Đầu xuân, đến thăm Ngục Đăk Glei

22/02/2016 12:57

Ai đã từng đặt chân đến Đăk Glei đều không thể không một lần ghé thăm Ngục Đăk Glei. Sức hấp dẫn của địa chỉ đỏ này không chỉ là những ngày xưa đầy đau thương, nước mắt mà còn rất oanh liệt, hào hùng đã từng được nhiều người biết đến qua những câu thơ trong bài “Tiếng hát đi đày” của Tố Hữu. Trải qua thời gian, Ngục Đăk Glei - nơi được xem là địa ngục trần gian ngày ấy đã hồi sinh, trở thành biểu tượng cho lòng yêu nước, sức mạnh và sức sống mãnh liệt của mảnh đất và con người Kon Tum.

“Đồn xa héo hắt cờ bay”

“Đường lên đỉnh núi Đắc Lay/Heo heo gió lạnh, sương dày vắng chim/Gà đâu gáy động im lìm/Mơ mơ mấy xóm tranh chìm trong mây/Đồn xa héo hắt cờ bay/ Hiu hiu phất lại buồn vây vây lòng“ (Tiếng hát đi đày). Lần theo những câu thơ ấy của nhà thơ Tố Hữu, chúng tôi về thăm Ngục Đăk Glei (nhiều người còn gọi là Ngục Tố Hữu) sau bao nhiêu mơ ước. Dọc theo con đường đèo uốn lượn nằm vắt vẻo trên những sườn núi cao hơn 1.500m, Ngục Đăk Glei thấp thoáng hiện lên giữa núi rừng hùng vĩ, trùng điệp.     

Dẫn chúng tôi đến thăm Ngục Đăk Glei hôm ấy là anh Thu - chuyên viên Văn phòng UBND huyện Đăk Glei. Anh Thu cho biết, theo sử sách ghi chép lại, Ngục Đăk Glei được thực dân Pháp xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1932 đến 1942 và giam cầm trên 100 tù chính trị nhằm mục đích giam cầm, cách li những người cộng sản với phong trào cách mạng các tỉnh đồng bằng. Hầu hết trong số họ đều là những lãnh đạo trung, cao cấp của Đảng, những người con ưu tú của phong trào cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ. Nhiều người sau này đã trở thành những lãnh đạo cao cấp của Đảng như các đồng chí: Tố Hữu (sau này là nhà thơ cách mạng nổi tiếng, là Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng), Nguyễn Duy Trinh (sau này là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao), Chu Huy Mân (Sau là Đại tướng Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam), Lê Văn Hiến (sau này là Bộ trưởng Bộ Tài chính)… “Ngày càng có nhiều những đoàn khách từ xa tới hỏi thăm và bày tỏ mong muốn được đến thăm Ngục Đăk Glei. Bởi, nơi đây không chỉ là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia mà còn là nơi giam cầm nhà thơ cách mạng nổi tiếng, lại còn có vẻ đẹp quyến rũ, mạo hiểm, hùng vĩ của thiên nhiên, núi non đại ngàn“ - anh Thu cho hay.

Ngục Đăk Glei đã và đang được tôn tạo, phục dựng. Ảnh: QĐ

 

Trải qua thời gian, khu nhà bếp, nhà ở, khu của cai ngục và phòng biệt giam nhỏ (được xây dựng sau chuyến vượt ngục của Tố Hữu và Huỳnh Ngọc Huệ, cao khoảng 3,2m, rộng 2,5m, dài 4,2m, có một lỗ thông hơi vuông mỗi chiều chỉ 20cm) hầu như vẫn còn vẹn nguyên với những lớp đá màu xanh, xám lạnh. Riêng khu căng an trí với 3 khu nhà giam khác nhau đã được phục dựng lại, xung quanh được rào kín bằng dây kẽm gai, chỉ chừa một lối nhỏ ra vào nằm bên dưới sườn núi, đúng như trong hồi ký “Trở lại Kon Tum” của ông Lê Văn Hiến - cựu tù Ngục Đăk Glei mô tả: “Trại giam chúng tôi làm bằng gỗ, nứa, lợp tranh, chung quanh rào dây thép gai rất kỹ và cắm chông dày đặc”.

