Làm bánh Trung thu ở phố núi

02/10/2017 13:00

​Chỉ còn vài ngày nữa là đến đêm hội trăng rằm, cùng với các loại bánh có thương hiệu, đắt tiền đã có mặt sớm ngoài thị trường, các cơ sở làm bánh Trung thu truyền thống ở phố núi Kon Tum cũng rộn ràng “nổi lửa” phục vụ cho “thượng đế” đến đặt mua và làm quà biếu.

Làm thủ công, không hóa chất

Trời nhá nhem, cơ sở sản xuất bánh Trung thu truyền thống Thái Phong tại tổ 2, phường Lê Lợi vẫn đông khách mua bánh. Nhâm nhi một miếng bánh nóng hổi trong thời gian chờ đợi, cô Trịnh Thị Hường – thôn Ia Hội, xã Đăk Năng tấm tắc: 20 năm nay, năm nào tôi cũng đặt bánh Trung thu ở đây cho mấy trăm cháu nhỏ trong thôn. Mẫu mã bánh đẹp lại ngon, không chất bảo quản nên chúng tôi rất yên tâm, tin dùng.

Mỗi ngày cơ sở sản xuất bánh Thái Phong cho ra lò khoảng 600 bánh nướng

 

Cô Lại Thị Nhã - chủ cơ sở sản xuất bánh Thái Phong cho biết, dù trên thị trường bánh Trung thu đã được bày bán hơn 2 tháng nhưng cô chỉ bắt tay vào làm mặt hàng bánh Trung thu 1 tuần nay (khoảng mồng 2/8 âm lịch).

Đưa phiếu kết quả thử nghiệm do Trung tâm Y tế dự phòng kiểm nghiệm ngày 13/9, cô Nhã khẳng định: Chúng tôi đã làm bánh mẫu đưa đến Trung tâm Y tế dự phòng kiểm nghiệm, khi được công nhận đảm bảo an toàn thực phẩm mới đi vào sản xuất.

Cơ sở làm bánh Trung thu truyền thống Thái Phong đến nay đã duy trì hơn 20 năm, được đông đảo người dân trong tỉnh biết đến bởi nguồn nguyên liệu an toàn, bánh ngon, chất lượng.

Theo quan sát của chúng tôi, trong cơ sở, những quả dừa khô và các nguyên liệu: bột, trứng muối, lạp xưởng, mè… được để gọn gàng. Máy nạo dừa, khuấy bột, làm bánh… đều sạch sẽ. “Tôi tự mua mè về rang, tự làm trứng muối, rim bí đao, nấu nước đường… Tất cả các nguyên liệu tôi đều lấy từ những chỗ uy tín rồi về chế biến ra nên đảm bảo an toàn. Bánh tôi làm ra vừa bán vừa cho các con, các cháu của tôi ăn mỗi ngày” – cô Nhã nói.

Cắt một cái bánh Trung thu mới ra lò, cô Nhã cùng chúng tôi thưởng thức. Mùi vị rất hấp dẫn. Giữa bánh, những quả trứng muối tượng trưng cho trăng rằm mằn mặn như trung hòa cho vị ngọt của các nguyên liệu khác, đem lại cảm giác rất dễ chịu, vừa miệng.

Để làm một cái bánh Trung thu khá kì công nhưng mỗi loại bánh có giá thành dao động từ 13-25 ngàn, rẻ hơn rất nhiều so với các loại bánh Trung thu khác. Vì không sử dụng chất bảo quản nên bánh Trung thu truyền thống này chỉ có hạn sử dụng 30 ngày.

“Tôi chỉ làm theo đơn đặt hàng và làm đến ngày 13/8 âm lịch là ngưng. Chúng tôi không làm trước vì để lâu bánh sẽ dở”- cô Nhã nói.

Dù chỉ chuyên về bánh dẻo và bánh nhân đậu xanh nhưng 15 năm nay, cơ sở bánh nướng Thanh Thảo tại tổ 3, phường Nguyễn Trãi cũng được đông đảo người dân trong tỉnh biết đến.

Trong cơ sở, các dụng cụ, máy móc, thiết bị đều được bày biện gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ. Nhân công, mỗi người một khâu. Ngưng tay, ra tiếp khách, cô Phạm Thị Mười, cơ sở bánh nướng Thanh Thảo nói, vừa qua mới có đoàn đến kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại cơ sở. Phải đến khi có kết quả kiểm nghiệm, đảm bảo an toàn, cô mới dám đưa vào sản xuất.

Cũng với các nguyên liệu truyền thống: dừa, đậu xanh… và không sử dụng chất bảo quản nên cơ sở Thanh Thảo chỉ bắt tay vào làm bánh từ 1 tuần nay. “Thà thiếu chứ chúng tôi không để bánh thừa. Vì bánh được làm thủ công, không chất bảo quản nên khách hàng đặt đến đâu, chúng tôi làm đến đấy, không để tình trạng bánh ứ đọng, quá hạn sử dụng” – cô Mười chia sẻ.

