Đào mai khoe sắc xuân

01/02/2019 13:10

Cứ mỗi độ xuân sắp về, tôi thường ngắm các vườn đào, mai phục vụ thú chơi tao nhã của người dân trong những ngày Tết. Có đến những nơi này tìm hiểu tôi mới biết, người trồng cây cảnh phải vất vả “một nắng hai sương” và “thả hồn nghệ sĩ” chăm bón, tạo thế để những cây đào, mai khoe dáng, khoe sắc hoa tươi tắn, thể hiện ước vọng của người chơi cây cảnh...

Vườn đào trưng sắc thắm

Càng gần ngày Tết, thời tiết ở Kon Tum càng se lạnh. Dưới nắng hanh hao se sắt ấy, tôi ghé thăm vườn đào của chị Tô Thị Thắm ở đường Lạc Long Quân (tổ 16 - phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) khi sương mai còn chưa tan. Đây đó trong vườn đào vẫn còn lại những giọt sương long lanh trên chồi non lộc biếc. 

Từng đến nhà chị xem đào nở, tôi thấy vườn đào của chị Thắm năm nay đẹp hơn những năm trước. Hàng trăm cây đào trong vườn đều chi chít những nụ hoa tươi tắn khiến người đến vãn cảnh phải trầm trồ ngợi khen.

Chị Thắm bên vườn đào khoe sắc

 

Xuýt xoa trước cơn gió lạnh, chị Nguyễn Thị Hạnh ở phường Quang Trung (thành phố Kon Tum) trao đổi: Vườn đào của chị Thắm năm nay đẹp, nụ hoa nhiều và cành cây sung mãn quá. Giá cả lại phải chăng, em chọn được cây mình thích rồi.

Không quên cảm ơn người mua, ghi lại những thông tin và thời điểm giao hàng cho khách, chị Thắm lại quay sang tư vấn cho tôi chọn đào. Chị giới thiệu với tôi nào đây là đào cổ thụ, đào thắm, đào phai; nào là cây đào có thế long giáng, long thăng, búp sen, kình thiên, ngũ phúc, tam đa, tứ quý, song thụ, mẫu tử, lão mai, huynh đệ, thác đổ, hồi đầu...

“Trồng đào, chăm đào phải biết tạo thế, dáng cho từng cây đào. Nếu không biết tạo thế, dáng cho từng cây đào, không đam mê, am hiểu thú chơi đào, thì khó đáp ứng được lòng người chơi” - chị Thắm tâm sự.

Chị Thắm đến với trồng, chăm đào và sống với nghề này bao nhiêu năm nay cũng bắt nguồn từ thú đam mê đào và cây cảnh của người bố truyền lại. Bố chị quê ở một tỉnh ngoài miền Bắc, nơi có rất nhiều nghệ nhân cây cảnh nổi tiếng và chơi cây cảnh cũng là thú chơi của ông đồ nho bao đời trước truyền lại cho cháu con. Ban đầu là phụ giúp bố trồng, chăm sóc đào, cây cảnh và được bố truyền sự đam mê đào, cây cảnh khiến chị yêu thú chơi này lúc nào không rõ.

Khi lập gia đình và do cuộc sống đưa đẩy đến thành phố Kon Tum lập nghiệp, chị lại gắn bó với nghề trồng, chăm đào. Chị có hẳn một cuốn sách bàn về các thế cây cảnh.

“Muốn tạo thế cho cây, người trồng, chăm đào phải biết nương theo cây để tạo thế. Nếu là cây con phải uốn và tạo thế khi cây còn nhỏ, nếu để cây lớn rồi rất khó uốn. Trồng đào, chăm đào tuy không vất vả như trồng lúa, nhưng quanh năm suốt tháng vẫn cứ phải ở ngoài vườn” - chị Thắm chia sẻ.

Ngoài việc trồng, chăm (tưới nước, bón phân, tạo thế cho cây), người trồng đào như chị phải biết phòng trừ sâu bệnh cho cây. Cây đào cũng có lắm bệnh như: thán thư, rỉ sắt, vàng lá, xì mủ, ghẻ sẹo, nấm, rệp sáp... Bắt bệnh và tuỳ từng loại bệnh, người trồng đào phải biết dùng loại thuốc nào cho phù hợp để ngăn chặn dịch bệnh, bảo vệ đào.

Trong việc trồng, chăm đào, cái khó nhất là kỹ thuật hãm để cây đào nở hoa đúng dịp Tết. Có lẽ chính vì vậy, ở Tây Nguyên nói riêng và miền Nam nói chung ít người trồng, chăm đào phục vụ Tết. Phần lớn cây đào trong hội chợ hoa xuân hàng năm được tổ chức ở tỉnh ta là từ miền Bắc đưa vào, còn một phần nhỏ là do người ở thành phố Kon Tum tự trồng, chăm đào như chị.

