Gian nan gìn giữ và phát triển “Quốc bảo”

02/08/2022 13:04

Sâm Ngọc Linh là loại dược liệu quý, được xem là “Quốc bảo” của Việt Nam. Vì vậy, người dân tại vùng núi Ngọc Linh ở huyện Tu Mơ Rông đã và đang tích cực bảo vệ, gìn giữ và phát triển loại dược liệu quý này. Tuy nhiên, quá trình phát triển cũng đầy gian nan.

Nhọc nhằn đường lên vườn sâm

Tháng 7/2022, một ngày cuối tuần, từ mờ sáng, tôi một mình vượt hơn 100km từ thành phố Kon Tum và sau hơn 2 tiếng đồng hồ chạy xe tôi mới đến xã Tê Xăng, Măng Ri. Sau nhiều lần lỡ hẹn, hôm nay tôi mới có dịp lên núi Ngọc Linh-nơi bà con đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông đang ngày đêm gìn giữ và phát triển sâm Ngọc Linh.

Đón tôi ngay ngã ba xã Tê Xăng, anh Hồng (một cán bộ huyện Tu Mơ Rông) cùng một số bà con bắt đầu hành trình lên núi Ngọc Linh. Vượt qua con đường ngoằn nghèo, chúng tôi băng qua làng Tu Thó hướng tới ngọn núi Ngọc ka chơ (tên thường gọi của đồng bào DTTS nơi đây). Chiếc xe máy của chúng tôi cũng chỉ cố gắng vượt qua một ngọn núi thấp và khi đến đầu bìa rừng, cách làng Tu Thó vài cây số, xe không thể tiếp tục đi được bởi con đường trơn trượt, dốc cao dựng đứng. Lúc này, anh Hồng mở chiếc điện thoại đo độ cao và khi ấy chúng tôi đang ở độ 1.500m so với mặt nước biển.

Bỏ chiếc xe bên bìa rừng già, chúng tôi cùng bà con bắt đầu hành trình leo núi. Không có đường đi, chúng tôi men theo lối mòn, len lỏi đi qua các khu rừng già mát lạnh vượt qua hàng chục con dốc cao thẳng đứng, trơn trượt và sau gần 2 tiếng đồng hồ liên tục băng rừng, leo dốc chúng tôi mới đến được khu vực trồng sâm Ngọc Linh của bà con. Lúc này là ở độ cao gần 2.000m. Với tôi cũng được rèn luyện thể dục thường xuyên nhưng việc leo núi khá vất vả. Dù không mang theo đồ đạc gì, nhưng đi được khoảng 15 phút tôi lại phải nghỉ lấy sức. Để vượt qua được những con dốc thẳng đứng, tôi phải vừa dùng gậy chống, vừa bám vào cây rừng mới vượt qua được những con dốc cao. Ấy vậy mà bà con đồng bào DTTS còn gùi theo các vật dụng để phục vụ trồng sâm và tuần nào cũng vậy, họ thường xuyên đi trên con đường này để lên rừng trồng sâm.

Vừa đi, anh A Hiệp (thôn Tân Ba, xã Tê Xăng) vừa tâm sự, vừa động viên tôi cố gắng. Theo anh Hiệp, vất vả nhất là việc phải gùi dây thép gai và rọ, lưới để rào vườn bảo vệ vườn và trồng sâm.

Đường lên vườn sâm. Ảnh: HN

 

Được nghe, được thấy, được trải nghiệm, tôi thực sự khâm phục tinh thần vượt khó của bà con đồng bào DTTS nơi đây. Để có được vườn sâm như hôm nay đúng là hành trình đầy gian nan vất vả.

Gian nan hành trình bảo vệ

Để có được vườn sâm đã khó thì việc bảo vệ, chăm sóc và phát triển lại càng vất vả, gian nan hơn gấp bội. Có lẽ, với người trồng sâm ở Tu Mơ Rông năm nay là năm khó khăn nhất. Nhiều vườn sâm, cây sâm đang lên xanh tốt bỗng bị chết bất thường; hàng nghìn cây sâm giống đang mơn mởn bỗng lụi tàn.

Đơn cử như trường hợp của A Phi (làng Tu Thó), anh đầu tư hàng chục triệu đồng để mở rộng diện tích cho mình, góp phần vào thực hiện kế hoạch phát triển sâm của huyện. Thế nhưng chưa kịp mừng thì anh Phi bàng hoàng khi thấy hàng trăm hạt sâm giống anh gieo chết gần hết. Điều đó đồng nghĩa với việc hàng chục triệu đồng anh đầu tư mua hạt giống cũng gần như mất trắng.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn sâm, anh A Phi buồn rầu: Năm nay, gia đình tôi đã vay mượn mua 600 hạt giống sâm Ngọc Linh với số tiền hơn 60 triệu đồng nhưng giờ đếm đi đếm lại chỉ có 45 hạt còn sống, đang nảy mầm. Những năm trước, cũng tại khu vực này, tôi gieo hạt nào, sống hạt đó, vậy mà năm hay không hiểu sao số lượng hạt bị hư hỏng lại nhiều thế.

Di chuyển sâm bệnh ra khỏi vườn để trồng ở giá thể mới. Ảnh: HN

 

Tương tự, ngay sát khu vườn sâm của A Phi là khu vườn sâm của công đoàn xã Tê Xăng, hàng trăm cây giống 1 năm tuổi cũng chết sạch. Theo anh A Hiệp (thôn Tân Ba), năm trước ở khu vườn này được gieo hơn 700 hạt sâm giống đã sống và lên được hơn 600 cây con (tỷ lệ sống khoảng 90%), tuy nhiên, năm nay cây đang lên bỗng lụi hết.

