08/07/2024 13:07
Sông Đăk Snghé đoạn chạy qua trung tâm huyện Kon Rẫy dài gần 4 km. Con sông này có vai trò rất quan trọng khi là nơi cung cấp thủy sản, nước uống, nước tưới và chất phù sa màu mỡ để trồng cây công nghiệp. Dọc hai bên bờ sông có gần 350 hộ với trên 1.300 người dân của xã Đăk Ruồng và Tân Lập sinh sống. Họ đã gắn bó với mảnh đất này bao đời nay. Tuy nhiên, trải qua năm tháng, cùng với biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của thiên tai, mưa lũ hàng năm gây xói lở đất, khiến lòng sông ngày càng rộng thêm, lấn sâu vào sát rìa làng. Thực trạng đó khiến người dân 2 bên bờ lo lắng và bất an mỗi khi mùa mưa lũ về.
|
Chia sẻ điều này, ông A Loan- Trưởng thôn Kon Skôi (xã Đăk Ruồng) cho biết, thôn có 165 hộ, trong đó, có khoảng 50 hộ sống dọc sông. Những năm qua, tình trạng sông xâm lấn làng liên tục diễn ra. Nhiều diện tích đất bị sạt lở, nhà dân cũng bị nước lũ đánh sập. Đến mùa mưa bão, bà con sống dọc sông phải di dời lên cao. Nếu không có biện pháp làm kè bảo vệ, lâu dài, sông sẽ nuốt làng, chỗ ở bà con bao đời này sẽ bị mất. Vì thế, người dân mong muốn Nhà nước sớm đầu tư xây kè để bảo vệ làng và để người dân yên tâm sinh sống.
Hiểu được mong mỏi ấy và để cuộc sống của 350 hộ dân được an cư, UBND tỉnh đã công bố tình huống khẩn cấp tình trạng sạt lở sông Đăk Snghé; đồng thời, quyết định đầu tư xây dựng tuyến kè 2 bên bờ dài 1km, nhằm bảo vệ khu dân cư và khu trung tâm hành chính huyện Kon Rẫy dọc hai bên bờ sông với tổng kinh phí xây dựng 130 tỷ đồng từ nguồn vốn khắc phục bão lũ của Trung ương bố trí cho tỉnh.
Chủ trương đã có nhưng qua khảo sát, đo đạc, để xây dựng tuyến kè này sẽ ảnh hưởng đến hơn 4ha đất sản xuất và tài sản gắn liền trên đất của 21 hộ dân 2 xã Đăk Ruồng và Tân Lập. Trong khi đó, dự án không có kinh phí để đền bù hỗ trợ cho người dân. Đây là vấn đề đau đầu đối với chính quyền huyện Kon Rẫy.
|
Xác định công trình có ý nghĩa quan trọng với địa phương và mang tính cấp bách, lãnh đạo UBND huyện Kon Rẫy cùng chính quyền 2 xã trực tiếp họp dân để thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân hiểu nhằm tạo sự đồng thuận của người dân. Trong khoảng 10 ngày, ông Nguyễn Văn Thủy- Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện đã nhiều lần xuống họp và vận động người dân hiến đất. Sau khoảng 10 ngày kiên trì vận động, hiểu được ý nghĩa của công trình và sự quan tâm của Nhà nước đối với cuộc sống, 21 hộ đã đồng ý tự nguyện hiến hơn 41.000m2 đất và tài sản trên đất với giá trị trên 1 tỷ đồng để xây dựng kè.
Ông Nguyễn Văn Thủy chia sẻ: Đây là công trình trọng điểm mà công tác giải phóng mặt bằng triển khai nhanh nhất và được dân ủng hộ nhiều nhất. Điều này cho thấy người dân hiểu và đồng thuận với dự án đầu tư kè. Đáng nói, có những hộ đồng bào dân tộc thiểu số cuộc sống còn khó khăn, cũng sẵn sàng hiến đất. Đó là điều chúng tôi rất trân trọng.
