16/06/2024 13:30
Đến khu vực sản xuất của Chi nhánh 716 (Binh đoàn 15), trước mắt chúng tôi là những hàng cao su thẳng tắp, xanh ngát, kéo dài đến khuất tầm mắt. Xen lẫn giữa những hàng cao su, từng tốp công nhân đang miệt mài chăm sóc cao su một cách chăm chú, tỉ mỉ. Đối với họ, cây cao su có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là “cần câu cơm” giúp họ bám trụ, vươn lên trên vùng đất mới.
Tiếp chúng tôi, Thiếu tá Lã Hồng Công - Phó Giám đốc Chi nhánh 716 (Binh đoàn 15) thông tin, Chi nhánh 716 được thành lập ngày 4/3/2014 trên cơ sở tiếp nhận 7 đội sản xuất của Công ty 78 và 5 đội sản xuất của Chi nhánh Công ty 75, Binh đoàn 15. Chi nhánh 716 đóng quân và hoạt động trên địa bàn 7 thôn của 2 xã Ia Đal, Ia Tơi, huyện Ia H’Drai.
|
Trải qua gần 10 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15, cán bộ, chiến sĩ, người lao động đã đoàn kết thống nhất, tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Theo đó, đơn vị góp phần đưa một vùng biên nghèo khó, chịu nhiều hậu quả nặng nề của chiến tranh thành những điểm dân cư trù phú, an ninh chính trị ổn định, kinh tế, văn hóa, xã hội từng bước phát triển.
Hằng năm, Chi nhánh 716 tổ chức tuyển dụng hàng trăm lao động, đặc biệt là đồng bào DTTS của các tỉnh Bắc miền Trung (Thanh Hóa, Nghệ An...) vào làm việc. Đơn vị tổ chức đào tạo nghề, bố trí việc làm, tạo thu nhập ổn định cho công nhân, người lao động. Qua đó, tạo điều kiện để công nhân, người lao động phát triển kinh tế hộ gia đình, yên tâm gắn bó và định cư lâu dài; hình thành những cụm điểm dân cư dọc biên giới, xóa được vùng trắng dân như trước đây.
Ghé thăm hộ ông Vi Văn Đang (thôn 6, xã Ia Đal) - một trong những hộ công nhân cạo mủ cao su đến với huyện mới từ rất sớm, chúng tôi lắng nghe ông tâm tình: “Ngày đó, vợ chồng mình đều làm nông ở tỉnh Thanh Hóa, đã có đứa con đầu lòng 2 tuổi. Sau khi biết thông tin Công ty 78 tuyển dụng công nhân thì vợ chồng mình đăng ký vào đây làm. Từ hai bàn tay trắng, đến nay, cuộc sống của gia đình ổn định hơn nhiều. Vợ chồng cũng xác định gắn bó dài lâu với mảnh đất này. Bằng số tiền tiết kiệm, cộng thêm 100 triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, vừa rồi mình xây dựng một căn nhà mới khang trang”.
|
Theo tìm hiểu, diện tích cao su của Chi nhánh 716 trải dài dọc vành đai biên giới. Nhiệm vụ của Chi nhánh 716 không chỉ đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới, mà còn giúp công nhân, người lao động định canh, định cư, giảm nghèo, phát triển kinh tế. Để làm được điều này, Chi nhánh 716 đã quy hoạch các điểm dân cư, cho bà con mượn đất xây nhà. Sau này đơn vị sẽ bàn giao cho chính quyền địa phương để cấp sổ đỏ cho công nhân, người lao động.
Thiếu tá Lã Hồng Công cho biết, để thu hút dân cư đến đây bám trụ, đơn vị đã giao khoán lâu dài diện tích cao su cho công nhân, người lao động. Đồng thời, đảm bảo cho họ có thu nhập ổn định, trang trải cuộc sống. Hiện tại, 100% diện tích cao su Chi nhánh 716 quản lý đều đưa vào sản xuất, kinh doanh. Trong đó, mỗi công nhân, người lao động nhận khoán khoảng 3ha. Bình quân mỗi tháng, mỗi công nhân, người lao động nhận lương từ 6 -7 triệu đồng.
