Gỡ “điểm nghẽn” để thúc đẩy phát triển

28/03/2023 13:11

Tuyến giao thông Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh được đầu tư xây dựng với kỳ vọng sẽ thúc đẩy kinh tế các xã vùng sâu, vùng xa của 3 huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông phát triển. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm đưa vào khai thác, công trình vẫn chưa phát huy tốt hiệu quả như mong đợi bởi “điểm nghẽn” chưa được đầu tư hoàn thiện.

Ách tắc mùa mưa

Được khởi công vào tháng 12/2009, đường Ngọc Hoàng -Măng Bút - Tu Mơ Rông-Ngọc Linh có chiều dài 58 km, với tổng vốn đầu tư gần 1.400 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ và ngân sách địa phương. Công trình được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 5 miền núi với mặt đường bê tông xi măng rộng 5m được kết nối từ Tỉnh lộ 676 tại xã Măng Bút (huyện Kon Plông), đi qua các xã Ngọc Yêu, Văn Xuôi, Tu Mơ Rông, Tê Xăng, Măng Ri của huyện Tu Mơ Rông và nối với Tỉnh lộ 672 đến xã Ngọc Linh của huyện Đăk Glei. Công trình được nghiệm thu đưa vào khai thác từ năm 2017.

Vào mùa khô, người dân vẫn đi lại vất vả qua các ngầm tràn. Ảnh: PN

 

Đây là con đường được kỳ vọng sẽ mở ra sự phát triển cho các vùng sâu, vùng xa, thúc đẩy phát triển liên kết vùng, tạo vành đai giao thông khép kín. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên nhiều vị trí chỉ xây dựng ngầm tràn chưa được đầu tư nên đã trở thành “điểm nghẽn” kiềm chế sự phát triển. Cũng vì thế mà con đường chưa thực phát huy hiệu quả như kỳ vọng ban đầu.

Một ngày cuối tuần trong tháng 3/2023, tôi có dịp đi trải nghiệm từ Tu Mơ Rông sang huyện Kon Plông trên tuyến giao thông Ngọc Hoàng- Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh. Dọc tuyến đường, đi qua những cánh rừng già mát lạnh, được ngắm thửa ruộng bậc thang hùng vĩ bên những ngôi làng của đồng bào DTTS tạo cho chúng tôi một cảm giác yên bình và ấn tượng. Suốt hành trình ấy, tôi thực sự bị cuốn hút bởi những ngôi làng, những thửa ruộng bậc thang nằm len lỏi giữa những cánh rừng già mát lạnh mà con đường đi qua. Con đường được đổ bê tông toàn tuyến đi khá thuận lợi thế nhưng khó khăn nhất là qua 5 chiếc ngầm. Dù đang là mùa khô, mực nước sông suối xuống thấp nhưng tại vị trí các ngầm tràn qua sông, qua suối đi lại vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ có những chiếc xe hai cầu, gầm cao mới có thể đi được qua các ngầm, nhưng cũng rất vất vả. Người dân địa phương cho biết, tại vị trí 5 ngầm này, mùa khô đi lại đã vất vả còn mùa mưa thì vô cùng khó khăn, gần như ách tắc hoàn toàn. Đáng nói, trong mùa mưa năm vừa qua, có 2 vụ người dân và giáo viên đi dạy qua ngầm đã bị nước lũ cuốn trôi nhưng may mắn được người dân phát hiện cứu giúp kịp thời.

Ngầm tràn thôn Kô Chất, xã Măng Bút, huyện Kon Plông mùa khô nhưng đi lại cũng rất vất vả. Ảnh: P.N

 

Đặc biệt, tại ngầm Kô Chất (ở xã Măng Bút, huyện Kon Plông), mùa mưa vừa qua một người giáo viên đi ô tô qua ngầm đã bị nước lũ cuốn trôi. Thầy giáo đã kịp thời thoát khỏi xe. Chiếc xe cũng được người dân địa phương dùng dây níu lại, sau 2 ngày mới đưa lên bờ được.

“Vào mùa mưa nước lũ từ nguồn đổ về khá bất ngờ. Đôi khi trong vài phút mực nước sông suối dâng cao từ 1-2m và chảy xiết, tất cả các phương tiện không thể lưu thông được, ách tắc hoàn toàn. Hàng hóa của bà con cũng không bán được nên mong nhà nước sớm đầu tư xây dựng cầu để bà con đi lại thuận lợi”- A Vinh (thôn Kô Chất, xã Măng Bút, huyện Kon Plông) cho biết.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Y Na ( làng Pa Tu 2, xã Ngọc Yêu, huyện Tu Mơ Rông) cho hay, năm 2022 tại ngầm Đăk Bông, giáp giữa 2 xã, có 2 người ở xã Măng Bút đi qua trong lúc mưa bão bị lũ cuốn trôi nhưng may người dân cứu kịp thời.

