Đất trở mình

06/03/2019 13:07

Trên chặng đường xây dựng nông thôn mới, xã Sa Bình (huyện Sa Thầy) gặp không ít khó khăn để đạt các tiêu chí. Với cách nghĩ, cách làm mới, xã Sa Bình đã biết khai thác lợi thế từ tiềm năng sẵn có, tạo những đột phá đầy hứa hẹn trong tương lai…

Trăn trở…

Ngày cuối năm, đợt không khí lạnh tràn về buốt căm căm. Trên chiếc xe máy từ thành phố Kon Tum đến xã Sa Bình chỉ ngót nghét 20 cây số, vậy mà tôi có cảm giác như xa lắm bởi cái lạnh tê cóng người.

Tiếp tôi tại trụ sở làm việc, Chủ tịch UBND xã Sa Bình - Nguyễn Minh Thuận ân cần: Đi đường bằng xe máy chắc lạnh lắm anh nhỉ? Anh vào uống ly nước cho ấm bụng, xong mình đi tham quan các mô hình xây dựng nông thôn mới của xã luôn.

Qua câu chuyện với anh Thuận bên ấm trà buổi sớm, tôi được biết khi mới bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, xã Sa Bình gặp không ít khó khăn so với các địa phương khác.

Là một xã thuần nông, Sa Bình không có những lợi thế như các xã trong huyện. Lúc bấy giờ, cơ sở hạ tầng ở xã Sa Bình hầu như không có gì ngoài hệ thống điện, đường, trường, trạm còn tạm bợ, chưa được đầu tư đồng bộ…

Bên cạnh đó, thu nhập người dân còn rất thấp, chủ yếu trông chờ vào ít diện tích ruộng nước và cây mì, bắp…; chưa có một mô hình sản xuất nông nghiệp nào thật sự hiệu quả, nên đóng góp của người dân theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”  không đáng là bao.

Anh Thuận chia sẻ: Khó khăn chồng chất khó khăn. Nhưng từ khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, bằng sự hỗ trợ từ nhiều nguồn lực, xã đã tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng trường, trạm, hệ thống giao thông, thủy lợi…

Hệ thống kênh mương thủy lợi dẫn nước vào cánh đồng lúa

 

Dừng một lát, anh Thuận nói thêm: Xây dựng nông thôn mới ngoài đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cái cốt lõi là làm sao nâng cao đời sống của người dân. Một khi người dân đã có thu nhập cao, thì họ sẽ cùng chung tay góp sức với chính quyền vào các công việc của địa phương…

Đi lên từ nội lực

Chủ tịch UBND xã Sa Bình - Nguyễn Minh Thuận nói: Ở xã Sa Bình có hai mô hình đáng chú ý nhất đó là mô hình chăn nuôi bò và phát triển cây cà phê.

"Nhưng cái độc đáo ở xã Sa Bình chính là biết tận dụng những lợi thế phù hợp với từng vùng và điều kiện của người dân để phát triển mô hình. Ví như đối với mô hình chăn nuôi bò, xã chia ra làm hai cách: Đối với các thôn đồng bào dân tộc thiểu số thì xã vận động nuôi bò sinh sản theo hướng chăn thả, còn đối với các thôn người Kinh thì nuôi bò vỗ béo" - anh Thuận chia sẻ.

Để mua bò vỗ béo, thoạt đầu, những hộ gia đình người Kinh mua bò gầy về sau đó đầu tư vỗ béo dần. Sau 3 tháng vỗ béo, người dân đã có bò bán cho thương lái, lãi từ 5-6 triệu đồng mỗi con. Bình quân mỗi hộ nuôi 2 con bò, cứ 3 tháng xuất chuồng, một năm nuôi 4 lứa cũng lãi khoảng 40-50 triệu đồng.

Anh Thuận chia sẻ thêm: Mô hình nuôi bò được thực hiện từ năm 2013 với nguồn cỏ lúc đó cũng dồi dào. Nhưng sau này, hầu như người dân các thôn đều nuôi bò vỗ béo, nên nguồn thức ăn trở nên khan hiếm. Trong “cái khó ló cái khôn”, xã quyết định chuyển đổi 18ha ruộng thiếu nước 1 vụ, bạc màu sang trồng cỏ và như vậy, đã giải quyết được nguồn thức ăn cho chăn nuôi bò.

