Khát vọng làm nông nghiệp sạch

17/01/2021 06:15

Không cam chịu khó khăn, để thay đổi cuộc sống, nhiều thanh niên người DTTS ở các xã vùng sâu ở Kon Plông đang quyết tâm, học làm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch với khát vọng vươn lên thoát nghèo trên mảnh đất quê hương.

Huyện Kon Plông được thiên nhiên ưu đãi quanh năm mát mẻ và được ví như “Đà Lạt thứ 2”. Với lợi thế này, tỉnh ta chọn Kon Plông là địa phương trọng điểm để phát triển ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Do đó, những năm qua, trên mảnh đất này, đã có hàng chục doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân đến đây để phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất với đa dạng các loại cây trồng, rau hoa các loại.

Việc phát triển mạnh các dự án nông nghiệp đã tạo việc làm và cơ hội học tập kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp cho đồng bào DTTS ở Kon Plông. Vì thế, tại các trang trại, HTX sản xuất nông nghiệp sạch ở Kon Plông đã thu hút hàng chục người lao động tại chỗ và đặc biệt là lớp thanh niên ở các xã vùng sâu với nhiều hoài bão, khát vọng vươn lên. Đây thực sự là tín hiệu vui về thay đổi tư duy, nếp nghĩ và khát vọng vươn lên của tuổi trẻ. Bởi hơn ai hết họ hiểu được những nhọc nhằn khó khăn cho dù đất đai tài nguyên phong phú, đa dạng nhưng vì canh tác lạc hậu nên đời sống người dân chưa thể bứt phá. Vì thế, đến tuổi trưởng thành, nhiều thanh niên DTTS ở các xã vùng sâu, khó khăn như Đăk Tăng, Măng Bút, Ngọc Tem và xã Hiếu…đã quyết tâm rời làng để tìm học cách sản xuất mới. Địa điểm mà nhiều thanh niên DTTS tìm đến chính là các trang trại nông nghiệp ngay trên địa bàn huyện để học nghề làm nông nghiệp, nhằm tận dụng, khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai tại địa phương. Họ tìm đến để hiện thực hóa khát vọng thoát nghèo, vươn lên khá giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Để hiểu rõ khát vọng ấy, chúng tôi tìm đến với các trang trại, HTX, Trung tâm ứng dụng công nghệ cao tại Măng Đen. Ở đây, hầu hết đội ngũ công nhân làm tại các trang trại nông nghiệp đều là những thanh niên tuổi đời còn rất trẻ. Họ tự tìm về các nông trại để học cách sản xuất mới. Tại Hợp tác xã Rau hoa và Du lịch Thanh niên Măng Đen, chứng kiến sự miệt mài, chăm chú học cách sản xuất nông nghiệp sạch của các thanh niên DTTS, tôi hiểu được khát vọng và sự quyết tâm đó. Ở đây, trong tổng số 14 công nhân thì có đến 8 công nhân là người DTTS tại chỗ đến từ khắp các xã trong huyện.

Học làm nông nghiệp sạch tại HTX Rau hoa Thanh niên Măng Đen. Ảnh: H.N

 

Y Vữ (20 tuổi, làng Đăk Xô, xã Hiếu) là một trong những công nhân đang làm và học việc tại HTX Rau hoa và Du lịch Thanh niên Măng Đen. Dù nhà ở cách trung tâm huyện mấy chục cây số nhưng với quyết tâm học nghề, Y Vữ vẫn hàng ngày lặn lội vượt đèo núi đến học việc.

Khi tìm đến HTX, kiến thức về sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Y Vữ chỉ đơn giản là không sử dụng phân bón hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên,  khi tham gia học và trực tiếp làm việc tại HTX một thời gian, được sự tận tình chỉ bảo, hướng dẫn của đội ngũ kỹ sư nông nghiệp tại đây, Y Vữ mới vỡ lẽ ra nhiều điều.

Vừa chăm chú, tỉ mỉ sàng lọc từng hạt giống vào hom để ươm mầm, Y Vữ vừa tâm sự: Đến đây, em được các anh chị cán bộ kỹ sư tận tình truyền đạt kiến thức, hướng dẫn kỹ thuật, quy trình, cách ươm hạt giống trong hom, cách kiểm tra đất, cách chăm sóc rau hoa ngay tại vườn của HTX nên đã giúp em tiếp thu và tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn. Thú thật, thời gian đầu vào học việc, em cũng rất bỡ ngỡ, lúng túng nhưng với quyết tâm học nên dần dần em cũng quen. Rau hoa sản xuất hữu cơ ở đây được trồng trong nhà màng kiểm soát nhiệt độ, ánh sáng cẩn thận. Thậm chí, mẫu đất ở từng luống rau hay từng nhà màng riêng biệt đều được kiểm tra độ pH và chất dinh dưỡng hằng ngày nên phát triển đều và cho năng suất cao”.

