“Hai sọt”… về làng

05/10/2014 21:00

Bán tất cả thứ cần mua và mua tất cả thứ cần bán, những người buôn hàng “hai sọt” này thực sự đã trở thành cầu nối trao đổi, lưu thông hàng hóa ở vùng sâu vùng xa, vùng giao thông đi lại còn nhiều khó khăn...

Hai sọt & 1001 mặt hàng

Những “phiên chợ di động” hay “công ty hai sọt”- là cách nói mà người dân ở nông thôn dùng để chỉ xe hàng rong buôn bán lưu động. Những “phiên chợ di động” hầu hết được gói gọn trong hai chiếc sọt gắn trên một chiếc xe máy và được những người làm cái công việc gắn kết nhịp cầu mua bán đưa đến khắp các thôn cùng, ngõ hẻm ở những vùng xa xôi như Mường Hoong, Ngọc Linh (huyện Đăk Glei), Măng Bút, xã Hiếu (huyện Kon Plông); Măng Ri, Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông)… hay những vùng thuận lợi hơn đôi chút như các xã của huyện Đăk Hà, Đăk Tô…

Những mặt hàng được mang đến với người dân là các loại thực phẩm như: thịt, cá, đậu, rau xanh…, hay những loại đồ khô như nước mắm, muối, bột ngọt, dầu ăn… giúp cho cuộc sống của người dân những vùng này bớt phần khó khăn, thiệt thòi. Và cũng trong chuyến đi ấy, họ lại mua những sản vật mà người dân địa phương bán.

Những người bán hàng ở chợ đêm phường Quyết Thắng (thành phố Kon Tum) tiết lộ với chúng tôi rằng, trong số các bạn hàng của họ, không thể thiếu những người buôn bán hai sọt. Họ thường đặt hàng trước, mỗi mặt hàng chỉ từ 50.000 – 300.000 đồng. Lịch trình của họ thường bắt đầu từ khoảng 4 giờ sáng đến lấy hàng tại chợ đêm, đến khoảng hơn 5 giờ, khi hai sọt hàng đã được chất đầy các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, họ lên đường.

Không chỉ ở chợ đêm phường Quyết Thắng, một số chợ trung tâm huyện như Đăk Hà, Đăk Tô, Sa Thầy cũng là những đầu mối cung cấp hàng cho các tiểu thương hai sọt. Những người làm nghề này cũng có những quy định bất thành văn rất cụ thể về các tuyến đường, các khu vực, địa bàn buôn bán để tránh tranh giành, chồng chéo lên nhau.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ chợ đầu mối Kon Tum, hàng hóa thường được vận chuyển lên các xã của huyện Kon Plông, Kon Rẫy; còn khu vực huyện Đăk Tô, Tu Mơ Rông nguồn hàng thường được lấy ở chợ Đăk Tô; huyện Đăk Glei, Ngọc Hồi thường là từ chợ trung tâm huyện Ngọc Hồi… Bất kể ngày nắng hay ngày mưa, họ vẫn miệt mài mang những mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân và cũng chẳng ngại mua tất cả những mặt hàng mà người dân địa phương làm ra như măng tươi, bắp, trứng gà… để bán lại cho các tiểu thương ở vùng thuận lợi. Vốn liếng mỗi xe hàng chừng vài triệu đồng, nhưng hàng hóa thì vô cùng đa dạng. Tiêu chí của họ là phải cố gắng mua được hàng hóa với giá thấp nhất, nhưng vẫn phải đảm bảo tươi, ngon và cũng chỉ bán những mặt hàng cần thiết nhất.

Trong một chuyến đi công tác ở huyện Sa Thầy, chúng tôi tình cờ gặp Nguyễn Thị Châu (ở thị trấn Sa Thầy) chuyên bán hàng hai sọt này. “Địa bàn hoạt động” của chị là xã Rờ Kơi. Theo chị, ở đây điều kiện kinh tế người dân còn nhiều khó khăn, nên hàng mang bán phải phù hợp với túi tiền của họ. Muốn thế, mình phải tìm được những mối hàng sỉ giá thấp, mua những loại bình dân, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Rồi cách bán hàng cũng phải linh động, nhiều khi họ không có tiền mặt, mình cũng phải cho họ mua nợ, đổi hàng… Mấy năm làm nghề này, giờ người dân coi mình như người trong làng, trong xã, thân quen và tin tưởng lắm.

