Dân ta làm homestay

15/08/2016 07:50

Loại hình du lịch homestay ở Kon Kơ Tu đang thu hút du khách. Sức hút của làng Kon Kơ Tu đến từ không gian đẹp, môi trường trong lành, người dân thân thiện, cuộc sống gần gũi với thiên nhiên. Đến đây, du khách thường “chết mê chết mệt” với những chuyến chèo thuyền độc mộc chơi thác, những món ăn truyền thống...

Tự cho mình là “người Kon Tum”, vậy mà khi nghe nhóm bạn học mời đi ở homestay (du lịch nghỉ tại nhà dân) bên làng Kon Kơ Tu, tôi đã giật mình. Hóa ra, chuyện người Kon Tum ta làm homestay đã vang danh tứ phương rồi, nhiều người biết, chỉ mình không biết.

Về “làng homestay”

Và để vớt vát “mặt mũi” (hẳn rằng khi ấy cũng đỏ lên vì xấu hổ rồi), tôi xung phong đi “tiền trạm”, với lý do “mọi người cũng chỉ nghe người ta giới thiệu chứ đã biết cụ thể gì đâu”. Cùng với “hướng dẫn viên” A Tảo - Trưởng thôn Kon Kơ Tu, do Bí thư, Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Wa (thành phố Kon Tum) - Phan Thanh Nam giới thiệu, tôi bắt đầu chuyến trải nghiệm mới mẻ.

Homestay cùa bà Ngọc thu hút khách du lịch bởi không gian đẹp, gần gũi với thiên nhiên. Ảnh: L.H

 

Trên đường đi, A Tảo kể: Cả thôn Kon Kơ Tu hiện có 3 homestay, là nhà bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, nhà A Benh, nhà A Hung. “Nói thật, trong số 127 nóc nhà ở thôn này, đa số vẫn giữ phong cách nhà sàn truyền thống nên chỉ cần sửa sang lại chút ít là đều có thể đón khách được” - A Tảo tự hào khoe.

Vậy gọi là “làng homestay” được rồi - tôi đùa. A Tảo cười, có vẻ thích lắm. Rõ ràng là khi nghe cụm từ “homestay” từ chính miệng người đàn ông Ba Na nói ra, tôi cảm nhận rõ sự đổi thay lớn lao trong cách nghĩ, cách làm của người dân nơi đây.

Mải chuyện, A Tảo đưa tôi đến nhà A Hung khi nào không hay. May cho tôi, hôm nay không có khách nên cả 2 vợ chồng đều ở nhà. A Hung mở dịch vụ homestay được 4 năm nay. Điều thuận lợi là A Hung biết đan lát, Y Mưk biết dệt và nấu ăn rất ngon.

Nếu hôm qua đến là không gặp được mình vì có 4 du khách Pháp đến nghỉ và nhờ dẫn đi chơi thác H’Lay - A Hung cho biết. Ngày 7/8 cũng có 2 du khách Nhật Bản nữa - Y Mưk nhắc - họ đến nhờ mình dệt vải để quay phim; nhờ mình nướng gà, nấu lá mì với cà đắng để ăn.

Cũng như những homestay trong làng, toàn bộ sinh hoạt của gia đình A Hung chỉ ở tầng trệt, tầng trên dành đón khách. Đến đây, du khách sẽ ấn tượng bởi ngôi nhà sàn vững chãi, cao ráo, trước cửa còn đung đưa những chậu lan. Xung quanh ngôi nhà là vườn cây xanh tươi tạo không gian yên tĩnh, mát mẻ.

Cách nhà A Hung không xa, nằm cạnh đường chính của thôn là homestay của bà Nguyễn Thị Bích Ngọc. Trưởng thôn A Tảo tiết lộ, đây là homestay “lâu đời” nhất - 11 năm - và cũng đầu tư bài bản hơn cả, có mối liên kết với các công ty du lịch, lữ hành nên nhiều khách biết đến.

