Dấu ấn của Tiểu đoàn 304 trong thời khắc giải phóng tỉnh Kon Tum

15/03/2019 06:07

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước năm 1975 là chiến công vĩ đại của quân và dân ta. Tiểu đoàn 304, Bộ CHQS tỉnh là đơn vị chủ lực của tỉnh Kon Tum cũng đã góp một phần xứng đáng vào chiến công chung của tỉnh và của đất nước.

Đặc biệt, trận đánh cuối cùng giải phóng tỉnh nhà vào những ngày tháng 3 lịch sử năm 1975 luôn là thời khắc đáng nhớ của bao lớp cán bộ, chiến sĩ trưởng thành từ khói bom đạn lửa của cuộc chiến. Đó cũng là bài học, nét truyền thống tiêu biểu của Tiểu đoàn 304 anh hùng để giáo dục cho thế hệ cán bộ, chiến sĩ trẻ hôm nay.

Mùa xuân 1975, cả núi rừng Kon Tum chuyển mình, tấp nập hướng ra phía trước chờ đón chiến dịch. Giờ phút trút bão lửa vào kẻ thù đã đến. Với nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh tài tình của Đảng, cộng với chiến thuật đánh bất ngờ, thần tốc táo bạo của quân và dân ta, chỉ trong thời gian ngắn mở màn Chiến dịch Tây Nguyên ta đã giải phóng hoàn toàn thị xã Buôn Ma Thuột. Trước sự thất bại thảm hại nặng nề tại Buôn Ma Thuột với sự áp đảo của toàn chiến trường, quân địch ở Pleiku và Kon Tum đã rút chạy.

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 304 luôn là lực lượng nòng cốt trong công tác di dời, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh

 

Lúc này nhiệm vụ của Tiểu đoàn 304 là sẵn sàng chờ đón lõng địch ở khu vực Sao Mai phía đông thị xã Kon Tum, tấn công quận Đăk Tô (hậu cứ của quận Đăk Tô lưu vong rút về sau thất bại năm 1972) và có thời cơ đánh vào thị xã Kon Tum nếu địch ở Kon Tum rút chạy chiến lược thì tổ chức chặn đánh không cho địch chạy thoát.

Đêm 13/3/1975, Tiểu đoàn tiêu diệt gọn chốt Chư Hreng và tiếp tục đưa lực lượng áp sát thị xã Kon Tum phối hợp với Đại đội 14 đặc công, Đại đội 2 công an vũ trang của tỉnh cùng một số đơn vị khác tăng cường hoạt động tích cực ở cánh đông Kon Tum.

Ngày 16/3/1975, địch rút chạy khỏi Kon Tum. Trên đường chúng tháo chạy xuống Pleiku, Tiểu đoàn đã chặn đánh một đoàn xe tăng và xe GMC cùng xe M113, 12 chiếc bị tiêu diệt và phá hủy hoàn toàn. Tiểu đoàn 304 được lệnh tiếp tục triển khai truy quét tàn quân địch còn lại.

17h ngày 16/3/1975, các hướng đồng loạt tiến công làm chủ hoàn toàn thị xã Kon Tum. Cờ giải phóng tung bay khắp thị xã Kon Tum. Nhân dân khắp nơi đổ ra đường trong cờ hoa đón chào chiến sĩ quân giải phóng. Ngày 16/3 đã đi vào lịch sử của Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum.

Đại tá Lê Trọng Vạn - nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 304 nhớ lại: Lúc đó đi đánh địch mà cứ như đi trẩy hội, nhiều cán bộ, chiến sĩ bị thương, đau ốm nhưng vẫn xung phong đi, vì ai cũng biết đây là trận đánh lịch sử, cơ hội ngàn năm có một, nếu bỏ lỡ không bao giờ có giây phút thiêng liêng đó nữa...

Ông cũng kể lại rằng, khi được lệnh chặn đánh địch, các đơn vị trong Tiểu đoàn đã bí mật nhanh chóng hành quân tiếp cận địa bàn, đi nghiên cứu địa hình để bố trí lực lượng đánh địch. Trận đánh cuối cùng này do thế và lực của ta mạnh và bố trí trận đánh tốt nên ta ít thương vong, niềm vui chiến thắng lại càng nhân lên gấp bội.

Tiếp nối những thế hệ cha anh đi trước, ngày hôm nay cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 304 vẫn luôn phát huy bản chất tốt đẹp "Bộ đội Cụ Hồ" ra sức thi đua xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, đơn vị đạt vững mạnh toàn diện, không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu; là đơn vị nòng cốt của lực lượng vũ trang tỉnh trong phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cháy nổ, tham gia cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân nơi đơn vị đóng quân; góp phần cùng với toàn dân giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ tính mạng tài sản cho nhân dân trên địa bàn.

Với những chiến công và thành tích đã đạt được, Tiểu đoàn 304 vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác.  

Bài, ảnh: Trung Kiên

Chuyên mục khác