Khởi sắc Mô Bành II

13/12/2022 06:03

Từng là thôn khá nhất của xã Đăk Na (huyện Tu Mơ Rông), Mô Bành II được nhiều người dân trong xã gọi với cái tên “làng nhà mái Thái”. Thế nhưng, sau cơn bão 2009, hàng trăm hộ dân nơi đây tái nghèo. Hơn chục năm qua, với ý chí, nghị lực vươn lên, cùng sự quan tâm hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, dân làng Mô Bành II đã vực dậy, cuộc sống ngày càng khởi sắc trên vùng tái định cư.

Quá khứ buồn

Tôi đến Mô Bành II vào những ngày cuối năm, những thửa ruộng chỉ còn trơ gốc rạ, vườn cà phê trĩu quả ngày nào chỉ còn lại cành lá sau mùa thu hoạch bội thu. Dân làng Mô Bành II với nụ cười hiền hậu, cùng đôi tay cần mẫn đang tất bật phơi khô sản phẩm nông nghiệp, dọn lại vườn tược để chuẩn bị cho vụ mới, đón năm mới.

Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Na A Dũng – người con của làng Mô Bành II đưa tôi đi thăm khắp làng, rồi vào thăm nhà bà Y Noái, một trong những người cao tuổi của làng.

Nhiều ngôi nhà 3 cứng khang trang nằm dọc con đường bê tông phẳng phiu. Ảnh: V.T

 

Bà Y Noái đang vui vẻ cùng các cháu, trông bà vẫn minh mẫn nhưng khi tôi hỏi bà bao nhiêu tuổi thì bà lại lắc đầu “bà không nhớ”. Anh A Dũng thay bà trả lời: “Bà 78 tuổi rồi, tuy không nhớ tuổi mình, nhưng bà vẫn nhớ rõ chuyện cơn bão năm 2009 hoành hành”.

Bà Y Noái nhớ lại, trước đêm bão vào, trời mưa lớn không ngớt. Nước lũ dồn về con thác trên núi ngày càng nhiều. Khe nước dẫn từ thác về làng chẳng mấy chốc biến thành con suối, nước cuồn cuộn chảy xiết.

Đêm đến, bà Y Noái cùng nhiều hộ dân sống dọc khe nước sợ rằng, nếu để nước tiếp tục chảy như thế chẳng bao lâu nhà cửa sẽ bị cuốn theo dòng nước lũ. Chồng bà cùng người con trai và đàn ông các gia đình khác rủ nhau lên rừng, nơi bắt nguồn của khe nước để ngăn dòng nước chảy về làng.

Sau nhiều giờ nỗ lực, khe nước chảy về làng không còn giữ dội. Các hộ dân Mô Bành II có thể yên tâm say giấc trong đêm bão. Mãi cho đến khi trời sáng tờ mờ, nhiều gia đình lom khom nấu cơm chuẩn bị bữa sáng, bỗng nhiên một tiếng nổ lớn phát ra nơi đầu núi. Tiếng nổ kéo theo sạt lở đất bất ngờ vùi lấp nhiều ngôi nhà, hoa màu. Trong tích tắc, bếp lửa không còn đỏ, khói ngưng bảng lảng trên mái nhà mà thay vào đó là đống đất đá hỗn độn, đổ nát.

Điểm trường mầm non tại thôn Mô Bành II. Ảnh: VT 

 

Dưới chân núi, gia đình bà Y Noái cùng nhiều hộ dân khác cũng giật mình, hoang mang kéo nhau ra xem. Trước mắt bà Y Noái là quả đồi đã bị hở hàm, đất đá ngổn ngang. Không chần chừ, bà Y Noái cùng những hộ dân còn lại của làng đều nén lại nỗi đau, bỏ lại cơ ngơi mà cả đời nỗ lực xây dựng để đi đến nhà tạm do UBND xã dựng lên để bà con tránh lũ.

Bà Y Noái kể: Đến nhà tránh lũ của xã, tôi mới biết không riêng Mô Bành II mà một số hộ của thôn Mô Bành I, thôn Lê Văng cũng bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất. Nhiều người không di chuyển kịp đã nằm sâu dưới đống đất kia.

Theo thống kê, trên địa bàn xã Đăk Na, cơn bão năm đó đã khiến 14 người thiệt mạng, trong đó có nhiều người ở thôn Mô Bành II. Nhiều nhà cửa, hoa màu, cùng hàng chục con trâu bò cũng bị chôn vùi theo. Toàn bộ dân làng Mô Bành II cùng một số hộ dân làng Mô Bành I, Lê Văng ở xã trở nên “trắng tay” sau bão.

Tổng cộng có 101 hộ buộc phải di dời đến nơi tái định cư, phải nén lại nỗi đau buồn để vực dậy, tiếp tục sống và phát triển kinh tế tại vùng đất mới – Mô Bành II ngày nay.

Khởi sắc làng tái định cư

Làng tái định cư được xây dựng ở vị trí cách làng cũ không xa. Để tạo động lực cho người dân ổn định cuộc sống ở làng mới, Đảng và Nhà nước đã có các chính sách đầu tư hệ thống điện, đường, trường, nước sạch; hỗ trợ về nhà ở, đất sản xuất. Theo đó, mỗi hộ di dời được hỗ trợ 400m2 đất ở và đất vườn, cùng một căn nhà gạch có diện tích 40m2.

