Đi dân nhớ, ở dân thương

01/08/2016 08:02

Vượt qua những khó khăn về thời tiết, đường sá đi lại, bằng sức khỏe, sức trẻ của mình, 65 thanh niên tình nguyện tại mặt trận huyện Tu Mơ Rông đã làm những phần việc thiết thực, giúp người dân huyện nghèo sản xuất, phát triển kinh tế. Với sự năng động, gần gũi, nhiệt tình, những màu áo xanh tình nguyện đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân nơi đây.

Giúp dân sản xuất

Đón chúng tôi tại Trường Mầm non Đăk Chum 1, xã Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông) - nơi các thanh niên tình nguyện đang “đóng quân” để thực hiện chiến dịch mùa hè xanh, anh Nguyễn Bảo Tân - Phó Chỉ huy mặt trận tình nguyện tại huyện Tu Mơ Rông bảo rằng, hiện tại tất cả các chiến sĩ tình nguyện đang khai hoang ruộng lúa tại cánh đồng A Lô, thuộc thôn Đăk Chum 1. Và, để đi đến đó, không có cách nào khác ngoài trèo bộ.

Dù đã được “cảnh báo” trước về độ nguy hiểm, song chúng tôi không nghĩ rằng quãng đường đi lại gian nguy đến thế. Cả đoàn chúng tôi phải men theo đường rừng. Lối mòn nhỏ áng chừng 3 gang tay với xung quanh là cây cối um tùm, chỉ cần vấp chân trơn trượt, có thể ngã xuống hục sâu bất kể lúc nào. Đó là những đoạn đường bằng, nhiều đoạn dốc thẳng đứng, dù đã dùng mũi chân ghì thật chặt xuống mặt đường, tay bám lấy những bụi cây nhưng nhiều người vẫn bị trượt.   

Khai hoang ruộng lúa giúp dân. Ảnh: H.T

 

Chúng tôi vất vả nhích từng bước nhưng anh Tân cứ thế thoăn thoắt không hề mỏi mệt. Anh bảo, đi như thế này có nhằm nhò gì, cả đội tình nguyện vừa đi còn phải vác theo ống, cuốc, rựa, đá, lưới để làm. “Các bạn vừa kéo ống xuống bắt nước rồi nạo vét, làm mới 3km đường mương thủy lợi A Lô, dẫn nước về ruộng cho bà con sản xuất đấy” - vừa chỉ tay về phía xa, anh Tân vừa nói.

Đúng như lời anh Tân, hơn 1 tiếng đồng hồ, đoàn đã đi đến được phía đập đầu mối A Lô. Trước mắt chúng tôi, ống nhựa được bắt dẫn nước chảy xuống con mương mới được nạo vét thẳng ra ruộng.

Tiếp tục băng rừng, chúng tôi đi đến phía thủy lợi A Lô. Thiếu tá Nguyễn Thành Trung, Trung đoàn 24 nói rằng, lúc mới vào, khu vực này không được an toàn. Khi ấy, sinh viên cùng với các chiến sĩ Trung đoàn đã hợp sức, chắn 15 khối đá kè để chống sạt lở. “Đường sá khó khăn nhưng ai nấy đều nhiệt tình chuyển đá, chuyển lưới xuống đây để kè lại. Vất vả, gian nan nhưng không một ai quản ngại” – thiếu tá Trung chia sẻ.

Sau khi “chinh chiến” trên tuyến đường trơn như đổ mỡ, cuối cùng chúng tôi cũng có mặt tại cánh đồng A Lô. Trời mới mưa lâm thâm thế mà giờ đã nắng rát bỏng. Trên cánh đồng cỏ dại mọc che phủ, các sinh viên Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum, các chiến sĩ của Trung đoàn 24 chẳng quản nhọc nhằn, hăng hái cuốc đất, khai hoang cho bà con.

