Hàng may mặc Trung Quốc “xuống phố”

17/11/2014 09:55

Đã có nhiều thông tin cảnh báo về hàng may mặc của Trung Quốc không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và tác hại của nó, nhưng hiện nay, các sản phẩm này tràn ngập thị trường...
Hàng may mặc Trụng Quốc tràn ngập khu vực Trung tâm Thương mại Kon Tum 

 

Tây Nguyên đang trong những ngày chuyển mùa. Buổi tối, tiết trời trở nên lạnh hơn. Thời điểm này thị trường quần áo thu-đông khá sôi động. So với mọi năm, năm nay, sản phẩm quần áo ấm được đánh giá là phong phú và đa dạng về chủng loại, mẫu mã… Và điều dễ dàng nhận thấy là hàng may mặc mang nhãn hiệu “made in China” đang tràn ngập thị trường.

Đâu đâu cũng thấy “made in China”

Dạo khắp chợ lớn (Trung tâm Thương mại Kon Tum), nhất là dọc  hai bên những con đường bán hàng quần áo sầm uất nhất ở thành phố Kon Tum là Ngô Quyền, Hoàng Văn Thụ, Lê Hồng Phong… khách hàng dễ dàng nhận thấy năm nay hàng quần áo Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường với đủ chủng loại, màu sắc... 

Các sản phẩm quần áo Trung Quốc đa dạng về mẫu mã, màu sắc và chất liệu được xem là lạ lẫm và khá bắt mắt nên thu hút được người tiêu dùng. Nhìn chung, giá thành quần áo Trung Quốc lại rẻ hơn sản phẩm hàng may mặc Việt Nam. Chính vì vậy, hàng may mặc của Trung Quốc đã “đánh trúng” tâm lý người tiêu dùng và được nhiều người lựa chọn, nhất là người có thu nhập thấp.

Quần áo ấm Trung Quốc được bày bán tại các chợ chiếm số lượng nhiều nhất với 3 chất liệu chính là len, vải dù và vải bông. Với chất liệu len, khác với hàng len Đà Lạt của Việt Nam, len Trung Quốc phong phú về màu sắc, kiểu dáng và giá cả rẻ hơn rất nhiều: chỉ ở mức 120.000-150.000 đồng/sản phẩm áo len (dành cho người lớn) và từ 40.000-100.000 đồng/sản phẩm áo len (dành cho trẻ em) nên được không ít người tiêu dùng lựa chọn.

Cũng với chất liệu bằng len, một số sản phẩm sử dụng phổ biến cho mùa lạnh khác như: mũ len, khăn choàng cổ, bao tay… cũng tràn ngập hàng Trung Quốc và giá cả cũng “rẻ như bèo”, cụ thể như: mũ len từ 20.000-30.000 đồng/chiếc, khăn choàng cổ từ 40.000-60.000 đồng/chiếc…

Một số sản phẩm quần áo ấm nhập khẩu từ nước ngoài có giá rẻ bằng với giá những sản phẩm quần áo ấm của Việt Nam, nhất là áo ấm dạng áo phao của Trung Quốc; chỉ với giá từ 150.000-250.000 đồng, người tiêu dùng đã có thể chọn một chiếc áo ấm dạng áo phao đối với người lớn và từ 70.000-150.000 đồng có thể chọn mua được một chiếc áo phao cho trẻ em.

Trước đây, nhiều người tiêu dùng lo lắng khi ra chợ mua phải các sản phẩm hàng Trung Quốc trôi nổi trên thị trường sau đó được các tiểu thương mua về thay đổi thành nhãn mác Việt Nam. Còn hiện nay, người tiêu dùng ra chợ có thể bắt gặp các sản phẩm quần áo để nguyên nhãn mác toàn chữ Trung Quốc nên cũng không biết hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ như thế nào.

Nhiều chủ cửa hàng thời trang cho biết, năm nay, thời trang thu-đông khá phong phú về chủng loại, kiểu dáng, trong đó “lên ngôi” là thời trang len. Trước đây, chỉ có áo ấm bằng chất liệu len là phổ biến thì năm nay, hàng Trung Quốc còn cho ra đời sản phẩm áo mặc thông thường (không phải áo ấm) bằng len, đầm len, chân váy len… Sản phẩm áo len của Trung Quốc được giới trẻ hiện nay rất ưa chuộng, bởi có đến hàng trăm mẫu mã khác nhau trông rất hợp “gu” thời trang và vừa túi tiền các bạn trẻ.

Người tiêu dùng nên thận trọng

Trong khi hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường thì hàng may mặc Việt Nam có vẻ khá “trầm tĩnh”. Hàng thu-đông của Việt Nam vẫn nhẹ nhàng với các sản phẩm len Đà Lạt truyền thống, các sản phẩm từ chất liệu vải dù hay vải nỉ của các nhà sản xuất tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và giá cả có phần nhỉnh hơn so với hàng Trung Quốc.

Chứng kiến câu chuyện mua - bán giữa một chủ cửa hàng thời trang trẻ em trên đường Hoàng Văn Thụ (TP.Kon Tum) và chị Hương – một khách hàng ở huyện Đăk Hà đang chọn mua quần áo ấm cho con, chúng tôi hiểu được phần nào tại sao năm nay hàng Trung Quốc lại tràn ngập thị trường như vậy.

Sau một hồi được chủ cửa  hàng giới thiệu những sản phẩm mới, chị Hương cảm thấy bị hoa mắt bởi quần áo ấm dành cho trẻ em năm nay toàn hàng Trung Quốc với mẫu mã khá đẹp, giá lại rẻ. Nhưng vì nghi ngại hàng Trung Quốc không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng nên chị Hương quay sang hỏi chủ cửa hàng về các sản phẩm quần áo ấm Việt Nam sản xuất thì chủ cửa hàng này lại trả lời một cách e dè: Năm nay, sản phẩm quần áo ấm chủ yếu là hàng Trung Quốc thôi. Tụi em có muốn lấy hàng Việt Nam về bán thì cũng không được vì thị trường bây giờ toàn hàng Trung Quốc giá rẻ, tụi em không thể cạnh tranh nổi...

Thị trường bao giờ cũng thuận theo quy luật: có cầu ắt có cung. Và, với những ‘ưu điểm” của hàng Trung Quốc như đã nói trên thì hiện nay một bộ phận người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng có thu nhập thấp vì ham rẻ đã vô tình tiếp tay đẩy hàng may mặc Trung Quốc không rõ xuất xứ, nguồn gốc tràn ngập thị trường…

Đã có nhiều thông tin cảnh báo về hàng may mặc của Trung Quốc không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và tác hại của nó, nhất là đối với hàng quần áo trẻ em. Vì vậy, mọi người hãy là người tiêu dùng thông thái, bởi quần áo là những sản phẩm tiếp xúc trực tiếp hàng ngày với da.

Tú Quyên

 

Chuyên mục khác