Khi cán bộ, đảng viên nêu gương

23/09/2024 13:05

Từ vùng đất sỏi đá, bị chiến tranh tàn phá nặng nề dưới chân đồi Sạc Ly, nhưng nhờ có những cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu trong việc đưa chủ trương của Đảng đi vào đời sống, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy trở thành vùng chuyên canh cây ăn quả, cây công nghiệp trù phú, giúp người dân vươn lên làm giàu.

Đi đầu trong phát triển cây ăn quả

Khi trao đổi về việc đưa chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, của địa phương đi vào đời sống, đồng chí Y Sâm – Phó Bí thư Huyện ủy Sa Thầy gợi ý tôi về cơ sở để thấy được bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, một nhân tố quan trọng cho sự thành công nữa là việc phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Địa phương nào có nhiều những cán bộ tâm huyết, gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội thì sẽ phát triển nhanh và ngược lại.   

Theo sự giới thiệu của đồng chí Y Sâm, lần này tôi lại về xã Hơ Moong để tìm hiểu về việc nêu gương của cán bộ, đảng viên trong phát triển kinh tế. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Đình Thi tuy mới được Huyện ủy luân chuyển về xã nhưng khá hiểu cán bộ xã - đưa tôi gặp Phó Bí thư Đảng ủy xã A Wên (người Ba Na) là cán bộ gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế để giúp người dân học tập và làm theo.  

Nông dân xã Hơ Moong vui với vườn sầu riêng sai quả. Ảnh: V.N

 

Vốn từng quen biết, nhưng tôi lại không ngờ đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy xã A Wên bận nhiều việc, lại tranh thủ thời gian phát triển kinh tế gia đình, sản xuất giỏi, nhất là trồng cây ăn quả. Và khi trao đổi về cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả,  A Wên cười hiền: “Thực hiện chủ trương của Huyện ủy, Đảng ủy xã về phát triển cây ăn quả, mình là cán bộ nên làm gương để người dân học hỏi, làm theo. Nếu mình không mạnh dạn chịu khó làm trước thì người dân lấy gì để học, làm theo”.

Thực ra không phải bây giờ, mà cách đây 5 năm, A Wên mua sầu riêng giống Dona từ cơ sở có uy tín ở tỉnh Đăk Lăk về trồng xen trong vườn cà phê. “Ban đầu do không có nhiều vốn, giá cây sầu riêng giống lại đắt, nên việc trồng sầu riêng xen trong 2ha cà phê được thực hiện trong nhiều năm và đến nay đã hoàn thành. Lứa sầu riêng trồng năm đầu tiên xen trong vườn cà phê năm nay cho quả”- A Wên bộc bạch.

Bên cạnh việc trồng sầu riêng xen trong vườn cà phê, năm nay, A Wên cải tạo vườn tạp trồng 0,5ha sầu riêng xen mì. Dưới từng gốc sầu riêng, A Wên lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm và nước tưới được bơm từ giếng bơm trong vườn nhà. Mặc dù mới trồng mấy tháng, nhưng cây sầu riêng trong vườn A Wên phát triển tốt, có cây cao ngang ngực người.

Thấy Phó Bí thư Đảng ủy xã A Wên trồng sầu riêng hiệu quả và cải tạo vườn tạp trồng sầu riêng trong vườn phát triển tốt, nhiều hộ gia đình Ba Na trong vùng đến học tập, làm theo. Khi có người dân trong vùng đến học hỏi, A Wên tận tình hướng dẫn cải tạo vườn tạp, kỹ thuật trồng sầu riêng, lắp đặt hệ thống béc tưới để bảo đảm cho cây trồng phát triển tốt. Đến nay, người dân trong vùng đang tích cực đẩy mạnh cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả, nhất là trồng cây sầu riêng. 

Nói về các cán bộ xã gương mẫu đi đầu làm kinh tế, A Wên không quên nhắc đến những cán bộ xã như Trần Quang – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã; Nguyễn Văn Niệm – nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã; Mai Nhữ Nam – nguyên Chủ tịch UBND xã. Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Niệm  phát triển 4,6ha sầu riêng ở thôn Kơ Bei theo hướng hữu cơ. Trong vụ thu hoạch sầu riêng mới đây, ông Niệm thu về trên 2,5 tỷ đồng từ bán quả. Chính nhờ những cán bộ gương mẫu đi đầu trong việc trồng cây ăn quả, đến nay, xã phát triển 552ha  cây ăn quả, trong đó có 214,48ha sầu riêng.

