“Lên non” trồng chuối

08/09/2018 09:52

​Từ lâu, ông Phan Mộng Hùng (biệt danh Hùng chuối) có ý định đầu tư trồng chuối, nhưng quê ông ở vùng đồng bằng, không có nhiều đất đai để phát triển cây chuối. Khi cơ duyên đến, năm 2016, ông đầu tư mở rộng phát triển cây chuối. Và, chính nguồn thu nhập từ trồng chuối đã giúp gia đình ông có cuộc sống sung túc…

Nuôi mộng làm giàu từ việc trồng chuối

Theo tuyến Tỉnh lộ 677 từ xã Đăk Ruồng - Đăk Kôi, đến đoạn thôn 1, xã Đăk Tơ Lung (huyện Kon Rẫy), nhìn về hướng tây, bạn sẽ nhìn thấy vườn chuối mốc xanh tươi trải dài gần kín cả một sườn đồi. Đó là rẫy chuối của ông Phan Mộng Hùng - Hùng chuối, biệt danh mà người dân ở vùng đất này tặng ông Hùng.

Vào vườn chuối của ông Hùng, chúng tôi mê mẩn bởi những bụi chuối sum sê, chạy dài tít tắp. Giọng “đặc chất Bình Định”, ông mời tôi đi tham quan vườn chuối và trang trại của ông với nhiều loại cây trồng phong phú.

Cây chuối trong trang trại được ông trồng theo hàng, theo lối và từ chân đồi lên đến đỉnh đồi. Chuối ôm cả sườn đồi hình cánh cung như cánh tay dài chở che cho trang trại trước dông gió, mưa nắng bất thường của đất trời.  

Theo ông Hùng trồng chuối ít tốn công chăm sóc và không mất mùa như các cây trồng khác. Ảnh: V.N

 

Gắn bó với cây chuối và làm giàu nhờ cây chuối, nhưng việc lên non trồng chuối của ông Hùng gần như là cái duyên “trời định”.

Ông Hùng chậm rãi kể: Hồi còn ở quê, tôi nghe một lão nông có nhiều kinh nghiệm khuyên con cháu rằng, cây chuối là cây “quả lồi”, ý nói cây chuối non đâm lên từ đất phát triển thành cây chuối rồi cho quả, ít tốn công chăm sóc và không mất mùa như các cây trồng khác. Người Việt ta ngoài mua chuối về ăn, còn mua chuối về cúng gia tiên, thần Phật. Trồng chuối vì vậy, không sợ ế ẩm.

“Khu đất trồng chuối này là của người con trai làm nghề xây dựng mua với ý định trồng đào lộn hột. Nhưng khi đến đây, nhìn thấy đất đồi có nhiều sỏi và dốc, nhớ lại lời lão nông khi xưa, tôi khuyên con chuyển hướng sang trồng cây chuối mốc. Và, đúng như dự kiến, đất sỏi, dốc dễ thoát nước, phù hợp với cây chuối mốc, trồng chuối phát triển nhanh”- ông Hùng bộc bạch.

Sau gần 3 năm đầu tư trồng chuối, đến nay, ông Hùng phát triển được 5,5ha chuối, trong đó có 3ha chuối trồng từ những năm đầu đi vào kinh doanh và 2,5 ha liên kết trồng trên đất của người dân trong vùng.

Ở diện tích chuối đi vào kinh doanh, dường như bụi chuối nào cũng có cây có quả. Những buồng chuối gần giai đoạn thu hoạch, nải chuối quả to và dài. Bình quân, mỗi buồng chuối trong vườn nhà ông có ít nhất từ 7-8 nải chuối.

Khi hỏi trồng chuối nhiều, việc tiêu thụ chuối gặp khó khăn không, ông Hùng khẳng định “như đinh đóng cột” rằng: Không khó, khỏi lo! Có nhiều người ở thành phố Kon Tum hỏi mua, không có chuối để bán. Gia đình tôi chỉ bán cho người quen thu mua chuối lâu nay. Với 3ha chuối đi vào kinh doanh, hàng tháng gia đình thuê người cắt chuối bán 2 lần (lần vào dịp gần ngày mồng một và lần vào gần ngày rằm trong tháng). Mỗi lần bán khoảng 75 buồng chuối. Bình quân một tháng bán khoảng 150 buồng chuối.

