Đằng sau những chiến công

08/09/2021 06:07

Đằng sau những chiến công của lực lượng Công an nhân dân khi phá các vụ án phức tạp, nguy hiểm không thể không nhắc đến công lao của những chú chó nghiệp vụ - “chiến sĩ không sao”. Và để một chú cảnh khuyển trở nên chuyên nghiệp là cả một quá trình huấn luyện gian nan của lực lượng quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ.

Để trở thành “chiến sĩ không sao”

Thấy anh Cao Bạch Ngọc Sang – Cán bộ Phòng Cảnh sát Cơ động đang tiến lại gần, chú chó tên King (do anh Sang huấn luyện) vội mừng rỡ, nhảy hai chân lên thành cửa rồi chăm chăm nhìn với ánh mắt trìu mến. Nhưng chỉ vài cử chỉ đơn giản, King nhìn theo bàn tay của anh Sang và ngồi im, sẵn sàng chờ lệnh.

Thấy tôi ngạc nhiên, anh Sang cười tự hào: Đây chỉ là một trong những bài huấn luyện để chó làm nhiệm vụ. Hành động tôi vừa làm là điểu khiển chó bằng điệu bộ cơ thể, giúp trong quá trình làm nhiệm vụ như phục kích, truy vết tội phạm yêu cầu phải giữ bí mật, không phát ra tiếng động để tội phạm chú ý.

King thuộc giống cho Malinois (Bỉ), đây là một trong những giống chó ưu việt nhất hiện nay. Giống chó này được huấn luyện để làm nhiệm vụ bảo vệ, truy bắt, truy vết nên có hệ thần kinh mạnh, hung dữ, ngoại hình to lớn để có khả năng trấn áp tội phạm tốt. Ngoài ra còn có chó giám biệt chất đặc định như ma túy, thuốc nổ… nguồn hơi hệ thần kinh cân bằng, tính tình hiền lành hơn. Tùy từng mục đích, các giống chó được lựa chọn một cách kỹ càng, phù hợp với từng chuyên khoa nghiệp vụ, ở ngành Công an Kon Tum, chủ yếu là các giống chó Berger (Đức), Rottweiler (Đức), Malinois (Bỉ), Cocker (Tây Ban Nha)…

Anh Cao Bạch Ngọc Sang và chú chó King luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ảnh: V.T

 

Dù là giống chó nào, các “chiến sĩ không sao” khi được tuyển chọn đều phải có đầy đủ các phẩm chất theo yêu cầu của Bộ Công an thì mới được đưa vào huấn luyện 6 tháng cùng huấn luyện viên riêng. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, những chú chó sẽ được kiểm tra và đánh giá năng lực. Qua kiểm tra, chú chó nào đạt yêu cầu sẽ được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp và trở thành những cảnh khuyển, được biên chế về ngành Công an các địa phương cùng huấn luyện viên của mình. Mỗi chú chó nghiệp vụ được lập một bộ hồ sơ quản lý bao gồm: Quyết định nhập động vật nghiệp vụ; Quyết định trang bị động vật nghiệp vụ; Giấy chứng nhận động vật nghiệp vụ; hệ phả; sổ theo dõi quá trình huấn luyện và kết quả sử dụng; sổ khám chữa bệnh…

Về huấn luyện viên, tiêu chuẩn cũng rất “ngặt”, phải có sức khỏe tốt, lý lịch rõ ràng, tư cách đạo đức tốt và nhất định phải yêu quý động vật. Sau khi được cử đi đào tạo 6 tháng tại Trường Huấn luyện động vật nghiệp vụ của Bộ Công an, đồng hành với chó nghiệp vụ, nếu cả hai cùng hoàn thành bài kiểm tra cuối khóa, thì cán bộ ấy sẽ được cấp chứng chỉ tốt nghiệp và trở thành huấn luyện viên dạy và sử dụng động vật nghiệp vụ. Và chính “chiến sĩ không sao” được đào tạo trong 6 tháng qua là bạn đồng hành cùng huấn luyện viên trong thời gian tiếp theo. 

Sinh hoạt và rèn luyện cùng những “chiến sĩ không sao”

Từ khi còn là chú “chó mộc” cho đến khi trở thành “chiến sĩ không sao”, King chỉ gắn bó duy nhất với anh Sang. Hai “thầy trò” cùng nhau, vượt qua bao nhiêu bài huấn luyện để vinh dự được cống hiến cho Tổ quốc.

Những ngày đầu làm quen với nhau, không chỉ riêng King, những chú chó ngoại quốc vốn mang trong mình bản tính hung dữ nên không dễ gì nghe theo lời của người lạ. Ấy vậy mà, sau vài hôm làm quen, thầy và trò đã phối hợp với nhau rất ăn ý.

Đối với chuyên khoa bảo vệ và truy vết, những chú cảnh khuyển được đào tạo 15 động tác cơ bản (đứng, nằm, ngồi, sủa, vượt chướng ngại vật, điều khiển từ xa…) bằng khẩu lệnh và điệu bộ cơ thể.

Để tôi được mở mang tầm mắt, anh Sang gọi “King”. Đang đứng hóng hớt, nhìn về phía đồng bọn, bỗng King giật mình khi nghe tiếng gọi, rồi sủa to khi anh Sang giơ 1 ngón tay, bò lại sát người khi anh Sang vỗ tay vào đùi, và đứng lên, ngồi xuống theo hướng điều khiển của bàn tay của anh.