“Đến nơi ở mới, cuộc sống tuy không ổn định như trước nhưng tôi và các hộ dân ở đây nhận được sự quan tâm Đảng và Nhà nước nên ai nấy đều vơi đi nỗi buồn, tin vào một cuộc sống đủ đầy trong tương lai” – bà Y Noái tâm sự.

Có nơi che nắng, tránh mưa, dân làng Mô Bành II bước vào xây dựng cuộc sống mới. Họ tiếp tục phát triển kinh tế trên những mảnh vườn bị chôn vùi trước đây, những rẫy mì, hoa màu không đạt hiệu quả được chuyển đổi sang trồng cao su do Nhà nước hỗ trợ.

Chị Y Thí cùng nhiều hộ dân khác có cuộc sống ổn định tại vùng tái định cư. Ảnh: VT

 

Chị Y Thí (41 tuổi) – con gái bà Y Noái cho biết: 2 năm đầu chuyển lên đây ở, gia đình tôi chỉ phụ thuộc vào việc trồng mì và lúa, cuộc sống cơ bản chỉ đủ ăn, không dư giả là bao. Đến năm 2012, chính quyền địa phương có đến từng nhà để vận động bà con trồng cao su do Nhà nước hỗ trợ giống. Khi đó, gia đình tôi đã đăng ký trồng 2.000 cây trên 4ha đất thuận tiện, còn diện tích đất dốc thì để trồng mì, trồng lúa. Giờ đây, vườn cao su đã đi vào khai thác, mỗi năm trừ chi phí gia đình thu lãi ròng hơn 150 triệu đồng.

Bên cạnh việc trồng cao su, gia đình chị Y Thí còn chuyển đổi đất trồng mì bạc màu sang trồng cà phê để tăng thêm thu nhập. Năm 2017, được chính quyền địa phương vận động chuyển đổi sang trồng cà phê xứ lạnh, gia đình chị Y Thí mạnh dạn trồng 1ha.

Để việc trồng cà phê đạt hiệu quả, chị Y Thí tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do địa phương tổ chức, không ngần ngại đầu tư phân bón. Và giờ đây, vườn cà phê ngày nào đã cho “quả ngọt”. Mỗi năm trừ mọi chi phí, vườn cà phê cho thu nhập hơn 30 triệu đồng. Sau nhiều năm nỗ lực, phấn đấu xây dựng cuộc sống mới nơi vùng tái định cư, chị Y Thí đã mở rộng căn nhà cấp 4 trở nên khang trang, thu nhập mỗi năm gần 200 triệu đồng.

Chị Y Thí thổ lộ: Trồng cao su, cà phê cho thu nhập khá, nhưng ở vùng cao này, trồng sâm Ngọc Linh sẽ đạt hiệu quả hơn. Cuối năm 2021, gia đình tôi đã đầu tư trồng 300 gốc sâm Ngọc Linh, đây là niềm hy vọng để gia đình vươn lên làm giàu.

Không riêng gia đình chị Y Thí mà nhiều hộ dân di dời đến đây đều mang theo ý chí, nghị lực vực dậy, thoát nghèo và phát triển kinh tế trên vùng tái định cư. Một số hộ làm kinh tế giỏi tại thôn Mô Bành II như A Nếp, A Phút, A Mảnh, thu nhập từ 150 triệu – 300 triệu đồng/năm.

Nước sinh hoạt ở làng Mô Bành II. Ảnh: V.T

 

Từ 101 hộ dân chạm đáy của cái nghèo, giờ đây đã phát triển lên 116 hộ có của ăn, của để, với tổng diện tích cây trồng các loại hơn 90ha, trong đó có 40/116 hộ trồng hơn 4.000 gốc sâm Ngọc Linh. Thu nhập bình quân đầu người trong thôn đạt hơn 20 triệu đồng/năm.

Ông Bùi Văn Viên – Chủ tịch UBND xã Đăk Na cho biết: Người dân thôn Mô Bành II rất cần cù, chịu khó. Sau khi đến vùng tái định cư mới, bà con nhanh chóng làm quen với cuộc sống mới, từng bước vực dậy để xây dựng lại cuộc sống. Giờ đây, thôn Mô Bành II được xã lựa chọn thôn điểm xây dựng nông thôn mới. Hiện tại, thôn đạt 8/10 tiêu chí nông thôn mới. Trong thời gian tới, UBND xã tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể xã phối hợp với các cơ quan cấp huyện tuyên truyền vận động nhân dân thành lập các tổ hợp tác, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực nhằm tăng thu nhập cho nhân dân; tuyên truyền vận động các hộ dân tự lực tự cường, chủ động vay vốn tín dụng để phát triển kinh tế, áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác nhằm gia tăng giá trị từ sản xuất nông nghiệp, vươn lên làm giàu chính đáng; tập trung các nguồn lực để nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế tăng thu nhập, giảm hộ nghèo cho người dân.

Văn Tùng

Chuyên mục khác