Theo lời ông Hùng, ngày thường giá bán bình quân ở mức 8.000 đồng/nải; tính ra, mỗi buồng chuối ông kiếm được khoảng từ 56.000-64.000 đồng. Bên cạnh việc bán quả chuối, hàng tháng ông còn bán khoảng 150 bắp chuối (hoa chuối); với bắp chuối, người mua tự cắt và trả tiền 2 nghìn đồng/bắp chuối.

Vốn khiêm tốn, ông Hùng không muốn nói nhiều về khoản thu nhập của gia đình mình. Tuy nhiên, với những gì ông tiết lộ ở trên, tính ra bình quân hàng tháng ông thu được khoảng 10 triệu đồng từ tiền bán chuối và bắp chuối.

 Ngoài chuối ông còn có nhiều sản phẩm phụ như đậu xanh, đậu đen trồng xen trong vườn cây mì, mít, mãng cầu, sầu riêng… Chỉ riêng đậu xanh, đậu đen ông nói thật là hàng năm thu khoảng 1 tấn, bán được khoảng 40 triệu đồng. Đó là chưa kể ông còn có thêm nguồn thu hoạch mì và cây trái trong vườn.

Lên non trồng chuối, lấy cây chuối làm cây trồng chiến lược, gia đình ông Hùng có cuộc sống sung túc.

Không chỉ cho riêng mình

Nhìn vườn chuối xanh tốt, nhiều cây cho buồng chuối “sây nải” và quả to bắt mắt, tôi trầm trồ khen. Thế nhưng ông lại cười, bảo: Mùa mưa ướt đất, buồng chuối không dài, nải chuối và trái chuối không to và đẹp bằng mùa nắng. 

“Chuối là cây thân nước. Mùa khô, cây chuối phát triển mạnh, cho quả to và buồng dài. Vì vậy, buồng chuối, nải chuối đẹp, bán có giá hơn mùa mưa. Nếu như hiện nay, gia đình bán khoảng 8.000 đồng/nải chuối, thì vào mùa khô, nhất là tháng giáp Tết bán được từ 20.000-30.000 đồng/nải chuối”-ông Hùng khoe.

Thấy chuối đẹp, chúng tôi hỏi mua một buồng về cúng rằm. Ông chép miệng: Chà! Xe tải mới vào đây chở chuối về thành phố Kon Tum. Nếu chú vào sớm tí nữa thì gặp chuối chín để cúng đúng rằm. Tuy nhiên, nếu chú không chê để tôi chặt cho buồng chuối xanh.

Buồng chuối ông chặt, tôi đếm được 8 nải khá đều và đẹp. Cắt chuối làm hai, chia cho người bạn đi cùng một phần. Tôi mở ví trả tiền buồng chuối, ông gạt tay cương quyết không nhận tiền. “Đáng là bao, tặng chú đem về cúng rằm”. Tôi đành phải đút tiền vào ví và cảm ơn ông.  

Qua lời người dân trong vùng, thấy ông Hùng làm giàu nhờ cây chuối, nhiều người học ông đầu tư trồng chuối. Nhiều hộ cũng đã phát triển được vườn chuối. Tuy nhiên, do người dân nơi đây không có kinh nghiệm và có kỹ thuật trồng chuối;  trồng với mật độ dày, chuối chen chúc không đủ ánh sáng cho cây quang hợp ảnh hưởng đến năng suất. Thêm vào đó, khi trồng, người dân lại không có thói quen bón phân, cây chuối thiếu dinh dưỡng, buồng chuối nhỏ, người mua thường chê, không bán được chuối.  

Không giấu nghề, ông Hùng thường chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật với người dân địa phương trồng chuối. Ông khuyên bà con tỉa thưa và bón phân vào bụi chuối. Làm theo ông, bà con địa phương trồng chuối thu được hiệu quả hơn, buồng chuối đã có nải dày hơn, quả chuối to hơn, dân buôn không còn chê chuối nữa. Khi thu hoạch chuối, những hộ này lại gửi ông bán giúp. Không than phiền, ông nhận bán giúp và gửi tiền lại cho bà con theo đúng giá người mua.  