Và không chỉ cây ăn quả

Không chỉ có cây ăn quả, các loại cây công nghiệp (cao su, cà phê…) là cây trồng chính, đang phát triển mạnh ở xã. Tính đến nay, xã Hơ Moong phát triển 1.248ha cà phê, 605ha cao su, 84ha mắc ca. Qua sự giúp đỡ của Đảng ủy xã, tôi đến vùng chuyên canh cây công nghiệp ở thôn Tân Sang gặp ông Trần Quang- cán bộ lớp đầu tiên đến đây lập nghiệp từ năm cuối thập niên của thế kỷ trước, góp phần hình thành xã Hơ Moong.

Từ nhiều năm nay, vườn tiêu ông Trần Quang ở thôn Tân Sang đã đưa vào kinh doanh. Ảnh: V.N

 

Vừa dẫn tôi tham quan vườn, ông Quang vừa kể cho nghe ông từng là cán bộ Công ty Xuất nhập khẩu tỉnh đến Hơ Moong để phát triển cà phê khi chưa thành lập xã. Sau khi xã Hơ Moong được thành lập, ông được địa phương tín nhiệm, bố trí làm Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, kiêm Bí thư Chi bộ thôn Tân Sang.

Vốn có kiến thức và kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, ông đẩy mạnh phát triển cây cà phê, hồ tiêu gia đình để người dân học tập và làm theo. Đến nay, gia đình ông có 3ha cà phê, 1.000 trụ tiêu, gần 1ha cao su. 

“Trong vườn cà phê, gia đình trồng xen 80 cây sầu riêng, gần 100 cây bưởi, 40 cây bơ. Doanh thu từ các loại cây trồng trong vườn năm 2023 trên 1,1 tỷ đồng, lãi ròng trên 800 triệu đồng. Dự kiến năm nay, doanh thu từ vườn sẽ cao hơn nhiều vì cà phê được mùa, giá cao gấp đôi so với năm trước”- ông Quang chia sẻ.

Người dân trong xã cũng đánh giá cao những cán bộ cố cựu như ông Quang.  Ông A Bái (thôn Đăk Wớt Dốp) bộc bạch: “Thông qua việc làm công và được ông Trần Quang chuyển giao kỹ thuật tận tình, gia đình tôi phát triển mạnh cây công nghiệp. Nhờ vậy, gia đình tôi sớm thoát nghèo và có cuộc sống ổn định”. 

Đi giữa vùng chuyên canh cây công nghiệp xanh tươi ở thôn Tân Sang, tôi thấy thật sự thư thái. Khi thủ thỉ với tôi, một cán bộ nói không ngoa, thôn Tân Sang là một trong những thôn giàu có, số người thu tiền tỷ nhiều lắm. Đây là thôn điển hình về phát triển kinh tế không chỉ của xã mà là của huyện và tỉnh. 

Cà phê của A Hoàng sai quả. Ảnh: V.N

 

Tiếp nối truyền thống nêu gương của cán bộ lớp trước, nhiều cán bộ trẻ là bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn ở xã cũng phát huy việc nêu gương phát triển kinh tế. Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Kơ Bei A Hoàng thật lòng: “Bà con trong thôn trông chờ vào cán bộ, đảng viên. Nếu mình không gương mẫu làm trước thì lấy gì bà con làm theo. Trong việc thực hiện chủ trương chuyển đổi đất trồng mì bạc màu sang phát triển cây công nghiệp và cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả, đến nay, gia đình tôi phát triển 1,5ha cao su, 1ha cà phê, 1ha sầu riêng và 1ha mắc ca. Cây cao su, cà phê từ lâu đưa vào kinh doanh. Hiện nay, gia đình tôi thu bình quân 900 nghìn đồng/lần cạo mủ (1 tháng cạo 15 lần)”.

Làm theo A Hoàng, đến nay, 300 hộ Gia Rai ở thôn Kơ Bei phát triển 200ha cao su, gần 150ha cà phê. Nhờ vậy trong thôn có 107 hộ khá và giàu. “Học tập và làm theo Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn A Hoàng, gia đình tôi cũng như nhiều người dân trong thôn thoát nghèo, có cuộc sống ổn định và khá giả hơn. Kinh tế phát triển, người dân trong thôn không ai còn tin vào tà đạo Hà Mòn”- anh A Trường nói.

Rời xã Hơ Moong trong nắng chiều giữa hương thơm mùi cà phê và hương hoa cây trái, tôi nhớ mãi lời một cán bộ xã khi nhắc lại câu nói Bác Hồ kính yêu: “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Có lẽ xã Hơ Moong có bước phát triển mạnh mẽ như ngày nay một phần là nhờ có những cán bộ, đảng viên luôn nêu gương để người dân học tập, làm theo.

Văn Nhiên

Chuyên mục khác