Người mua đào về trưng trong những ngày Tết, nếu muốn Tết năm sau trưng lại cây đào mình ưa thích, thường phải đi gửi người có kỹ thuật chăm như chị Thắm. Nếu không chọn đúng người có kỹ thuật chăm, hãm cho đào nở hoa đúng dịp Tết, thì người chơi khó có lại cây đào mình thích nở hoa đúng ngày Tết. Người trồng, chăm đào không bao giờ tiết lộ kỹ thuật hãm đào, vì đây là bí quyết để họ mưu sinh.

Sẽ không khó hiểu, trong vườn đào chị Thắm, phần lớn các cây đào đẹp đều có đeo tên đơn vị hoặc tên người thuê, bởi đây là các cây đào người chơi gửi chăm từ trước. Số cây đào không có đeo tên đơn vị, tên người thuê chăm sóc, phần lớn là cây đào còn tơ chị mới bổ sung vào vườn đào.

Để giữ khách, chị Thắm còn cho thuê đào chơi tết. Giá đào chị Thắm cho thuê từ nhiều năm nay cũng tương đối ổn định. Ở vườn đào lâu năm, tuỳ theo giá trị từng cây đào căn cứ vào gốc, thế, dáng, hoa… mà giá cho thuê đào chênh lệch từ 1-15 triệu đồng/cây. Ở vườn đào tơ, giá trị cây đào thấp hơn, vì vậy, giá đào bán, cho thuê chỉ vài trăm nghìn đồng đến gần 1 triệu đồng/cây. Người chơi tuỳ theo túi tiền mà lựa chọn cây mình thích.

Người chơi cũng có thể mua hẳn cây đào đem về chơi Tết và tự tay chăm sóc trong vườn nhà. Tuy nhiên, giá mua hẳn cây đào thường cao hơn giá thuê. Và, tuỳ theo giá trị từng cây đào mà chị bán đào với giá khác nhau.

“Mới đây, chị bán 7 cây đào cho mấy khách sạn ở Măng Đen, huyện Kon Plông. Và, cũng ở Măng Đen, một chủ dinh thự đang đặt chị 60 gốc đào trồng quanh dinh thự. Ở Măng Đen cao, lạnh, khí hậu gần giống với ở miền Bắc nên đào trồng tự nhiên, không cần hãm vẫn có thể nở đúng Tết”- chị Thắm cởi mở.

Mai vàng nghênh xuân

Cách không xa nhà chị Thắm là vườn mai của anh Ngô Văn Hà sẵn sàng nghênh xuân cũng chi chít nụ hoa. Trong vườn mai của anh, có cây mai cổ thụ trị giá khoảng 45 triệu đồng và đã có người thuê trong dịp xuân này với giá 15 triệu đồng.

Là dân gốc tỉnh Bình Định, anh Hà đam mê mai từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, theo anh, việc trồng, chăm mai ở thành phố Kon Tum cũng không phải dễ. Có nhiều năm thời tiết nắng nóng, ít mưa, cây mai trồng nở hoa trước Tết từ mười ngày đến nửa tháng.

Qua nhiều năm chắt lọc kinh nghiệm trồng, chăm mai, cùng với thời tiết năm nay thuận lợi, anh mới đảm bảo mai trong vườn nở đúng Tết.

Cây mai trị giá 45 triệu đồng của anh Ngô Văn Hà

 

“Việc trồng và chăm mai với tôi là nghề tay trái và cũng là cái thú vui góp phần làm đẹp cho đời trong dịp xuân. Trong vườn nhà có 40% cây mai do dân chơi gửi chăm, còn lại 60% số cây do tôi tự trồng và cho người thuê chơi Tết. Giá mai cho thuê dao động từ 1-15 triệu đồng/cây tuỳ theo từng cây mai” - anh Hà bộc bạch.

Dạo trên đường Trần Phú, phường Trường Chinh (thành phố Kon Tum), chúng tôi thấy đào, mai khoe sắc cùng và các loại hoa, cây cảnh khác từ nhiều nơi đang đổ về chợ hoa xuân.

Thấy tôi đang mải mê ngắm mai, một chủ mai kiêm quầy tranh cơ sở Thủ pháp Nhân Thuần Việt là Phạm Văn Tân mời mọc: Mai ở “thủ phủ mai” Háo Đức, xã Nhơn An (thị xã Nhơn An, Bình Định) đó. Anh chọn chậu cây mai có thế bay hay thế lùa...!

Giá bao nhiêu? - tôi hỏi. “Giá từ 1,5-5 triệu đồng/chậu cây, tuỳ theo từng chậu cây mai to hay nhỏ. Bảo đảm mai nở bung trong ngày Tết” - Tân thật lòng.

Phải nói mai của Tân đẹp, các chi, cành mai nằm trong thế cân đối, nụ hoa chi chít và giá cả cũng phải chăng so với mai của các chủ khác. Tân còn nhiệt tình bày cho tôi cách chơi mai và cả cách chăm mai để cây mai không kiệt sức, bảo đảm năm sau mai lại cho hoa nhiều và nở đúng Tết.

Miên man với đào, mai khoe sắc, tôi thấy dường như mùa xuân đang tràn về.

                     Bài và ảnh: VĂN NHIÊN

Chuyên mục khác