“Huyện đã làm việc với chủ hồ đập thuỷ điện thượng nguồn, yêu cầu ký cam kết phối hợp thông tin trong việc xả lũ trong mùa mưa, tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa để hạn chế ảnh hưởng quá trình thi công kè. Huyện cũng mong muốn nhà thầu thi công huy động máy móc, nhân lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng để công trình sớm hoàn thành” - ông Thủy cho hay.
Cũng theo ông Thủy, Kè chống sạt lở bờ sông Đăk Snghé là mong mỏi của người dân 2 xã Tân Lập và Đăk Ruồng bao năm qua. Bởi, dòng sông Đăk Snghé chảy qua 2 xã, đe dọa nuốt làng, trụ sở cơ quan hành chính huyện. Người dân mong muốn được đầu tư để bảo vệ làng, giúp phát triển kinh tế ven sông. Tuy nhiên, dự án dù có chủ trương đầu tư từ 12 năm trước nhưng chưa thể triển khai vì chưa bố trí được vốn.
Những ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7 này, có mặt trên dòng sông Đăk Snghé, chúng tôi được chứng kiến nét mặt rạng ngời, vui tươi phấn khởi của người dân đang sống dọc bên bờ sông của 2 xã Đăk Ruồng và Tân Lập khi bờ kè 2 bên sông Đăk Snghé đang được đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Thành kè đang dần hình thành dọc hai bên bờ sông dài khoảng 1km, trở thành “tấm lá chắn” vững chắc bảo vệ đất, bảo vệ làng. Niềm vui như được nhân lên gấp bội, khi người dân nơi đây cảm nhận được cái tình, cái nghĩa mà 21 hộ dân có đất bị ảnh hưởng đã không tiếc của, sẵn sàng hiến hàng trăm mét đất của gia đình mình để dự án được triển khai với mong muốn đem lại sự bình yên cho dân làng và không còn nỗi lo canh cánh sạt lở trong mùa mưa bão.
|
Là 1 trong 21 hộ có diện tích đất và hoa màu bị ảnh hưởng, sau khi được vận động, giải thích, mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng gia đình chị Y Kan (trú tại xã Đăk Ruồng) đã không ngần ngại, tự nguyện hiến 450m2 đất và di dời tài sản, cây trồng trên đất để bàn giao đất phục vụ thi công kè.
Chị Y Kan cho biết, khi nghe có dự án làm kè chống sạt lở, người dân vừa mừng, vừa lo. Mừng vì không còn cảnh sông “nuốt làng”, còn lo vì làm kè sẽ vào đất của nhà mình. Nhưng, sau vài lần họp làng, được sự tuyên truyền, vận động của chính quyền ai cũng đồng tình hiến đất và tự nguyện phá bỏ tường rào, cây cối bàn giao mặt bằng để phục vụ xây dựng kè. “Thú thật, lúc đầu cũng tiếc đất và tiền của lắm, nhưng nghĩ lại vì sự bình yên của cả làng, vì tương lai con cháu sau này, gia đình tôi cũng đã đồng tình và tự nguyện hiến đất mà không đòi hỏi gì” - chị Y Kan chia sẻ.
Tương tự, gia đình chị Y Xe và A Nhuông cũng có hơn 600m2 đất và cây cối đang sản xuất bao năm nay cũng bị ảnh hưởng khi xây dựng kè. Cho dù cuộc sống của gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng vì bảo vệ làng, gia đình vợ chồng Y Xe đã tự nguyện hiến toàn bộ diện tích đất bị ảnh hưởng phục vụ xây dựng kè. “Bà con chúng tôi mong bờ kè sớm hoàn thành để dân làng không còn nỗi lo sạt lở mỗi khi mùa mưa đến và để người dân yên tâm sinh sống, lao động sản xuất, ổn định cuộc sống”- chị Y Xe tâm sự.
Ông Trần Ngọc Tuấn- Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh (chủ đầu tư dự án kè) cho biết, dự án mới bắt đầu xây dựng. Việc dân hiến đất đã đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu thi công. Hiện Ban đang đôn đốc nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ và để công trình hoàn thành đúng tiến độ, phát huy hiệu quả như kỳ vọng và mong mỏi bấy lâu nay của người dân dọc bên bờ sông.
Phúc Nguyên