Gặp ở Măng Đen

17/12/2019 06:16

Với những người đi nhiều, biết nhiều, nhưng mới lần đầu đến với Măng Đen như bạn tôi, vùng đất "ba hồ bảy thác" là một sơn nữ lộng lẫy còn e ấp, hoang dại giữa đại ngàn, đủ tạo nên một sức hấp dẫn kỳ lạ, kích thích người ta khám phá.

1. Thật bất ngờ khi gặp lại Huyền - cô bạn học chung lớp đào tạo báo chí nâng cao do Tổ chức Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) hỗ trợ cách đây 15 năm ở Măng Đen trong một ngày cuối tuần rét mướt này.  

Trong ký ức của tôi, Huyền là cô gái hiền lành, có phần nhút nhát, để tóc dài, hay cười bẽn lẽn, luôn đỏ mặt mỗi khi có ai gọi tên. Chỉ có đôi mắt hút hồn người đối diện, một đôi mắt sáng và sâu đến kỳ lạ.

Nên khi một cô gái mặc quần jeans, áo thun, giày thể thao, trông hơi… ngổ ngáo bước đến gần, tôi vẫn bình thản ngồi ngắm phố, chỉ giật nảy mình khi nhận một cái phát đau điếng vào vai: Này, bạn cũ, định lơ hả. Mãi mới nhận ra Huyền, tôi cười, lẩm bẩm: Thay đổi quá. Chỉ còn đôi mắt… Ờ, vẫn sáng và sâu thăm thẳm.

Cũng phải thôi. 15 năm rồi, thời gian có thể làm thay đổi bất cứ ai, bất cứ điều gì.

“Trong thời gian ngắn ngủi ở đây, tớ muốn viết một cái gì đó về Măng Đen, bằng cảm nhận của chính mình” - cô nói.

Và tôi rất vui lòng phục vụ cô vì điều đó.

Hồ Đăk Ke - điểm đến hấp dẫn ở Măng Đen. Ảnh: Duy Tuyên

 

Xe lòng vòng trên đèo Măng Đen, chạy xuyên qua rừng già, lên chùa Khánh Lâm, xuống thác Pa Sỹ, vào hồ Đăk Ke… Với tôi, tất cả ở Măng Đen đều quen đến không thể quen hơn. Vẫn những con đường ngắn và dốc, những biệt thự đa màu sắc, hình khối nằm dưới tán thông xanh.

Nhưng với Huyền thì khác, cái gì cũng mới mẻ, hấp dẫn và mời gọi. Cô phấn khích hít thật sâu mùi gỗ thông; thích thú nhìn những cây thông to cao, ngầm đoán chắc chúng cũng được mấy chục tuổi; thò tay ra hứng dòng nước thác Pa Sỹ trong văn vắt từ hàng chục mét cao đổ xuống rồi xuýt xoa vì lạnh.

Giống như bao người lần đầu đến đây vậy - tôi tự an ủi mình và kiên nhẫn chờ đợi cô kể về cảm nhận của mình đối với Măng Đen.

Hiếm có nơi nào như Măng Đen, núi và mây đều nằm trong phố - Huyền nói khi dừng chân nghỉ ở quán cà phê trước khách sạn Hoa Sim.

Cô tấm tắc khen Măng Đen có nhiều hồ nước đẹp, như Đăk Ke chẳng hạn, đẹp hơn hồ Xuân Hương ở Đà Lạt, vì còn nguyên vẻ hoang sơ, chưa bị con người can thiệp sâu. Chính sự hoang sơ ấy tạo nên sức hút đối với du khách.

Cô chủ quán vui tính chiều lòng khách, mở bài Tình ca Măng Đen từ chiếc loa “kẹo kéo” đặt dưới gốc thông. Huyền nói, cô ấn tượng nhất là hình ảnh những con đường len lỏi dưới bạt ngàn thông reo, vừa hoang sơ vừa hiền hòa, làm hồn người lắng dịu lại giữa muôn vàn nỗi lo đời thường.

Tôi cười: Bởi vậy có người ví Măng Đen là một Đà Lạt thứ hai. Huyền lắc đầu: Tớ không thích lối so sánh này, vì Đà Lạt là một vẻ đẹp đã hoàn thiện, hoàn thiện đôi khi thái quá bởi sự khai thác của con người, trong khi Măng Đen như một sơn nữ lộng lẫy còn e ấp, hoang dại giữa đại ngàn, đủ tạo nên một sức hấp dẫn để kích thích người ta khám phá.