“Năm trước, gia đình tôi trồng chuối, nhưng do trồng dày, cây chuối ra  nải quả nhỏ, bán không ai mua. Bác Hùng hướng dẫn kỹ thuật, gia đình làm theo. Vườn chuối của gia đình bây giờ nải quả to, người mua không chê nữa. Gia đình tôi mang ơn bác Hùng nhiều lắm!” - A Năng (thôn 1, xã Đăk Tơ Lung) trải lòng. 

Đối với một số hộ có đất nhưng không có điều kiện đầu tư trồng chuối, ông Hùng liên kết trồng chuối. Các hộ này góp đất, ông thuê máy đào hố, đầu tư phân bón và cây chuối giống. Khi chuối cho quả, số tiền bán chuối thu được chia đôi.

Thực hiện theo hình thức này, đến nay, có hai hộ góp đất cùng ông trồng mới được 2,5ha chuối. Ngoài diện tích liên kết này, ông còn có kế hoạch mở rộng liên kết với nhiều hộ khác trồng chuối trong những năm đến.  

Theo ông Hùng, chuối là cây dễ trồng, nhưng để trồng chuối hiệu quả, tùy theo từng loại đất mà tính toán hố đào trồng chuối cho phù hợp. Nếu đất tốt, đào hố cách hố 4m; đất xấu đào hố cách hố 3,5m. Trước khi trồng, bón mỗi hố khoảng 2,5 lạng phân NPK đầu trâu. Trồng khoảng 7-8 tháng sau, cây chuối cho quả và phát triển thành bụi chuối. Mỗi bụi chuối để từ 3-4 cây chuối con quanh cây mẹ. Khi thu hoạch buồng chuối mẹ, cắt bỏ cây chuối mẹ đi để cây con phát triển. Cứ thế, bụi chuối luôn có cây chuối nối nhau cho quả. 

Trồng chuối, 2 năm mới bón phân cho chuối một lần vào đầu mùa mưa. Nếu có tiền, bón mỗi năm một lần càng tốt. Mùa nắng, cắt lá chuối khô bỏ vào gốc giữ ẩm cho cây chuối. Mùa mưa, tỉa bớt cây non, cào lá ở gốc cho thông thoáng, dễ bốc hơi nước, bởi nếu để gốc quá ẩm ướt, cây chuối dễ sinh bệnh, không phát triển.  

Nhờ trồng chuối và có nguồn thu lớn từ chuối, ông Hùng có điều kiện mở rộng trồng thêm một số cây trồng khác. Hiện nay, trong trang trại ông còn trồng được 3ha mít, bơ, mãng cầu Thái Lan và sầu riêng. 

Khi bàn về việc phát triển cây chuối, ông Nguyễn Văn Thủy - Bí thư Đảng ủy xã Đăk Tơ Lung đánh giá cao “thương hiệu chuối” của ông Phan Mộng Hùng: Ông Hùng tạo được dấu ấn ở địa phương về cây chuối. Từ cây chuối ông Hùng cũng như nhiều hộ dân đã trồng, xã xác định chuối là cây trồng có giá trị kinh tế cao và phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương.

Với tầm nhìn chiến lược, ông Nguyễn Trọng Phấn - Chủ tịch UBND xã Đăk Tơ Lung cũng khẳng định, thực hiện chủ trương “mỗi xã một sản phẩm”, xã Đăk Tơ Lung đăng ký phát triển các sản phẩm: Chuối, cà phê vối, mì và cây dược liệu (đinh lăng, nghệ…). Dự kiến trong những năm đến, xã Đăk Tơ Lung tranh thủ các nguồn vốn đầu tư hỗ trợ cho dân phát triển mạnh cây chuối để góp phần giúp dân giảm nghèo, làm giàu và thực hiện tốt mục tiêu xây dựng nông mới ở địa phương.

Văn Nhiên

Chuyên mục khác