Nhóm tượng composite trưng bày ngoài trời tại Ngục Đăk Glei. Ảnh: HT

 

Trải qua thời gian, 3 khu nhà giam khác nhau và phòng biệt giam dù được mở cửa cho khách tham quan từ nhiều năm nay nhưng vẫn ẩn chứa nỗi thống khổ của một thời kỳ đau thương nhưng bất khuất, kiên cường trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nói về nỗi thống khổ ấy, nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Thân bạn vùi xương dưới gốc mây/Roi vụt nát tay bầy lính rợ/Máu đầm khoái mắt lũ đồn Tây/Mỗi hòn đá đó bao hòn huyết/Một khúc cầu đây, mấy khúc thây“.

Với Tố Hữu và hơn 100 tù nhân chính trị từng bị giam cầm nơi đây, con đường đi đày, con đường đến với Ngục Đăk Glei là những chặng đường "lên cao", lên cao mãi, là con đường máu "bao hòn huyết", là con đường đi đày với "bao khúc thây", vô cùng khổ ải và chết chóc.

Chính trong bối cảnh ấy, khát vọng tự do bùng lên dữ dội. Nung nấu trong lòng một quyết tâm, một hành động vô cùng táo bạo, tháng 3/1942, Tố Hữu và Huỳnh Ngọc Huệ với sự giúp đỡ của ông A Nhíc (nay đã mất – PV) đã có cuộc vượt ngục thành công. Trong “Trở lại Kon Tum”, Lê Văn Hiến đã viết: “Tết xong, một hôm, đồng chí Tố Hữu tìm gặp tôi cho biết anh và Huỳnh Ngọc Huệ định vượt ngục, mọi việc đều đã chuẩn bị xong, chỉ cần anh em ở lại giữ kín được ba ngày ba đêm, không để trên đồn phát giác… Vào lúc khoảng 6h sáng ngày 14/3/1942 hai đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ và Tố Hữu đến gặp tôi tại buồng riêng để từ biệt”. Lo sợ sẽ có thêm các cuộc vượt ngục, thực dân Pháp đã xiết chặt lại chế độ nhà giam và xây dựng thêm khu biệt giam. “Tình hình ở Đăk Glei sau sự kiện hai đồng chí Tố Hữu và Huỳnh Ngọc Huệ vượt ngục còn căng thẳng, chúng tôi chưa có điều kiện triển khai kế hoạch gì mới, thì đến tháng 6 năm 1942 thực dân Pháp ra lệnh đổi “căng” Đăk Glei về Đăk Tô” (“Trở lại Kon Tum”). Vậy là, đoàn tù chính trị lại rồng rắn làm cuộc hành trình từ Đăk Glei về Đăk Tô và chuẩn bị tinh thần cho một giai đoạn đấu tranh mới…

Sự sống đang hồi sinh và dâng tràn

Chúng tôi đi dọc theo con đường bạt núi nằm vắt vẻo trên những sườn đồi tựa như con trăn khổng lồ. Đứng ở bất kỳ điểm nào trên cung đường này đều có thể chiêm ngưỡng được vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, của núi rừng. Phía xa xa, dưới những chân núi, thung lũng, thấp thoáng những mái nhà người dân xã Đăk Choong. Nếu như ngày xưa, Ngục Đăk Glei nằm chơ vơ giữa đại ngàn, là nơi giam giữ khổ sai của các chiến sĩ cách mạng thì ngày nay, nơi này trở thành điểm du lịch thu hút rất nhiều du khách. Bởi vậy, đến với Ngục Đăk Glei không chỉ giúp ta thêm hiểu về truyền thống đấu tranh quật khởi mà còn thêm yêu, thêm quý trước cảnh sắc của mảnh đất cao nguyên đại ngàn này.