Tớ càng không thích gọi Măng Đen là “Đà Lạt thứ hai”, có lẽ vì không muốn nó bị trở thành một bản sao, một "hình chiếu", mà muốn Măng Đen luôn giữ  được những nét riêng của mình - Huyền rủ rỉ, mắt dõi ra phía trập trùng thông xanh.

Nhìn khoảnh sân bê tông rộng trước quán nước, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về những điều cô bạn nói.

2. Trời tối nhanh, chung quanh sương đẫm rợp, phủ mờ những con đường. Măng Đen đang là mùa sương. Ra đường nghe mi mắt nặng, cảm giác rất rõ sương đang tụ thành nước gai gai trên da. Nơi Huyền ở, hai mùa nắng mưa ráo hoảnh, nên cứ hít hà kêu “thật là lãng mạn”, nằng nặc đòi dạo phố, dù tôi đã cảnh báo hậu quả có thể là những ngày ho đến nóng ran buồng phổi.

Nhưng thôi, hãy cứ vui cùng cô gái miền sông nước đang hớn hở trong sương kia. Cô cười váng lên khi thấy hai đứa nhỏ đứng dưới hiên một ngôi nhà thè lưỡi ra, và khăng khăng cho rằng chúng đang cố nếm vị của sương.

Nhìn xe cộ nối đuôi nhau chạy qua, rẽ về các nhánh đường, cô xuýt xoa: Trước khi lên đây, cứ tưởng Măng Đen còn vắng vẻ, đìu hiu lắm chớ. Tôi giải thích đó là khách du lịch, từ Gia Lai tới, từ Kon Tum lên; ở Quảng Ngãi, Thành phố Hồ Chí Minh hay tít tận Thái Bình, Hải Dương đến.

Dãy hàng quán chạy dọc theo trục đường chính (Quốc lộ 24) khá nhộn nhịp. Những lò than ấm sực nổ lép bép, tung hoa cà hoa cải, chủ quán đang nướng gà, đốt cơm lam đón khách.

Khu du lịch Hoàng Vũ Măng Đen thu hút du khách bởi khung cảnh hữu tình. Ảnh: Thành Hưng

 

Chúng tôi háo hức ghé vào một gian quán ven đường có lò nướng nghi ngút khói gỗ thông. Chị chủ quán vồn vã kéo ghế mời khách và giới thiệu “khéo” khi giục ông chồng vào làng Kon Pring mua thêm gà, ý bảo “gà của quán được đặt mua trong làng nhé, nên ngon miễn chê”. Hít một hơi rõ dài, cô bạn tấm tắc: Gà nướng ở đây có mùi thơm lạ, khác hẳn với mùi vị trước đây tớ từng thử.

Tôi khoe, huyện Kon Plông này có tới 6 món ăn và đặc sản được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, Tổ chức Kỷ lục Châu Á công nhận là món ăn đạt kỷ lục Việt Nam là Gà nướng Kon Plông, Cá tầm Kon Plông, Thịt bò nướng kiến vàng, Rượu vang sim Măng Đen, Tiêu rừng Măng Đen, Măng nứa khô Măng Đen. Bạn hứa sẽ thưởng thức và tìm hiểu kỹ từng món.

Còn hôm nay, hãy bắt đầu bằng món đặc sản gà nướng cơm lam hấp dẫn này. Gà nướng ăn kèm muối tiêu chanh, còn cơm lam được chấm với muối mè. Vị thơm nồng của thịt gà, chua mặn của muối tiêu chanh quyện cùng ống cơm thơm thảo, thanh thanh của tre tươi, kèm theo mùi khói và ngọt bùi của muối mè, tất cả tạo nên một hương vị khó tả.

Bên bếp than ấm nồng, tôi kể cho Huyền nghe về những ngày Măng Đen còn nổi danh với “ruồi vàng, bọ chó, gió Măng Đen”; về những ngày mới thành lập huyện (năm 2002), Măng Đen buồn hiu hắt với những con đường heo hút, vắng bóng người, bóng xe. Ngày ấy, khách đến Kon Plông làm việc xong, xuôi về Kon Tum ngay trong đêm là chuyện thường.

Không ai tin vào phép lạ, nhưng tin rằng thời gian cùng ý chí và nghị lực của con người có thể làm thay đổi một vùng đất. Măng Đen vẫn là nàng sơn nữ lộng lẫy pha chút hoang dại, với núi và mây, những con đường men theo núi, rừng thông rì rào trong sương sớm, nhưng du khách đã có thể hài lòng với siêu thị, chợ trung tâm sầm uất, quán xá đông đúc, máy rút tiền tự động, cây xăng- những hình ảnh mới mẻ, gắn liền với sự năng động và hiện đại.

Và sau 17 năm đóng vai “thị trấn trong tâm tưởng”, vào tháng 7/2019, Măng Đen danh chính ngôn thuận góp mặt trên bản đồ hành chính của tỉnh với tên gọi “thị trấn Măng Đen” theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XIV).

Chị chủ quán góp vui bằng câu chuyện từ ngày “lên phố”, Măng Đen dường như đi ngủ muộn hơn, thức dậy sớm hơn. Từ khi sương còn phủ kín đường đến đêm khuya, nhiều lò than đỏ rực, nướng gà phục vụ du khách.

Vào ngày nghỉ hoặc ngày lễ, lò nướng gà của gia đình chị hoạt động hết công suất vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của khách- chị cười hài lòng.

Câu chuyện về sự “thức giấc” của Măng Đen thêm sôi nổi với sự xuất hiện của Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Đức Tín. Anh mới từ xã Đăk Ring về, mang theo cái lạnh giá của núi rừng vào bên bếp lửa. Nghe Huyền kể lại một ngày rong ruổi, anh cười: Đúng là Măng Đen đang từng ngày khởi sắc. Quy mô dân số, điều kiện hạ tầng và một số dịch vụ khác đang được mở rộng. Nhóm ngành thương mại-dịch vụ phát triển đúng hướng và dần chiếm tỷ trọng khá (năm 2019 là 33,2%) trong cơ cấu kinh tế. Nhiều khách sạn, nhà hàng, biệt thự, trung tâm giải trí đã và đang được xây dựng; một số địa điểm, sản phẩm, dịch vụ du lịch đi vào khai thác có hiệu quả, như Khu du lịch hồ và thác Đăk Ke, Khu du lịch thác Pa Sỹ, Khu du lịch Hoàng Vũ Măng Đen, Du lịch tâm linh tượng Đức Mẹ, chùa Khánh Lâm...

Thu ngân sách trên địa bàn huyện trong năm 2019 được dự báo sẽ vượt 29% so với kế hoạch đề ra, đạt 171,7 tỷ đồng. Thu hút đầu tư có bước tiến khả quan, với hơn 30 tổ chức, cá nhân tìm hiểu cơ hội đầu tư vào địa bàn huyện. Huyện đã cấp phép đầu tư mới cho 12 dự án với tổng vốn đăng ký 1.113 tỷ  đồng, tổng diện tích 1.181 ha. Lĩnh vực du lịch-dịch vụ trên địa bàn huyện tiếp tục có sự phát triển. Tổng số khách đến tham quan, du lịch trong 10 tháng đầu năm đạt hơn 158.000 lượt người, doanh thu từ du lịch-dịch vụ ước đạt khoảng 34 tỷ đồng…

Mừng cho Măng Đen. Mừng cho Kon Plông!

Câu chuyện cứ thế kéo dài mãi bên bếp lửa. Có cảm giác bạn muốn thức cùng với Măng Đen cho trọn tình gặp gỡ. Cô chủ quán cũng chiều lòng khách phương xa, giục chồng chất thêm củi thông bên cạnh, rồi bó gối ngồi bên cạnh, mắt lim dim, gà gật, thỉnh thoảng giật mình choàng tỉnh, cười hiền.

Sáng sớm hôm sau, khi xe vừa chuyển bánh thì cũng là lúc tôi nhận được tin nhắn của bạn: Tay buồn vì không ai nắm. Cái chân buồn thì nhớ con đường. Cái bụng đau như con suối cạn. Cái ngực bồi hồi lại nhớ Măng Đen. Có lẽ là tớ đã phải lòng Măng Đen thật rồi.

Thành Hưng

Chuyên mục khác