Đằng sau một tiếng rao đêm

28/11/2016 09:01

Đêm xuống khi mọi người chìm dần vào giấc ngủ, ông Nguyễn Văn Tâm (trú tại phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum) vẫn miệt mài len lỏi qua từng góc phố, ngõ hẹp rao bán bánh giò. Chiếc xe đạp cũ kĩ chở những chiếc bánh giò nóng hổi ấy đã từng ngày nâng bước đưa 4 người con của ông ăn học thành tài.

“Đại ca bánh giò”

Trong cái tĩnh mịch của đêm muộn phố thị, tiếng “Giò… giò” quen thuộc như làm ấm lòng trong cái giá lạnh của đầu đông. Phía xa xa, bên chiếc xe đạp cọc cạch, ông Tâm dò dẫm vừa rao vừa đẩy chiếc xe về phía trước. Giọng rao trong vang, văng vẳng qua từng góc phố, xé tan bầu trời đêm.

Ở cái phố nhỏ này, ông Tâm nổi tiếng lắm. Không nổi tiếng sao được khi cả phố chỉ có mỗi mình ông rao (bằng miệng) và dong xe đạp đi bán xuyên màn đêm. Nhắc đến ông, nhiều người thuộc làu và tả đến tỉ mẩn: ấy là người ông ốm ốm, mặc chiếc áo sơ mi đã sờn vải được bỏ gọn gàng vào trong một chiếc quần tây đã bạc màu. Cái mũ cao bồi bật ngược không che được những sợi tóc lấm tấm bạc của tuổi 55. Ông đẩy chiếc xe đạp đi từng góc phố trong đêm…

Ông Tâm miệt mài bán bánh trong từng góc phố. Ảnh: H.T

 

21 năm qua, chẳng kể mưa hay tạnh, rét hay oi, ông đều miệt mài bên chiếc xe đêm, có mặt trên khắp các nẻo đường rao bán. Vì quá đỗi quen thuộc nên nhắc đến ông, nhiều người liền nói: À, chị đang hỏi đến “đại ca bánh giò”, “trùm bánh giò”, “ông bánh giò” à…

Vào Kon Tum từ khoảng năm 1997, thoạt đầu ông làm thợ mộc, song sau này lại thất nghiệp. Khi ấy, cả gia đình ông chỉ trông chờ vào gánh bánh ướt của vợ.

“Hồi đó, tình cờ vợ tôi nghe người ta bàn về một ông người Bắc bán bánh giò rất ngon nhưng vì việc gì đó nên ông nghỉ và không bán nữa. Nghe vậy, vợ nhủ tôi làm bánh giò đi bán thử để kiếm thêm tiền. Thấy việc vợ nói chính đáng nên tôi đồng ý. Thế là tôi đi bán bánh giò” – ông Tâm kể cái duyên đưa ông vào nghề bán bánh.

Ngày đầu hai vợ chồng ông làm thử 30 cái bánh để ông đi bán, mỗi cái với giá 500 đồng. “Bỡ ngỡ lắm cô, đường sá thì chưa quen chi cả nên chỉ biết đạp ra chỗ cầu Đăk Bla bán thôi. Mới đầu tập rao cũng ngượng ngùng lắm, nhiều người không hiểu mình bán cái gì, cứ chạy lại hỏi. Giờ thì họ thuộc luôn rồi” – ông Tâm cười hiền.

Thấy bánh bán được nên vợ chồng ông tăng dần đều lên 50, 60, 70 cái. Thoạt đầu ông chỉ đi bán từ 3h chiều đến 7-8h tối là ông về. Sau này, ông đạp xe đi quanh phố để bán. Hôm nào cũng vậy, ông đi khắp các ngõ đường, đến 1-2h sáng vẫn bán. Có hôm bán đến 3-4h sáng mới trở về nhà. Và đến 7h sáng, mọi người đã thấy ông rong ruổi đi chợ.

Hầu như ông không có thời gian ngủ nghỉ. Ảnh: H.T

 

Đôi mắt ông lúc nào cũng đỏ khè, dù cố vui nhưng vẫn lừ đừ vì mệt, vì mất ngủ. Mỗi đêm sau khi đi bán trở về ông chỉ ngủ từ 3-4 tiếng và ban ngày cũng chẳng có thời gian chợp mắt. Ông cười hiền bảo rằng: Quen rồi cô ơi! Cứ làm vậy thôi, vì cuộc sống mưu sinh mà.

