Gìn giữ văn hóa truyền thống

26/09/2023 13:04

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở xã vùng sâu Đăk Na (huyện Tu Mơ Rông) vẫn luôn nêu cao ý thức bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, lưu giữ cho thế hệ sau.
Người dân xã Đăk Na tham gia dựng nhà rông. Ảnh: PN

 

Gìn giữ những nét văn hóa đặc sắc

Đăk Na là xã vùng sâu khó khăn nhất của huyện Tu Mơ Rông. Xã có 12 thôn, làng với tổng số hơn 790 hộ dân, 100% là người dân tộc Xơ Đăng. Trải qua những biến động thăng trầm của lịch sử, nhưng đồng bào Xơ Đăng nơi đây vẫn gìn giữ được nét văn hóa truyền thống đặc sắc, đa dạng, phong phú và mang sắc thái riêng. Nhiều bộ cồng chiêng, đàn t’rưng, đàn kloong pút, các làn điệu dân ca và đặc biệt, các lễ hội như lễ tết dân tộc, lễ ăn lúa mới, lễ bắc máng nước, lễ cồng chiêng và nhà rông văn hóa... vẫn được đồng bào dân tộc Xơ Đăng nơi đây chung tay gìn giữ. Điều đặc biệt là hệ thống lễ hội của người Xơ Đăng nơi đây diễn ra quanh năm theo vòng đời người, từ nghi lễ nông nghiệp cho đến những lễ hội liên quan đến sự tồn tại và phát triển của cộng đồng, của con người. Ở từng làng, vẫn tổ chức các lễ hội như lễ hội tỉa lúa vào tháng 3; tháng 6 ăn lúa thừa; tháng 9 bắc máng nước, tháng 10 ăn lúa mới, tháng 11 ăn lúa kho và tháng 12 tết dân tộc địa phương.

Đặc biệt, đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở Đăk Na vẫn còn lưu giữ được tính truyền thống như vị trí xây dựng nhà rông ở giữa làng, xung quanh nhà rông là nhà ở của người dân. Máng nước được bắc từ đầu nguồn của dòng suối đưa về bố trí đặt tại giữa làng. Không gian sinh hoạt trong ngôi nhà được phân định rõ không gian của chủ hộ và các thành viên trong gia đình cũng như không gian tiếp đón khách. Kho lúa được xây dựng ở trên đất sản xuất hoặc tập trung ở rìa làng.

Cho đến nay, mỗi thôn đều có đội văn nghệ và có nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng. Toàn xã vẫn lưu giữ được 23 bộ cồng chiêng của các hộ gia đình, cá nhân. Cả xã có hơn 100 người biết đánh cồng chiêng, trong đó, có nhiều nghệ nhân giỏi, không chỉ biết đánh cồng chiêng mà còn biết kỹ thuật chỉnh sửa cồng chiêng như nghệ nhân A Ngự (thôn Đăk Riếp 2), A Nhục  (thôn Mô Bành 1).

Ông A Dũng- Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Na cho biết: Đồng bào Xơ Đăng ở đây rất có ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Vì vậy, đến nay, 100% thôn làng đều có đội cồng chiêng, múa xoang, nhiều lễ hội vẫn được gìn giữ. Bà con sống đoàn kết, thể hiện tính cộng đồng cao.

“Thời gian tới, xã tiếp tục chỉ đạo kịp thời của cấp ủy, chính quyền và bí thư chi bộ thôn, các đoàn thể thôn vận động các hộ dân có cồng chiêng không nên bán, vừa để gìn giữ, vừa để phục vụ đánh cồng chiêng trong các ngày lễ, lễ hội của dân tộc. Đồng thời, tiếp tục triển khai các lớp dạy đánh cồng chiêng  dạy múa xoang, chế tác nhạc cụ, đan lát, rèn, chỉnh chiêng, hát giao duyên gắn với phát triển du lịch cộng đồng”- ông A Dũng cho hay.

Chung tay bảo tồn nhà rông truyền thống

Một ngày trung tuần tháng 9, chúng tôi vượt hơn 100 km trong cơn mưa tầm tã từ thành phố Kon Tum đến với xã vùng sâu Đăk Na. Sau gần 3 tiếng đồng hồ chạy xe, vượt qua những con đèo, dốc ngoằn nghèo, hiểm trở dưới cơn mưa nặng hạt, cuối cùng chúng tôi cũng đến được Đăk Na. Đón chúng tôi ngay trụ sở UBND xã, Phó Chủ tịch UBND xã A Dũng đưa chúng tôi đến thôn Đăk Riếp 1. Vừa đi, A Dũng vừa chia sẻ, thôn Đăk Riếp 1 là thôn đầu tiên trong 5 thôn có nhà rông văn hóa bị hư hỏng người dân tự nguyện góp tiền, góp công để sửa chữa, làm lại nhà rông mới đã hoàn thành. Toàn bộ số tiền và vật liệu đều do người dân tự nguyện đóng góp xây dựng.

Đến thôn Đăk Riếp 1, đúng lúc bà con trong thôn đang tổ chức ăn mừng có ngôi nhà rông mới. Thấy có khách đến, A Ước- Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn ra chào đón và mời khách cùng chung vui với bà con. A Ước kể, trong suốt một tuần (từ 8-14/9), 75 hộ trong làng đều tham gia, mỗi người một việc, một số vào rừng chặt le, nứa, lồ ô, lấy tranh; một số khác tập trung làm các công đoạn để dựng nhà rông. Với sự đồng lòng, đoàn kết của cả làng, sau một tuần khẩn trương làm, ngôi nhà rông rộng 5 m dài 12 m và cao 12 m đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ngoài ngày công, bà con đã tự nguyện đóng góp thêm 25 triệu đồng.

