Ký sự Mô Rai: Kỳ cuối - Ấm tình biên cương, vững vàng phên giậu

24/09/2017 06:03

Những năm qua, nghĩa tình quân dân và sự đồng sức đồng lòng của người Ja Rai, Rơ Măm, Kinh, Thái, Tày, Mường...trong việc thi đua phát triển kinh tế, chung sức bảo vệ đường biên cột mốc đã góp phần xây dựng nên một Mô Rai vững vàng, phát triển. Mô Rai đã và đang chuyển mình với những bước đi đổi mới…
Bộ đội Biên phòng hướng dẫn người dân Mô Rai trồng lúa nước. Ảnh: T.H

 

Sâu đậm nghĩa tình quân dân

Đến Mô Rai mà không nghe những câu chuyện về nghĩa tình quân dân nơi đầu sông đầu suối này thì quả thực là một thiếu sót lớn. 

Đồn Biên phòng Ia Lân đứng chân trên địa bàn xã Mô Rai, được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 21 km đường biên giới. 13 năm qua kể từ ngày thành lập, cán bộ, chiến sỹ của Đồn luôn vượt lên mọi gian khó, bằng tình yêu biên giới thiêng liêng để bám trụ vững vàng nơi vùng biên đầy khắc nghiệt. Cùng với việc nêu cao tinh thần cảnh giác, duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ trong Đồn luôn tăng cường bám sát địa bàn, tích cực tham gia phát triển kinh tế để xây dựng tình quân dân bền chặt với đồng bào nơi đây.

Nghĩa tình ấy được hun đúc từ những lời nói, việc làm cụ thể. Đó là việc cán bộ, chiến sỹ luôn cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng địa phương với dân, giúp dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hoá; vận động người dân chung sức bảo vệ an ninh biên giới, giữ vững chủ quyền của tổ quốc...  

Đến Mô Rai, gặp bất kể người dân nào từ người Ja Rai ở làng Rẽ, làng Tang... đến người Rơ Măm ở làng Le, hỏi về bộ đội biên phòng, họ đều hết lời ca ngợi và cảm ơn. Nào là bộ đội đã dạy dân cách làm lúa nước, làm vườn; nào là tuyên truyền cho bà con về chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; nào là bộ đội giúp làm nhà ở, dạy chữ cho bà con...Với tấm lòng của mình như vậy, nên những người lính biên phòng đi đến đâu cũng đều được bà con đón tiếp như người thân. Khó có lời nào diễn tả hết tình cảm của người dân với những người lính mang quân hàm xanh nơi này.

Cùng với bộ đội biên phòng,18 năm qua, những cán bộ, chiến sỹ làm kinh tế của Công ty 78 cũng góp phần xây đắp nên hình ảnh đẹp về nghĩa tình quân dân ở biên giới Mô Rai.

Đại tá Nguyễn Thăng Thanh- Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ Công ty 78, tiết lộ: Anh em mình luôn nghĩ, làm được gì cho dân thì cố gắng hết mức, việc dù nhỏ, nhưng phải thiết thực và phải làm bằng tất cả sự chân thành của những người lính. Những năm qua, cán bộ, chiến sỹ của đơn vị đã giúp dân làm mẫu được 65 ha cao su; cầm tay chỉ việc cho nhiều người dân làm cao su; đảm nhận bao tiêu toàn bộ lượng mủ người dân khai thác. Vào mỗi dịp năm học mới, anh em trong đơn vị đều quyên góp quần áo, sách vở giúp cho các gia đình khó khăn. Hằng năm, mỗi dịp tết nguyên đán, đơn vị đều tặng mỗi thôn, làng một con heo; anh em đến cùng với thanh niên trong làng mổ heo, tổ chức gói bánh chưng và cùng bà con các làng ăn tết tập thể. Đến nay, bà con dân tộc ở xã Mô Rai đã quen với việc ăn tết cổ truyền của dân tộc. Đơn vị cũng tặng cho mỗi hộ gia đình trong xã một tấm ảnh Bác Hồ để treo trong nhà và cờ Tổ quốc để treo trong những ngày lễ tết...Mình thương dân, dân quý mình, đó là lẽ tất yếu.

Đúng là chỉ có những việc làm xuất phát từ trái tim, sự chân tình của những người bộ đội Cụ Hồ nơi “đầu sông đầu suối” mới chạm đến trái tim và nhận được sự yêu thương hết mực của người dân Mô Rai.

Trong men rượu cần ngây ngất, chút trải lòng của già A Glá (làng Le) đã gieo vào lòng chúng tôi quá nhiều cảm xúc: “Nhà báo à, người dân Mô Rai mình yêu quý bộ đội lắm, nó giống như anh em, bà con một nhà vậy. Cái bụng của bộ đội tốt lắm, cho đến bây giờ, bộ đội vẫn đến tận làng cầm tay chỉ việc dạy dân làm ruộng nước, hướng dẫn cách nuôi bò...mang lại niềm vui cho dân làng mình. Thế nên, người dân mình tin tưởng, một lòng theo bộ đội, gắn bó cùng bộ đội để canh giữ vùng biên giới của đất nước”.

