Đoàn viên tiên phong sản xuất nông nghiệp hữu cơ

04/09/2022 13:09

Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đoàn viên ưu tú Tô Linh Bình, thôn Đăk Tin, xã Đăk Ngọk (huyện Đăk Hà) mở ra hướng đi mới trong canh tác cà phê, xen canh cây ăn quả (sầu riêng, bơ, sambuche…). Và mô hình này cũng đang “lan tỏa” trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương.

Đột phá trong sản xuất

Là Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Đăk Hà, trực tiếp canh tác 5ha cà phê xen canh cây ăn quả tại xã Ngọc Wang (huyện Đăk Hà), đồng thời đang mở cửa hàng cung ứng dịch vụ phân hữu cơ, thuốc sinh học cho các thành viên, Tô Linh Bình lúc nào cũng bận rộn với công việc. Thế nhưng khi nghe đặt vấn đề tìm hiểu việc sản xuất hữu cơ, Bình vui vẻ nhận lời và tiếp tôi ngay tại cửa hàng cung ứng dịch vụ nông nghiệp hữu cơ ở xã Hà Mòn.

Sau cái bắt tay thân mật, Tô Linh Bình đi thẳng vào vấn đề: Em đang xây dựng cửa hàng để mở dịch vụ cung ứng phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, các chế phẩm sinh học để làm phân hữu cơ phục vụ cho sản xuất của gia đình, các thành viên hợp tác xã và người dân có nhu cầu.

Bình tâm sự, sau khi nghỉ học, bố giao tiếp quản vườn cà phê tại xã Ngọc Vang. Vốn đam mê ruộng vườn, nhưng khi mới tiếp quản gặp lúc vườn cây cà phê bị dịch bệnh phải dùng thuốc hóa học phun bảo vệ cà phê, nhà lại nằm ngay giữa rẫy cà phê, mùi thuốc sâu hôi nồng luôn ám ảnh anh khi đêm về. “Có lúc em muốn chuyển nghề khác, vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng rồi em lại nghĩ, làm nghề gì giữa vùng quê thuần nông này, bố mẹ và bao nhiêu người sống được từ việc trồng cà phê, sao mình lại bỏ cuộc”- Bình trải lòng. 

Trăn trở trước vấn đề đặt ra từ cuộc sống, gặp lúc Đoàn xã Đăk Ngọk triển khai phong trào thanh niên khởi nghiệp, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và được sự hỗ trợ thêm từ hai người em ruột học y khoa và nông nghiệp, cùng với việc lên mạng nghiên cứu mô hình sản xuất hữu cơ, chương trình khuyến nông trên báo, đài, dự lớp tập huấn về sản xuất an toàn do Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh mở, năm 2018, Bình chuyển đổi từ phương thức sản xuất cũ sang ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào sản xuất cà phê và trồng ăn quả theo hướng hữu cơ.

“Sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ, cây phê phát triển bền vững, tuổi thọ cây cà phê cao hơn, đất đai tơi xốp, môi trường không bị ô nhiễm, không ảnh hưởng đến sức khỏe người sản xuất và cung cấp sản phẩm sạch cho người tiêu dùng”- Bình chia sẻ.

Vườn cà phê sản xuất theo mô hình hữu cơ xanh tốt và nhiều quả. Ảnh: VN

 

Bơ xen trong vườn cà phê quả dài, da bóng. Ảnh: VN

 

Dứt câu nói, Bình lấy xe ô tô đưa tôi lên thăm vườn cà phê xen canh cây ăn quả trên dãy đồi ở xã Ngọc Wang. Mùa mưa, vườn cây sum sê, xanh tươi bắt mắt. Trong vườn, 4,5ha cà phê được anh trồng xen sầu riêng monthoong (Thái Lan), sầu riêng musang king (Malaysia), bơ; 0,5 ha cà phê còn lại trồng xen sambuche. Cà phê, sầu riêng, bơ… trong vườn đang cho quả. Tuy các loại cây ăn quả chưa bước vào chu kỳ kinh doanh chính, nhưng mô hình cà phê xen cây ăn quả sản xuất hữu cơ này cho Bình thu trên 1 tỷ đồng/năm, lãi ròng 450 triệu đồng/năm.

Không như một số vườn cà phê, cây ăn quả thường gặp dưới gốc cây được làm sạch cỏ, vườn cà phê, xen cây ăn quả của Bình cỏ mọc quanh bờ lô và gốc cây. Bình cho rằng, sản xuất cà phê, cây ăn quả theo phương pháp hữu cơ, không nên diệt cỏ. Cỏ bờ lô, quanh gốc cây góp phần giữ ẩm cho đất vào mùa khô, chống xói mòn vào mùa mưa. Cỏ tốt, Bình không dùng cuốc dẫy cỏ hay phun thuốc diệt cỏ mà chỉ dùng máy cắt cỏ. Đem cỏ bỏ vào gốc cây dùng men vi sinh phân hủy cỏ  làm phân bón cho cây trồng. 