Năm 1991, Ngục Đăk Glei được Nhà nước ta công nhận là “Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia”. Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương đã đầu tư, tôn tạo dấu tích xưa. Con đường đi vào Ngục được đầu tư với tổng kinh phí 64 tỷ đồng được khánh thành, đưa vào sử dụng vào cuối năm 2014. Đến cuối năm 2015, huyện Đăk Glei kéo điện, thắp sáng cả con đường vào đến Ngục. Khung cảnh xưa cũng được tái hiện tại “hạng mục mỹ thuật nhóm tượng composite” gồm 36 tượng tại 2 khu: Khu A (trưng bày ngoài trời) và khu C (trưng bày cảnh tù nhân bị giam cầm trong Căng an trí được phục dựng) mô tả cảnh lao động cực nhọc làm đường 14 của các tù nhân thường và tù chính trị dưới sự canh gác, đàn áp của binh lính thực dân và thuộc địa; đồng thời thể hiện tính hiên ngang, tinh thần đoàn kết, ý chí đấu tranh kiên cường, dũng cảm của các tù nhân. Và quả thật, có đến thăm khu biệt giam, các phòng giam, tận mắt chứng kiến nhóm tượng mô phỏng mới thấy hết sự thật về tội ác và tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của những chiến sĩ cộng sản năm xưa.

Ngục Đăk Glei trở thành điểm du lịch thu hút nhiều du khách. Ảnh: QĐ

 

Trải qua thời gian, những người xưa – từ những tù nhân chính trị hay cho đến những người như ông A Nhíc có công giúp đỡ Tố Hữu vượt ngục đều đã khuất bóng, nhưng những thế hệ nối tiếp vẫn nhớ như in câu chuyện về “đêm trường nô lệ” của những tù chính trị bị giam cầm nơi đây, về quãng thời gian nhà thơ Tố Hữu đã từng được dân làng nuôi giấu chở che… Những câu chuyện này tiếp tục được sử sách ghi chép lại, được các thầy cô giáo kể cho học sinh, được các thế hệ như ông A Thanh Sắc (con trai của ông A Nhíc) – nay là Trưởng phòng Dân tộc huyện Đăk Glei kể lại cho dân làng... Vậy nên, hàng năm, thế hệ trẻ không chỉ riêng ở Đăk Glei mà còn trên toàn tỉnh đã có nhiều hoạt động: Hướng về cội nguồn, trồng cây xanh, dọn dẹp vệ sinh khuôn viên Ngục... như là một cách để hiểu hơn về lịch sử và bày tỏ lòng tri ân đối với những người có công với cách mạng. “Hàng năm, Đoàn xã chúng tôi đều phối hợp với Đoàn trường học trên địa bàn xã tổ chức cho thanh niên, học sinh đi thăm Ngục. Các em hào hứng và tự hào lắm. Mới đây, chúng tôi còn tổ chức cho đoàn viên thanh niên trồng 1317 cây xanh (chủ yếu là xà nu, xà cừ) theo dọc con đường vào Ngục và trong khuôn viên Ngục” – anh A Hương, Bí thư Đoàn xã Đăk Choong cho biết.

Đã hơn 70 năm trôi qua kể từ ngày xảy ra những điều mà chúng ta không thể nào tin nổi. Những hạt giống cách mạng của thời kỳ ấy đã có biết bao người ngã xuống cho mảnh đất Kon Tum, cho đất nước Việt Nam. Ngục Đăk Glei với biệt danh “bóng tối ảm đạm” ngày ấy trải qua thời gian đã đâm chồi nảy lộc cùng bao hứa hẹn của mùa xuân. Dọc theo con đường đến Ngục Đăk Glei, du khách sẽ cảm thấy vô cùng bình yên và hạnh phúc khi phóng tầm mắt nhìn ra xa. Dưới màn mây trắng, đèo Lò Xo hiện về thơ mộng, nơi con đường Hồ Chí Minh chạy quanh co như dải lụa uốn quanh dãy Ngọc Linh. Và kia là thung lũng Đắk Choong, nơi đó là những thôn, làng trù phú - khu vực ẩn nấp khi nhà thơ Tố Hữu vượt ngục, là nguồn cảm hứng để nhà văn Nguyễn Trung Thành viết nên tác phẩm “Rừng xà nu” - với những ngôi nhà sàn, nhà kiên cố tươi nguyên màu ngói mọc lên kề với trường học, trạm xá, những vườn cà phê, bời lời tươi tốt…

Ngục Đăk Glei không còn là chốn rừng thiêng nước độc, là biểu tượng của sự chết chóc nữa… Sự sống đang hồi sinh và dâng tràn ở Ngục Đăk Glei!

Liễu Hạnh – Hoài Tiến

Chuyên mục khác