Vành đai xanh vững mạnh

Mô Rai - vùng đất biên giới xa xôi của tỉnh đã và đang bước đi những bước vững chắc để trở thành một vành đai xanh vững mạnh cả về kinh tế và quốc phòng, an ninh.

Mô Rai hôm nay, bên cạnh màu xanh của cánh rừng tự nhiên là màu xanh của những vườn cao su trải dài đến hút tầm mắt đã lấp đầy những khoảng rừng nghèo kiệt, những ngọn đồi trọc. Và loại cây này đang ngày đêm cho ra “vàng trắng” mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân trong vùng và góp phần xây dựng kinh tế vùng biên vững mạnh.

Thế nhưng, ít ai biết rằng để có một Mô Rai xanh hôm nay là cả một câu chuyện dài.

Trong câu chuyện lúc trà dư tửu hậu, cán bộ, chiến sỹ Công ty 78 kể lại rằng: Vào một ngày tháng 6 cách đây 18 năm, một đoàn cán bộ khảo sát của Binh đoàn 15 đã đến thung lũng Mô Rai nhằm tìm hướng khai thác tiềm năng thế mạnh của vùng đất anh hùng nhưng còn đầy bí ẩn này. Sau hơn một năm vật lộn với mưa rừng, gió núi và nắng lửa, hơn 379 ha cao su đầu tiên trồng thử nghiệm đã đâm chồi nảy lộc trên vùng đất hoang hóa, cằn cỗi. Từ đó, cây cao su bắt đầu bám rễ và phát triển mạnh ở vùng rừng núi Mô Rai. Hiện tại, diện tích cao su của đơn vị trên 3.150 ha. Đất mở đến đâu, công nhân có mặt ở đó đã hình thành nên những đội, những làng quê trù phú xen lẫn dưới những tán rừng cao su xanh thẳm.

Hiện nay, bên cạnh những vườn cao su của doanh nghiệp là vườn cao su của người dân làm cho vành đai xanh Mô Rai ngày càng thêm rộng, thêm mạnh.

Đằng sau màu xanh của những rừng cao su còn là một Mô Rai xanh của sự đoàn kết. Mấy năm gần đây, xã Mô Rai đã xây dựng được mô hình “gắn kết hộ” giữa các hộ gia đình công nhân của các đội sản xuất (thuộc Công ty 78) nay là các làng mới với gia đình đồng bào DTTS tại chỗ; góp phần xây dựng khối đại đoàn kết giữa các dân tộc.

Cứ mỗi hộ gia đình công nhân gắn kết với một hộ đồng bào DTTS, giúp đỡ các hộ áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, thu hoạch cây cao su, cây cà phê, trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm...Các gia đình đồng bào DTTS giúp cho hộ công nhân bảo vệ vườn cây hoặc khi khó khăn, bất trắc cần hỗ trợ. Sự gắn kết giữa các hộ không chỉ trong sản xuất mà còn diễn ra trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Họ thường xuyên thăm hỏi gặp mặt, giao lưu, chia ngọt sẻ bùi với nhau, luôn bên nhau trong những lúc tối lửa tắt đèn, tạo nên sự thống nhất, đồng thuận giữa cộng đồng các dân tộc trên cùng dải đất biên cương.

Chủ tịch UBND xã- Hrách Láo khẳng định: Mô Rai giờ không những vững về kinh tế, Mô Rai còn rất mạnh về quốc phòng an ninh. Cùng với các chiến sĩ biên phòng, lực lượng dân quân tự vệ, dân quân thường trực, công an viên của xã đã phối hợp tốt với Đồn Biên phòng tích cực tham gia bảo vệ an ninh biên giới, giữ gìn trật tự trị an ở địa phương. Đặc biệt, mỗi người dân Mô Rai dù là người mới hay người cũ đều luôn ý thức được vai trò là những chiến sĩ trên mặt trận bảo vệ an ninh biên giới của Tổ quốc. Bằng chứng là phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc giới và an ninh trật tự xóm làng biên giới được triển khai thực hiện mạnh mẽ trong những năm qua.

Nhờ vậy, mấy năm gần đây, ở Mô Rai không có các trường hợp tiếp tay cho đối tượng xấu, vượt biên và kích động vượt biên trái phép, tình hình an ninh chính trị được giữ vững.

Sự phát triển của Mô Rai, sự gắn bó, đoàn kết giữa các dân tộc trên địa bàn cùng với những cánh rừng cao su bạt ngàn xanh tốt đã trở thành phên dậu, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới của Tổ quốc.

Chúng tôi rời Mô Rai khi ánh chiều buông xuống thật đẹp trên miền biên giới phía Tây Nam của tỉnh. Tôi bất chợt nhớ tới bài hát “Chiều biên giới” của nhạc sỹ Trần Chung, với những ca từ mộc mạc nhưng sâu lắng mềm cả lòng người: “Chiều biên giới em ơi/có nơi nào cao hơn/như đầu sông đầu suối/như đầu mây đầu gió/như trời quê biên cương...Chiều biên giới em ơi/nhớ bao điều thân thương…”. Mấy ngày ở Mô Rai đã để lại trong tôi quá nhiều cảm xúc về tình đất, tình người; về một vùng đất anh hùng đang vững bước trên hành trình đổi mới đi lên.

Thuỳ Hương – Lê Nga

Chuyên mục khác