Là “cậu ấm” chưa từng cầm cuốc, ấy thế mà sinh viên Nguyễn Quốc Tấn đang xốc vác, cuốc đất như một nông dân thực thụ. Mặc kệ mồ hôi nhễ nhại thấm ướt cả lớp áo, Tấn chia sẻ: Ngày đầu lên đây, bị sốc thời tiết, hơn nữa quãng đường đi quá xa, mất sức nên em rã rời luôn. Có đến đây làm mới thấu hiểu được nỗi khổ cực của bà con, chúng em sẽ cố gắng để mang đến niềm vui cho người dân nơi đây.

Không còn vẻ ủy mị khi ở giảng đường, tham gia tình nguyện, Dương Nguyễn Diệu Huyền xông xáo, năng nổ giúp đỡ bà con. Chẳng ngại bùn lấm, cô sinh viên năm 2 xắn quần, lội ruộng cấy lúa. Đôi bàn tay với từng ngón thon nhỏ bị lớp bùn bám đen kịt cứ thoăn thoắt cấy từng hàng lúa thẳng đều tăm tắp. “Xác định mục tiêu lên đây để giúp đỡ người dân nên ai nấy đều cố gắng làm. Ở nhà chưa bao giờ em lội ruộng, nhưng bây giờ thì đã biết cấy lúa, cuốc đất rồi” - Diệu Huyền cười hiền.

Thời gian đầu, vì chưa biết địa hình nên cả đội thường sáng đi, trưa về. Sau vài ngày, để giữ sức, tiết kiệm thời gian nên sáng 6h cả đoàn đã tranh thủ xuất phát, đến trưa, các bạn hậu cần sẽ đem cơm đến và cả đội sẽ ăn cơm tại rẫy, tại rừng.

Đối với bộ đội, việc giúp dân khai hoang, làm đường, ngủ rừng, ăn cơm rẫy không còn lạ lẫm, song chiến dịch mùa hè xanh năm nay đã để lại cho các chiến sĩ nhiều cảm xúc. Nhiều chiến sĩ bảo rất vui và phấn khởi vì không chỉ được làm những công việc thiết thực giúp đỡ người dân mà còn được giao lưu với các bạn sinh viên, với đoàn viên thanh niên trên địa bàn. “Cả đội rất đoàn kết, hòa đồng, chia sẻ công việc với nhau. Làm vất vả nhưng trò chuyện vui vẻ nên tinh thần thoải mái, phấn khởi lắm chị” – chiến sĩ Linh, Trung đoàn 24 chia sẻ.

Ấn tượng tốt đẹp

Đợt hạn hán khốc liệt vừa rồi khiến mảnh ruộng gần 4 sào của anh A Kan ở thôn Đăk Chum 1 nứt nẻ. Không có cách “cứu chữa”, anh Kan đành phải bỏ hoang. Năm nay, đến tháng 6 vẫn không có nước về, cái bụng anh Kan buồn rầu vì nghĩ rằng sẽ tiếp tục mất thu. Ấy thế nhưng vừa rồi được thanh niên tình nguyện về làng, làm ống dẫn, đào mương kênh đưa nước về, đám ruộng của anh A Kan đã có nước. Anh Kan vui lắm, vội bắt tay vào cuốc, làm tơi đất để chuẩn bị vụ mùa mới. “Cũng may thanh niên tình nguyện về đào mương, dẫn nước kịp thời nên bà con mình mới kịp mùa vụ” – anh A Kan bày tỏ.

Không chỉ sửa đập đầu mối A Lô, thấy diện tích đất ruộng bị bỏ hoang nhiều, thanh niên tình nguyện đã dồn sức, khai hoang 5,5ha ruộng nước đồng A Lô để bà con sản xuất. Đặc biệt, thấy cầu treo đi vào khu sản xuất bị hư hại, gây nguy hiểm, cản trở mỗi khi đi lại, các bạn đã cùng nhau sửa chữa cầu rộng 1,2m, dài 15m; sửa chữa, mở rộng đường (ngang 3m, dài 2,5km) tại thôn Tu Mơ Rông, xã Tu Mơ Rông; làm cầu ngang 3m, dài 10m qua khu sản xuất thôn Tu Mơ Rông.