May mà có hai sọt

Với người dân các vùng nông thôn, nhất là những vùng xa xôi, đường xá đi lại không thuận tiện, thương mại chưa phát triển việc trao đổi hàng hóa, đặc biệt là những mặt hàng thực phẩm tươi sống gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, những thứ mà người dân cần thì thiếu, còn những thứ người dân có lại không biết bán cho ai. Chẳng biết từ bao giờ, đội ngũ tiểu thương hai sọt này xuất hiện và ngày càng đông đảo hơn; chỉ biết rằng, không thể phủ nhận sự có mặt của họ với những “phiên chợ di động” đã góp phần rất quan trọng giúp trong việc trao đổi, giao lưu hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của người dân ở những nơi này.

Công ty “hai sọt” có mặt ở khắp các vùng quê. Ảnh: T.H

 

Chị Y Hưn (xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy) cho biết: Từ ngày có những “phiên chợ di động” này, cuộc sống của người dân thuận tiện hơn rất nhiều, bởi hàng hóa được đưa đến tận nơi, đầy đủ và muốn bán cái gì cũng dễ dàng, có khi họ không mua nhưng mình gửi người ta vẫn mang ra huyện bán giúp. Trước đây, không có những người này, mọi người muốn mua bán gì phải ra tận ngoài huyện, vừa đi vừa về cũng mất cả buổi, vả lại, mua hàng phải có tiền mặt mà dân làng đâu phải ai cũng có sẵn. Ở đây, mình cần thứ gì, người ta cho nợ, khi nào có tiền thì trả, không ai tính lãi cả…

Chẳng riêng gì người dân, ngay cả những giáo viên, cán bộ công tác ở những vùng khó khăn cũng ngóng chờ những chuyến hàng lưu động này. Trong một lần tham gia chuyến đưa hàng Việt về Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông), tình cờ trong câu chuyện với thầy giáo Tưởng Văn Quang- Hiệu trưởng Trường THCS xã, chúng tôi mới hiểu, những xe hàng hai sọt quan trọng như thế nào với cuộc sống thường nhật của các cán bộ, giáo viên ở một địa bàn cách khá xa trung tâm huyện như ở Măng Ri.

Anh Quang chia sẻ: Người dân còn có nhiều mặt hàng có thể tự cung tự cấp được, chứ những giáo viên, cán bộ công chức xa nhà như chúng tôi nếu không có thực phẩm tươi, hàng hóa mà những người bán hàng hai sọt này mang đến, có lẽ suốt ngày chỉ biết ăn trứng với cá khô mang ở nhà đi từ đầu tuần. Chúng tôi hay nói đùa may mà có hai sọt, mà đúng là may nhờ có họ nên những khi mưa gió, khi công việc nhiều có ở lại trường cả tháng cũng không lo thiếu thốn thức ăn. Bây giờ, anh em ở các trường hay bên UBND xã đã trở thành bạn hàng quen thuộc của họ rồi, mỗi khi cần thứ gì, chỉ cần một cú điện thoại là ngày mai được mang đến tận nơi, đáp ứng đầy đủ, tiện lắm.

Tâm sự trên của anh Quang cũng chính là tâm sự chung của những công chức, viên chức công tác ở những vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Cuộc sống mỗi người một nghề để mưu sinh. Nhưng riêng với những người buôn bán hai sọt, nghề của họ còn có thêm ý nghĩa khác, đó là tạo ra một nhịp cầu trong lưu thông hàng hóa, góp phần giúp việc trao đổi hàng hóa của người dân ở nông thôn thuận lợi, hiệu quả hơn.

Thùy Hương

Chuyên mục khác