Bà Ngọc gây ấn tượng cho bất cứ ai ngay lần gặp đầu tiên bởi sự thân thiện, gần gũi, chân chất. Homestay của bà được xây dựng trên khu đồi rộng gần 1ha, với 1 nhà xây và 2 nhà sàn nhìn ra sông Đăk Bla. Nhà bếp được dựng bằng tre nứa, bếp lò đắp bằng đất, đầy đủ các vật dụng nấu nướng truyền thống để du khách có thể cùng chủ nhà tự tay ủ rượu cần, chế biến những món ăn như cơm lam, gà nướng, cá suối nướng...

Khu vườn rộng trồng đủ các loại cây trái: mít, sầu riêng, ổi, khế, chuối, những luống rau xanh tươi và cả mấy gốc kơnia cổ thụ cao vút. Đến đây, du khách có thể tham gia cuốc đất, trồng rau, chăm sóc vườn cây...; khi mệt, ngả lưng trên những chiếc võng mắc dưới tán cây đón làn gió núi mát rượi. Nếu ngủ đêm tại đây, du khách sẽ được hòa mình vào những điệu cồng chiêng, múa xoang do chính đội chiêng - xoang của làng biểu diễn; đêm khuya tiếng gió núi, tiếng vườn lao xao, tiếng dế, tiếng ve râm ran… càng để lại ấn tượng khó quên trong lòng du khách.

Muốn phá “vỏ” tự phát

Trưởng thôn A Tảo cho biết, những ngôi nhà homestay ở Kon Kơ Tu luôn được cất rộng lớn, sức chứa lên đến 50-70 người. Chủ nhà hiếu khách, còn biết sưu tầm các món truyền thống, như: gà nướng ớt, tôm sông bọc lá chuối nướng, heo làng nướng ống lồ ô, lá mì nấu cà đắng... Giá cả cũng bình dân, thường là 250.000-300.000 đồng/người/ngày đêm (tùy theo thực đơn ăn uống). Du khách cũng không cần thuê hướng dẫn viên bởi trẻ em trong làng, người nhà của chủ homestay sẵn lòng giúp khách thỏa sức khám phá, trải nghiệm mọi ngóc ngách của làng, của núi và của dòng sông Đăk Bla hoàn toàn miễn phí.

Du khách sẽ được tận mắt chứng kiến nghệ thuật dệt thổ cẩm ở Kon Kơ Tu. Ảnh: L.H

 

Ban ngày, khách có thể tìm hiểu về kiến trúc nhà rông, nhà sàn; tìm hiểu cuộc sống sản xuất, sinh hoạt của đồng bào; thích ăn những món ăn mang đậm phong vị của người địa phương với cá suối, măng le, lá mỳ, rau rừng… Buổi chiều, họ chèo thuyền dọc đoạn sông Đăk Bla chảy qua làng, và buổi tối quây quần đốt lửa, uống rượu cần, múa xoang...

Trong cuốn sổ ghi cảm tưởng, nói về những trải nghiệm ở homestay Ngọc Nguyễn, du khách Godotd Claudette (quốc tịch Pháp) chia sẻ: "Thật tuyệt vời khi ở đây. Tôi có thể nghe tiếng mưa, tiếng lá rơi xào xạc vào ban đêm, tiếng côn trùng và tiếng chim ríu rít, được trải nghiệm cuộc sống chân thực của người dân địa phương...”.

Còn bạn Nguyễn Tuấn Anh (Hà Nội) thì ghi lại cảm xúc trong chuyến đi ở tháng 7: “Đây là nơi tuyệt vời để trải nghiệm. Người dân nơi đây rất hiếu khách và họ có đội cồng chiêng đánh rất hay. Ngoài ra, tôi còn được thử dệt thổ cẩm, tập đan gùi, chèo thuyền độc mộc trên sông...".