“Thấy hàng trăm cây con năm trước lên xanh tốt như thế mà năm nay chết sạch thì đúng là tiếc. Hôm nay, chúng tôi huy động lực lượng lên để đảo đất, đồng thời thu hạt chín ở những cây khác để tiến hành gieo trồng lại” - anh A Hiệp cho biết.

Còn anh A Thuất (làng Pu Tá, xã Măng Ri) cho biết, đầu năm 2021, gia đình anh vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội mua 1.000 hạt giống sâm Ngọc Linh về trồng. Thấy sâm phát triển tốt gia đình tôi rất vui mừng. Tuy nhiên, hơn một tháng nay, qua kiểm đếm đã có đến 500 cây bị chết một cách bất thường, số còn lại cũng đang chết dần

Theo thống kê của huyện Tu Mơ Rông, đến nay, tổng số cây sâm Ngọc Linh bị thiệt hại trên địa bàn là 39.224 cây của 408 hộ dân. Ước tính thiệt hại khoảng hơn 20,8 tỷ đồng. Trong đó, số lượng cây bị thiệt hại do sâu, bệnh hại là 38.412 cây của 393 hộ nằm ở các xã Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Lây, Văn Xuôi với số tiền bị thiệt hại khoảng 20,4 tỷ đồng. Số lượng cây bị chết, ảnh hưởng do mưa đá là 812 cây của 27 hộ các xã Măng Ri, Đăk Sao, thiệt hại khoảng hơn 324 triệu đồng.

Theo ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, đa số hộ dân trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện là người DTTS và vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Do đó, để giảm thiểu thiệt hại cho người trồng sâm Ngọc Linh, UBND huyện đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan nghiên cứu các chính sách để hỗ trợ cho người dân trồng sâm Ngọc Linh, chỉ đạo ngân hàng có phương án khoanh, giãn nợ cho người dân vay vốn trồng sâm Ngọc Linh đồng thời, chỉ đạo cho các doanh nghiệp cung ứng giống sâm Ngọc Linh cho người dân trên địa bàn huyện để khôi phục các diện tích bị chết.

Không chỉ cây sâm Ngọc Linh bị chết cho sâu bệnh và mưa đá, trong quá trình phát triển thì nhiều khu vườn sâm của người dân bị chuột, chim phá mà cho đến nay vẫn chưa thể thống kê được. Điều đó cho thấy, việc phát triển và bảo vệ vườn sâm Ngọc Linh là hành trình khá gian nan, vất vả.

Theo ông A Sỹ- Bí thư Đảng ủy xã Măng Ri, việc canh giữ, bảo vệ sâm cũng khá vất vả, bởi hiện tại sâm Ngọc Linh là loại dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao và giá lại khá đắt, vì vậy, nếu không có biện pháp canh giữ cẩn thận, rất dễ xảy ra tình trạng trộm cắp. 

Quyết tâm gìn giữ và phát triển diện tích

Dù đang gặp phải những khó khăn nhưng điều đáng mừng là hiện nay, bà con đồng bào DTTS Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông hiểu được giá trị của sâm Ngọc Linh nên đã và đang ra sức gìn giữ và phát triển diện tích. Đặc biệt, bà con đã hiểu được muốn trồng sâm phải giữ được rừng. Bởi, sâm Ngọc Linh là loại cây sống không thể tách rời khỏi rừng. Không có rừng có nghĩa là không thể trồng sâm, vì vậy, bà con luôn biết kết hợp giữa việc giữ rừng với việc trồng sâm dưới tán rừng.

Vất vả trồng, bảo vệ sâm. Ảnh: HN

 

Ông A Brít (làng Đăk Viên, xã Tê Xăng) cho biết: Cây sâm Ngọc Linh chỉ có thể sống được dưới tán rừng già nên việc bảo vệ rừng có ý nghĩa rất quan trọng. Không có rừng già là không có sâm Ngọc Linh đâu. Vì vậy, bà con cùng nhau quyết tâm giữ rừng trồng sâm, để thoát nghèo.

Cho đến nay, huyện Tu Mơ Rông đã phát triển được hơn 1.190ha sâm Ngọc Linh. Diện tích sâm này trồng hoàn toàn dưới tán rừng tự nhiên trên núi Ngọc Linh, tập trung chủ yếu ở địa bàn các xã Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Lây. Huyện cũng đang quy hoạch hàng chục nghìn héc ta đất rừng khác để trồng sâm Ngọc Linh. Riêng trong năm 2022, Tu Mơ Rông phấn  đấu trồng mới 490ha sâm Ngọc Linh.

Anh A Hải (thôn Đăk Viên, xã Măng Ri) chia sẻ: Hiện nay, gia đình tôi cũng đã phát triển được gần 1.000 cây sâm Ngọc Linh đã vài năm tuổi. Nếu được vay vốn ưu đãi, có nguồn cây giống đảm bảo, tôi sẵn sàng vay vốn để phát triển mở rộng diện tích.

Phải nói rằng, bảo vệ gìn giữ và phát triển sâm Ngọc Linh là hành trình gian nan, vất vả. Không ngại khó, ngại khổ, đó cũng là việc làm mà đồng bào dân tộc Xơ Đăng dưới chân núi Ngọc Linh đã và đang làm để bảo vệ, gìn giữ và phát triển “Quốc bảo”.

Hà Nam

Chuyên mục khác