“Trước đây, em cứ nghĩ, cách chăm sóc loại rau nào cũng giống nhau nhưng qua học tại đây em mới biết rõ, mỗi loại đều có cách chăm sóc riêng. Đến đây, ngoài việc được hướng dẫn kỹ thuật, hàng ngày em còn được các anh chị hướng dẫn tỉ mỉ việc ghi nhật ký ruộng đồng trên điện thoại để theo dõi quá trình sinh trưởng của rau. Em muốn học trồng rau như ở đây, biết được quy trình rồi sau này về làng áp dụng vào sản xuất, tuyên truyền mọi người trong làng cùng làm nông nghiệp hữu cơ”- Y Vữ chia sẻ.

Cũng như Y Vữ, A Nhỉ (24 tuổi ở xã Măng Bút) bắt đầu khát vọng làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ từ khi còn là sinh viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum. Khi ra trường, được sự giới thiệu của thầy chủ nhiệm, A Nhỉ được nhận vào học việc và làm tại Hợp tác xã Rau hoa và Du lịch Thanh niên Măng Đen. Tận dụng cơ hội này, A Nhỉ luôn chăm chỉ vừa học hỏi thực tế vừa nghiên cứu đọc sách để tích lũy thêm kinh nghiệm về sản xuất nông nghiệp.

Thanh niên DTTS tích cực học sản xuất nông nghiệp sạch tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen. Ảnh: H.N

 

A Nhĩ chia sẻ: “Trong làng em, mọi người trồng rau đều không bón phân, không biết cách chăm sóc, chỉ gieo hạt, rồi tưới nước nên hiệu quả không cao, nhiều khi trồng mà không có thu. Vì vậy, đất bỏ trống thật lãng phí. Do đó, khi được nhận vào làm, học việc tại HTX em rất mừng. Ở đây, em được học kỹ thuật trồng rau rất tỉ mỉ, phải chăm chút tý một, vừa bón phân đầy đủ, vừa theo dõi độ sinh trưởng hằng ngày của cây. Em sẽ cố gắng học hỏi để sau này về làng, em sẽ chỉ cho mẹ em và bà con trong làng cách trồng rau đạt hiệu quả”.

Tương tự, đến Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen, tôi được chứng kiến A Tuấn - chàng trai người Xơ Đăng ở xã Đăk Tăng đang tỉ mỉ chăm chút từng gốc cây, kiểm tra, theo dõi sự sinh trưởng của từng cây trong khu nhà màng rộng hàng nghìn mét vuông. Điều đáng khâm phục là hàng ngày, A Tuấn vượt hàng chục cây số, qua nhiều con đèo, dốc cao, xuyên qua các cánh rừng để học sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từ tờ mờ sáng, Tuấn đã khăn gói rời làng lên thị trấn Măng Đen và đến tối mịt mới về đến nhà. Dù biết là vất vả nhưng với quyết tâm học nghề để mở ra tương lai, nên A Tuấn không quản ngại gian khó. Đến đây, A Tuấn luôn nghiêm túc học hỏi kiến thức, kỹ thuật, quy trình chăm sóc từ các anh chị kỹ sư nông nghiệp với mong muốn thời gian tới sẽ về áp dụng vào thực tế làm nông nghiệp tại địa phương.

Cho đến nay, đã có hàng chục thanh niên DTTS từ các xã vùng sâu của Kon Plông đến làm tại các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trang trại để học cách sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Hiện tại, tuy chưa xuất hiện những mô hình của các thanh niên áp dụng tại địa phương mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng dẫu sao, không thể phủ nhận tình yêu và khát vọng làm nông nghiệp bền vững, nông nghiệp sạch của thanh niên DTTS ở Kon Plông. Đây đã và đang là động lực để các thế hệ tuổi trẻ tiếp tục nỗ lực, tích cực học hỏi, áp dụng vào thực tiễn góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất, đem lại một cuộc sống ấm no, tốt đẹp hơn.

Hà Nam

Chuyên mục khác