A Ước chia sẻ: Đây là ngôi nhà rông truyền thống của người Xơ Đăng làng Đăk Riếp 1. Toàn bộ nguyên liệu như tranh tre, lồ ô đều được bà con đi vào rừng lấy về. Riêng các trụ gỗ lớn của nhà rông, chúng tôi tận dụng của nhà rông cũ. Cứ vài năm, khi hư hỏng, chúng tôi lại tổ chức làm lại và chỉ sử dụng những vật liệu tranh tre, để gìn giữ nét truyền thống của dân tộc.

Sau khi chúc mừng bà con dân làng Đăk Riếp 1 có ngôi nhà rông mới, A Dũng tiếp tục đưa chúng tôi về làng Mô Bành 1 nằm lưng chừng ngọn đồi cách UBND xã khoảng gần 2km. Tại đây, chúng tôi thấy không khí lao động rất vui vẻ của bà con dân làng. Ở cạnh ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng, một nhóm phụ nữ đang chẻ, bóc thân lồ ô rồi đập, khía thành từng rãnh nhỏ ngay đầu để đan vách, lót sàn nhà rông. Tại đây, bà Y Linh cùng một số chị em trong làng tranh thủ thời gian rảnh rỗi sau khi làm rẫy về ra phụ giúp cùng làm. Phía bên trên khu vực nhà rông, một số thanh niên cũng đang hoàn thành nốt công đoạn để đổ các trụ chính của nhà rông.

Nhà rông thôn Mô Bành đang được xây dựng bằng đóng góp của người dân. Ảnh: PN

 

Anh A Bun gần một tuần nay để một mình vợ đi làm rẫy, còn anh ngày nào cũng tập trung tại nhà rông để cùng thanh niên trong làng dựng nhà rông. Anh A Bun tỏ ra rất vui vì mình đã và đang đóng góp tích cực vào gìn giữ ngôi nhà rông truyền thống của dân tộc mình.

Người dân thôn Mô Bành tham gia làm các công đoạn để dựng nhà rông. Ảnh: PN

 

A Nhuân- Bí thư Chi bộ, trưởng thôn Mô Bành 1 cho biết: Trước khi triển khai xây dựng nhà rông, thôn đã tiến hành họp, bàn bạc và đi đến thống nhất. Những trụ lớn và sàn của nhà rông tiến hành đổ bê tông để đảm bảo sự chắc chắn, sau đó, các trụ sẽ được sơn giả gỗ, còn ở sàn sẽ lót bằng lồ ồ, kèo cột, bà con trong làng chia nhau ra vào rừng tìm tre, cây lồ ô già, keo, cành cây nhỏ về làm, như vậy vẫn giữ được nét truyền thống của ngôi nhà rông vừa góp phần bảo vệ rừng.

Theo A Nhuân, nhà rông mới này có chiều dài hơn 15m, rộng hơn 8m và cao hơn 12m với tổng số tiền khoảng 200 triệu đồng. Số tiền này hoàn toàn do người dân trong làng đóng góp và được trích từ quỹ dịch vụ môi trường rừng mà cộng đồng, hộ dân nhận khoán bảo vệ để xây dựng nhà rông. Dự kiến nhà rông sẽ hoàn thành trong đầu tháng 10 này.

Ông Bùi Văn Viên- Chủ tịch UBND xã Đăk Na cho biết, trong năm 2023, toàn xã sẽ làm mới, sửa chữa lại 5 nhà rông ở 5 thôn là Đăk Riếp 1, Đăk Riếp 2, Đăk Rê 2, Ba Ham và Mô Bành 1. Toàn bộ kinh phí xây dựng 5 nhà rông đều do người dân tự nguyện đóng góp với tổng số tiền gần 300 triệu đồng. Trong đó, nhà rông thôn Mô Bành 1 là nhà rông làm mới hoàn toàn với tổng số tiền khoảng 200 triệu đồng. Đây cũng là nhà rông có diện tích lớn nhất huyện Tu Mơ Rông do người dân  tự nguyện đóng góp xây dựng.

“Việc người dân tự nguyện đóng góp kinh phí xây dựng nhà rông và tiến hành sửa chữa khi bị hư hỏng không chỉ thể hiện tính cộng đồng, sự đoàn kết cao mà điều đó cũng góp phần bảo tồn và gìn giữ nét văn hóa truyền thống của người Xơ Đăng”- ông Viên nhấn mạnh.

Còn A Dũng- Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Na cho hay: Cũng là người Xơ Đăng, nhưng ở Đăk Na mỗi làng lại có những cách trang trí nhà rông khác nhau. Tất cả 12 nhà rông của 12 thôn làng đều có những nét khác nhau. Từ mẫu mã đến những hoa văn, cách trang trí trong nhà rông, đến việc lót sàn, vách ngăn, cách vẽ hoa văn bên trong cũng theo nét truyền thống của từng thôn, làng. Đây là nét đẹp truyền thống của người Xơ Đăng ở Đăk Na.

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác