Độc đáo chợ phiên Đăk Hà

04/02/2020 13:04

Trong nhịp sống hiện đại, khi việc mua sắm đã trở nên dễ dàng hơn với các trung tâm thương mại, cửa hàng tạp hóa, thậm chí là mua bán qua internet, thì ở Đăk Hà vẫn có một khu chợ phiên tồn tại và nhộn nhịp từ những ngày đầu mới thành lập huyện đến nay.

Chợ phiên có mặt khi tôi lên chín, lên mười, khi ấy, huyện Đăk Hà mới chỉ thành lập được chưa tròn 5 năm. Cứ 4 giờ sáng Chủ nhật hằng tuần, bố mẹ lại gọi tôi dậy, đi “nhận chỗ” để bán hàng rồi ở lại trông chỗ với tấm bạt nhỏ hay cái bao tải cắt làm đôi, đợi đến lúc mặt trời nhìn rõ mặt người, bố mẹ mới gánh “hàng” ra để tôi ngồi bán. Mặt hàng tôi bán phụ giúp bố mẹ lúc ấy, khi vài chục mớ rau giống, lúc thì rổ khoai, hay mấy con gà, chó, mèo… tất cả những gì mà nhà nuôi, trồng được. Những phiên chợ cứ lặp đi, lặp lại cho đến tận những năm tôi học lên cấp 3 thì gia đình tôi không cho tôi đi “nhận chỗ” và bán hàng nữa.

Học hết cấp 3, tôi đi học ở xa. Nghề báo cho tôi được đi nhiều nơi, được biết phong tục, tập quán của nhiều vùng đất. Tôi cũng đã tham gia nhiều phiên chợ cá của người dân xứ biển, đến nhiều khu chợ đầu mối tại các thành phố lớn, chợ nổi của miền sông nước… Song, bất kỳ dịp nào về quê, tôi vẫn cố gắng đi chợ phiên Chủ nhật.

Sáng sớm, chợ phiên Đăk Hà đã nhộn nhịp. Ảnh: Hoài Tiến

 

Năm 1992, Trung tâm Thương mại huyện Đăk Hà được xây dựng rồi đưa vào sử dụng năm 1993 trên diện tích hơn 10.000m2 với khoảng 300 kiốt lớn nhỏ, thì chợ phiên Đăk Hà vẫn nằm khiêm tốn phía sau với chưa đầy 2.000m2, nhỏ vậy thôi nhưng chưa bao giờ vắng khách.

Chợ phiên diễn ra vào Chủ nhật hàng tuần, bắt đầu từ khoảng 5 giờ sáng đến 10 giờ thì vãn. Người bán bày hàng hóa lên tấm bạt, hoặc một bao tải rọc làm đôi để người mua dễ dàng chọn lựa. Các mặt hàng bày bán ở chợ phiên, đa phần là các loại nông sản do người dân làm ra, dùng không hết mang đi chợ. Cái hay, độc đáo của phiên chợ, là người ta có thể tìm mua bất cứ thứ gì phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày, từ rổ, rá, dần, sàng được những cụ già quê Bắc bộ đan bằng tre nứa cho đến các loại nông cụ được rèn như cuốc, xẻng, dao, rựa, liềm..., rồi cả các giống vật nuôi như lợn con, gà vịt, chó, mèo, thỏ... Ở chợ phiên, các mặt hàng không để giá cố định, người mua có thể mặc cả, thêm, bớt, thuận mua, vừa bán. Người bán thì chiều khách, hạ giá để bán hết hàng rồi về sớm. Người mua thì vui, vì dù đắt - rẻ thế nào, cũng yên tâm về chất lượng món hàng mình mua được.

Nhiều người chỉ đi cả chục cây số để bán một vài con vịt, con gà. Ảnh: Hoài Tiến

 

Chợ phiên ngày Tết, thường diễn ra từ ngày 23 tháng Chạp đến chiều 30 Tết với không khí rộn ràng, vui tươi hơn ngày thường. Tại chợ Tết, ngoài các mặt hàng ngày thường còn bày bán lá dong, lá chuối, cây giang chẻ lạt và các loại mứt, bánh tết; các loại hoa quả, đồ trang trí, bao lì xì… Người mua, bán và khách thập phương cũng đến chợ đông hơn.

Trước đây, phiên chợ Đăk Hà vốn bắt nguồn từ nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của những người dân thuộc các tỉnh phía Bắc như Hải Dương, Thái Bình vào xây dựng vùng kinh tế mới. Họ đi mang theo cả những nét văn hóa gắn với quê hương vào Tây Nguyên. Dần dà, thói quen đi chợ phiên cũng len lỏi vào tận các xã vùng sâu, vùng xa. Đồng bào DTTS bản địa của huyện trước kia chỉ có thói quen tự cung tự cấp, muốn mua gì thì cũng nhờ lái buôn mang đến tận nơi,nhưng nhiều năm nay, không khó để bắt gặp bà con người Ba Na từ xã Đăk La hay người Xơ Đăng tại các xã Ngọk Réo, Đăk Psi, Đăk Ui và các vùng lân cận đi chợ phiên.

Những “quầy” gạo bên lề. Ảnh: Hoài Tiến

 

Anh A Thuần (dân tộc Xơ Đăng ở xã Đăk Ui) cho hay: Người làng mình cũng đi chợ phiên ở thị trấn, vì ở đây có thể bán mớ rau, bó măng rừng hay con gà, con vịt nhà nuôi với giá cao hơn và mua sắm được những mặt hàng tốt hơn. Đi chợ như thế này, con mình còn được biết thêm được nhiều thứ hơn.

Hay như ông Hà Văn Nhụy (dân tộc Thái, thôn Thanh Xuân, xã Đăk Ngọk) cũng thường đi chợ phiên để bán gạo nếp cẩm (có nguồn gốc từ Tây Bắc) do gia đình mình tự gieo trồng. Dù mỗi phiên chợ chỉ bán được 20 - 30kg gạo, lợi nhuận cũng không được bao nhiêu nhưng ông vẫn rất vui. Ông kể: Trước kia thì chưa ai biết, sau này mang đến bán tại chợ phiên thì ngày càng nhiều người dân biết đến sản phẩm của gia đình mình, dân tộc mình đang làm ra. Từ đó, mới xây dựng được thương hiệu gạo nếp cẩm được xã Đăk Ngọk chọn làm sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Đất lành chim đậu, theo bước đường phát triển của mình, huyện Đăk Hà trở thành quê hương thứ hai của nhiều dân tộc anh em từ nhiều vùng quê khác nhau: Tây Bắc có người Tày, Đông Bắc có người Nùng; Bắc Trung bộ có người Mường, người Thái hay những người từ các tỉnh duyên hải miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên... cũng đến và bén duyên rồi ở lại Đăk Hà. Chợ phiên cũng từ đó mà độc đáo hơn, cuốn hút hơn. Từ khoảng những năm 2010 đến nay, huyện Đăk Hà đã xây dựng và hình thành thêm nhiều trung tâm mua sắm và 3 khu chợ nông thôn mới tại các xã Đăk Hring, Đăk La và Hà Mòn. Song, vẫn như thói quen ăn sâu vào tiềm thức của người nông dân hiền lành, chất phác, chợ phiên Đăk Hà vẫn tồn tại. Người dân đến không chỉ để mua sắm, mà đến để gặp gỡ, tìm hiểu những nét văn hóa khác nhau. Ở đó, vẫn tồn tại tình người, tình quê mộc mạc, ấm áp, chân tình.

Trọng Nghĩa

Chuyên mục khác