Dù ban ngày phải lao động chân tay vất vả nhưng sau khi đi làm về, các bạn lại tranh thủ tắm rửa, cơm nước rồi đi đến từng nhà hộ dân để tuyên truyền cho bà con hiểu thêm về cách phòng chống sốt rét, chăm sóc bảo vệ sức khỏe... Các bạn vận động bà con giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, nhiệt tình đào 20 hố rác, 17 nhà vệ sinh giúp bà con trong làng; đào 2 ao cá cho gia đình chính sách, neo đơn.

Cùng với đó, những màu áo xanh tình nguyện cũng mở lớp, hướng dẫn cho các em học sinh trong làng, trong xã ôn lại kiến thức cũ trước khi vào năm học mới. “Mỗi ngày lớp học của các bạn sinh viên thu hút khoảng 30 em học sinh. Bên cạnh việc dạy học, các bạn còn tổ chức cắt tóc, hướng dẫn các em học sinh giữ gìn vệ sinh cá nhân. Sinh viên hòa đồng, vui vẻ nên các em học sinh nơi đây rất quý mến” – anh Tân cho hay.

Vì thời gian tình nguyện khá ngắn nên các màu áo xanh tình nguyện luôn cố gắng tranh thủ thời gian để giúp đỡ mọi người. Qua quá trình đi vận động, nhận thấy các hộ dân gặp khó khăn trong việc sửa chữa, lắp nối đường dây điện, các bạn liền “ra tay” giúp đỡ. Tính đến nay, các bạn đã sửa chữa, hướng dẫn sửa điện cho 22 hộ dân và đang tiếp tục giúp 7 hộ dân trong thời gian đến.

Với sự gần gũi của mình, thanh niên tình nguyện để lại nhiều ấn tượng trong lòng người dân. Chẳng còn e dè, người dân xã Tu Mơ Rông nhiệt tình mời đón thanh niên tình nguyện đến thăm nhà. Thanh niên tuyên truyền, bà con nghe theo; các em thiếu nhi ngoan ngoãn, chăm chỉ ôn bài theo lời hướng dẫn. Rồi, có củ măng luộc người dân cũng đem cho; quả chuối chín, người dân cũng để dành cho thanh niên tình nguyện; thanh niên tình nguyện tổ chức hoạt động gì, người dân cũng đến xem và ủng hộ.

Nhắc đến thanh niên tình nguyện, anh A Tai ở thôn Đăk Chum 1, xã Tu Mơ Rông cứ mãi trầm trồ: Thanh niên giúp mình có nước sản xuất, giúp con mình ôn bài rồi còn đào hố rác, bắc bóng điện giúp gia đình mình nữa. Thanh niên gần gũi, thân thiện với bà con nên ai cũng thích hết. Mình chỉ mong thanh niên về lại với dân làng thôi.

Còn anh Phạm Xuân Quang – Bí thư Đảng ủy xã Tu Mơ Rông thì nói rằng: Dù khí hậu khắc nghiệt, đường sá khó khăn nhưng các bạn rất nhiệt tình và làm được nhiều phần việc thiết thực, ý nghĩa giúp đỡ bà con. Khi ở đây, các bạn được dân làng thương mến và chắc chắn, khi các bạn trở về, dân làng sẽ mãi nhớ.

Cơn mưa rừng ngày một lớn, chúng tôi cùng với các bạn thanh niên tình nguyện vượt rừng, leo 3 con dốc đứng trơn trượt để trở về làng. Mệt mỏi, bở hơi tai nhưng ai nấy đều hớn hở, phấn khởi, bởi dù vất vả nhưng các bạn đã có một mùa hè thật sự ý nghĩa, để nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân.

Hoài Tiến 

Chuyên mục khác