Trong vườn, dưới gốc cây, Bình lắp đặt hệ thống tưới nước phun sương. Ngay cả việc phun thuốc sinh học bảo vệ cây trồng trước các loại dịch hại, cũng được tưới bằng hệ thống đường ống dẫn nước và dây dẫn gắn với vòi phun sương lên lá cây, ngọn cây. Việc tưới nước cho cây và bón phân cho cây thực hiện ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số. Nước tưới và phân bón hòa trong nước được kết nối với thiết bị điều khiển tự động bằng điện thoại thông minh (canh thời gian tưới theo độ ẩm và lưu lượng nước béc tưới) giúp Bình có thể tưới nước, bón phân cho cây trồng ở mọi lúc, mọi nơi qua việc bật mở, tắt từ điện thoại.

“Việc chăm sóc cây trồng theo hình thức này, không tốn công lao động. Nhưng hơn cả là vườn cây sản xuất hữu cơ bền vững, tăng độ phì của đất và sự đa dạng sinh vật đất nhờ không dùng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, thuốc kháng sinh và hormone tăng trưởng”- Bình lý giải

Tạo sự lan tỏa

Trong sản xuất, lượng phân hữu cơ bón cho cà phê, cây ăn quả trong vườn đang chiếm 70% tổng lượng phân bón. Phân hữu cơ được anh dùng nhiều là phân chuồng, phân hữu cơ bán trên thị trường và phân ủ từ quả chuối, các loại trái cây bị hư, hạt đậu nành để cung cấp thêm các nguyên tố vi lượng cho cây trồng. Việc bảo vệ cây trồng được anh sử dụng chế phẩm sinh học như Bacillus thuringiens, Trichoderma… hay các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học, không có hại cho sức khỏe người và bảo đảm an toàn sản phẩm.

Nhìn xuống các gốc cây, lấy tay sờ vào đất, chúng tôi thấy đất ở gốc cà phê, cây ăn quả tơi xốp, thoáng, không chai cứng như đất trồng bón nhiều loại phân vô cơ. Quả cà phê, bơ canh tác hữu cơ da bóng, sáng hơn quả cà phê, bơ canh tác thông thường.

Nhận thức việc canh tác hữu cơ vừa mang tính bền vững, vừa không hại sức khỏe, bảo vệ môi trường, sản phẩm làm ra lại an toàn cho người sử dụng, nhiều đoàn viên và người dân trong, ngoài vùng học theo Bình. Không giấu nghề, Bình sẵn sàng tư vấn và chia sẻ mọi người. Thực tế, Bình đang tư vấn, chia sẻ với 30 hộ nông dân sản xuất gần 100ha cây trồng các loại theo hướng sản xuất hữu cơ qua zalo, facebook và trực tiếp từ vườn cây.

Chính vì vậy, năm 2022, Tô Linh Bình được UBND huyện Đăk Hà khen thưởng vì thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Và mô hình của Bình được Huyện đoàn đề nghị lên cấp trên xét tặng giải thưởng Lương Đình Của lần thứ XVII năm 2022.

Để đáp ứng yêu cầu của sản xuất, hiện nay, Bình cùng các thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Đăk Hà xúc tiến việc chuyển đổi thành Hợp tác xã  Liên minh FARM. Mục tiêu Hợp tác xã Liên minh FARM là cung cấp dịch vụ đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cây giống) cho các thành viên; mở nhà xưởng sản xuất phân trùn quế để cung ứng phân hữu cơ cho các thành viên sản xuất; ký hợp đồng bán sản phẩm  trực tiếp cho các nhà máy chế biến, các siêu thị và các công ty xuất nhập khẩu để đưa sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Hợp tác xã Liên minh FARM ra thị trường nước ngoài. 

Chị Lê Thị Hiền – Bí thư Đoàn xã Đăk Ngọk tự hào: Trong phong trào thanh niên khởi nghiệp, Đoàn xã thành lập Câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp có 18 thành viên để cùng nhau trao đổi trong phát triển kinh tế. Anh Tô Linh Bình là thành viên tích cực ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ của anh Tô Linh Bình được Đoàn xã tổ chức cho các đoàn viên tham quan, học tập kinh nghiệm để mở rộng ứng dụng sản xuất ở địa phương.

Đánh giá cao về mô hình nông nghiệp hữu cơ và phong trào thanh niên khởi nghiệp ở địa phương, đồng chí Nguyễn Đức Ngọc – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đăk Ngọk khen ngợi: Anh Tô Linh Bình là đoàn viên nói đi đôi với làm, năng động, sáng tạo và tích cực ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số và khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ sạch, an toàn cho người sử dụng. Mô hình của anh Bình được nhiều đoàn viên, người dân trong và ngoài vùng học, làm theo vì mở ra hướng sản xuất bền vững ở địa phương.

Văn Nhiên

Chuyên mục khác