Theo ông Nguyễn Đô Huynh - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch sinh thái Miền Cao (đường Hồ Tùng Mậu, thành phố Kon Tum), dù ban đầu mang tính tự phát, nhưng dần dần, loại hình du lịch homestay ở Kon Kơ Tu đang thu hút du khách. Sức hút của làng Kon Kơ Tu đến từ không gian đẹp, môi trường trong lành, người dân thân thiện, cuộc sống gần gũi với thiên nhiên. Đến đây, du khách thường “chết mê chết mệt” với những chuyến chèo thuyền độc mộc chơi thác, những món ăn truyền thống, hay đơn giản hơn là hình ảnh dân làng đi làm về, trên lưng người phụ nữ nào cũng có chiếc gùi xinh xắn, trong đó có nhúm rau rừng, ít ốc, con cá mới xúc được hay quả bí vừa hái trên rẫy để về lo bữa tối.

Còn với bà Ngọc, khi được hỏi vì sao lại lựa chọn Kon Kơ Tu để đầu tư làm du lịch theo loại hình homestay, bà đã trả lời rằng, vì làng Kon Kơ Tu vẫn giữ cho mình những nhịp điệu riêng của đồng bào DTTS. Phụ nữ trong làng vẫn dệt vải, đàn ông vẫn đan gùi. Chiều chiều, khi hoàng hôn buông xuống, bên dòng nước, người đi rẫy về tranh thủ tắm giặt, trẻ con thì nô đùa trên bãi cát ven bờ… Một cuộc sống bình yên mà thi vị giữa chốn núi rừng Tây Nguyên. Đây chính là những điều tạo nên sức hút đối với du khách.

Du khách đi thuyền độc mộc quanh làng Kon Ktu. Ảnh: Mai Trâm

 

Mặc dù vậy, homestay ở Kon Tum vẫn còn lùng nhùng trong lớp “vỏ” tự phát, chưa hình thành hệ thống, chưa có quy định về chuẩn mực chung, chủ yếu là chờ khách đến chứ chưa có sự liên kết, quảng bá để chủ động chào mời khách. Các điểm homestay ở làng Kon Kơ Tu gặp khó khăn nhất là giao thông không thuận tiện, chưa có hệ thống cáp quang; vốn đầu tư của các chủ nhà cũng hạn chế, trong khi thiếu sự hỗ trợ từ nhà nước và ngành chức năng, nên các dịch vụ không đồng đều.

Bà Ngọc bộc bạch: Điều chúng tôi mong muốn nhất là ngành Du lịch và chính quyền thành phố cần có chính sách quan tâm phát triển loại hình du lịch này để góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch địa phương. Muốn như vậy, đầu tiên cần tháo gỡ rào cản về giao thông, bởi hiện nay con đường vào thôn đã xuống cấp nghiêm trọng do xe vận chuyển cát hoạt động liên tục; có chính sách gìn giữ, bảo tồn những nét đẹp văn hóa, những phong tục, tập quán của bà con; hỗ trợ vốn đầu tư...

Mời tôi về nhà tham quan, A Tảo bật mí: Vừa qua, chính quyền xã cũng đã khảo sát và có kế hoạch hỗ trợ 6 gia đình khác mở dịch vụ homestay, như A Biuh, A Gưnh, A Đưnh... và nhà mình nữa. Mình cũng đã dự kiến sẽ sửa nhà, tầng dưới để giới thiệu các nghề truyền thống như dệt, đan lát, làm nỏ, ủ rượu; tầng trên để du khách ngủ. Khách đến nghỉ tại nhà không chỉ được xem vợ con mình dệt vải, ủ rượu, xem mình đan gùi, chế tác nỏ, mà còn có thể trực tiếp tham gia để trải nghiệm.

Tôi mừng cho A Tảo và mong anh sẽ thành công với homestay!

Lê Hải          

Chuyên mục khác