Nuôi 4 con học thành tài

Dù phải dong xe qua từng con dốc, phải lặn lội đêm khuya đến chùng gối, mỏi chân nhưng nhìn ông lúc nào cũng vô tư, chẳng bao giờ tỏ ra mệt mỏi.

Ông nói, có đi khuya ông mới biết, mới hiểu được nhịp sống ban đêm. Và ông tự nhủ mình vẫn còn nhiều may mắn vì trong đêm vẫn còn nhiều người thiếu ăn, thiếu ngủ.

“Nhiều lúc thấy thương, tôi lại đem những cái bánh nóng gửi đến họ như một niềm sẻ chia, thông cảm. Đó cũng là niềm vui của tôi đó cô” – ông bảo thế.

Ngoài những niềm vui thì ông phải đối mặt với vô vàn những hiểm nguy. Ông bảo, trong 21 năm đi bán ông bị xe tông đến mười mấy lần. Thấy nguy hiểm, vợ bảo ông nghỉ bán, kiếm việc gì khác làm nhưng ông không chịu. “Nghỉ bán một vài ngày là tôi cuồng chân lắm, cứ phải đi bán mới vui” – ông cười.

Rồi có riêng gì đụng xe, đi bán trong đêm khuya, ông cũng quen luôn với việc bị hù dọa lấy bánh. Ông kể, có hôm đang đi bán, thấy một tốp thanh niên lại mua 5-6 cái bánh. Khi lấy xong, cả nhóm chỉ cười trừ rồi bỏ đi mà không hề đưa tiền. Biết là mình lỗ nhưng ông chẳng dám nói nửa lời.

Những ngày tạnh khô đi bán còn đỡ, nhiều hôm mưa gió, hầu như cả phố chỉ có mình ông rong ruổi. Quần áo ướt sũng, lạnh tím tái, tiếng mưa át cả tiếng rao nhưng ông vẫn không màng. Và như một cái duyên, nhiều người vẫn nhận ra giọng rao quen thuộc ấy, lại mở cửa, mua ủng hộ. Nhờ thế, hôm nào ông cũng bán được cả trăm chiếc bánh; hôm nào ế lắm ông cũng bán được vài chục cái, đủ tiền chi tiêu qua ngày.

Lam lũ bên xe bánh giò nhưng ông bảo ông hạnh phúc lắm. Hạnh phúc vì chiếc xe đạp cũ kĩ chở những chiếc bánh giò nóng hổi đã nâng bước đưa 4 người con của ông đến trường. “Tôi khổ sao cũng được nhưng phải cố gắng để con đến trường, không thể để con thất học đâu cô”- ông chia sẻ.

Và những giọt mồ hôi của ông đã được đền đáp. Bây giờ, 2 người con đầu của ông đã tốt nghiệp đại học, ra trường đi làm ở Thành phố Hồ Chí Minh; 1 người con đang theo học cao đẳng và 1 cháu đang học ở Trường THPT Kon Tum.

“Nay các cháu lớn đã đi làm, biết gởi tiền về lo cho 2 em nhỏ đi học rồi cô. Thấy các cháu học giỏi, thương yêu nhau mà tôi mừng lắm” – ông Tâm phấn khởi.

Và vui biết bao khi vừa qua, nỗi cực nhọc, tằn tiện đã giúp cho gia đình ông thoát khỏi cảnh sống chen chúc trong căn phòng thuê ọp ẹp. Nhờ sự giúp đỡ của mọi người, cộng thêm khoản tiền tiết kiệm được, ông đã làm được nhà, mua được các vật dụng cần thiết trong gia đình. Chúng tôi hiểu được niềm vui của ông, niềm vui sau nỗi nhọc nhằn, sau những giọt mồ hôi mặn đắng trong đêm.

Sau bao nhiêu năm vất vả, giờ thì ông đã có điều kiện để sắm một cái máy rao hoặc mua một chiếc xe máy chở bánh nhưng ông không thích vậy. Ông bảo, rao bằng máy nghe miễn cưỡng, khó chịu lắm! Khi rao bằng giọng của mình, lời rao mới quyến rũ hơn, ru hồn người ta hơn. Ông thích sự yên lặng, thanh tịnh trong đêm khuya; thích những gì chất phát, mộc mạc. Và hơn nữa, trong đêm khuya, tiếng rao của ông như đánh thức nhưng cũng như ru ngủ mọi người.

1h sáng, khi đang chìm vào giấc ngủ, tiếng “Giò… giò…” văng vẳng như gõ giấc. Từ xa, bóng ông vẫn miệt mài trong đêm dài…

Bình An 

Chuyên mục khác