mới có yến huyết, hồng yền, còn tổ yến nằm ở vách đá phía ngoài thường là bạch yến. Những vách đá, yến làm tổ cho ra yến huyết, hồng yến cũng rất hiếm. Còn yến nuôi trong nhà là bạch yến.

“Tuy nhiên, dù là dùng bạch yến, hồng yến hay yến huyết thì giá trị dinh dưỡng như nhau, không khác mấy và đều rất tốt cho sức khỏe. Ăn yến ngủ ngon, khỏe. Các nhà nghiên cứu cho biết, tổ yến có nhiều dinh dưỡng giúp tăng cường sinh lực, chống lão và tăng tuổi thọ” - anh Chuyện khẳng định.

Điểm khác biệt là yến nuôi trong nhà do môi trường ổn định, sinh sản quanh năm. Còn yến trong môi trường tự nhiên sinh sản theo mùa. Cũng như các cơ sở nuôi yến khác, hàng năm anh Chuyện khai thác tổ yến từ ba đến bốn lần. Thời điểm khai thác, anh chọn khi yến con trưởng thành, rời tổ. Giá tổ yến được anh bán ở thị trường Kon Tum 3 triệu đồng/lạng; mỗi lạng từ 6-7 tổ yến.

Tuy mới đi vào khai thác tổ yến hai năm trở lại đây, nhưng hàng tháng sau khi trừ đi các tổ yến dùng để ăn, biếu, còn lại anh kiếm được khoảng 10 triệu đồng. Sản lượng yến thu được của gia đình anh không đủ cung ứng cho thị trường Kon Tum (mặc dù trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn có một số cơ sở kinh doanh yến Việt có uy tín, giá yến từ 7,5-13,5 triệu đồng/hộp 12 tổ yến - tùy từng loại).

Cũng theo anh Chuyện, hiện nay, ngoài gia đình anh, trên địa bàn tỉnh có 2 hộ khác nuôi yến thành công (1 hộ nuôi yến ở đường Trần Phú, thành phố Kon Tum và 1 hộ nuôi yến ở xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà). Các hộ này cũng đã có sản phẩm.

Khi tôi thử đặt vấn đề nuôi yến, anh Chuyện không giấu nghề, mà còn tỏ lòng khuyến khích. Tuy nhiên, để có được “lộc trời” không phải dễ, nó còn đòi hỏi môi trường nơi ở yên lành và vốn liếng đầu tư xây dựng nhà yến. Dù vậy, việc anh Chuyện cùng một số hộ gia đình nuôi yến ở tỉnh thành công đã mở thêm một nghề nuôi mới có giá trị kinh tế cao ở tỉnh.

Văn Nhiên

Chuyên mục khác