Trong buổi huấn luyện các “chiến sĩ không sao” hôm đó, King thực hiện đầu tiên. Sau khi nghe khẩu lệnh từ huấn luyện viên, trong vòng chưa đầy 30 giây, King nhanh chóng chui qua hầm dài gần 10 mét, khéo léo đi trên cầu độc mộc rồi vượt qua cầu thang cao hơn 3 mét, dễ dàng băng qua bức tường chắn thấp, dùng sức bật thu mình qua vòng lửa và kết thúc bài tập bằng cú phóng mạnh mẽ qua bức tường cao 2 mét.

Tiếp theo bài tập vượt chướng ngại vật, tôi mãn nhãn với bài tập tấn công tội phạm. Đứng cách cán bộ đóng giả đối tượng gần 50 mét, sau khi được tháo rọ mõm, nghe khẩu lệnh từ vị huấn luyện viên, King lao lên vun vút. Trong tích tắc, với thân hình lực lưỡng King tóm gọn đối tượng, miệng ngoặm chặt lấy cánh tay, đến khi nghe khẩu lệnh mới chịu buông ra. Không chỉ King, các “chiến sĩ” còn lại đều hoàn thành bài tập một cách dễ dàng.

Quệt những giọt mồ hôi đầm đìa trên trán, cán bộ Sang cười hiền: Để những chú chó cứng đầu này chịu nghe lời, những người huấn luyện viên thường áp dụng phương pháp kết hợp và phương pháp bắt chước.

Nói rõ hơn về phương pháp kết hợp, anh Sang kể, phương pháp này đang được rất nhiều vị huấn luyện viên chọn lựa, kết hợp giữa việc tác động vật lý trực tiếp và dụ chó bằng thức ăn, đồ chơi. Mỗi lần huấn luyện, nếu chú chó làm đúng theo yêu cầu sẽ thưởng cho chó thức ăn, cứ lặp đi lặp lại cả nghìn lần là chú chó sẽ nhớ. Còn phương pháp bắt chước, các chú cho “lính mới” được huấn luyện sẽ được nhìn “chiến sĩ không sao” lâu năm biểu diễn các động tác, sau đó rồi học dần theo.

 “Riêng chó nghiệp vụ của ngành Công an tỉnh ta, các cán bộ huấn luyện đã sáng tạo thêm bài tập để nâng cao sức khỏe cho chó bằng cách kéo lốp xe ô tô. Phương pháp này rất hiệu quả, khiến toàn thân đều được vận động, đặc biệt là lực đẩy của bốn chân” – anh Sang cho biết thêm.

Những chú chó nghiệp vụ được đào tạo rất bài bản. Ảnh: V.T

 

Kể về những cống hiến thầm lặng của Đội chó nghiệp vụ, anh Sang vẫn còn nhớ như in vụ cướp taxi ở huyện Đăk Glei vào năm 2015. Đối tượng rất manh động, có sử dụng vũ khí lẩn trốn trong rừng. Chó nghiệp vụ đã phối hợp với cảnh sát cơ động, cùng nhiều lực lượng khác và truy bắt đối tượng thành công.

Hay vụ truy bắt đối tượng Trần Trung Hùng (hay gọi là Gióng) về hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, bảo kê, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng. Sau nhiều ngày Đội chó nghiệp vụ ăn ngủ với lực lượng Công an, đã truy bắt được đối tượng Gióng tại huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. Hoặc những lần, các chiến sĩ cảnh sát cơ động phải sử dụng chó nghiệp vụ để giải tán đám đông, trấn áp tội phạm…

Giọng anh Sang chợt ngậm ngùi: Thật ra, người đồng hành với tôi trong những chiến công ngày ấy là một “chiến sĩ không sao” khác, nhưng đã qua đời vì bệnh viêm đường ruột, bác sĩ thú y cũng không cứu được. King là chiến sĩ thứ hai mà tôi huấn luyện.

Khi nhận King, anh Sang đã rất trân trọng và quan tâm đến người bạn của mình hơn. Từ miếng ăn, đến giấc ngủ, các chú chó nghiệp vụ đều được chăm sóc đúng chế độ, theo dõi và kiểm tra y tế định kỳ.

Anh Sang cười hiền, nói: Nhớ có lần, King bị ốm, tôi phải thức xuyên đêm để truyền nước cho nó, bón cho nó ăn. Nó có chuyện gì là tôi lo lắm. Tôi từng chứng kiến nhiều huấn luyện viên yêu chó như tôi vậy, thậm chí có những chú chó bị ốm không chịu ăn đồ ăn xay nhuyễn mà phải ăn cơm từ chính chú nhân mình nhai rồi bón mới chịu ăn. Công việc này cũng vất vả, nhưng là đam mê, là niềm vui của bản thân nên thấy King khỏe là tôi có động lực phấn đấu.

Không riêng anh Sang, những cán bộ có nhiệm vụ huấn luyện chó đều có tình yêu với động vật và lòng yêu nghề. Họ luôn xem những “chiến sĩ không sao” là  bạn, hàng ngày vẫn cùng nhau gắn bó, tập luyện để luôn sẵn sàng phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc.

Văn Tùng

Chuyên mục khác