Dạy và học thời dịch ở vùng biên

13/09/2021 06:03

Thấm thoát đã hết một tuần đầu tiên của năm học mới 2021-2022. Để thích ứng với tình hình dịch bệnh Covid-19, dù còn nhiều khó khăn nhưng ngành Giáo dục huyện biên giới Ngọc Hồi đã chủ động, linh hoạt triển khai các giải pháp vừa dạy trực tiếp vừa dạy trực tuyến tùy theo điều kiện từng địa phương, đảm bảo công tác phòng dịch.

Dạy học trong nhà rông và nhà dân

Trong làn sương mờ và mưa nhẹ, tôi vượt hàng chục ki lô mét lên vùng biên giới Ngọc Hồi tìm hiểu công tác tổ chức dạy và học. Theo chân cán bộ Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện, tìm về các thôn làng xã vùng biên Đăk Dục, Đăk Nông, chúng tôi thấy những học sinh trong thôn quàng khăn đỏ, đeo khẩu trang, trên vai đeo chiếc cặp sách đi đến các hộ dân, nhà rông, hội trường thôn để học.

Tại nhà rông làng Đăk Giàng (xã Đăk Nông), 6 học sinh lớp 3 Trường TH-THCS Đăk Nông ngồi chăm chú nghe cô giáo Hồ Thị Hoa giảng bài. Các em học sinh đeo khẩu trang, ngồi giãn cách mỗi người một bàn đảm bảo công tác phòng dịch. Ngay bên cạnh ngôi nhà rông, nhà kho đựng đồ dùng dạy học cũng được tận dụng để cho học sinh lớp 5 trong làng học tập. Dù đang tập trung làm bài tập do cô giáo giao, nhưng khi thấy khách lạ đến, tất cả các em đứng dậy đồng thanh khoanh tay chào khách.

Dạy và học tại nhà rông thôn Đăk Giàng, xã Đăk Nông. Ảnh: P.N

 

Thầy Lê Hữu Hoan - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: Toàn trường có tổng số 725 học sinh, được tổ chức dạy học theo từng thôn. Nhà trường liên hệ mượn nhà dân, nhà rông, nhà nguyện, hoặc nhà văn hóa ở ngay thôn, làng rồi phân theo từng nhóm nhỏ để học tập. Các điểm này đều luân phiên phân công giáo viên đến giảng dạy. 

Cũng tại thôn Đăk Giàng, căn phòng khách của gia đình anh A Hon được dùng để làm phòng học tập cho học sinh THCS, sáng 1 lớp, chiều 1 lớp. Tại đây, cô giáo Nguyễn Thị Minh Nguyệt đang dạy 2 tiết môn Ngữ văn khối lớp 7. Xong 2 tiết, cô lại đến thôn khác và tại thôn sẽ đến thầy cô khác dạy tiếp. Lịch các tiết học được nhà trường bố trí theo khối, buổi sáng khối lớp 6 và lớp 8; buổi chiều khối lớp 7 và lớp 9. Toàn bộ bàn ghế được sự hỗ trợ của lực lượng đoàn viên thanh niên của xã, thôn vận chuyển trường về để phục vụ việc học tập.

Thầy Nguyễn Hương Tích - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ngọc Hồi cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện ở bậc tiểu học có tổng số 265 nhóm tổ chức học trực tiếp, trong đó, tại điểm trường chính có 193 nhóm; điểm lẻ 8 nhóm; hội trường, nhà văn hóa của thôn, tổ dân phố có 43 nhóm; nhà rông thôn 37 nhóm; nhà thờ, nhà nguyện 11 nhóm và nhà dân 82 nhóm. Ở bậc THCS học trực tuyến và trực tiếp chia thành 271 nhóm, trong đó nhà dân 202 nhóm; ở hội trường thôn, trường học 67 nhóm và nhà rông 2 nhóm.

Sáng tạo dạy trực tuyến

Song song với việc dạy học trực tiếp nói trên thì trên địa bàn huyện Ngọc Hồi cũng có nhiều trường tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến. Mỗi trường tùy theo điều kiện mà tổ chức các hình thức học khác nhau. Nhưng qua khảo sát thực tế, chúng tôi rất ấn tượng với cách triển khai học trực tuyến của Trường THCS Đăk Dục.

Thầy Trần Đức Thư - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, toàn trường có tổng số 406 học sinh ở 4 khối lớp (từ lớp 6 đến lớp 9), thì toàn bộ học sinh đều học trực tuyến. Trước khi tổ chức học trực tuyến, nhà trường đã phối hợp với chính quyền địa phương đi từng thôn làng khảo sát, nắm chắc cơ sở hạ tầng cũng như điều kiện có ti vi thông minh, có kết nối wifi của các hộ dân, rồi vận động, mượn nhà dân bố trí học sinh thành từng nhóm theo khối lớp. Buổi sáng bố trí học sinh lớp 8,9, buổi chiều là học sinh lớp 6,7.  Thầy cô giáo ngồi tại một điểm dạy trực truyến trên phần mềm học trực tuyến kết nối về các điểm học ở thôn, làng thông qua thiết bị điện thoại thông minh, máy tính hoặc kết nối phát trên màn hình ti vi để các em cùng học tập. Đặc biệt, tại các nhóm này ngoài việc phân nhóm trưởng, nhóm phó thì nhà trường đều bố trí giáo viên không tham gia dạy trực tuyến xuống tại các nhóm để quản lý, hỗ trợ học sinh học tập.