Đến với hộ gia đình công nhân Hà Văn Dần, chúng tôi nghe anh tâm sự những năm tháng gắn bó với mảnh đất này: “Năm 2012, vợ chồng mình quyết tâm đến đây lập nghiệp, xây dựng cuộc sống mới. Những ngày đầu, khó khăn muôn vàn! Điện, đường, trường, trạm còn thiếu thốn, vợ chồng mình phải gửi con học bán trú tại trường, cách nhà hơn 50km. Tuy nhiên, những năm gần đây, mọi thứ dần thay đổi tích cực. Đời sống công nhân, người lao động nơi đây từng bước ổn định và được nâng lên đáng kể. Thông qua việc Chi nhánh 716 khoán diện tích cao su, công nhân, người lao động có nguồn thu nhập ổn định, bền vững”.
Bên cạnh nguồn thu từ làm công nhân cạo mủ cao su, vợ chồng anh Dần còn tận dụng đất bờ lô, hợp thủy của nông trường để tăng gia, sản xuất. Vợ chồng anh sử dụng diện tích đó, trồng thêm bắp, mì, chăn nuôi heo. Trung bình mỗi năm, gia đình anh thu nhập trên 200 triệu đồng.
|
Để công nhân, người lao động yên tâm công tác, Chi nhánh 716 quan tâm xây dựng các điểm trường mầm non và cơ sở để giữ, chăm sóc, nuôi dạy trẻ cho con em công nhân. Những năm qua, đơn vị luôn quan tâm đầu tư, bảo đảm trang thiết bị và tổ chức chăm sóc, nuôi dạy gần 3.000 lượt cháu tại các điểm trường mầm non; thường xuyên bố trí nhân viên y tế, cô nuôi quân tham gia quản lý, chăm sóc, bảo đảm việc ăn, nghỉ, sinh hoạt và học tập cho gần 2.000 lượt cháu học bán trú tại Trường Tiểu học-Trung học cơ sở Hùng Vương (xã Ia Đal).
Tiêu biểu như trong năm học 2023-2024, Trường Mầm non MB-716 được đầu tư xây dựng 1 trường trung tâm với tổng kinh phí 14 tỷ đồng, bao gồm đầy đủ các trang thiết bị, cơ sở vật chất, phòng học khang trang bảo đảm tốt công tác chăm sóc và nuôi dạy các cháu. Đồng thời, từ nguồn vốn Bộ Quốc phòng, Binh đoàn 15, Chi nhánh 716 đã đầu tư cấp đồ dùng đồ chơi, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy cho trường trung tâm và 10 điểm nhà trẻ với tổng kinh phí hơn 550 triệu đồng.
Cô Bùi Thị Ánh - giáo viên Trường Mầm non MB-716 cho biết, các cô ở đây làm nhiệm vụ dạy dỗ, trông các cháu từ khi còn rất nhỏ để cha mẹ các cháu lao động, sản xuất. Do đặc thù địa phương, đa số cư dân là công nhân cao su nên trường thường mở cửa từ lúc 12 giờ đêm để đón các cháu là con công nhân đến gửi để đi cạo mủ cao su.
Có thể nhận thấy, từ vùng đất khó, dấu chân công nhân, người lao động Chi nhánh 716 ở huyện Ia H’Drai đến đâu thì vùng đất ở đó “trở mình” và ngày càng khởi sắc đến đó. Cuộc sống của công nhân, người lao động từng bước ổn định, ngày càng được nâng cao. Nhiều công nhân, người lao động đã xem Ia H’Drai chính là quê hương thứ hai của mình. Mỗi người đều cố gắng lập thân, lập nghiệp, xây dựng vùng đất “phên dậu” của Tổ quốc ngày càng phát triển nhanh và bền vững.
Tất Thành