Giờ học yêu thương - Lan tỏa nghĩa cử đẹp

25/10/2021 06:20

Với mong muốn các em học sinh đang “mắc kẹt” ở vùng dịch hoặc khu cách ly vẫn được học tập, tiếp thu kiến thức, hàng trăm giáo viên trên địa bàn tỉnh đã tự nguyện tham gia chương trình “Giờ học yêu thương” do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phát động.

Tình thương và trách nhiệm

Theo thống kê của ngành GD&ĐT, hiện nay, toàn tỉnh có 419 học sinh đang “mắc kẹt” ở các địa phương khác hoặc đang trong thời gian cách ly không thể đến trường học trực tiếp. Trong đó, cấp Tiểu học có 148 em, THCS 156, THPT 115 em.

Xuất phát từ tình thương và trách nhiệm đối với học sinh, ngành Giáo dục tỉnh đã phát động Chương trình “Giờ học yêu thương”. Đây là chương trình mà ngành Giáo dục tỉnh chủ động sáng kiến tổ chức, nhằm tạo điều kiện cho các em học sinh tiếp tục được học tập theo phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”, đồng thời từ đó, chủ động các tình huống dạy học ứng phó với dịch bệnh. Vì vậy, ngành Giáo dục Kon Tum kêu gọi toàn bộ cán bộ, quản lý, giáo viên trên địa bàn tỉnh tình nguyện tham gia chương trình “Giờ học yêu thương”.

Để chương trình mang lại hiệu quả, Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Thị Trung đã gửi thư kêu gọi, động viên các cán bộ quản lý, giáo viên trong tỉnh tham gia với hình thức tự nguyện. Chương trình được tổ chức qua những tiết dạy trực tuyến, trên nền tảng Office 365 ở các môn học dành cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12, nhằm kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ các em học sinh đang lưu trú ngoài tỉnh, chưa trở về học tập tại địa phương do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Cô giáo Lê Thị Kim Thùy đang dạy học trực tuyến chương trình giờ học yêu thương. Ảnh: VP

 

Ngay sau thư kêu gọi của Giám đốc Sở GD&ĐT, đến nay đã có hơn 480 cán bộ quản lý, giáo viên tự nguyện đăng ký tham gia chương trình “Giờ học yêu thương”. Trong đó, cấp Tiểu học có 28 giáo viên, THCS 97 giáo viên và THPT có 57 giáo viên. Điều đáng nói, trong số người tự nguyện tham gia có cả hiệu trưởng, hiệu phó các trường học và không chỉ giáo viên ở vùng thuận lợi mà còn có cả giáo viên ở các huyện, xã vùng sâu vùng xa, khó khăn và vùng biên giới.

Giáo viên tự nguyện tham gia dạy chương trình “Giờ học yêu thương” sử dụng các kho học liệu, sách giáo khoa để xây dựng kế hoạch bài dạy, biên soạn nội dung dạy học phù hợp đặc điểm tâm lí của học sinh khi học trực tuyến; đa dạng hóa phương pháp dạy học, phù hợp từng nhóm đối tượng học sinh.

Cấp THCS, dự kiến có 316 học sinh tham gia, biên chế thành 8 lớp; cấp THPT, dự kiến có 135 học sinh tham gia, biên chế thành 5 lớp. Học sinh cấp THCS học các môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân, Công nghệ, Khoa học tự nhiên, Tin học; cấp THPT học các môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân, Tin học, Công nghệ.

Thầy Nguyễn Đình Vinh - Phó Văn phòng Sở GD&ĐT cho biết: Chương trình “Giờ học yêu thương” được triển khai để bổ sung kiến thức cho những học sinh của tỉnh đang bị “mắc kẹt” ở vùng dịch hoặc đang cách ly y tế ở ngoài tỉnh. Toàn bộ giáo viên đều đăng kí tham gia một cách tự nguyện và không nhận bất kì hỗ trợ nào. Chương trình sẽ được triển khai trong thời gian dài nhằm ứng phó với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh.“Giờ học yêu thương” được triển khai với mong muốn không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau vì bệnh dịch và theo phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”. Ngành Giáo dục tỉnh hy vọng rằng các em sẽ theo kịp chương trình trước khi quay trở lại trường học trực tiếp.

“Việc tổ chức một lớp học trực tuyến này rất khó khăn, mỗi em có điều kiện khác nhau, do đó chỉ có thể bằng tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm của giáo viên mới có thể truyền đạt kiến thức đến các em một cách hiệu quả nhất” - thầy Vinh chia sẻ.

Cống hiến vì học sinh thân yêu

Hiểu rõ được trách nhiệm và ý nghĩa nhân văn của chương trình nên không chỉ các giáo viên ở vùng thành thị đăng ký tham gia mà ngay cả những giáo viên ở vùng khó như Tu Mơ Rông, Đăk Glei hay vùng biên giới Ia H’Drai cũng nhiệt tình đăng ký tham gia. Họ tham gia không chỉ vì muốn được cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và qua đó mong muốn lan tỏa nghĩa cử đẹp trong cơn đại dịch này.