Sau 1 tuần, cơ sở sản xuất bánh Thanh Thảo đưa ra thị trường hơn 5000 bánh dẻo, bánh đậu xanh

 

Ngoài tiêu chí về không gian phải thoáng mát, sạch sẽ, cô Mười cũng chú trọng về nguyên liệu làm bánh. Cô cho biết, cô mua đường, dừa và chế biến theo công thức gia truyền của gia đình. Với kinh nghiệm hơn 10 năm làm bánh gia truyền, cô Mười có bí kíp nấu đường để bánh ngon và lâu hư, đậm đà hương vị.

“Hữu xạ tự nhiên hương, người này ăn thấy ngon rồi chỉ người khác tìm đến mua, nhờ vậy mà bánh của tôi có mặt ở hầu khắp các huyện” – cô Mười cười.

Vẫn trầm lắng

Dù có ưu thế: sử dụng nguyên liệu sạch, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; khách hàng có thể đặt bánh theo yêu cầu, theo khẩu vị; giá thành rẻ hơn nhiều so với sản phẩm khác trên thị trường và có thể tận mắt chứng kiến các công đoạn chế biến… thế nhưng, hiện nay các cơ sở sản xuất bánh Trung thu ở thành phố Kon Tum vẫn vắng người mua.

Sau 1 tuần kể từ ngày bắt đầu làm bánh, cô Mười chỉ mới làm hơn 5.000 bánh dẻo, bánh đậu xanh theo đơn đặt hàng. “Giờ này năm ngoái đơn hàng phải gấp đôi rồi, năm nay còn trầm lắng quá” – cô Mười tâm sự.

Theo lời cô, năm nay, dù thị trường bánh Trung thu khởi động sớm nhưng lại “chạy chậm”. Sau tuần đầu của tháng 8 âm lịch, đại lý tại các huyện mới đặt nhưng chỉ gia hạn một vài ngày là lấy hàng.

Ngoài việc cung cấp cho các đại lý, cô Mười cũng cung cấp bánh cho các công ty, đơn vị đặt hàng. Nhưng hiện nay, sức mua yếu nên nhìn chung lượng khách sỉ và lẻ đều ít hơn. “Tôi hi vọng tuần sau sẽ khởi sắc hơn” – cô Mười nói.

Chủ cơ sở bánh Toàn Tấn tại tổ 2, phường Nguyễn Trãi cũng than thở vì lượng khách đặt bánh năm nay ít hơn mọi năm. “Bánh Trung thu nổi tiếng trên thị trường quá nhiều nên các cơ sở bánh truyền thống tại nhà khó cạnh tranh. Hơn nữa, nhìn chung sức mua năm nay yếu nên đến thời điểm hiện tại, lượng khách đặt không bằng 1/2 so với thời điểm năm ngoái” – chị Lê Thị Mai Linh - chủ cơ sở bánh Toàn Tấn chia sẻ.

Với truyền thống hơn 20 năm, bánh Thái Phong đã được nhiều người biết đến độ ngon, giá cả phải chăng. Không chỉ có các đơn vị, doanh nghiệp tìm đến mua, cơ sở bánh Thái Phong còn là điểm đến tin cậy của các cơ sở từ thiện trên địa bàn tỉnh.

Những năm gần đây, đánh vào thị hiếu khách hàng, cơ sở sản xuất bánh Thái Phong còn sản xuất thêm một số loại bánh chay phong phú về mẫu mã, kích cỡ để phù hợp với người tiêu dùng. Thế nhưng vẫn tiêu thụ rất chậm.

8 nhân công tập trung làm để đảm bảo có sản phẩm giao đúng đơn đặt

 

Dù mỗi ngày cho ra lò khoảng 600 cái bánh các loại nhưng cô Nhã nói rằng, số lượng mua, lượng đặt hàng chưa bằng một nửa năm ngoái. “Không biết những ngày cận Tết Trung thu có nhiều người đặt hàng không chứ thời điểm này chúng tôi vẫn đang rảnh rang lắm” – cô Nhã nói.

Vào đêm rằm tháng Tám, mỗi chiếc bánh nướng, bánh dẻo không chỉ góp thêm niềm vui tạo không khí gia đình sum vầy, đầm ấm mà còn giúp mỗi người tìm lại được những hương vị giản dị, mộc mạc, tinh tế; nhớ, tìm lại chính mình của một thời niên thiếu khi cùng đám bạn phá cỗ dưới ánh trăng vàng.

Chia tay chúng tôi, người làm những chiếc bánh đậm đà hương vị truyền thống vẫn niềm nở với niềm tin: lượng bánh sẽ bán được nhiều hơn, sẽ đến được với mọi người, mọi nhà trong ngày rằm tháng Tám… Và luôn hi vọng: bánh Trung thu truyền thống sẽ có chỗ đứng vững chãi trên thị trường.

Bài, ảnh: Hoài Tiến 

Chuyên mục khác