“Trước tình hình dịch bệnh, nhà trường đã linh hoạt trong tổ chức dạy học, sắp xếp. Nhà trường đưa công nghệ xuống các thôn, làng để học sinh không phải ra khỏi làng, học sinh không đến trường nhưng vẫn học tập. Đặc biệt, việc bố trí dạy như vậy không tạo ra gánh nặng cho cha mẹ học sinh về phương tiện học tập online, không học cá nhân khó quản lý mà các em vẫn có thể gặp gỡ, giao lưu, trao đổi hỗ trợ nhau học tập. Hơn nữa, nếu không dạy online thì việc tổ chức chia nhóm, chia nhỏ ra các thôn, làng thì không đủ lực lượng giáo viên. Hiện nay, nhà trường đã bố trí 39 điểm kết nối dạy online tại 9 thôn, làng của xã. Tại các điểm học này đều bố trí nước sát khuẩn và yêu cầu học sinh đeo khẩu trang trong suốt quá trình học tập. Đây là giải pháp tối ưu trong tình hình dịch bệnh này”- thầy Thư cho biết.

Linh hoạt, chủ động thích ứng

Thầy Vũ Việt Thắng - Phó Phòng Giáo dục huyện Ngọc Hồi chia sẻ: Ngay từ khi chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022, ngành đã chủ động tính tới tình hình dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, vì vậy các nhiệm vụ đầu năm học được các cơ sở giáo dục triển khai từ sớm, không bị động, lúng túng. Đối với học sinh mầm non, các trường tổ chức dạy học trực tiếp đối với trẻ 5-6 tuổi theo phương án chia nhóm nhỏ (không quá 20 trẻ); bố trí dạy học tại các điểm trường chính và các điểm lẻ tại từng thôn, làng. Đối với trẻ 2, 3, 4 tuổi, thực hiện hướng dẫn cha mẹ học cùng con tại nhà thông qua việc thiết kế nội dung bài học thành giáo án, bài tập, các video và gửi trực tiếp đến cha mẹ của trẻ.

Học online tại thôn Đăk Kon, xã Đăk Dục. Ảnh: P.N

 

Đối với học sinh học lớp 1, lớp 2 tổ chức dạy học trực tiếp tại các điểm trường theo từng nhóm nhỏ (không quá 20 học sinh), bố trí lệch giờ ra vào lớp, không tổ chức ra chơi mà cho học sinh giải lao tại chỗ khoảng 15 phút. Mỗi buổi học từ 2 - 3 tiết, bố trí học theo ca và lệch giờ giữa các khối lớp để đảm bảo trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đối với học sinh khối lớp 3, 4, 5 dạy học theo phương án khoanh vùng “học sinh ở thôn, làng, tổ dân phố nào thì học tại thôn, làng, tổ dân phố đó”, tổ chức dạy học từ 3-5 buổi/tuần, mỗi tuần từ 12-15 tiết. 

Đối với bậc THCS, tổ chức dạy học trực tiếp theo nhóm lớp nhỏ tại các điểm trường đối với lớp 6. Các trường biên chế thành các nhóm lớp (không quá 20 học sinh), bố trí học theo ca và lệch giờ giữa các khối lớp. Với khối lớp 7, 8, 9, dạy học trực tiếp theo nhóm lớp tại thôn, làng, tổ dân phố, địa bàn dân cư. Các trường điều chỉnh nội dung dạy học, bố trí học theo ca và lệch giờ giữa các khối lớp để đảm bảo trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tất cả các lớp học đều được các trường tổ chức học theo nguyên tắc học sinh ở thôn, làng nào học tại thôn, làng đó.

Cũng theo thầy Vũ Việt Thắng, bên cạnh việc tổ chức các hình thức dạy học trực tiếp thì rất nhiều trường học trên địa bàn đã tổ chức học trực tuyến trên phần mềm dạy học trực tuyến và ứng dụng các công nghệ thông tin trong dạy và học. “Việc phát huy công nghệ trong dạy trực tuyến là bước chuẩn bị kỹ năng cho giáo viên, phụ huynh nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, 100% học sinh phải học online  thì chuyển trạng thái ngay lập tức sẽ không lúng túng”- thầy Thắng nhấn mạnh.

Mặc dù khó khăn nhưng được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Huyện ủy, UBND huyện, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay việc dạy học ở vùng biên Ngọc Hồi khá ổn định, kể cả trực tuyến và trực tiếp, đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Ngành Giáo dục huyện Ngọc Hồi cũng sẵn sàng tổ chức các hình thức dạy học để ứng phó với các tình huống của dịch Covid-19.

PHÚC NGUYÊN

Chuyên mục khác