Ký ức về một vùng đất

08/12/2014 08:51

Từ một vùng được xem là “ốc đảo”, bây giờ giao thông đã thuận tiện. Việc đi lại của bà con không chỉ có duy nhất cây cầu treo “lịch sử” đã đánh thức một vùng đất này, mà bây giờ xã còn có thêm con đường đi về hướng nam, nối liền với xã Chư H Reng...
Du khách tham quan cầu treo Kon Klor. Ảnh: T.T

Đã từng công tác và lập nghiệp ở thành phố Kon Tum nhiều năm nay, nhưng cũng vì bận rộn công việc, nên lâu rồi tôi không có dịp thăm lại cầu treo Kon Klor và vùng đất Đăk Rơ Wa - nơi đối với tôi có khá nhiều kỷ niệm về những năm đầu tách tỉnh. Hôm rồi, nhân dịp dẫn một người bạn đến thăm cầu treo Kon Klor, được phút thảnh thơi tản bộ trên cầu, mới cảm nhận được cái chất lãng mạn, trữ tình của dòng sông, cây cầu và vùng đất hai ven bờ... khiến nhiều thi sĩ phải chếnh choáng men say trước vẻ đẹp nơi đây.

Ngày ấy, vùng đất phía bên kia

Những năm đầu thập niên thứ 9 của thế kỷ XX, ngoại trừ làng Kon Kơ Tu và Kon Jơ Ri (tách ra từ xã Chư Hreng khi mới thành lập) với lèo tèo mươi lăm nóc nhà, ẩn sâu về phía đầu con nước sông Đăk Bla, vùng đất bên kia sông (nay là xã Đăk Rơ Wa) khi ấy còn rất hoang sơ.

Tôi vẫn nhớ những chuyến công tác, có khi đi cả buổi họa chăng cũng chỉ gặp đôi, ba người dân đi rẫy, đi rừng vội vã. Đâu đó, thưa thớt chỉ có vài túp lều hoang của bà con dựng tạm để nghỉ trưa trong những lần đi nương rẫy. Ngày ấy, ngoài 2 làng định cư như đã nêu ở trên, hầu hết bà con làm nương, rẫy ở đây đều là cư dân ở các làng thuộc phường Thắng Lợi và phường Thống Nhất sang. Vì không có cầu, nên mùa cạn, từ người cho đến trâu, bò đều phải lội nước qua sông. Vào mùa mưa, nước lớn, bà con qua sông bằng thuyền độc mộc hoặc bè, mảng. Những ngày mưa lũ, nước xiết thì đành chịu.

Do cách trở trong việc đi lại, cho nên việc tăng gia phát triển sản xuất, khai thác tiềm năng ở đây hầu như chưa có gì đáng kể, toàn vùng chủ yếu là đất hoang hóa. Đời sống sinh hoạt của một bộ phận cư dân ở 2 làng Kon Kơ Tu và Kon Jơ Ri dường như bị tách biệt, đặc biệt là vào mùa mưa lũ...

 

Về những lần tác nghiệp

Ngày ấy, tôi có vài lần được thâm nhập thực tế ở vùng đất này với tư cách là một phóng viên Truyền hình tác nghiệp. Trong những chuyến công tác, có đôi lần tôi được tham gia cùng đoàn khảo sát thực địa cùng bác Nguyễn Hạnh, khi ấy bác còn là Bí thư Thị ủy Kon Tum.

Khi chưa có cầu treo Kon Klor muốn qua vùng đất Đăk Rơ Wa tất cả đều phải lội sông. Ảnh: D.T

 

Mỗi chuyến công tác của chúng tôi dạo ấy đều phải đi bộ. Chúng tôi thường xuất phát rất sớm, đi thuyền hoặc mảng từ làng Kon Klor để qua sông. Công việc chủ yếu của đoàn khảo sát trong các chuyến đi là đánh giá khả năng phát triển sản xuất ở các tiểu vùng, từ đó xây dựng đề án kế hoạch cho tương lai phát triển kinh tế, xã hội ở vùng đất này. Cho nên, mỗi lần đi ấy, đối với các thành viên trong đoàn là những lần lội bộ mệt nhoài. Riêng bác Hạnh – vốn là một cán bộ đã từng quen lăn lộn trong kháng chiến, cho nên dù tuổi cao, bác vẫn đi phăm phăm vượt hết dốc này, đồi nọ, cánh phóng viên trẻ chúng tôi luôn phải theo khướt mới bắt kịp. Đi thật sớm, nhưng nhiều hôm khi qua đò về bên này thị xã đã chập choạng tối.

Tôi còn nhớ sau những giờ lội bộ nghỉ ăn trưa (khi ấy thường mang theo bánh mì), bác Hạnh vẫn thường tâm sự với chúng tôi về những dự định nung nấu của cá nhân bác cũng như Đảng bộ thị xã về phát triển tương lai cho vùng đất này. Trong các lần tâm sự ấy, bác luôn nhắc đến ý tưởng ôm ấp của mình về xây dựng một cây cầu qua sông... Bởi vậy, theo võ đoán cá nhân, có thể cây cầu treo Kon Klor bây giờ chính là sản phẩm được manh nha, nung nấu của bác Nguyễn Hạnh qua những lần đi công tác ấy!  