Là một trong những giáo viên đăng ký tự nguyện tham gia đầu tiên ngay sau thư kêu gọi của Giám đốc Sở GD&ĐT, thầy giáo Nguyễn Công Hoan-Giáo viên Trường TH-THCS Trường Sa đăng ký dạy môn Tin học khối 6,7 và môn Vật lý khối 6,7,8. Thầy Hoan cũng được bố trí dạy ngay trong đợt đầu này (từ ngày 11/10) vào buổi tối thứ 3, 5 hàng tuần, thời gian học từ 19h15 đến 20h30. Với thời gian đó, nhiều khi dù có bận việc, hay có những lời mời liên hoan, thầy Hoan đều từ chối để lên lớp đúng thời gian. Bởi theo thầy Hoan hiểu, ở nơi xa xôi kia các em đang cần và chờ mình truyền thụ những kiến thức để các em có thể theo kịp chương trình với các bạn đang được học trực tiếp.

Thầy Nguyễn Công Hoan Hoan tranh thủ dạy học cho học sinh tại nhà riêng. Ảnh: V.P 


Thầy Nguyễn Công Hoan cho biết: Hiện nay, tôi đang được giao chủ nhiệm lớp 6 với 35 em học sinh đang mắc kẹt trong vùng dịch và trong các khu cách ly ở các tỉnh như Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Gia Lai…Đợt đầu này, tôi đang tham gia dạy môn Tin học có 7 học sinh học trực tuyến trong chương trình “Giờ học yêu thương”. Do các em ở vùng dịch điều kiện khác nhau nên trong các tiết học, tôi cố gắng rút gọn và truyền đạt những kiến thức cơ bản, chung nhất nhưng vẫn đảm bảo theo chương trình để các em có thể theo kịp. Các em học rất nghiêm túc và tích cực tham gia phát biểu ý kiến khi được hỏi.  

“Ngay sau khi Sở phát động chương trình “Giờ học yêu thương”, tôi là một trong những giáo viên đã xung phong đăng kí tham gia đầu tiên. Bởi tôi hiểu, các em học sinh ở xa hoặc trong khu cách ly rất thiệt thòi vì không thể đến trường học trực tiếp. Vì vậy, tôi tình nguyện tham gia với mong muốn đóng góp chút công sức của mình để truyền đạt kiến thức cho các em đang “mắc kẹt”, không thể đến trường để các em không bị bỏ lại phía sau”- thầy Hoan chia sẻ.

Theo thầy Hoan, hiện các em học sinh đang ở nhiều địa phương khác nhau và khu cách ly nên điều kiện học tập không được đảm bảo. Một số em không có máy tính hay điện thoại thông minh để học trực tuyến phải mượn bố mẹ hoặc người thân. Ngoài ra, đường truyền Internet ở một số nơi không đảm bảo gây ảnh hưởng đến giờ học…

Tương tự, cô giáo Lê Thị Kim Thùy-giáo viên Ngữ văn (Trường THPT Kon Tum) đều đặn 2 buổi/tuần lên lớp trực tuyến trong chương trình “Giờ học yêu thương” để gặp và truyền đạt cho các em học sinh đang “mắc kẹt” ở nhiều tỉnh thành. Để lớp học đảm bảo, cô Thùy lập nhóm, thông báo lịch học và thường xuyên nhắc nhở lên lớp đúng giờ. Đặc biệt, để truyền đạt kiến thức cho học sinh, cô Thùy chuẩn bị giáo án riêng, ngắn gọn, đi vào trọng tâm bài học để các em dễ dàng tiếp thu.

“Trong các tiết học trực tuyến, mình phải có phương pháp riêng, có cách giảng riêng không giống việc học trực tiếp, bởi điều kiện học tập của các em học sinh khác nhau, làm sao các em tiếp thu được kiến thức cơ bản, đầy đủ và đảm bảo chương trình…”- cô Thùy chia sẻ.

Mỗi tiết học, bài học được thầy cô giảng dạy sẽ gửi gắm tình cảm, sự quan tâm, yêu thương với các em học sinh trong tình hình dịch bệnh. Sự trách nhiệm, cống hiến của giáo viên sẽ giúp các em đang bị “mắc kẹt” hoàn thành được các yêu cầu cần đạt của chương trình các môn học. 

Theo thầy Đoàn Thành Nhân - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, Chương trình “Giờ học yêu thương” triển khai trong giai đoạn này mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, được cán bộ và giáo viên trong toàn ngành nhiệt tình hưởng ứng. Những cống hiến, đóng góp, chia sẻ yêu thương của các thầy cô giáo tham gia chương trình  là động lực, điều kiện quan trọng để ngành Giáo dục Kon Tum hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2021-2022 trong điều kiện còn nhiều khó khăn.

Văn Phương

Chuyên mục khác