Cũng nói về khó khăn khi mùa mưa, anh A Ha (thôn Đăk Lanh, xã Măng Bút, huyện Kon Plông) cho biết: Vì không có cầu qua ngầm nên vào mùa mưa, xe chở hàng hóa, nguyên vật liệu không lưu thông được nên bà con xây dựng nhà cửa thường xuyên chọn vào mùa khô. Chúng tôi mong rằng, nhà nước sớm đầu tư cầu qua các ngầm để đi lại thuận lợi hơn trong cả 2 mùa.

Ông Tạ Chí Hiếu - Giám đốc Công ty TNHH Quản lý, Sửa chữa & Xây dựng Giao thông Đăk Bình (đơn vị được giao quản lý tuyến đường này, đoạn từ Tu Mơ Rông đi Kon Plông) cũng nêu lên những khó khăn, vướng mắc khi con đường chưa được đầu tư hoàn thiện. Ông Hiếu cho hay, các xe lưu thông từ Kon Plông qua huyện Tu Mơ Rông chỉ lưu thông được 4-5 tháng mùa nắng, còn mùa mưa thì  không thể lưu thông trên toàn tuyến được. Nguyên nhân vì trên tuyến đường còn  5  ngầm lớn chưa được đầu tư. Đặc biệt là có 2 ngầm không có cầu treo dân sinh, vào mùa mưa bão thì giao thông ách tắc hoàn toàn.

Cần gỡ “điểm nghẽn”

Không chỉ người dân, cấp ủy, chính quyền 3 huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông cũng mong muốn tuyến giao thông Ngọc Hoàng- Măng Bút- Tu Mơ Rông- Ngọc Linh được đầu tư nâng cấp và xây dựng các cầu kiên cố. Có như vậy thì mục tiêu phát triển kinh tế, du lịch theo hướng liên kết vùng, liên kết tour tuyến mới có cơ hội phát triển.

Ông Phạm Xuân Quang - Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Vừa qua huyện Tu Mơ Rông và Kon Plông đã ký kết hợp tác phát triển du lịch, tuy nhiên để hình thành tour tuyến thì chưa hình thành được. Có nhiều đoàn lữ hành đến vẫn chưa đi được từ Kon Plông sang Tu Mơ Rông. Nhiều đoàn phải đi ngược về Kon Tum vòng lên rất xa. Nếu các cây cầu trên tuyến đường này được xây dựng hoàn thiện kết nối thông suốt sẽ thuận lợi hơn cho kết nối phát triển du lịch giữa Tu Mơ Rông và Kon Plông.

Người dân hỗ trợ giữ xe không bị cuốn theo dòng nước lũ tại ngầm Kô Chất, xã Măng Bút mùa mưa năm 2022. Ảnh: P.N

 

Chia sẻ với chúng tôi, ông Phạm Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho hay, hiện nay, xu hướng của khách du lịch rất thích đi du lịch trải nghiệm, với mong muốn được ngắm cảnh, thưởng thức những phong cảnh của núi rừng, thiên nhiên. Đặc biệt, với địa phương có thế mạnh và tiềm năng như Kon Plông có Khu du lịch quốc gia Măng Đen; còn ở Tu Mơ Rông có những vườn sâm Ngọc Linh nằm dưới tán rừng già trên đỉnh Ngọc Linh. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi thu hút du khách thích được trải nghiệm không khí mát lành của Măng Đen và được thực mục sở thị “Quốc bảo”- sâm Ngọc Linh ở Tu Mơ Rông. Do đó, hai địa phương chúng tôi đang hợp tác và kết nối thành tour du lịch khép kín.

“Để thu hút khách du lịch đến với Măng Đen và Tu Mơ Rông, mong rằng tỉnh, ngành chức năng quan tâm sớm đầu tư hoàn thiện các cây cầu còn lại trên tuyến đường Ngọc Hoàng- Măng Bút- Tu Mơ Rông- Ngọc Linh để tháo “điểm nghẽn” về giao thông thúc đẩy phát triển du lịch”- ông Thắng kiến nghị.

Với nguyện vọng chính đáng của người dân và chính quyền địa phương thì việc đầu tư xây dựng các cầu kiên cố qua 5 chiếc ngầm trên tuyến Ngọc Hoàng- Măng Bút- Tu Mơ Rông- Ngọc Linh là quan trọng và cấp thiết. Việc sớm đầu tư hoàn thiện hệ thống cầu trên tuyến sẽ góp phần hạn chế lãng phí, phát huy tốt nguồn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng của Đảng, Nhà nước với công trình giao thông quan trọng này. Đặc biệt, điều đó không chỉ giải bài toán về lưu thông hàng hóa, thúc đẩy sự phát triển mà từ đó còn tạo sự liên kết liên vùng rất quan trọng đối với sự phát triển của 3 huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông.

Phúc Nguyên     

Chuyên mục khác