Anh Thuận đưa tôi đi tham quan các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp của xã. Đường qua các thôn xưa kia là những con đường ngập ngụa bùn đất, nay thay vào đó là những con đường bê tông phẳng lì. Những cái tên gọi Bình Trung, Bình Giang, Bình An… rất đỗi quen thuộc đầy sức sống với những ngôi nhà được xây dựng mới khang trang, những đàn bò béo núc được nhốt trong các ô chuồng hợp vệ sinh, đang phe phẩy đôi tai nhai lại bữa ăn hồi sáng sớm…

Nhờ nuôi bò, anh Quốc thu nhập 50 triệu đồng mỗi năm

 

Chúng tôi ghé vào nhà của anh Đinh Văn Quốc - một hộ nuôi bò vỗ béo ở thôn Bình An. Anh Quốc đang cắt cỏ cho bò ăn. Trong ô chuồng được xây dựng bài bản, nền lót bê tông là 4 con bò to béo.

Anh Quốc nói: Gia đình tôi nuôi bò từ năm 2013, mỗi năm trừ chi phí còn lãi 50 triệu. Nguồn phân bò bán mỗi năm cũng được khoảng từ 7-10 triệu đồng…

Dừng một lát, anh An chỉ tay vào ngôi nhà xây dựng khang trang của mình và tiết lộ: Nhà này cũng được làm từ tiền nuôi bò đó.

Qua tìm hiểu, ngoài nuôi bò, vợ chồng anh Quốc còn có hơn 500 gốc cà phê, lúa nước, mì… nên thu nhập hàng năm thuộc dạng khá giả ở xã.

Rời nhà anh Quốc, chúng tôi đến tham quan cánh đồng lúa xanh mơn mởn. Hai bên đường bê tông dẫn vào cánh đồng là hệ thống thủy lợi đang róc rách chảy, đưa dòng nước mát vào từng đám ruộng.

Đưa tay chỉ về phía xa, nơi những trụ điện cao ngất chạy dọc cánh đồng, Chủ tịch Nguyễn Minh Thuận phấn khởi: Anh thấy chưa, đó là hệ thống điện thuộc chương trình 135, đưa điện vào phục vụ cho việc tưới canh cây cà phê đó.

Theo hướng tay anh chỉ tiếp, tôi nhìn thấy xa xa những vạt cà phê xanh ngắt điệp điệp trùng trùng giữa những vạt đồi. Đâu đó hương hoa cà phê bay theo gió phảng phất cả một vùng…

Dừng lại vườn cà phê của anh Phạm Hồng Tâm - nông dân ở thôn Bình Giang để hỏi chuyện. Đang cắt cành cà phê, anh Tâm liền nghỉ tay tiếp chuyện. Anh Tâm cho chúng tôi biết: Do thu hoạch muộn nên giờ tôi mới cắt cành. Nhà tôi có 1ha cà phê, sau khi trừ chi phí thu nhập mỗi năm khoảng 150 triệu đồng…

Nhờ những định hướng đúng đắn của Đảng ủy và chính quyền xã Sa Bình, đến nay, đời sống của người dân ở đây đã thật sự được nâng lên. Những năm tháng vất vả, một nắng hai sương bám trụ với đất, giờ họ đã được đổi đời từ sản xuất nông nghiệp. Số hộ thoát nghèo hàng năm luôn được nâng lên. Toàn xã Sa Bình có 1.195 hộ dân và nếu như cuối năm 2017 cả xã còn 536 hộ nghèo, thì đến nay đã có thêm 64 hộ thoát nghèo…

Anh Thuận quả quyết: Hiện nay, toàn xã có 98ha ruộng lúa nước hai vụ, đã đảm bảo an ninh lương thực trong toàn xã. Với chủ trương xây dựng nông thôn mới từ nội lực của mỗi người dân, xã sẽ không phát triển thêm diện tích lúa nước, mà tập trung vào phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp khác, tạo nên sản phẩm hàng hóa để tăng thu nhập cho người dân…

Hiện tại, xã Sa Bình mới chỉ đạt 7 tiêu chí xây dựng nông thôn mới bởi nhiều trở ngại khác nhau. Nhưng tôi tin rằng với những đột phá cùng với sự đồng thuận, chung sức của người dân, xã Sa Bình sẽ sớm vượt xa trên chặng đích cuối cùng.

Rời cánh đồng lúa bát ngát, những vườn cà phê mướt xanh cùng những con đường bê tông sạch đẹp dẫn về các thôn làng, trong tiếng mõ lốc cốc của đàn bò trở về chuồng trong hoàng hôn tím nhạt, tôi chợt nghe hơi thở thì thầm từ trong lòng đất. Có lẽ, đất đang trở mình để đưa Sa Bình ngày một phát triển hơn.

Bài và ảnh: DƯƠNG ĐỨC NHUẬN

Chuyên mục khác