Nhịp cầu nối bờ vui

Từ ý tưởng, rồi đến chủ trương đúng đắn và sự quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền thị xã kon tum ngày ấy, cộng thêm sự quan tâm, ủng hộ của tỉnh về các mặt, năm 1994, thị xã Kon Tum đã xúc tiến khởi công xây dựng cầu treo. Và, trong cùng năm đó, cây cầu đã được hoàn thiện, đưa vào sử dụng. Sự kiện khánh thành cầu treo Kon Klor - cây cầu “ý Đảng, lòng dân” đã đem lại niềm hân hoan khôn tả, không chỉ đối với bà con ở hai phường Thắng Lợi, Thống nhất mà là niềm vui chung của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã sau bao năm mong đợi.

 

Đời sống của đồng bào xã Đăk Rơ Wa ngày một no đủ. Ảnh: T.T

Từ khi có cây cầu, thị xã Kon Tum đã vận động nhân dân thực hiện chủ trương giãn dân, tách hộ ở hai phường: Thắng Lợi, Thống Nhất sang định cư, khai thác tiềm năng trên vùng đất mới. Vốn quen nếp sống tình làng, nghĩa xóm cận kề nên ban đầu cũng không tránh khỏi những băn khoăn, bịn rịn giữa người đi – người ở lại. Song, khi ý Đảng, lòng dân đã hòa quyện, thì những băn khoăn, vướng mắc nhỏ cũng nhanh chóng được giải tỏa. Hầu hết các hộ thuộc diện di dời đã vui vẻ, tự giác chấp hành tốt chủ trương giãn dân, tách hộ của thị xã.

Sau hai năm có cầu treo, năm 1996, xã Đăk Rơ Wa được thành lập. Và bắt đầu từ đây vùng đất này đã nhanh chóng chuyển mình từng ngày, dần trở thành vùng đất căng tràn nhựa sống...

Hiện tại và tương lai

Trở lại vùng đất khi xưa, dấu ấn về một vùng đất nghèo... giờ chỉ còn là quá khứ. Những con đường đất bụi đỏ ngoằn nghèo khi xưa bây giờ đã được thảm nhựa, đổ bê tông đến mọi thôn làng. Từ một vùng được xem là “ốc đảo”, bây giờ giao thông đã thuận tiện. Việc đi lại của bà con không chỉ có duy nhất cây cầu treo “lịch sử” đã đánh thức một vùng đất này, mà bây giờ xã còn có thêm con đường đi về hướng nam, nối liền với xã Chư H Reng. Cung bậc buồn của một vùng đất chỉ thấy cỏ bông vàng cháy trong nắng mùa khô, nay đã là những gam màu tươi sáng. Đời sống của đồng bào các thôn làng ngày một no đủ, tình làng nghĩa xóm chan hòa yên vui. Về Đăk Rơ Wa hôm nay, ta không khó khăn để bắt gặp những mô hình kinh tế của nhiều hộ đồng bào DTTS làm ăn hiệu quả, có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Không chỉ có vậy, bây giờ ngoài việc đẩy mạnh sản xuất hàng hóa đa dạng trong trồng trọt, chăn nuôi, các làng đã hết sức quan tâm đến việc khôi phục, giữ gìn những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình để phát triển du lịch như làng Kon Kơ Tu, Kon Jơ Ri... Tuy bước đầu còn không ít những khó khăn, bỡ ngỡ của một loại dịch vụ mới, nhưng thực tế cho thấy việc phát triển du lịch thôn, làng ở đây đã mang lại hiệu quả, không ít hộ gia đình đã có thu nhập, trang trải thêm cho sinh hoạt gia đình...

Từ chủ trương hợp lý, biết phát huy lợi thế, tiềm năng của cấp ủy, chính quyền thành phố Kon Tum, xã Đăk Rơ Wa và sự đồng thuận của người dân, hy vọng, tương lai không xa, vùng đất thơ mộng, hữu tình này sẽ còn phát triển ngày một giàu đẹp hơn.

T.T

  • Cầu treo Kon Klor được khánh thành đưa vào sử dụng năm 1994, đến nay vừa tròn 20 năm. Sau khi có cầu, ngày 22/11/ 1996, xã Đăk Rơ Wa được thành lập. Dân số của xã Đăk Rơ Wa chủ yếu ở hai phường Thống Nhất, Thắng Lợi sang định cư theo chủ trương giãn dân, tách hộ của thị xã Kon Tum khi ấy cùng hai làng đã định cư từ trước là Kon Kơ Tu, Kon Jơ Ri. Hiện nay xã có 5 làng với 669 hộ dân, đời sống kinh tế-xã hội của bà con ở đây có bước phát triển khá.

 

Chuyên mục khác